Bước tới nội dung

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên

Trang hạn chế sửa đổi (bán khóa)
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Tên bản ngữ
  • 조선민주주의인민공화국 (Chosŏn'gŭl)
    朝鮮民主主義人民共和國 (Hancha)
    Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk (MR)

Tiêu ngữ강성대국 (de facto)
(Kangseong Daeguk)
("Cường thịnh đại quốc")

Quốc ca애국가
("Aekukka")
"Ái quốc ca"

Vị trí của Bắc Triều Tiên trên thế giới (xanh)
  Tuyên bố chủ quyền và kiểm soát thực tế
  Tuyên bố chủ quyền nhưng không kiểm soát
Tổng quan
Thủ đô
và thành phố lớn nhất
Bình Nhưỡng
39°2′B 125°45′Đ / 39,033°B 125,75°Đ / 39.033; 125.750
Ngôn ngữ chính thứcTiếng Triều Tiên
Văn tự chính thứcChosŏn'gŭl[1]
Tên dân cưNgười Triều Tiên
Chính trị
Chính phủCộng hoà xã hội chủ nghĩa độc đảng đơn nhất dưới chế độ độc tài
Kim Jong-un
Kim Tok-hun
Choe Ryong Hae
• Nghị trưởng Hội đồng Nhân dân Tối cao
Pak In-chol
Lập phápHội đồng Nhân dân Tối cao
Lịch sử
Lịch sử CHDCND Triều Tiên
1910–1945
3 tháng 10 năm 1945
• Nhà nước hiện hành
9 tháng 9 năm 1948
Địa lý
Diện tích  
• Tổng cộng
120.540 km2 (hạng 98)
46.541 mi2
• Mặt nước (%)
4,87
Dân số 
• Ước lượng 2018
25.549.604 (hạng 52)
• Điều tra
24.052.231[2] (hạng 54)
212/km2 (hạng 65)
549,1/mi2
Kinh tế
GDP  (PPP)Ước lượng 2015
• Tổng số
~40 tỷ USD (CIA ước tính)[3] (hạng - không xếp hạng)
~1,800 USD (CIA ước tính)[6] (hạng - không xếp hạng)
GDP  (danh nghĩa)Ước lượng 2017
• Tổng số
~30 tỷ USD[4][5] (hạng - không xếp hạng)
• Bình quân đầu người
~1,300 USD[5] (hạng - không xếp hạng)
Đơn vị tiền tệWon Triều Tiên (₩n) (KPW)
Thông tin khác
Múi giờUTC+9 (2015-2018: +8:30) (Giờ chuẩn Bình Nhưỡng)
Cách ghi ngày tháng
  • nn, nnnn년 tt월 nn일
  • nn, nnnn/tt/nn (AD–1911 / AD)
Giao thông bênphải
Mã điện thoại+850
Mã ISO 3166KP
Tên miền Internet.kp

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (tiếng Hàn조선민주주의인민공화국 (Triều Tiên Dân chủ chủ nghĩa Nhân dân Cộng hòa quốc)Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk), gọi ngắn là Triều Tiên (조선, MR: Chosŏn)[a] hay Bắc Triều Tiên (북조선, MR: Puk-chosŏn)[b][c] là một quốc gia ở Đông Á, tạo thành nửa phía bắc của bán đảo Triều Tiên và giáp Trung Quốc với Nga ở phía bắc tại sông Áp LụcĐồ Môn cùng Hàn Quốc ở phía nam tại Khu phi quân sự Triều Tiên. Biên giới phía tây của đất nước được hình thành bởi Hoàng Hải, trong khi biên giới phía đông của được xác định bởi biển Nhật Bản.

Bán đảo Triều Tiên xuất hiện con người sinh sống từ thời kỳ đồ đá cũ. Nhà nước Cổ Triều Tiên được ghi nhận trong các ghi chép của Trung Quốc cổ đại vào đầu thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Sau sự thống nhất của Tam Quốc thành Tân LaBột Hải vào cuối thế kỷ thứ 7, bán đảo được cai trị bởi các triều đại Cao Ly, JoseonĐế quốc Đại Hàn. Năm 1910, Đế quốc Nhật Bản sáp nhập bán đảo. Sự chiếm đóng của Nhật kết thúc sau khi đầu hàng Đồng Minh trong Thế chiến II, bán đảo sau đó bị chia cắt thành hai khu vực; phía bắc do Liên Xô chiếm đóng và phía nam do Hoa Kỳ chiếm đóng. Sau khi các cuộc đàm phán về tái thống nhất thất bại, khu vực phía nam trở thành nhà nước Đại Hàn Dân Quốc vào tháng 8 năm 1948 trong khi khu vực phía bắc trở thành nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào tháng sau đó. Năm 1950, với sự hậu thuẫn của Liên Xô, Bắc Triều Tiên phát động chiến tranh xâm lược Hàn Quốc. Liên Hợp Quốc, lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, đã can thiệp để hỗ trợ Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc tham chiến hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên. Năm 1953, Hiệp định đình chiến Triều Tiên đưa ra lệnh ngừng bắn và thiết lập khu phi quân sự, nhưng chưa có hiệp ước hòa bình chính thức nào được ký kết.

Bắc Triều Tiên là một quốc gia độc tài toàn trị với sự sùng bái cá nhân toàn diện xung quanh gia tộc Kim Nhật Thành. Bắc Triều Tiên thực hiện Songun, chính sách "quân sự trên hết" ưu tiên Quân đội Nhân dân Triều Tiên trong các công việc nhà nước và phân bổ nguồn lực. Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Số lượng quân tại ngũ của nước này thuộc nhóm lớn nhất thế giới. Bắc Triều Tiên là thành viên của Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kếtG77.

Quốc hiệu

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có hai tên gọi ngắn để phân biệt là Bắc Triều Tiên (tiếng Triều Tiên북조선; Hancha北朝鮮; RomajaBuk-Joseon; McCune–ReischauerPuk-Chosŏn) hay Bắc Hàn (tiếng Hàn북한; Hanja北韓; RomajaBukhan; McCune–ReischauerPukhan). Sau khi bị chia cắt đất nước thành 2 miền, hai bên đã sử dụng các thuật ngữ khác nhau để chỉ Triều Tiên: Chosŏn hay Joseon (조선) tại Triều Tiên và Hanguk (한국) tại Hàn Quốc. Năm 1948, chính phủ Triều Tiên chính thức lấy tên Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (tiếng Hàn Quốc: 조선민주주의인민공화국, Chosŏn Minjujuŭi Inmin Konghwaguk; nghe) đó là các tên gọi của các nước quốc tế, nhưng nếu theo tên đầy đủ của tiếng Triều Tiên thì phải là nước Cộng hòa Chủ nghĩa dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tên gọi này tựa theo nghĩa của từ Hán-Việt là Triều Tiên Dân chủ chủ nghĩa Nhân dân Cộng hòa quốc (朝鮮民主主義人民共和國) vì trong tiếng Anh từ chủ nghĩa phải thêm đuôi ism hoặc ist nên rất khó nhận dạng vì vậy họ phải cắt từ ist đi.

Trên thế giới, vì chính phủ này kiểm soát phần phía bắc của bán đảo Triều Tiên, người ta thường gọi là "Bắc Triều Tiên" (North Korea) để phân biệt với "Nam Triều Tiên" (South Korea), nơi được gọi chính thức là Đại Hàn Dân Quốc. Phía Hàn Quốc thì gọi phía Bắc Triều Tiên là Bắc Hàn. Cả hai chính phủ này đều là thành viên của Liên Hợp Quốc, và đều coi mình là chính phủ hợp pháp duy nhất trên toàn bộ Bán đảo Triều Tiên. Do cả hai chính phủ này muốn phân biệt với nhau nên họ thường gọi dân tộc họ là một thứ tên khác nhau để phân biệt mặc dù dân tộc này thường được gộp chung là người Triều Tiên. Tại Hàn Quốc người ta gọi là Hanguk-in 한국인, 韓國人, còn tại Bắc Triều Tiên người ta gọi là Chosŏn-in hay Joseon-in 조선인, 朝鮮人. Kể cả trong ngôn ngữ, Hàn Quốc gọi là Hanguk-eo 한국어, 韓國語 còn Triều Tiên thì là Chosŏnmal 조선말, 朝鮮말. Họ sử dụng hai thuật ngữ khác nhau để phân biệt nhau. Tuy vậy, các bản đồ chính thức ở cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều không vẽ giới tuyến phi quân sự mà gộp chung lãnh thổ hai bên vào làm một, nhằm thể hiện rằng Triều Tiên và Hàn Quốc về bản chất vẫn là một dân tộc và lãnh thổ đó là của chung.

Lịch sử

Thành lập

Thời kỳ Nhật Bản thống trị Triều Tiên (1905–1945) chấm dứt cùng với Chiến tranh thế giới thứ hai, Bắc Triều Tiên được Liên bang Xô Viết ủng hộ thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa miền Bắc từ vĩ tuyến 38Hoa Kỳ giúp đỡ thành lập chính quyền tư bản ở miền Nam vĩ tuyến 38, nhưng Hoa Kỳ và Xô Viết không thể đồng thuận về việc áp dụng Đồng ủy trị ở Triều Tiên và chính quyền miền bắc từ chối không tiến hành cuộc tổng tuyển cử thống nhất trong cả nước (do đó tổng tuyển cử chỉ có thể được tổ chức ở miền nam). Điều này dẫn tới việc thành lập các chính phủ riêng biệt ở miền bắc và miền nam, mỗi bên đều tuyên bố mình là chính phủ hợp pháp của toàn bộ lãnh thổ bán đảo Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên

Căng thẳng tăng lên giữa hai chính phủ ở miền Bắc và miền Nam cuối cùng dẫn tới Chiến tranh Triều Tiên, khi ngày 25 tháng 6 năm 1950 Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc cho các nhóm vũ trang vượt vĩ tuyến 38 phá hoại các đường vận tải và Triều Tiên đã phát động cuộc chiến. Cuộc chiến kéo dài tới 27 tháng 7 năm 1953, khi lực lượng Liên Hợp QuốcQuân đội Nhân dân Triều Tiên cùng Chí nguyện quân Trung Quốc ký kết Thỏa thuận đình chiến Chiến tranh Triều Tiên. Khu phi quân sự Triều Tiên phân chia hai nước tại 2 miền.

Sau chiến tranh

Triều Tiên do Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) lãnh đạo trong vai trò Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều TiênChủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên từ năm 1948 tới khi ông chết ngày 8 tháng 7 năm 1994. Trên thực tế, Kim được thừa nhận như là người giữ vị trí cao nhất của quốc gia. Kế nhiệm ông là con trai ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), và sau đó là cháu nội Kim Chính Ân (Kim Jong-un). Các quan hệ quốc tế của nước này về sau nói chung đã được cải thiện đáng kể và đã có một cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Nam-Bắc vào tháng 6 năm 2000. Tuy nhiên, căng thẳng với Hoa Kỳ gần đây đã tăng lên khi Triều Tiên tiếp tục Chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Bên cạnh đó, Triều Tiên cáo buộc Hoa KỳĐại Hàn Dân quốc không thực tâm trong việc tái thống nhất hai miền Triều Tiên. Triều Tiên đã đưa ra đề xuất thành lập Liên Bang Koryo (Cao Ly) nhưng phía Đại Hàn Dân Quốc luôn bác bỏ đề xuất này. Theo đề xuất của Triều Tiên, 2 miền sẽ thống nhất về chính trị khi thành lập Hội đồng Liên bang trước khi thống nhất về kinh tế, nhưng phía Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc bác bỏ vì họ cho rằng là Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc mới là chính phủ hợp pháp của toàn bộ đất nước. Trong Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Triều Tiên luôn đưa ra đề nghị sẽ ngừng những chương trình tên lửa - hạt nhân khi và chỉ khi Hoa Kỳ, Hàn Quốc và các đồng minh chấm dứt việc "đe dọa an ninh" của nước này, đặc biệt rằng không được tập trận ở trên bán đảo Triều Tiên.

