Bước tới nội dung

Ngày Lương thực Thế giới

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ngày Lương thực Thế giới
Ngày Lương thực Thế giới
Logo của UN FAO
Tên chính thứcWorld Food Day
Tên gọi khácWFD
Cử hành bởiQuốc gia thành viên
Liên Hợp Quốc
Ngày16 tháng Mười
Hoạt độngLiên Hợp Quốc
Cử hànhNâng cao nhận thức
về thực phẩm
Tần suấthàng năm

Ngày Lương thực thế giới, viết tắt là WFD (World Food Day) được cử hành vào ngày 16 tháng 10 hàng năm trên khắp thế giới, để kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc của Liên Hợp Quốc năm 1945. Ngày này cũng là Ngày Khoa học kỹ thuật thực phẩm. Ngày này được tổ chức rộng rãi bởi nhiều tổ chức khác quan tâm đến nạn đói và an ninh lương thực, bao gồm Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme - WFP) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế. WFP đã nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2020 vì những nỗ lực chống nạn đói, đóng góp vào hòa bình ở các khu vực xung đột và đóng vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn việc sử dụng nạn đói dưới dạng vũ khí cho chiến tranh và xung đột.

Trụ sở của Ủy ban quốc gia Ngày Lương thực thế giới của Hoa Kỳ tại Washington, D.C.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày Lương thực thế giới được các nước thành viên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc thiết lập tại Đại hội lần thứ 20 của Tổ chức này trong tháng 11 năm 1979. Phái đoàn Hungary - do tiến sĩ Pál Romány, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Hungary thời bấy giờ lãnh đạo – đã đề xuất ý tưởng cử hành Ngày Lương thực thế giới trên toàn cầu. Từ đó, ngày Lương thực thế giới được cử hành hàng năm ở hơn 150 quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề nghèođói, về sử dụng hợp lý lương thựcthực phẩm.

Các chủ đề

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1981, mỗi năm Ngày Lương thực thế giới đều chọn một chủ đề khác nhau để làm nổi bật các lĩnh vực cần hành động và đưa ra một trọng tâm chung.[1]

Năm Chủ đề
2024 "Tăng cường tiếp cận đa dạng thực phẩm, giàu dinh dưỡng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho tất cả mọi người"
2015 An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo"
2014 "Canh tác hộ gia đình: Nuôi sống thế giới, bảo vệ trái đất
2013 Các Hệ thống Thực phẩm Bền vững giúp Đảm bảo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng[2]
2012 Hợp tác nông nghiệp - chìa khóa nuôi sống thế giới
2011 Giá lương thực - từ khủng hoảng đến ổn định
2010 Đoàn kết chống nạn đói
2009 Mục tiêu an ninh lương thực trong thời khủng hoảng
2008 An ninh lương thực thế giới: các thách thức của Biến đổi khí hậu và Năng lượng sinh học
2007 Quyền sử dụng lương thực
2006 Đầu tư vào nông nghiệp để được an ninh lương thực
2005 Nông nghiệp và đối thoại liên văn hóa
2004 Đa dạng sinh học đối với an ninh lương thực
2003 Cùng làm việc cho một Liên minh quốc tế chống nạn đói
2002 Nước: nguồn an ninh lương thực
2001 Đấu tranh chống nạn đói để giảm nghèo
2000 Một thiên niên kỷ không có nạn đói
1999 Tuổi trẻ chống nạn đói
1998 Phụ nữ nuôi thế giới
1997 Đầu tư vào an ninh lương thực
1996 Đấu tranh chống nạn đói và suy dinh dưỡng
1995 Thực phẩm cho mọi người
1994 Nước cho sự sống
1993 Gặt hái sự đa dạng của Thiên nhiên
1992 Thực phẩm và dinh dưỡng
1991 Cây trồng cho đời sống
1990 Thực phẩm cho tương lai
1989 Thực phẩm và môi trường
1988 Tuổi trẻ nông thôn
1987 Các chủ nông trại nhỏ
1986 Ngư dân và các Cộng đồng ngư nghiệp
1985 Nạn nghèo nông thôn
1984 Phụ nữ trong Nông nghiệp
1983 An ninh lương thực
1982 Thực phẩm trước hết
1981 Thực phẩm trước hết

Hoạt động tổ chức

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày Lương thực thế giới được tổ chức hàng năm ở hơn 150 quốc gia. Dưới đây là một số ví dụ về việc cử hành Ngày Lương thực thế giới tại một số nước trong những năm gần đây.

Ngày Lương thực thế giới đã trở thành một ngày truyền thống ở Hoa Kỳ từ khi thiết lập năm 1981. Ở Hoa Kỳ nỗ lực dành cho ngày này được 450 tổ chức tình nguyện công và tư tài trợ.[3] Một ví dụ cho các sự kiện Ngày Lương thực thế giới là "Bữa tối Chủ nhật của Ngày Lương thực Thế giới" (World Food Day Sunday Dinners) do Oxfam America hợp tác với nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác tài trợ.[4] Tổng giám mục danh dự Desmond Tutu[5] và tác giả Francis Moore Lappe[6] đã hợp sức với Oxfam để xúc tiến việc tổ chức này. Hội nghị thượng đỉnh về nạn đói ở Iowa đã được tổ chức vào hoặc gần Ngày Lương thực Thế giới kể từ năm 2007 bởi World Food Prize kết hợp với hội nghị chuyên đề hàng năm của họ ở Des Moines, Iowa.