Phương tiện sản xuất tại Triều Tiên thuộc sở hữu của nhà nước thông qua các doanh nghiệp nhà nước và các hợp tác xã, và hầu hết các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở và sản xuất lương thực được nhà nước tài trợ hoặc trợ cấp.

Thống kê cho thấy, trong 10 năm sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Triều Tiên lên tới 25%/năm. Cuối thập niên 1960, toàn bộ nông thôn Triều Tiên có đường điện. Đầu thập niên 1980, 70% diện tích đất canh tác của quốc gia này được tưới tiêu, 95% hoạt động gieo cấy và 70% hoạt động thu hoạch được cơ khí hóa. Năm 1984, lần đầu tiên tổng sản lượng lương thực của Triều Tiên đạt 10 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu một phần. Nền công nghiệp của Triều Tiên thời điểm đó cũng phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Thủ đô Bình Nhưỡng năm 1989

Đến năm 1979, Triều Tiên được coi là một quốc gia đã cơ bản hoàn thành xong sự nghiệp công nghiệp hóa. Sự phát triển về kinh tế khiến GDP bình quân đầu người, tuổi thọ, tỷ lệ người biết chữ của Triều Tiên tăng lên nhanh chóng. Chế độ phúc lợi xã hội của Triều Tiên thời kỳ đó cũng khá cao, năm 1979 đã thực hiện toàn diện chế độ giáo dục và y tế công cộng miễn phí, nhà nước cung cấp đồ dùng cần thiết gồm áo khoác, áo may ô và giày cho các đối tượng từ trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến sinh viên đại học. Và việc phân bố nguồn của cải xã hội ở Triều Tiên cũng khá đồng đều. Khách sạn Ryugyŏng, một tòa nhà cao 330 mét ở Bình Nhưỡng được dự định là khách sạn cao nhất thế giới khi bắt đầu khởi công năm 1987 cũng là trong thời kỳ hoàng kim này. Tuy vậy việc thi công tòa nhà này bị trì hoãn rất nhiều lần, đến năm 2019, tòa nhà này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Hệ thống tàu điện ngầm Bình Nhưỡng cũng được khánh thành (vào thời điểm đó, không nhiều thành phố trên thế giới có hệ thống này).

Nhìn chung, trong thời kỳ này, nhờ sự trợ giúp của khối Xã hội chủ nghĩa và sự tự lực trong nước, kinh tế Triều Tiên phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 431 lần, sản xuất lương thực tăng 5,6 lần so với năm 1946. Thu nhập bình quân của người dân tăng 65 lần, năm 1986 đã đạt 2.400 USD (tương đương 5.500 USD theo thời giá năm 2017).

Sau chiến tranh Lạnh

Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1990 thì Triều Tiên bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình quốc tế biến động mạnh, đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô và khối Đông Âu khiến ngành ngoại thương của Triều Tiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do bị mất những bạn hàng lớn thuộc khối xã hội chủ nghĩa, kim ngạch xuất khẩu bị sụt giảm 90%, thu nhập bình quân bị giảm 2/3. Các máy móc nông nghiệp của Triều Tiên chủ yếu nhập từ Liên Xô, nay không còn nguồn cung. Phân lân và phân kali cũng không còn nguồn nhập khẩu, dẫn tới sản xuất nông nghiệp tụt dốc. Trong những năm 1990, Triều Tiên phải chịu một nạn đói và tiếp tục gặp khó khăn trong việc sản xuất lương thực. Trước tình hình chính trị thế giới thay đổi đột biến, Triều Tiên vẫn giữ mô hình kinh tế – chính trị cũ và không thay đổi chính sách ngoại giao và trở nên tách biệt so với phần còn lại của thế giới. Hơn nữa, họ cũng không có ý định cải thiện mối quan hệ với phương Tây chừng nào vấn đề hiệp định hòa bình với Mỹ chưa được giải quyết (Triều Tiên và liên minh Mỹ - Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng chiến tranh). Có thể nói Triều Tiên đang bị mắc kẹt trong tư duy kinh tế – chính trị và những mâu thuẫn chính trị quốc tế có từ thời Chiến tranh Lạnh. Sự chậm thay đổi trong tư duy kinh tế – chính trị của Triều Tiên có thể vì Triều Tiên từng đạt nhiều thành tựu trong quá khứ với mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung (trong khi Việt Nam hoàn toàn thất bại với mô hình này nên phải nhanh chóng thay đổi), hơn nữa họ đang trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc và Mỹ. Do sự phong tỏa và cấm vận về kinh tế của Liên hiệp quốc, Triều Tiên bị cô lập khỏi cộng đồng quốc tế, không gian hợp tác chính trị quốc tế của Triều Tiên bị thu hẹp khiến cho kinh tế Triều Tiên bị đình trệ. Triều Tiên từ một quốc gia có thu nhập trung bình cao tụt xuống mức thu nhập trung bình thấp.

Thế kỷ 21-hiện nay

Trong thập niên 2000, nền kinh tế Triều Tiên bắt đầu khởi sắc hơn. Nạn đói được đẩy lùi, các cơ sở công nghiệp mới được xây dựng. Nhiều công trình xây dựng hiện đại được xây dựng, như khu phố Bình Minh ở Bình Nhưỡng mới đưa vào sử dụng năm 2016. Các khu vui chơi, trường học, trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, chợ búa mọc lên ngày càng nhiều.[7] Tuy vậy, vấn nạn thiếu lương thực - thực phẩm vẫn tiếp tục tiếp diễn[8], do điều kiện tự nhiên bất lợi nên việc sản xuất lương thực của nước này gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2017 thì 41% dân số Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực. Gần 18 triệu người dân Bắc Triều Tiên, chiếm 70% dân số phục thuộc vào việc phân phối khẩu phần ăn hàng ngày, bao gồm ngũ cốc và khoai tây.[9]

Dù quy mô nền kinh tế khá nhỏ và dân số khá ít, Triều Tiên vẫn duy trì được một nền khoa học ở trình độ cao và là quốc gia có trình độ giáo dục cao với tỷ lệ dân số biết chữ đạt trung bình 99%.[10] Triều Tiên cũng có rất nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, không chỉ về công nghệ quân sự mà còn về công nghệ dân sự. Triều Tiên có thể tự chế tạo nhiều mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao, từ các mặt hàng dân dụng như điện thoại di động, máy tính bảng, ô tô, pin năng lượng mặt trời,... cho tới các sản phẩm quân sự như máy bay không người lái, xe tăng, tàu ngầm,...

Một khu cao ốc ở Bình Nhưỡng

Năm 2014, Triều Tiên bắt đầu tiến hành phổ cập pin năng lượng mặt trời cho hàng trăm ngàn hộ dân và xây dựng cả một khu đô thị sử dụng năng lượng tái tạo ở thủ đô. Năm 2015, Triều Tiên bắt đầu tự sản xuất máy bay hạng nhẹ dựa theo thiết kế của chiếc An-2 của hãng Antonov (Nga) và loại phi cơ Mỹ Cessna 172 Skyhawk.[11]

Năm 2017, Triều Tiên tuyên bố chế tạo được bom nguyên tử và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Họ cũng tuyên bố là đã chế tạo được bom H. Đặc biệt, tháng 12/2012, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa mang vệ tinh do nước này tự chế tạo lên vũ trụ, trở thành một trong số ít các quốc gia làm chủ được công nghệ vũ trụ.[12]

Giai đoạn 2018-2019, Triều Tiên liên tiếp có những cuộc gặp thượng đỉnh với cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nhờ đó mà căng thẳng giữa Triều Tiên và 2 nước này đã giảm đáng kể từ đó và một mối quan hệ nồng ấm hơn đang dần phát triển.

Năm 2020, do đại dịch COVID-19, Triều Tiên quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc khiến cho thương mại với Trung Quốc giảm đến 80%. Triều Tiên đã hạn chế nhập khẩu các loại thực phẩm chủ yếu từ Trung Quốc vào tháng 8/2020 và đến tháng 10/2020 chấm dứt gần như tất cả các hoạt động thương mại, bao gồm cả việc mua bán thực phẩm và thuốc men. Triều Tiên cũng từ chối các đề nghị viện trợ từ bên ngoài và hầu như tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ, bao gồm cả nhân viên của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đã đồng loạt rời khỏi nước này. Hai cơn bão lớn vào mùa hè năm 2020 gây ra lũ lụt làm hư hại mùa màng, làm trầm trọng thêm việc thiếu lương thực. Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un khuyên người dân chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn sắp tới.[13][14]

Mô tả của truyền thông phương Tây

Theo tờ Telegraph (Anh) thì đời sống tại Triều Tiên và đặc biệt là các thông tin về nhà lãnh đạo Triều Tiên là chủ đề của nhiều tin đồn được lan truyền trên báo chí thế giới, chủ yếu là tin tiêu cực (nhất là khi tờ báo đăng tin là của Hàn Quốc). Báo chí trên thế giới đua nhau dựng chuyện "Kim Jong-un bị ám sát", hay việc HLV đội tuyển bóng đá Triều Tiên "đào tẩu tại World Cup 2010",... Những câu chuyện này sau đó được chứng minh là hoang đường, nhưng trước đó chúng đã được báo chí nước ngoài đăng tải, sau đó được lan tỏa nhanh chóng khắp thế giới (tờ báo này dịch lại, trích dẫn từ tờ báo kia mà chẳng hề biết kiểm chứng thông tin). Vì mục đích tuyên truyền chính trị hoặc câu khách, dường như báo chí nước ngoài đã quên mất những chuẩn mực tối thiểu của nghề làm báo khi đưa tin về Triều Tiên, tất cả chỉ biết vẽ ra những ấn tượng u ám cho người đọc về đất nước Triều Tiên.[15]

Năm 1986, tờ báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin "Kim Nhật Thành bị bắn chết". Quân đội Hàn Quốc khi đó cũng khẳng định thông tin, cho biết Triều Tiên đã phát tin này trên loa phóng thanh ở biên giới. Tuy nhiên, lãnh đạo Kim Nhật Thành đã xuất hiện ngay sau đó vài giờ khi đón phái đoàn Mông Cổ tại sân bay Bình Nhưỡng.[16]

Ngày 29 tháng 8 năm 2013, tờ báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn "nguồn giấu tên từ Trung Quốc" rằng vào ngày 20 tháng 8 năm 2013, một đội hành quyết Triều Tiên xử tử "người tình cũ của Kim Jong-un" là ca sĩ Hyon Song-wol cùng 11 nghệ sĩ khác với lý do phạm luật cấm hành động khiêu dâm.[17] Hoặc Nhật báo The Strait Times ở Singapore lấy tin tức từ Văn Hối Báo, tờ báo Hồng Kông số ra ngày 12 tháng 12 năm 2013, đưa tin rằng Jang Sung-taek bị Kim Jong Un hành quyết bằng cách cho chó xé thịt.[18]

Theo Fox News (Mỹ) thì trong khi các câu chuyện kiểu như trên được loan truyền rộng rãi, không có phương tiện truyền thông lớn nào, bao gồm cả báo chí từ Hàn Quốc và Trung Quốc, hoặc các nguồn tin độc lập xác nhận những thông tin này.[19] Sau đó, ngày 16 tháng 5 năm 2014, tờ NK News (Mỹ) đưa tin ca sĩ Hyon Song-wol xuất hiện trên truyền hình Triều Tiên khi cô tham gia các hội nghị quốc gia của các nghệ sĩ, chứng tỏ thông tin về vụ xử tử do báo Chosun Ilbo tung ra chỉ là bịa đặt.[20][21] (đến năm 2018, chính Hyon Song-wol đã sang Hàn Quốc biểu diễn trong thế vận hội mùa đông). Sau này, người ta cũng khám phá ra rằng từ một bài viết châm biếm đăng trên một blog cá nhân ở Trung Quốc, báo Văn Hối đã "chế" thành một tin giật gân rằng chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bị hành quyết bằng một đàn chó đói. Báo chí bên ngoài Triều Tiên đa phần cũng chẳng biết gì về đất nước khá biệt lập này, khi đưa tin về Triều Tiên họ thường dựa vào một "nguồn tin giấu tên" vốn chẳng rõ là ai. Một số tờ báo Hàn Quốc như Daily NK và Rimjin-Gang thì tìm cách moi tin từ các nguồn giấu tên và khó có thể kiểm chứng độ xác thực; sau đó họ sẽ xào nấu ra nhiều câu chuyện dù phi lý vì rốt cục chẳng ai có thể kiểm chứng, xác minh câu chuyện mà họ đã đăng.[22] Trong môi trường này, bất cứ điều gì phi lý nào cũng có thể được dựng thành chuyện: từ những câu chuyện giật gân về việc Kim Jong-un "hành quyết bạn gái cũ bằng súng cối" đến phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống ông nội Kim Il-sung.[15]

Tờ Daily Mail (Anh) đưa tin một số du khách tới từ nước ngoài sau khi tham quan Triều Tiên cho biết họ rất bất ngờ vì Triều Tiên mà họ thấy rất khác so với những cảnh quan cằn cỗi, người dân đói khổ, và quân đội kiểm soát được mô tả trên các phương tiện truyền thông quốc tế.[23][24][25] Tại Hàn Quốc, luật an ninh chống Triều Tiên quy định: những ai tỏ thái độ ủng hộ hoặc ca ngợi Triều Tiên có thể bị phạt tới 7 năm tù giam,[26] do đó bất cứ thông tin nào về thành tựu hoặc mặt tốt của Triều Tiên đều không được biết tới ở đây, tất cả những tin về Triều Tiên chỉ là nạn đói, ám sát, tử hình tập thể, tham nhũng,... Isaac Stone Fish từng châm biếm rằng: "Nếu bạn là một nhà báo Mỹ, bạn có thể viết gần như bất cứ điều gì bạn muốn về Triều Tiên, và mọi người sẽ công nhận đó là sự thật".[25]:107

Năm 2014, một bản tin của Đài Á Châu Tự do loan báo Triều Tiên đang sử dụng một đạo luật bất thành văn, ép buộc sinh viên phải cắt tóc giống nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tuy nhiên, hãng tin uy tín AP (Mỹ) khẳng định đây chỉ là "tin đồn giàu tính tưởng tượng". Hãng tin này phỏng vấn hàng loạt du khách từng đặt chân đến Bình Nhưỡng, họ nói không hề có dấu hiệu 'kiểu tóc Kim Jong-un' bị bắt buộc ở đây. Hướng dẫn viên du lịch Simon Cockerell của Koryo Tours, chuyên đưa khách tham quan Triều Tiên nói "chắc chắn không có đạo luật nào như thế, đây là sự bịa đặt" khi trả lời phỏng vấn của AP. AP bình luận rằng câu chuyện kiểu tóc ở Triều Tiên "cũng giống như hàng loạt những chuyện kỳ quái về Triều Tiên được truyền thông nước ngoài đồn thổi".[27]

Kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2012, báo chí Hàn Quốc và thế giới tung ra nhiều tin về các vụ thanh trừng, xử tử và mất tích tại Triều Tiên, về sau được chứng minh là bịa đặt, ví dụ như:

  • Năm 2015, báo chí Hàn Quốc đưa tin CHDCND Triều Tiên đã xử tử Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-Chol gây chấn động dư luận.[28] Tờ Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin rằng cuộc xử tử này đã dùng cả pháo phòng không, trước mặt của hàng trăm người đại diện chính quyền.[29] Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, cơ quan tình báo Hàn Quốc đã sửa đổi lại thông điệp trên báo chí nước này, rằng ông Hyon đã bị thanh lọc nhưng có lẽ không bị xử tử[30][31] Triều Tiên đã lên án truyền thông Hàn Quốc lăng mạ lãnh đạo cấp cao nhất nước này với tin đồn bộ trưởng quốc phòng bị xử tử.[32]
  • Tháng 3 năm 2015, tờ Korea Herald loan tin rằng Han Kwang-sang, giám đốc tài chính của Đảng Lao động Triều Tiên đã bị xử tử[33], nhưng đến tháng 10 năm 2015 tờ RT đưa tin ông Han Kwang-sang đã xuất hiện trên truyền thông khi thăm một trại thủy sản, cho thấy tin tức về vụ xử tử là bịa đặt.[34]
  • Tháng 2 năm 2016, báo chí thế giới loan tin rằng Ri Yong-gil, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên đã bị xử tử vì vì cáo buộc "tham nhũng và kết bè cánh chính trị". Nhưng đến tháng 5 năm 2016, ông Ri Yong-gil lại có tên trong danh sách các thành viên mới được bầu của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị và uỷ viên Quân uỷ trung ương, cho thấy tin tức về vụ xử tử ông này cũng là bịa đặt.[35]
  • Vào tháng 5 năm 2020, truyền thông Hàn Quốc đưa tin rằng chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành từng tuyên bố ông ta có thể dịch chuyển tức thời. Thực ra tin này đã cố ý xuyên tạc một bình luận của Kim vào năm 1945, trong đó, ông bình luận về đội du kích chống Nhật của mình đã "thoắt ẩn thoắt hiện" để tránh sự truy bắt của địch, chứ không hề nói về "dịch chuyển tức thời".[36]

Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, ông Lê Quảng Ba nói về đời sống xã hội bên trong một đất nước Triều Tiên bị cấm vận, khép kín:

"Đúng là nếu chỉ đọc báo chí bên ngoài thì tưởng như Triều Tiên rất đói khổ, kiệt quệ. Song nhiều đoàn của Việt Nam và các nước khác sau khi thăm Triều Tiên về đều kinh ngạc: Không ngờ Triều Tiên lại phát triển đến như vậy... Về công nghệ cao, Triều Tiên có nhiều thành tựu mà ta phải ngưỡng mộ. Tiềm lực của người Triều Tiên chính là sức mạnh tinh thần và văn hóa, từ đó dẫn đến tiềm lực quốc phòng của họ... Tôi nghĩ ở đây có vấn đề về thông tin. Chẳng hạn như có 100 thông tin, hình ảnh đăng tải trên thế giới về Triều Tiên thì có đến 80% là từ báo chí phương Tây, hay các nước mà Triều Tiên gọi là thù địch, tức chỉ nói xấu, hay không có thì dựng ra là có. Bản thân Triều Tiên cũng ít đưa hình ảnh của mình ra ngoài, nên dễ dẫn đến bị nhìn nhận sai lệch. Riêng tôi thấy rằng cần bình tĩnh xem xét và đặt lại câu hỏi: "Bao giờ ta có thể làm được như họ?" Trước khi đến, nhiều người cứ nghĩ Triều Tiên là quốc gia vô cùng khốn khổ, người dân thì hiếu chiến, nhưng đó là bởi họ chưa trực tiếp tham quan Triều Tiên. "Trăm nghe không bằng một thấy", nếu tiếp nhận thông tin qua nguồn gián tiếp, sự sai lệch sẽ rất nhiều.[37]

Địa lý

Bản đồ địa hình của CHDCND Triều Tiên

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chiếm phần phía bắc của Bán đảo Triều Tiên, trải dài 1.100 kilômét (685 dặm), nằm giữa vĩ độ 37 ° và 43 ° B, và kinh độ 124 ° và 131 ° Đ. Quốc gia có diện tích 120.540 km2 (46.541 dặm vuông). Triều Tiên có biên giới phía bắc với Trung Quốc và Nga dọc theo sông Áp Lục và sông Đồ Môn và giáp Hàn Quốc ở phía nam dọc theo khu phi quân sự Triều Tiên. Phía tây của Triều Tiên giáp biển Hoàng Hải và Vịnh Triều Tiên, còn về phía đông là Biển Nhật Bản (Biển Đông Triều Tiên).

Những vị khách châu Âu đầu tiên đến Triều Tiên nhận xét rằng đất nước này giống như "một vùng biển trong một trận gió mạnh" vì có nhiều dãy núi nối tiếp nhau chạy dọc bán đảo. Khoảng 80 phần trăm địa hình của Bắc Triều Tiên bao gồm các ngọn núi và vùng cao, cách nhau bởi các thung lũng sâu và hẹp. Tất cả các ngọn núi của bán đảo Triều Tiên có độ cao từ 2.000 mét (6.600 ft) trở lên đều nằm ở Bắc Triều Tiên. Điểm cao nhất ở Bắc Triều Tiên là đỉnh núi Trường Bạch, một ngọn núi lửa có độ cao 2.744 mét (9,003 ft) so với mực nước biển, nằm ở biên giới Trung-Triều. Được coi là một nơi linh thiêng của dân tộc Triều Tiên, núi Trường Bạch có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Triều Tiên, đã được đưa vào văn hóa dân gian và dùng để sùng bái chính quyền họ Kim. Ví dụ, bài hát "Chúng ta sẽ lên núi Trường Bạch" hát ca ngợi Kim Jong-un và mô tả một chuyến đi bộ mang tính biểu tượng lên núi. Các dãy núi nổi bật khác là dãy Hamgyong ở cực đông bắc và dãy núi Rangrim, nằm ở phía bắc trung bộ của Bắc Triều Tiên. Núi Kumgang thuộc dãy núi Taebaek, kéo dài vào lãnh thổ Hàn Quốc, nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp.

Các đồng bằng ven biển rộng ở phía tây và không liên tục ở phía đông. Phần lớn dân số sống ở vùng đồng bằng và vùng thấp. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2003, rừng bao phủ hơn 70% đất nước, chủ yếu là ở sườn dốc. Con sông dài nhất là sông Áp Lục, dài 790 km (491 mi).

Khí hậu

Bản đồ phân loại khi hậu Köppen của Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên trải qua sự kết hợp của khí hậu lục địa và khí hậu đại dương, nhưng hầu hết lãnh thổ đất nước này đều có khí hậu lục địa ẩm ướt trong sơ đồ phân loại khí hậu Köppen. Mùa đông thường có thời tiết rất lạnh, xen kẽ với những cơn bão tuyết do gió bắc và tây bắc thổi từ Siberia. Mùa hè có xu hướng là thời điểm nóng nhất, ẩm nhất và mưa nhiều nhất trong năm do gió mùa nam và đông nam mang theo không khí ẩm từ Thái Bình Dương. Khoảng 60% lượng mưa đến từ tháng 6 đến tháng 9. Mùa xuân và mùa thu là mùa chuyển tiếp giữa mùa hè và mùa đông. Nhiệt độ cao và thấp trung bình hàng ngày của thủ đô Bình Nhưỡng là −3 và −13 °C (27 và 9 °F) vào tháng 1 và 29 và 20 °C (84 và 68 °F) vào tháng 8.

Múi giờ

Trước khi bị Đế quốc Nhật Bản chiếm, Triều Tiên đã áp dụng múi giờ UTC+08:30 nhưng vào năm 1912, Đế quốc Nhật Bản đã cho thay đổi theo giờ chuẩn của nước này là UTC+09:00.

Để đánh dấu 70 năm bán đảo Triều Tiên thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Nhật Bản (1910–1945). Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên thông qua việc đổi múi giờ UTC+09:00 lùi lại 30 phút thành múi giờ UTC+08:30. Ngày 15 tháng 8 năm 2015 Triều Tiên đã đánh dấu sự kiện này bằng cách đánh chuông tại Đài Thiên văn Bình Nhưỡng vào lúc nửa đêm. Cùng lúc đó, tất cả cơ sở công nghiệp, xe lửa và tàu thuyền trên cả nước cũng hú còi, quân nhân phục vụ trong Quân đội Nhân dân Triều Tiên, các nhà khoa học và tất cả mọi người dân đều chỉnh lại đồng hồ theo giờ Bình Nhưỡng.