Tại Ý, các bộ, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội nghị chuyên đề cũng như triển lãm về lương thực. Bộ Nông Lâm Ý đã tổ chức một cuộc mít tinh tập trung vào vấn đề quyền của phụ nữ ở vùng nông thôn năm 2005.

Tại Đức, Bộ bảo vệ người tiêu dùng, Lương thực và Nông nghiệp liên bang đều tham gia Ngày Lương thực thế giới thông qua các cuộc họp báo.

Tại Tây Ban Nha, đài truyền hình Tây Ban Nha đã tích cực truyền các sự kiện về Ngày Lương thực thế giới. Đại sứ thiện chí của FAO - cầu thủ bóng đá Tây Ban Nha Raul – đã tham gia vào các sự kiện kỷ niệm và giúp làm nổi bật các vấn đề an ninh lương thực trên khắp nước.

Tại Vương quốc Anh, nhóm Lương thực vương quốc Anh cũng tham gia tích cực ngày kỷ niệm này thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tại các nước có nền kinh tế mới nổi ở Đông Âu – như Albania, Armenia, Croatia, Cộng hòa Séc, Gruzia, Macedonia, Moldova, Serbia và Montenegro, Slovakia – nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới cũng được tổ chức.

Tại Hungary, các chuyên gia lương thực nổi tiếng tham gia vào các buổi trình diễn tại Nhà bảo tàng Nông nghiệp Hungary. Đại diện của "Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc" trong khu vực cũng đã trao các Huy chương Ngày Lương thục thế giới cho các chuyên gia Hungary.

Nhân danh Tòa Thánh, các giáo hoàng Gioan Phaolô IIgiáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi thông điệp hàng năm cho các nhà sản xuất lương thực thực phẩm và những người tiêu dùng vào Ngày Lương thực thế giới.[7][8][9][10][11][12][13]

Angola đã cử hành Ngày Lương thực thế giới năm 2005 bằng việc tổ chức Diễn đàn về Phụ nữ nông thôn lần thứ 4. Còn tại Burundi đệ nhị Phó tổng thống đã tham gia lễ trồng khoai tây như một biểu tượng của việc sản xuất lương thực. Tại Cộng hòa Trung Phi, tổng thống nước này đã khánh thành một cây cầu ở Boda nhân Ngày Lương thực thế giới, tạo thuận lợi cho việc giao thông vận chuyển tới khu vực sản xuất lương thực này.

Tại Tchad, hàng ngàn người đã tham dự các cuộc thảo luận, hội nghị và các hoạt động ngày Lương thực thế giới, như xem kịch, phim, nhảy múa dân gian, thăm các nơi có dự án nông nghiệp và các công ty nông nghiệp.

Tại Ghana, Bộ Lương thực và Nông nghiệp tổ chức một hội nghị an ninh lương thực. Còn tại Namibia thì phát động một chiến dịch nâng cao ý thức về an ninh lương thực thông qua các phương tiện truyền thong quốc gia.

Ai Cập tổ chức một cuộc hội thảo về các vấn đề dinh dưỡng. MarocTunisia thì tổ chức các hội nghị chuyên đề và triển lãm về lương thực.

Chính phủ Bangladesh tổ chức lễ hội lương thực.

Tại Trung Quốc năm 2005, Bộ Nông nghiệp tổ chức kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới tại thành phố Khúc Tĩnh, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống.

Tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tổ chức các hội thảo chuyên đề và tham quan các địa điểm có dự án nông nghiệp.

Tại Indonesia, Bộ Nông nghiệp tổ chức Triển lãm Lương thực tại Bandung, Tây Java, còn các tổ chức phi chính phủ của nông dân và ngư dân thì tổ chức hội thảo ở Bali.

Tại Armenia, Bộ Nông nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, Trường Đại học Nông nghiệp quốc gia Armenia, các tổ chức quốc tế và các phương tiện truyền thông đại chúng tham gia lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới.

Tại Afghanistan, các đại diện các Bộ trong chính phủ, các đại sứ quán, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế cùng các nhân viên FAO đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới.

Tại Cộng hòa Síp, các buổi lễ đặc biệt được tổ chức ở các trường tiểu và trung học, nơi các giáo viên giải thích ý nghĩa của Ngày Lương thực thế giới.

Tại Pakistan, một Hiệp hội có tên MAPS (Mentor Amiable Professional Society) kỷ niệm ngày Lương thực Thế giới bằng việc trao những túi thực phẩm cho người nghèo và người chết non và tuyên truyền về tầm quan trọng của thực phẩm đối với người dân bằng cách tổ chức các hội thảo.