Ngày 5 tháng 5 năm 2018, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên chỉnh lại múi giờ thành UTC+09:00 để cùng thống nhất với Giờ chuẩn Hàn Quốc, theo đó bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ còn một múi giờ nhằm thể hiện sự hòa giải sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 giữa lãnh đạo hai quốc gia.[38][39]

Chính trị

Chính quyền

Tại Triều Tiên, đảng cầm quyền là Đảng Lao động Triều Tiên chiếm đa số (75% ghế trong Hội đồng Nhân dân tối cao), thứ nhì là Đảng Xã hội dân chủ và thứ ba là Đảng Thanh Thiên Đạo. Họ còn một đảng cho kiều bào tại Nhật Bản có 5 ghế trong Hội đồng Nhân dân tối cao. Các đảng này hợp thành Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc.

Chính quyền Triều Tiên được điều hành hoạt động bởi Đảng Lao động Triều Tiên (Korean Worker's Party – KWP), chiếm 80% vị trí chính quyền. Ý thức hệ của KWP được gọi là Juche Sasang (주체사상, tư tưởng Chủ thể) do nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sáng tạo nên, tư tưởng này được coi là sự pha trộn giữa Chủ nghĩa Stalin với truyền thống văn hóa Triều Tiên. KWP đã gia tăng các phần có liên quan tới Chủ nghĩa Marx-Lenin trong Hiến pháp Triều Tiên bằng Juche Sasang năm 1977. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Triều Tiên phủ nhận rằng họ lãnh đạo quốc gia theo nguyên tắc của Chủ nghĩa Marx-Lenin, mà thay vào đó họ lãnh đạo Triều Tiên theo Tư tưởng Chủ thể, một hệ tư tưởng đặc trưng riêng biệt của Triều Tiên, và chính sách Tiên quân chính trị (quân đội trước nhất).

Các đảng chính trị nhỏ có tồn tại nhưng chúng đều mang ý nghĩa hỗ trợ cho tổ chức Đảng Lao động Triều Tiên và tự nguyện không phản đối lại sự nắm quyền tuyệt đối của đảng này. Cơ cấu quyền lực thực sự của đất nước hiện vẫn còn đang gây tranh cãi giữa những nhà quan sát bên ngoài. Mặc dù có quốc hiệu chính thức là "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên" và Hội đồng Nhân dân Tối cao (tức Quốc hội) theo Hiến pháp là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, một số nhà quan sát phương Tây đã mô tả hệ thống chính trị của Bắc Triều Tiên có những nét giống như một "chế độ quân chủ tuyệt đối" hoặc "chế độ độc tài di truyền".

Lãnh đạo nhà nước

Kim Jong-un, đương kim lãnh đạo tối cao của nhà nước CHDCND Triều Tiên

Trước năm 1998, chức vụ Chủ tịch nước là Nguyên thủ quốc gia và được trao cho Kim Nhật Thành, người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của Bắc Triều Tiên. Kể từ năm 1998, Hiến pháp đã có một sửa đổi đáng chú ý khi quy định Kim Nhật Thành là "Chủ tịch vĩnh viễn của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên"[40][41], và vị trí Chủ tịch nước vì thế đã bị bãi bỏ sau khi ông mất năm 1994. Con trai ông, Kim Chính Nhật, sau khi mất năm 2011 đã được phong là "Tổng Bí thư vĩnh viễn" và "Chủ tịch vĩnh viễn của Ủy ban Quốc phòng".[42] Cháu trai ông, Kim Jong-un, về nguyên tắc chỉ nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (từ năm 2016 là Ủy ban Quốc vụ), và Tổng tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên, nhưng về thực tế nắm toàn bộ thực quyền trong tay và được xem là Lãnh đạo tối cao hay Suryeong của nhà nước Triều Tiên.[42][43]

Cũng theo Hiến pháp năm 1998, một số chức năng của vị trí Nguyên thủ quốc gia được trao cho Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân Tối cao, người được cho là đứng đầu tổ chức "đại diện cho quốc gia", như các trách nhiệm nhận quốc thư từ đại sứ nước ngoài. Chế định này khá giống với chế định "chủ tịch tập thể" Hội đồng Nhà nước của Việt Nam giai đoạn 1980–1992 khi hợp nhất chức năng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước.

Sau lần sửa đổi Hiến pháp mới nhất vào giữa năm 2019, Ủy ban Thường vụ đã trở về đơn thuần là 1 cơ quan thường trực của Hội đồng nhân dân tối cao như trước đây và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ không còn đảm nhận một số chức năng của nguyên thủ quốc gia nữa. Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ trực thuộc Hội đồng nhân dân tối cao, ông Kim Jong-un được Hiến pháp năm 2019 ghi nhận là: "người đại diện tối cao của toàn bộ người dân Triều Tiên", có quyền ban hành các sắc lệnh lập pháp, các nghị định và quyết định lớn của quốc gia, bổ nhiệm hoặc triệu hồi các phái viên ngoại giao của Triều Tiên tại nước ngoài.[44] Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Kim Jong-un chính thức là Nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên.

Lập pháp

Tòa nhà Quốc hội Mansudae, cơ quan lập pháp của quốc gia

Theo Hiến pháp 1998, tổ chức của chính quyền Triều Tiên theo chính thể cộng hòa, được phân thành ba nhánh Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Hội đồng Nhân dân Tối cao (최고인민회의, Choego Inmin Hoeui), tức Quốc hội, theo Hiến pháp là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước[45], nắm quyền Lập pháp[46]. Các đại biểu của Hội đồng (hiện tại gồm 687 thành viên) được bầu cử phổ thông theo thời hạn 5 năm. Hai kỳ mỗi năm, Hội đồng Nhân dân Tối cao được triệu tập, mỗi kỳ chỉ kéo dài vài ngày; thường thì để phê chuẩn những quyết định do lãnh đạo của KWP đưa ra. Nghị trưởng Hội đồng Nhân dân Tối cao hiện nay là ông Pak Thae-song.

Trong thời gian giữa các kỳ họp Hội đồng Nhân dân Tối cao, một ủy ban thường trực gọi là Thường nhiệm Ủy viên Hội (상임위원회, Sangim Wiwŏnhoe), tức Ủy ban Thường vụ, được bầu ra để thực hiện các chức năng lập pháp khi Hội đồng Nhân dân Tối cao không họp. Đứng đầu cơ quan này là một chủ tịch với danh xưng Ủy viên trưởng (위원장, Wiwŏnjang). Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ hiện nay là Choe Ryong-hae.

Hành pháp

Theo Hiến pháp Triều Tiên 1998, Nội các (내각, Naekak) là cơ quan hành chính cao nhất, chịu trách nhiệm thiết lập chính sách cao nhất của chính phủ. Về nguyên tắc, Nội các cũng chịu trách nhiệm quản lý các Ủy ban hành chính địa phương (인민위원회, Inmin Wiwŏnhoe, Nhân dân Ủy viên hội).

Đứng đầu Nội các là một Tổng lý (총리, Chongni), tức Thủ tướng, về danh nghĩa do Hội đồng Nhân dân tối cao bầu ra. Các thành viên khác của Nội các được Hội đồng Nhân dân tối cao phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng. Các phiên họp của Nội các được phân làm 2 dạng: Hội nghị toàn thể gồm toàn bộ các lãnh đạo của các cơ quan cấp Bộ và Hội nghị thường vụ chỉ gồm Thủ tướng, các Phó thủ tướng, một số thành viên Nội các. Hội nghị toàn thể được triệu tập để quyết định các chính sách kinh tế hành chính quan trọng. Hội nghị thường vụ thường để xử lý các quyết định đã được Hội nghị toàn thể thông qua.

Hiện tại, Nội các Triều Tiên gồm 34 cơ quan cấp Bộ, đứng đầu bởi Thủ tướng Kim Jae Ryong.

Tư pháp

Như các quốc gia Cộng sản khác, ngành Tư pháp Triều Tiên được phân làm hai nhánh Kiểm sát và Tòa án. Tại trung ương có Trung ương Kiểm sát sở (중앙검찰소, Jungang Keomchalso) và Trung ương Thẩm phán sở (중앙재판소, Jungang Jaepanso), đứng đầu bởi các Sở trưởng (소장, Sojang). Dưới cấp Trung ương có các cơ quan địa phương lầm lượt gồm cấp tỉnh, thành phố, quận và cơ quan đặc biệt, trực thuộc quyền của các Sở trung ương.

Ngành Kiểm sát chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan, xí nghiệp và các công dân trên lãnh thổ Triều Tiên; thực thi Hiến pháp và Pháp luật, các Quyết định do các cơ quan Hội đồng Nhân dân tối cao, Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân tối cao, Nội các ban hành; giữ quyền công tố tại các phiên tòa xét xử.

Ngành Tòa án chịu trách nhiệm giám đốc thi hành pháp luật của các cơ quan, xí nghiệp và các công dân trên lãnh thổ Triều Tiên; thực thi Hiến pháp và Pháp luật, các Quyết định do các cơ quan Hội đồng Nhân dân tối cao, Ủy ban Quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân tối cao, Nội các ban hành; giữ quyền phán quyết tại các phiên tòa xét xử.

Nhân quyền

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trên bản đồ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên
Pukchang
Pukchang
Chongjin
Chongjin
Hoeryong
Hoeryong
Hwasong
Hwasong
Kaechon
Kaechon
Yodok
Yodok
Một bản đồ hiển thị các trại tù chính trị ở Bắc Triều Tiên. Ước tính 40% tù nhân đã chết ở những trại tập trung này vì bị suy dinh dưỡng.[47]

Tổ chức Ân xá Quốc tế và các tổ chức nhân quyền khác buộc tội Triều Tiên có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trong số tất cả các nước. Quốc gia này hạn chế nghiêm khắc đa số các quyền tự do, gồm tự do ngôn luận và tự do di chuyển, cả trong và ngoài nước. Những người tị nạn đã loan tin sự hiện diện của những trại lao động với ước tính khoảng 150.000 đến 200.000 người, các tù nhân đa phần đều bị thiếu ăn cho dù một phần lương thực xã hội đã được cắt ra, và phải lao động công ích.[48] Một kênh truyền hình Nhật Bản đã phát sóng cảnh phim mà họ cho là một trại tù ở nước này.[49] Dựa trên hình ảnh vệ tinh và lời khai của những kẻ đào ngũ, Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính rằng khoảng 200.000 tù nhân bị giam giữ trong sáu trại tù chính trị lớn. Trong một số trại, những người đào tẩu tuyên bố rằng rằng tỷ lệ chết hằng năm của các tù nhân lên tới 25%.[49] Một cựu cai tù và là sĩ quan tình báo quân đội đào tẩu tuyên bố rằng trong một trại, các loại vũ khí hoá học đã được đem ra thử nghiệm trên tù nhân trong một phòng hơi độc.[50]

Các tổ chức nhân quyền phương Tây cũng đưa ra nhiều cáo buộc rằng các nhà tù của Triều Tiên rất tồi tệ và nguy hiểm:[51] Theo các tổ chức này, tù nhân có thể bị tra tấn dã man.[52], có cả hành quyết tù nhân công khai hoặc bí mật, nhất là trong trường hợp họ vượt ngục và với cả trẻ em;[53] Cưỡng bức phá thai cũng khá phổ biến[54]. Các tổ chức này cũng cho rằng hình phạt bỏ đói của nhà tù cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tù nhân chết tăng cao,[55] ngoài ra còn do bệnh tật,[56] tai nạn lao động hay bị tra tấn. Các tổ chức nhân quyền phương Tây cũng ước tính có khoảng 15-20 trại cải tạo trên khắp Triều Tiên.[57] Những người trước đây ủng hộ chính quyền nhưng bị lung lạc tư tưởng về đường lối của chính phủ cũng có thể bị đưa vào các trại cải tạo, dù nếu họ được coi là đã phục hồi về tư tưởng chính trị có thể được tái bổ nhiệm vào các vị trí chính phủ có trách nhiệm về việc thả họ. Các trại cải tạo là những khu phức hợp được bao quanh bởi tường cao và bảo vệ chặt chẽ, tương tự như các nhà tù chính trị. Các tổ chức này cũng cáo buộc rằng tù nhân phải lao động như nô lệ trong các nhà máy, nếu không hoàn thành chỉ tiêu công việc sẽ bị tra tấn và cách ly vào các phòng giam đặc biệt, quá nhỏ đến mức không đủ chỗ để đứng hoặc nằm.[58] Sau những giờ lao động vất vả, tù nhân còn phải học thuộc lòng các lời dạy của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ trích về những điều mà họ cho là vi phạm nhân quyền trên diện rộng tại Triều Tiên. Đoạn trích từ Nghị quyết Nhân quyền 2005/11 của Liên Hợp Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ Triều Tiên, cho rằng chính quyền của họ đã: "tra tấn và trừng phạt theo các hình thức tàn ác và vô nhân tính, hành quyết công cộng, giam giữ tùy tiện, thiếu thủ tục tố tụng hợp lý, và các quy định của pháp luật, tử hình vì động cơ chính trị, tồn tại một số lượng lớn nhà tù và lạm dụng hình thức lao động cưỡng bức; trừng phạt những người hồi hương từ nước ngoài bằng các hình thức quy tội phản quốc, rồi giam giữ, tra tấn vô nhân đạo, hoặc tử hình; Hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do biểu đạt chính kiến, hội họp hòa bình, tự do lập hội, những người bị coi là thù địch với chính phủ, chẳng hạn như Kitô hữu hay chỉ trích lãnh đạo, đều bị đày đến các trại lao động mà không cần phải xét xử trước, thường là với cả gia đình của họ và hầu như không có cơ hội được thả ra; hạn chế nghiêm trọng quyền tiếp cận thông tin và tự do di chuyển trong nước và ra nước ngoài của người dân; liên tục vi phạm các quyền con người cơ bản và các quyền tự do của phụ nữ, đặc biệt tệ nạn buôn phụ nữ vì mục đích mại dâm hoặc hôn nhân cưỡng ép; khuyến khích phá thai cưỡng bức thông qua lao động nặng nhọc; giết hại con cái của những người hồi hương, trong các trại tù chính trị và trại cải tạo."[59] Vào tháng 2 năm 2014, Ban hội thẩm Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) tiếp tục ra báo cáo chỉ trích về những điều mà họ cho là vi phạm nhân quyền ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.[60]

Các tổ chức nhân quyền phương Tây còn cáo buộc người dân Bắc Triều Tiên không được phép tự do di chuyển trong nước hoặc ra nước ngoài. Chỉ có các quan chức mới được phép sở hữu hoặc thuê mượn ô tô. Chính quyền phân phối hạn chế xăng dầu và các phương tiện di chuyển khác do thường xuyên thiếu nhiên liệu. Các bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy ngay cả đường sá ở các thành phố cũng vắng bóng hoặc thưa thớt các phương tiện đi lại. Việc cưỡng bức di chuyển vì động cơ chính trị là khá phổ biến.[61] Báo chí phương Tây cho rằng những người tỵ nạn Triều Tiên khi đào tẩu sang Trung Quốc thường bị chính quyền Trung Quốc bắt phải hồi hương, sau đó bị đưa vào các trại cải tạo và bị đánh đập thường xuyên[62], bị xem là những kẻ đào tẩu hoặc thậm chí phản quốc.[62]

Mặc dù Hiến pháp đảm bảo quyền tự do báo chí nhưng thực tế thì tất cả các phương tiện truyền thông đều được nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Truyền thông nhà nước hầu như dành toàn bộ thời lượng để tuyên truyền chính trị và cổ vũ tinh thần sùng bái Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật.[63] và hiện tại là Kim Jong-un. Các chương trình nhấn mạnh vào nỗi thống khổ do quân đội Hoa Kỳ và Đế quốc Nhật Bản đã gây ra mà nhân dân Triều Tiên chịu đựng. Mặc dù giới học giả phương Tây cho rằng chính Triều Tiên đã gây chiến trước nhưng sách lịch sử của Triều Tiên lại cho rằng Triều Tiên là nạn nhân của Chiến tranh Triều Tiên.[64]

Về phần mình, Chính phủ Triều Tiên liên tục bác bỏ những cáo buộc rằng họ vi phạm nhân quyền và coi đó là "một chiến dịch bôi nhọ" nhằm dùng chiêu bài nhân quyền nhằm lật đổ chế độ chính trị của họ.[65]

Nhiều quốc gia đã phê phán những cáo buộc về nhân quyền của phương Tây chống lại Triều Tiên. Phái đoàn của Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc nói rằng Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ nhân quyền. Sudan cho rằng thay vì chỉ trích, cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền của Chính phủ Triều Tiên. Phái đoàn của Venezuela tại Liên Hợp Quốc đã khẳng định rằng các cáo buộc của các nhà quan sát Liên Hợp Quốc chống lại Triều Tiên đã dựa trên các tiêu chí thiếu sót và không đáng tin cậy.[66] Phái đoàn của Cuba tại Liên Hợp Quốc tuyên bố rằng những phê phán của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với Triều Tiên là có động cơ chính trị ngầm, những chỉ trích đó là sự áp đặt nhằm tạo áp lực cô lập một đất nước, điều này vi phạm các nguyên tắc của chính Hội đồng Nhân quyền.[67]

Phân cấp hành chính

Bản đồ Bắc Triều Tiên

Tới năm 2005, Triều Tiên gồm 2 thành phố trực thuộc trung ương (직할시, Chikhalsi, Trực hạt thị), 3 đặc khu (구, Ku, Khu) với các chức năng khác nhau, và 9 tỉnh (도, To, Đạo).

Tên phân cấp hành chính Chosŏn'gŭl Hán Việt Hancha Năm thành lập Phân loại
P'yŏngyang 평양 Bình Nhưỡng 平壤 1946 Trực hạt thị
Rasŏn 라선 La Tiên 羅先 1993-2004, 2006 Trực hạt thị
Chagang 자강 Từ Giang 慈江 1949 Đạo
Hamgyŏng-puk 함경북 Hàm Kính Bắc 咸鏡北 1945 Đạo
Hamgyŏng-nam 함경남 Hàm Kính Nam 咸鏡南 1945 Đạo
Hwanghae-puk 황해북 Hoàng Hải Bắc 黃海北 1945 Đạo
Hwanghae-nam 황해남 Hoàng Hải Nam 黃海南 1945 Đạo
Kangwŏn 강원 Giang Nguyên 江原 1946 Đạo
P'yŏngan-puk 평안북 Bình An Bắc 平安北 1945 Đạo
P'yŏngan-nam 평안남 Bình An Nam 平安南 1945 Đạo
Ryanggang 량강 Lưỡng Giang 兩江 1954 Đạo
Bản đồ Tên Chosŏn'gŭl Hạt hành chính



Thành phố trực thuộc-quản lý (chikhalsi)
1 Bình Nhưỡng 평양직할시 (Chung-guyok)
Thành phố cấp đặc biệt (teukgeupsi)
2 Kaesong 개성특별시 Kaesong
Các thành phố đặc biệt (teukbyeolsi)
3 Rason 라선특별시 (Rajin-guyok)
4 Nampo 남포특별시 (Waudo-guyok)
Tỉnh (do)
5 Pyongan Nam 평안남도 Pyongsong
6 Pyongan Bắc 평안북도 Sinuiju
7 Chagang 자강도 Kanggye
8 Hwanghae Nam 황해남도 Haeju
9 Hwanghae Bắc 황해북도 Sariwon
10 Kangwon 강원도 Wonsan
11 Hamgyong Nam 함경남도 Hamhung
12 Hamgyong Bắc 함경북도 Chongjin
13 Ryanggang 량강도 Hyesan
 
20 cities or towns lớn nhất tại Bắc Triều Tiên
Hạng Tên Phân cấp hành chính Dân số Hạng Tên Phân cấp hành chính Dân số
Bình Nhưỡng
Bình Nhưỡng
Hamhung
Hamhung
1 Bình Nhưỡng Thành phố Thủ đô Bình Nhưỡng 3,255,288 11 Sunchon Pyongan Nam 297,317 Chongjin
Chongjin
Nampo
Nampo
2 Hamhung Hamgyong Nam 768,551 12 Pyongsong Pyongan Nam 284,386
3 Chongjin Hamgyong Bắc 667,929 13 Haeju Hwanghae Nam 273,300
4 Nampo Pyongan Nam 366,815 14 Kanggye Chagang 251,971
5 Wonsan Kangwon 363,127 15 Anju Pyongan Nam 240,117
6 Sinuiju Pyongan Nam 359,341 16 Tokchon Pyongan Nam 237,133
7 Tanchon Hamgyong Nam 345,875 17 Kimchaek Hamgyong Bắc 207,299
8 Kaechon Pyongan Nam 319,554 18 Rason Đặc khu kinh tế Rason 196,954
9 Kaesong Hwanghae Bắc 308,440 19 Kusong Pyongan Bắc 196,515
10 Sariwon Hwanghae Bắc 307,764 20 Hyesan Ryanggang 192,680

Nhân khẩu

Dân số

Dữ liệu đáng tin cậy về nhân khẩu của Triều Tiên rất khó để có được. Dữ liệu gần đây nhất xuất phát từ một cuộc điều tra dân số do Chính phủ Triều Tiên thực hiện năm 2008. Kết quả được công bố năm 2011 cho rằng dân số của Triều Tiên ở mức chính xác là 25 triệu người. Mặc dù con số được làm tròn rõ ràng, nhưng nó được ước tính gần như bằng các ước tính khác - ví dụ, theo ước tính của Bộ Giáo dục và Xã hội Liên Hợp Quốc từ năm 2010 là 24.346.229 và ước tính của CIA Factbook rằng dân số của Triều Tiên năm 2012 là 24.589.122. Ngày nay, Liên Hợp Quốc ước tính dân số xấp xỉ 25,78 triệu người, xếp thứ 54 trên thế giới.

Các chuyên gia nhân khẩu học trong thế kỷ 20 ước tính rằng dân số sẽ tăng lên 25,5 triệu vào năm 2000 và 28 triệu vào năm 2010, nhưng sự gia tăng này không bao giờ xảy ra do nạn đói Bắc Triều Tiên. Nạn đói bắt đầu vào năm 1995, kéo dài trong ba năm và dẫn đến cái chết của khoảng 240.000 đến 420.000 người Bắc Triều Tiên. Nạn đói có tác động đáng kể đến tốc độ tăng dân số, giảm xuống 0,9% hàng năm trong năm 2002 và 0,5% trong năm 2014. Dân số Bắc Triều Tiên thậm chí chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc (51,7 triệu), dù có diện tích lớn hơn. Kết hôn muộn sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không gian nhà ở hạn chế và thời gian làm việc hoặc nghiên cứu chính trị kéo dài làm cạn kiệt dân số và giảm sự phát triển. Tỷ lệ sinh quốc gia là 14,5 ca sinh mỗi năm trên 1.000 dân. Hai phần ba số hộ gia đình bao gồm các gia đình mở rộng chủ yếu sống trong các căn nhà có hai phòng.

Sắc tộc

Nhóm dân cư chính ở Triều Tiên là người Triều Tiên. Thành phần dân cư ở nước này là một trong những dân tộc thuộc loại thuần chủng về ngôn ngữ và sắc tộc nhất trên thế giới, với chỉ một nhóm rất nhỏ thiểu số như người Hoa và Nhật. Đa số các sắc dân khác chỉ là cư trú tạm thời, chủ yếu là người Nga và dân các nước Đông Âu khác và người Hoa.