Tại Philippines, vào ngày Lương thực Thế giới năm 2015, nhà văn kiêm doanh nhân bất động sản Wilson Lee Flores đã bắt đầu kỷ niệm "Ngày Pandesal thế giới" tại Diễn đàn Pandesal không đảng phái của quán cà phê Kamuning Bakery của ông ở thành phố Quezon. Ông và những người nổi tiếng như Chủ tịch của GMA Network, Inc. - Felipe Gozon, Thượng nghị sĩ Sonny Angara và diễn viên Dingdong Dantes đã tặng 30.000 bánh mì "pugon" (bánh mì nướng trong lò gạch củi) và những món quà khác đến các gia đình nghèo ở thành thị. Năm 2016, ông tiếp tục dự án này với những người nổi tiếng như Phó Thị trưởng thành phố Quezon, Joy Belmonte và lãnh đạo doanh nghiệp James Dy của Hiệp hội từ thiện người Hoa ở Philippines, cùng với việc tổ chức khám sức khoẻ, mắt và nha khoa miễn phí cho các gia đình nghèo ở thành thị. Năm 2017, lễ kỷ niệm bao gồm 50.000 bánh mì, cá mòi, dăm bông, mì và nước trái cây từ nhiều công ty khác nhau, cộng với hai ngày dành cho các phòng khám miễn phí y tế, nha khoa và mắt vào ngày 8 tháng 10 và ngày 29 tháng 10. Các khách mời đặc biệt tại "Ngày Pandesal thế giới" lần thứ ba này là Chánh án Tòa án Tối cao Maria Lourdes Sereno, Phó Tổng thống Leni Robredo và Tổng cục Cảnh sát Quốc gia Philippines (PNP) Ronald Dela Rosa cùng với Giám đốc cấp cao Guillermo Eleazar của thành phố Quezon.

Tại Mông Cổ, đối với lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới tại đất nước này, đã thành truyền thống, hội nghị nghiên cứu "An ninh lương thực" được tổ chức hàng năm bởi Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ và Văn phòng đại diện UN FAO tại Mông Cổ với sự hợp tác của Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mông Cổ. Sự kiện này tạo cơ hội để thúc đẩy công việc nghiên cứu, nêu bật những đóng góp của các học giả và nhà nghiên cứu đối với an ninh lương thực của đất nước, tăng cường hợp tác và liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức công liên quan đến thực phẩm, nhằm chuyển giao các nghiên cứu công nghệ trong ngành, và phát triển những chính sách và quy định dựa trên nghiên cứu đã thực hiện.

Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với FAO tổ chức sự kiện này. Năm 2015, lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 35 được tổ chức tại Lào Cai, tỉnh trọng tâm của chương trình chung của Liên hợp quốc do FAO chủ trì về lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực nhằm chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em.[14]

Châu Mỹ Latinh

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Chile, các cuộc triển lãm sản phẩm lương thực bản địa được các cộng đồng địa phương tổ chức.

Tại Argentina, các quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế và giới báo chí tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới.

Tại Mexico năm 2005, một chiến dịch quốc gia cho một "Mexico không còn Nạn đói" đã được tổ chức với sự hỗ trợ của các sinh viên và các tổ chức xã hội.

Tại Cuba, các nhà sản xuất lương thực thực phẩm được trao đổi quan điểm và kinh nghiệm tại các hội chợ nông nghiệp. Các phương tiện truyền thông ủng hộ mạnh mẽ các chiến dịch nâng cao nhận thức về Ngày Lương thực Thế giới. [ cần dẫn nguồn ]

Tại Peru, trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi (Minagri) đã bắt đầu chiến dịch thúc đẩy tiêu thụ các loại thực phẩm bản địa, giàu protein như quinoa (hạt Diêm mạch, một loại ngũ cốc), kiwicha (Dền đuôi ngắn hay dền đuôi chồn cong, loài thực vật có hoa thuộc họ Dền, ăn được lá và hạt), các loại đậu cùng những loại thực phẩm khác.

Tại Venezuela các phương tiện truyền thông tích cực hỗ trợ chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề lương thực trong Ngày Lương thực thế giới.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ FAO - World Food Day. Truy cập 01/07/2015.
  2. ^ “Lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới 2013 tại Việt Nam”. United Nations in Vietnam. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2015.
  3. ^ “World Food Day USA Directory of Organizations”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  4. ^ World Food Day Sunday Dinner
  5. ^ Video from Archbishop Desmond Tutu on World Food Day
  6. ^ Video from Francis Moore Lappe on World Food Day
  7. ^ Message to the XIV World Food Day
  8. ^ Message to the XII World Food Day
  9. ^ “World Food Day observed in some 150 countries”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  10. ^ “World Food Day 2004 highlights the importance of biodiversity to global food security”. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 11 năm 2011. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  11. ^ “Feeding the hungry is moral obligation, pope says for World Food Day”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  12. ^ “Global food crisis caused by selfishness, speculation, says pope”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  13. ^ “Pope Benedict Sends Message to Mark World Food Day”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2011.
  14. ^ “Lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới 2015 tại Việt Nam”. FAO. ngày 16 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2015.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]