Tôn giáo

Tôn giáo tại Triều Tiên[68]

  Vô thần (64.3%)
  Shaman (16%)
  Thanh Đạo (13.5%)
  Phật giáo (4.5%)
  Công giáo (1.7%)

Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật được sùng kính trong nhiều mặt đời sống công cộng ở Triều Tiên, thường với những tuyên bố ngụ ý kiểu sùng kính tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo mọi kiểu bị hạn chế khắt khe bởi quan điểm vô thần của nhà nước, đặc biệt là Tin Lành, bị coi là có liên quan tới Hoa Kỳ.

Triều Tiên có chung di sản Phật giáo và Khổng giáo với Hàn Quốc trong lịch sử xa xưa và Thiên Chúa giáo cùng các phong trào Thiên Đạo giáo (천도교, Ch'ŏndogyo) gần đây. Theo báo Le Monde, đầu thế kỷ XX, Triều Tiên từng là nơi phúc âm được truyền bá mạnh nhất châu Á, chỉ sau Philippines. Sau khi miền bắc Triều Tiên thuộc quyền kiểm soát của chính quyền cộng sản vào năm 1945, một bộ phận trong tổng số 200.000 người Thiên chúa giáo (57.000 người Công giáo) di tản sang Hàn Quốc. Những tín đồ còn trụ lại bị tập trung vào một Liên đoàn Thiên chúa giáo, do một mục sư điều hành. Nhân vật này là anh em họ với mẹ của cố lãnh đạo Kim Il-sung, người sáng lập ra Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hiện nay tại thủ đô Triều Tiên chỉ còn bốn nhà thờ, nhà thờ chính tòa Jangchoong của người Công giáo, hai nhà thờ Tin lành và một nhà thờ Chính thống giáo, được nhà nước phê chuẩn cho tồn tại, mà những người ủng hộ tự do tôn giáo cho là có để trưng ra cho những vị khách nước ngoài. Người phụ trách việc thờ phượng do chính quyền Bình Nhưỡng bổ nhiệm.[69][70] Theo số liệu chính thức, có 4.000 tín đồ Công giáo và 11.000 người Tin lành, trong tổng dân số 20 triệu người. Các hoạt động Thiên chúa giáo và Tin Lành, do trái ngược với quan điểm chính trị của Đảng Lao động, bị hạn chế nghiêm ngặt.[71]

Theo một danh sách xếp hạng do tổ chức Open Doors ("Những Cánh Cửa Mở") đưa ra, Triều Tiên bị cho là nước ngược đãi ghê gớm nhất đối với những người Thiên chúa giáo trên thế giới.[72]

Theo thống kê số tín đồ các tôn giáo ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phân ra như sau:

  • Vô thần: 15.460.000 (64,3% dân số, phần lớn trong số đó là tín đồ của triết lý Juche)
  • Shaman giáo truyền thống: 3.846.000 tín đồ (16% dân số)
  • Thanh Đạo giáo: 3.245.000 tín đồ (13,5% dân số)
  • Phật giáo: 1.082.000 Phật tử (4,5% dân số)
  • Công giáo: 406.000 tín hữu (1,7% dân số)

Ngôn ngữ

Triều Tiên có chung tiếng Triều Tiên với Hàn Quốc nhưng đang có sự thay đổi mạnh về ngữ pháp sau cuộc cải cách chữ viết. Có một số khác biệt về thổ ngữ bên trong cả hai miền Triều Tiên, nhưng biên giới giữa Bắc và Nam không thể hiện là một biên giới chính về ngôn ngữ. Đã xuất hiện một số khác biệt nhỏ, ban đầu là những từ được sử dụng trong những cải cách gần đây. Sự khác biệt ngôn ngữ đáng chú ý nhất giữa hai nước Triều Tiên là ngôn ngữ viết, với việc hạn chế những từ gốc Hán trong sử dụng thông thường ở Triều Tiên. Trái lại ở Hàn Quốc các từ gốc Hán vẫn được sử dụng nhiều, dù trong nhiều trường hợp, như báo chí thì lại hiếm.

Thực tế, sau hàng chục năm bị phân liệt, ngôn ngữ của hai miền Nam Bắc đã phát triển theo hai hướng rất khác nhau. Theo các chuyên gia, số từ vựng mà cả hai bên cùng hiểu được chỉ chiếm khoảng 70%. Xã hội khép kín của Bắc Triều Tiên khiến ngôn ngữ của họ đã thay đổi rất ít kể từ khi bán đảo bị chia cắt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, ngôn ngữ Hàn Quốc đã phát triển, đa dạng hơn nhiều do tiếp xúc với các nền văn hóa và công nghệ bên ngoài[73]. Trong khi người Hàn Quốc có xu hướng sử dụng ngày càng nhiều từ vay mượn của tiếng nước ngoài thì một số từ ngữ của người Triều Tiên lại mang tính nhạy cảm chính trị. Điều này khiến ngôn ngữ miền Bắc ít có từ mượn tiếng Anh hơn so với nước láng giềng[74].

Việc La tinh hoá chữ viết cũng có khác biệt. Triều Tiên tiếp tục sử dụng hệ Latin hoá tiếng Triều Tiên của McCune-Reischauer trong khi đó miền Nam dùng phiên bản đã sửa đổi.

Quan hệ đối ngoại

Tại Bình Nhưỡng, có 24 cơ quan sứ quán của các nước gồm: Brazil, Bulgaria, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Czech, Ai Cập, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Palestine, Phần Lan, Romania, Nga, Thụy Điển, Syria, Vương quốc Anh và Việt Nam.

Có hai sứ quán nằm cách biệt, đó là sứ quán Nga, nằm ở quận Chung-guyok, có diện tích lên đến 7ha, rộng nhất trong khối ngoại giao tại đây. Kế đến là sứ quán Trung Quốc, nằm ở quận Moranbong-guyok, rộng khoảng 5ha. Các cơ quan còn lại đều nằm ở quận Taedonggang-guyok. Sứ quán Việt Nam rộng 3 ha, rộng thứ ba trong khối ngoại giao. Khu vực ngoại giao đoàn có siêu thị, trường học, bệnh viện,... gần như dành riêng cho người nước ngoài, kể cả một cây xăng ở gần đó...

Tại Triều Tiên hiện có khoảng 700 người nước ngoài làm việc. Dù ít vậy nhưng Chính phủ Triều Tiên vẫn cấp cho người nước ngoài một mạng di động riêng với đầu số là 191250xxxx, có thể gọi ra nước ngoài nhưng không thể gọi vào số của người Triều Tiên, có thể dùng mạng 3G. Người trong n��ớc cũng được dùng điện thoại di động nhưng không được gọi ra nước ngoài, mà chỉ gọi được trong nước.[75]

Quan hệ với Hàn Quốc

Sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) trên danh nghĩa vẫn chưa có hòa bình, do chỉ mới ký kết hiệp định ngừng bắn. Cả hai nước đều tự tuyên bố là chính thể hợp pháp của toàn bộ bán đảo Triều Tiên và các đảo lân cận. Chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên luôn gây lo ngại cho Hàn Quốc và nhiều nước láng giềng. Khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu nhằm phá huỷ các cơ sở vũ khí hạt nhân nếu Triều Tiên tìm cách phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân thì Chính phủ Triều Tiên cũng đe doạ sẽ huỷ diệt Hàn Quốc:[76]

"Mọi thứ sẽ tan thành tro bụi chứ không chỉ là một biển lửa một khi chúng ta ra đòn phủ đầu."

Năm 2011, họ tiếp tục đe dọa vì các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc thả truyền đơn chống đối qua biên giới, cũng như việc báo giới Hàn Quốc đăng tin sức khỏe nhà lãnh đạo Kim Jong-il đang xấu đi:

"Những con rối Seoul cần nhớ rằng Triều Tiên có khả năng tấn công phủ đầu và hủy diệt mọi thứ, biến chúng thành tro bụi chứ không chỉ đẩy chúng vào biển lửa."

Lời đe dọa của Triều Tiên là có cơ sở khi phía Hàn Quốc từng tính toán rằng với số lượng pháo Koksan (tầm bắn 60 km với đạn tăng tầm) và pháo phản lực 240mm mà Triều Tiên có, trong một phút nước này có thể bắn 10.000 quả đạn xuống thành phố Seoul và vùng phụ cận.[77] Vì theo Bình Nhưỡng, khả năng tấn công phủ đầu của họ là "ngoài sức tưởng tượng và sức tàn phá còn mạnh hơn vũ khí nguyên tử".[78]

Triều Tiên nhiều lần gọi chính phủ Hàn Quốc là "bù nhìn", "con rối" của "Đế quốc Mỹ", và đe dọa rằng sẽ biến Seoul "thành tro bụi",[79][79] nhưng mặt khác họ vẫn nhận viện trợ của nước này, bao gồm thuốc men, chăn mền, mì gói, quần áo. Triều Tiên cũng yêu cầu miền Nam gửi bột mì,[80] gạo và xi măng, nhưng kể từ sau vụ pháo kích ở Yeonpyeong, Hàn Quốc không muốn viện trợ các mặt hàng đó do lo sợ Triều Tiên sẽ dùng để cung cấp cho quân đội thay vì cứu đói cho dân thường.[80][81] Tuy vậy, vẫn có những sự tốt đẹp nhất định. Khi Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung thực hiện Chính sách Ánh dương vào đầu những năm 2000, quan hệ đã có chút nồng ấm, và đặc biệt là khu công nghiệp chung Kaesong được thành lập năm 2003 là thành quả của chính sách Ánh dương đem lại.

Kim Jong-un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay trong Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều tháng 4 năm 2018.

Triều Tiên có chủ trương thống nhất bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán hòa bình. Phía Triều Tiên đã đề xuất phương án Liên bang Koryo (Cao Ly) nhưng phía Hàn Quốc không chấp nhận. Tuy nhiên, với sự nghị kỵ sâu sắc của các bên, biện pháp đe dọa vũ lực bằng các cuộc tập trận của liên quân Mỹ – Hàn và phát triển các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giữ vững lệnh ngừng bắn từ Chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn và đình chỉ giao hàng viện trợ trong khi chờ Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Năm 2009, Triều Tiên đã đáp trả bằng cách chấm dứt tất cả các thỏa thuận trước đó với miền Nam. Bình Nhưỡng đã triển khai thêm tên lửa đạn đạo và đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu đầy đủ sau khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đe dọa đánh chặn một phương tiện phóng không gian Unha-2. Vài năm sau đó chứng kiến một loạt các sự thù địch, bao gồm cả sự liên quan của Triều Tiên trong sự cố đắm tàu Cheonan của Hàn Quốc, dẫn đến kết thúc quan hệ ngoại giao thân thiện, và mối quan tâm quốc tế ngày càng tăng đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ngày 23 tháng 11 năm 2010, Triều Tiên và Hàn Quốc xảy ra xung đột quân sự với trận pháo kích Yeonpyeong làm chết 2 lính thủy, 16 lính khác và hơn 10 thường dân Hàn Quốc bị thương. Tuy nhiên, 2 bên đổ lỗi cho nhau là kẻ khiêu khích trước.[82][83][84][85]

Vào tháng 5 năm 2017, Moon Jae-in đã được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc với lời hứa sẽ quay trở lại Chính sách Ánh dương với miền Bắc. Vào tháng 2 năm 2018, các vận động viên của cả hai miền đã dùng chung cờ Thống nhất để diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2018 được tổ chức tại Hàn Quốc.[86] Đến tháng 4, lãnh đạo hai miền bán đảo Triều Tiên đã có cuộc gặp lịch sử tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều 2018 ở khu phi quân sự Triều Tiên để bàn về việc ký kết hiệp định hòa bình, giải trừ hạt nhân, kết thúc chiến tranh để tiến tới thống nhất bán đảo Triều Tiên, đi đến tuyên bố Bàn Môn Điếm.[87] Vào tháng 9, tại một cuộc gặp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, Moon và Kim đã đồng ý biến Bán đảo Triều Tiên thành một "vùng đất hòa bình không có vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa hạt nhân."

Quan hệ với Trung Quốc

Tiết mục kỷ niệm Quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên được tổ chức ở lễ hội Arirang ở Bình Nhưỡng.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn là nước có quan hệ thân thiết nhất với Triều Tiên. Trong Chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã gửi gần 1 triệu Chí nguyện quân sang giúp đỡ Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc còn là bạn hàng kinh tế, nhà đầu tư lớn của Triều Tiên. Trung Quốc cũng là thành viên của cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước vẫn có những thời điểm căng thẳng trong bối cảnh Bình Nhưỡng thử tên lửa, hạt nhân liên tục. Quan hệ Triều-Trung xuống đáy năm 2017 do Triều Tiên liên tục thử hạt nhân, tên lửa năm 2016 và 2017, gây ra những trận động đất khiến người dân sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc lo sợ. Các nhà khoa học Trung Quốc quan ngại về núi Mantap, bãi thử hạt nhân của Triều Tiên, sẽ sập do bị ảnh hưởng bởi các vụ thử hạt nhân. Trung Quốc do đó đã ủng hộ một số lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Liên Hợp Quốc áp đặt nhằm phản ứng với các vụ thử hạt nhân bừa bãi. Bước đi đó của Bắc Kinh khiến quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng. Do Trung Quốc ủng hộ trừng phạt Triều Tiên, báo chí nhà nước Triều Tiên đã công kích trực diện Trung Quốc ít nhất ba lần năm 2017.

Quan hệ hai nước chỉ bớt căng thẳng khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trong một cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018. Từ cuộc gặp đó tới nay, hai nhà lãnh đạo đã có thêm ba cuộc gặp thượng đỉnh nữa, đều diễn ra ở Trung Quốc, chủ yếu thảo luận cách hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời bàn về quan hệ song phương về ngoại giao và chiến lược. Mặc dù Trung Quốc vẫn ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Triều Tiên và thực hiện một số biện pháp như ngừng bán dầu, hạn chế hoạt động tài chính, nhưng quan hệ hai bên đã được xoa dịu sau các cuộc gặp thượng đỉnh.[88]

Quan hệ với Việt Nam

Việt Nam và Triều Tiên cùng theo Chủ nghĩa xã hội. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31 tháng 1 năm 1950, và được cho là có "mối quan hệ truyền thống tốt đẹp".[89] Tuy nhiên về kinh tế, từ năm 1996, Việt Nam và Triều Tiên hầu như không có giao dịch thương mại, cũng trong năm đó, Triều Tiên mua 2 vạn tấn gạo của Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán, cả gốc và lãi tính đến năm 2007 là 18,046 triệu USD. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nhiều lần hỗ trợ Triều Tiên hàng ngàn tấn gạo.[90] Trong những năm 1960–1970, Triều Tiên đã giúp đào tạo hàng trăm sinh viên Việt Nam. Khu tập thể Kim Liên (khu tập thể xã hội chủ nghĩa đầu tiên) tại Đống Đa, Hà Nội đã được kỹ sư Triều Tiên giúp thiết kế, giám sát xây dựng hoàn thành vào 1963. Hằng năm, Bộ Văn hóa của Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng.[90] Triều Tiên cũng từng gửi 200 phi công sang giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống lại máy bay Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam,[91] trong đó có một số đã tham gia bảo vệ Hà Nội[92] ít nhất 14 người đã hi sinh vào các năm 1966, 1967.[93]

Đến cuối thập niên 1970 thì quan hệ 2 nước xấu đi do Triều Tiên ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề xung đột với Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, "Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, chính Triều Tiên ủng hộ Pol Pot chống lại Việt Nam". Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng nhắc lại việc cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã từng ủng hộ Pol Pot chống Việt Nam và gọi đó là thời kỳ phai nhạt quan hệ giữa hai nước sau khi Việt Nam thống nhất.[94] Từ năm 1988, quan hệ 2 nước nồng ấm trở lại với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao từ hai phía, cũng như việc trao đổi buôn bán (Việt Nam đã mua một số loại vũ khí từ Triều Tiên như tên lửa đạn đạo Scud, tàu ngầm lớp Yugo,...). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã sang thăm hữu nghị Triều Tiên vào tháng 10 năm 2007, và Đảng Lao động Triều Tiên được Chính phủ Việt Nam cho là đã "giành được nhiều thành tựu to lớn".

Nhìn chung, chính phủ Việt Nam không có nhiều hoạt động ngoại giao với Triều Tiên, ít hơn nhiều so với Hàn Quốc. Mãi đến tháng 3 năm 2019, sau khi hoàn tất cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội, đương kim lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un mới có chuyến thăm hữu nghị chính thức tại Việt Nam trong hai ngày theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên tới thăm chính thức Việt Nam sau 61 năm, kể từ chuyến thăm của Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un năm 1958.[95]

Các chuyến thăm phía Việt Nam

  • Ngày 8–12 tháng 7 năm 1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị chính thức.
  • Tháng 6 năm 1961: Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm hữu nghị chính thức.
  • Ngày 9 tháng 9 năm 1988: Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công dự Quốc khánh Triều Tiên và trao Huân chương Sao vàng cho Chủ tịch Kim Nhật Thành.
  • Tháng 5 năm 1997: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, ký lại Thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.
  • Tháng 8 năm 2000: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
  • Tháng 5 năm 2002: Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
  • Tháng 12 năm 2003: Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Tráng A Pao.
  • Tháng 7 năm 2006: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nguyễn Văn Son.
  • Tháng 4 năm 2007: Đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân thăm Triều Tiên, làm việc với Báo Lao động Triều Tiên.
  • Tháng 9 năm 2007: Đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm Triều Tiên.
  • Từ 16–18 tháng 10 năm 2007: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên.
  • Từ 6–9 tháng 10 năm 2008: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh và đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an thăm Triều Tiên
  • Từ 12 - 14/2/2019: Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức.

Các chuyến thăm phía Triều Tiên

  • Ngày 27 tháng 11–3 tháng 12 năm 1958: Thủ tướng Kim Nhật Thành thăm chính thức Việt Nam.
  • Tháng 1 năm 1992: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kim Yong Nam.
  • Tháng 4 năm 1996: Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế đối ngoại Ly Sơng Te.
  • Tháng 4 năm 1997: Phó Thủ tướng Công Chin The.
  • Tháng 3 năm 2000: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Pec Nam Sun.
  • Tháng 4 năm 2001: Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Chuê The Bôc dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam.
  • Tháng 7 năm 2001: Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam.
  • Tháng 10 năm 2007: Thủ tướng nội các Triều Tiên Kim Yong-il.
  • 25–27 tháng 6 năm 2008: Bộ trưởng Bộ Bảo vệ an ninh nhân dân Chu Sang Sâng.
  • 26–28 tháng 7 năm 2008: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pac Ưi Chun.
  • 1 tháng 3 năm 2019: Lãnh đạo tối cao của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đương kim Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ, Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Chính Ân thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam.

Quan hệ với Nga

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, 25 tháng 4 năm 2019

Khi còn mang tên Liên Xô, cả hai nước đã thiết lập một mối quan hệ thân thiết chưa từng có khi Kim Nhật Thành được Iosif Stalin ủng hộ làm lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng kể từ lúc Mikhail Gorbachyov lên nắm quyền năm 1985, quan hệ đã trở nên xấu đi trầm trọng, đặc biệt là khi Triều Tiên gọi những cải cách Gorbachyov thực hiện là "ngu dốt và tệ hại". Quan hệ càng trở nên căng thẳng khi Liên Xô sụp đổ và Liên bang Nga được thành lập, đặc biệt hơn là khi Boris Yeltsin lên làm Tổng thống Nga từ năm 1992-1999 đã có những phát ngôn chỉ trích Nhà nước Triều Tiên. Quan hệ chỉ trở lại nồng ấm vào năm 2000, khi Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga, nhưng quan hệ vẫn không tiến được xa vì Putin ít quan tâm tới Triều Tiên. Khi Kim Chính Ân cầm quyền sau cái chết của Kim Chính Nhật vào cuối năm 2011 và xúc tiến chương trình vũ khí hạt nhân, Nga đã ủng hộ trừng phạt Triều Tiên, nên khiến quan hệ giữa hai nước này trở nên xấu đi so với thái độ hòa nhã bên ngoài.

Tuy nhiên, Nga và Triều Tiên đã mở lại tuyến đường sắt từ Baikal tới Rason, chủ yếu để cung cấp than đá cho quốc gia này. Triều Tiên đã ca ngợi mối quan hệ với Nga, song phía Nga không có thái độ cụ thể về việc này.

Quan hệ với Hoa Kỳ

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong Hội nghị thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hoa Kỳ 2018 ở Singapore, tháng 6 năm 2018

Quan hệ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ nói chung là rất xấu, và chưa có quan hệ ngoại giao chính thức, ngoại trừ kênh New York. Triều Tiên luôn coi Hoa Kỳ là cái nôi của "chủ nghĩa tồi tệ nhất thế giới" và gọi Hoa Kỳ là "phi dân chủ" trong khi Hoa Kỳ cáo buộc Triều Tiên là nơi "đáng sợ nhất thế giới" và coi Triều Tiên là "địa ngục trần gian", song có thời gian Triều Tiên đã nhận viện trợ lương thực từ Hoa Kỳ. Sau vụ phóng tên lửa Unha-3 năm 2012, Hoa Kỳ đã cắt viện trợ lương thực cho Triều Tiên và cáo buộc nước này "vi phạm luật pháp quốc tế" về thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Reuters dẫn tin của Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) vào ngày 16 tháng 1 năm 2016, Triều Tiên đã kêu gọi ký kết một thỏa thuận hòa bình với Mỹ, cùng với đó là việc Washington ngừng các hoạt động tập trận với Hàn Quốc, coi đây là những điều kiện để Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử hạt nhân.[96]

Năm 2004, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã xếp Triều Tiên cùng với Iran vào "trục ma quỷ" do Triều Tiên đã giấu giếm việc thử nghiệm bom hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là Kim Chính Nhật lấy lý do là sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Sau vụ phóng vệ tinh 2 lần vào năm 2012 mà Hoa Kỳ và phương Tây cáo buộc là thử nghiệm tên lửa đạn đạo, quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn khi Hoa Kỳ cùng Liên Hợp Quốc tăng trừng phạt nước này. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cáo buộc Liên Hợp Quốc là "con rối" do Hoa Kỳ cầm đầu, và sau đó, khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ tiến hành tập trận chung vào năm 2013, Triều Tiên đã di chuyển các tên lửa tầm trung Musudan tới các căn cứ quân sự ở Đông Nam Triều Tiên, gây lo ngại cho quốc tế về nguy cơ Chiến tranh Triều Tiên tái diễn.

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, từ năm 1995-2008, nước này đã gửi 1,3 tỷ viện trợ không điều kiện cho Triều Tiên. Khoảng 60% số viện trợ này là lương thực-thực phẩm, phần còn lại là viện trợ nhiên liệu.[97]

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký kết một tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên – Hoa Kỳ có nội dung Hoa Kỳ và Triều Tiên sẽ cùng nhau nỗ lực thiết lập các quan hệ Mỹ – Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước về hòa bình và thịnh vượng; Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng nhau nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và dài lâu trên bán đảo Triều Tiên; Triều Tiên cam kết sẽ xúc tiến việc hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; Mỹ và Triều Tiên cam kết sẽ tìm kiếm hài cốt của các tù nhân chiến tranh, bao gồm cả việc hồi hương ngay lập tức những trường hợp đã nhận diện được.[98] Họ gặp nhau một lần nữa tại Hà Nội từ ngày 27 đến 28 tháng 2 năm 2019, nhưng không đạt được thỏa thuận. Vào ngày 30 tháng 6 năm 2019, Trump đã gặp Kim cùng với Moon Jae-in tại khu phi quân sự Triều Tiên.

Quan hệ với Nhật Bản

Nhật Bản, cùng với Hàn Quốc và Hoa Kỳ là một trong số ít các quốc gia không có quan hệ đối ngoại hoặc hiện đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, như một di sản của sự thù hận, chống chủ nghĩa cộng sản tồn tại trong mối quan hệ của Nhật Bản với Triều Tiên. Tất cả xuất phát từ việc cai trị của phát xít Nhật tại Triều Tiên trong giai đoạn 1910–1945, cũng như ký ức về Chiến tranh Triều Tiên. Hiện nay, Triều Tiên không được Nhật Bản công nhận và họ cũng không có quan hệ ngoại giao. Thông qua đàm phán song phương và các cuộc đàm phán sáu bên, Triều Tiên và Nhật Bản tiếp tục thảo luận về các vấn đề xung quanh số phận của các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Viện trợ nhân đạo

Để đối phó với nạn đói ở Triều Tiên vào giữa những năm 1990, Nga đã viện trợ nhân đạo hai lần vào năm 1997: lương thực và thuốc trị giá 4,5 tỷ rúp cũ v��o mùa thu và 370 tấn đường, thịt hộp, cá và sữa trị giá 3,5 tỷ rúp vào tháng 12[99] Vào năm 2011, Nga đã cung cấp cho Triều Tiên 50.000 tấn ngũ cốc cũng như bột mì, trị giá 5 triệu đôla trong Chương trình Lương thực Thế giới. Ngoài ra, 10.000 tấn ngũ cốc đã được Gazprom gửi đến Bắc Triều Tiên.[100]

Trung Quốc là một trong các nước có viện trợ chính cho Triều Tiên. Trung Quốc thường viện trợ gạo và phân bón miễn phí cho Triều Tiên. Trung Quốc đã viện trợ một lượng lớn phân u rê cho Triều Tiên, tương đương với tổng lượng phân u rê mà miền Bắc đã nhập khẩu trong năm 2016. Trước đó, vào năm 2013, Bắc Kinh cũng từng viện trợ 200.000 tấn phân u-rê[101] Trong năm 2018, Trung Quốc viện trợ 56 triệu USD hàng hóa, và trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã viện trợ 35,14 triệu USD hàng hóa cho Triều Tiên, chưa kể giá trị viện trợ về xăng dầu và gạo[102] Một báo cáo trước Quốc hội Hoa Kỳ năm 2014 cho biết Trung Quốc hiện được cho là nguồn viện trợ lương thực lớn nhất của Triều Tiên, dù không có hệ thống giám sát nào được biết đến.[103]

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy, kể từ năm 1995 tới năm 2018, nước này đã gửi hơn 1 tỷ USD viện trợ không điều kiện cho Bắc Triều Tiên. Khoảng 60% số viện trợ này là lương thực-thực phẩm, phần còn lại là viện trợ nhiên liệu.[104] Thống kê cũng cho thấy Mỹ đã cung cấp hơn một nửa số lương thực viện trợ nước ngoài cho Triều Tiên kể từ năm 1995 đến năm 2008. Sau đó, viện trợ của Mỹ được chuyển một cách rời rạc, rồi bị chấm dứt bởi các vụ thử hạt nhân và kế hoạch phóng tên lửa của Triều Tiên.[103]

Hàn Quốc là nước viện trợ nhân đạo nhiều nhất cho Triều Tiên. Riêng Hàn Quốc đã chính thức viện trợ cho Triều Tiên 7 tỷ USD trong thời gian từ 1998-2007, dưới dạng tiền mặt, thực phẩm, phân bón, thuốc men,...[97] Đỉnh điểm là vào năm 2007, Hàn Quốc đã cung cấp khoản viện trợ nhân đạo khổng lồ lên tới 439.7 tỉ won (hơn 350 triệu USD) cho Triều Tiên.[105] Tuy vậy viện trợ đã giảm hẳn từ 2008 đến nay do căng thẳng gia tăng trong quan hệ hai nước. Hệ quả là tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Triều Tiên đã tằng mạnh từ 32% năm 2006[106] lên 42% năm 2010[107], theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

Năm 2007, một trận lũ nghiêm trọng xảy ra ở Triều Tiên làm 600 người chết, Hàn Quốc đã cung cấp khoản tiền viện trợ 39,8 triệu USD để giúp đỡ Triều Tiên khắc phục hậu quả thiên tai. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il phát biểu cảm ơn 11 quốc gia đã viện trợ cho Triều Tiên, song lại không hề nhắc tới Hàn Quốc.[108]

Năm 2017, bất chấp tình trạng căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa hai miền, Hàn Quốc vẫn thông qua kế hoạch viện trợ nhân đạo 8 triệu USD cho Triều Tiên.[109] Hàn Quốc là nước viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên trong năm 2019 với tổng số tiền viện trợ 9 triệu USD.[110] Liên Hợp Quốc cho biết vào tháng 2 năm 2019, Triều Tiên đã phải lên tiếng về tình trạng thiếu lương thực, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ của quốc tế.[111] Đáp lại, Hàn Quốc đã phê duyệt kế hoạch viện trợ cho Triều Tiên 8 triệu USD do lo ngại về tình trạng thiếu lương thực đang ngày càng tồi tệ tại nước này.[112]

Kinh tế

Xe hơi nhãn hiệu Pyeonghwa Pronto do Triều Tiên chế tạo

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, kinh tế Triều Tiên bắt đầu rơi vào khó khăn, tăng trưởng chững lại cho đến nay.

Kinh tế Triều Tiên là kinh tế công nghiệp gần như tự cung tự cấp do bị cấm vận với một nền kinh tế gần như hoàn toàn thuộc về chính phủ và phát triển theo kế hoạch nhà nước. Uỷ ban Kế hoạch Trung ương chuẩn bị, giám sát và thực hiện các kế hoạch kinh tế, trong khi một Văn phòng Tổng Công nghiệp tỉnh trong các khu vực chịu trách nhiệm về việc quản lý các cơ sở sản xuất địa phương, sản xuất, phân bổ nguồn lực và bán hàng.[113]

Triều Tiên thi hành chính sách kinh tế "Songun", nghĩa đen là "quân sự trước tiên". Để tăng cường khả năng quốc phòng, ban lãnh đạo Triều Tiên tập trung nguồn lực quan trọng cho các mục đích quân sự. Theo đó, hơn 1/4 ngân sách nhà nước được chi cho quân đội. Điều này được thực hiện bất chấp thực tế phức tạp của thập niên 1990, khi nạn đói đã giết chết hàng chục, có thể, hàng trăm ngàn người dân thường.

Với việc Triều Tiên bị cấm vận và ra chính sách cô lập có nghĩa là việc giao dịch thương mại quốc tế cực kỳ hạn chế. Triều Tiên từng thông qua một đạo luật vào năm 1984 cho phép đầu tư nước ngoài thông qua các liên doanh[114] nhưng không thu hút được đầu tư đáng kể. Năm 1991 Khu kinh tế đặc biệt Rajin-Sonbong được thành lập để thu hút đầu tư nước ngoài từ Nga và Trung Quốc[115]. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã xây dựng con một con đường từ Rason đến Trung Quốc[116] và Nga đã xây dựng các tuyến đường sắt nối vào tuyến đường sắt xuyên Siberi.

Đến năm 1998 Liên Hợp Quốc đã ra báo cáo về HDI và GDP bình quân đầu người của Triều Tiên, các số liệu cho thấy Triều Tiên đứng ở mức trung bình của chỉ số phát triển con người với 0,766 (xếp hạng 75/180 nước) và GDP bình quân đầu người là $4.058[117]. Lương trung bình cho một người là $47 một tháng[118]. Mặc dù gặp các vấn đề lớn về kinh tế, chất lượng cuộc sống đang được cải thiện và mức lương tăng lên đều đặn[119]. Từ năm 2002, chính phủ Triều Tiên đã bắt đầu cho phép một số chợ được hoạt động[120], nhưng có thông tin cho rằng có nhiều ràng buộc như phụ nữ dưới 49 tuổi không được phép buôn bán.[121] Một số hàng hóa cũng được liệt vào quốc cấm (như phim Hàn Quốc).[122] Thị trường tư nhân quy mô nhỏ, được gọi là "jangmadang" bắt đầu hình thành trên cả nước để nhập khẩu thực phẩm và các hàng hóa khác nhau, từ mỹ phẩm đến xe máy cung cấp cho dân với để đổi lấy tiền[123][124]. Trong năm 2009, chính phủ thực hiện một cuộc đổi tiền lớn để hạn chế hoạt động của chợ đen trên khắp đất nước, nhưng thất bại, gây ra lạm phát tỷ lệ tăng vọt và cuối cùng dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh cấm thị trường tự do[125]. Triều Tiên thay đổi tiền mới bằng cách gạch bỏ 2 số "0" ở tờ tiền cũ (1000 won trở thành 10 won). Người ta cho rằng việc đổi tiền này nhằm làm lộ ra lượng tài sản mà mỗi công dân có.[126]

Khẩu phần thực phẩm, nhà ở, y tế và giáo dục được cung cấp miễn phí từ nhà nước[127] và việc nộp thuế thu nhập đã bị bãi bỏ từ ngày 01 tháng 4 năm 1974.[128] Để tăng năng suất nông nghiệp và công nghiệp, kể từ những năm 1960 chính phủ Triều Tiên đã thử áp dụng một số hệ thống quản lý như hệ thống làm việc Taean.[129] Hiện tại tăng trưởng GDP của Triền Tiên chậm nhưng ổn định. Mặc dù trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng đã dần dần tăng tốc lên với 3,7% trong năm 2008 tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ, phần lớn là do một sự tăng trưởng mạnh 8,2% trong lĩnh vực nông nghiệp.[130]

Tăng trưởng GDP hàng năm[131]
2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 2009
1.3% 3.7% 1.2% 1.8% 2.2% 1.0% 1.6% 1.8% 3.7% 3.7%

Dựa trên các ước tính vào năm 2002, ngành chiếm ưu thế trong nền kinh tế Triều Tiên là ngành công nghiệp (43,1%) theo sau bởi các ngành dịch vụ (33,6%) và nông nghiệp (23,3%). Năm 2004, người ta ước tính rằng nông nghiệp sử dụng 37% lực lượng lao động trong khi ngành công nghiệp và dịch vụ sử dụng 63% còn lại.[10]

Máy tính bảng do Triều Tiên tự chế tạo

Ngành công nghiệp chính bao gồm các sản phẩm quân sự, chế tạo máy, điện, hóa chất, khai thác mỏ, luyện kim, dệt may, chế biến thực phẩm và du lịch. Khai thác và chế biến quặng sắt cùng than là lĩnh vực mà Triều Tiên thực hiện tốt hơn so với Hàn Quốc – Triều Tiên khai thác và sản xuất với sản lượng lớn hơn 10 lần cho mỗi loại hàng hóa[132]. Từ năm 1999, Triều Tiên đã xác định những ngành kinh tế mũi nhọn cần phải tập trung thúc đẩy xây dựng là điện lực, khai thác than, công nghiệp luyện kim, vận tải đường sắt và chế tạo cơ khí, cố gắng giải quyết ba vấn đề lớn là tăng cường sản xuất điện, sản xuất công nghiệp ở trình độ cao và nâng cao mức sống của nhân dân. Triều Tiên xác định phải nhanh chóng nâng cao trình độ hiện đại hóa khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản lý trong lĩnh vực này, tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, có chiến lược đào tạo phát triển lực lượng này. Trước mắt là phát triển ngành sản xuất điện tử, sinh học, xây dựng các nhà máy tự động hóa và công nghiệp chế tạo máy vi tính. Lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi các ngành tích cực áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất, đặc biệt công nghệ thông tin hiện đại trong các dây chuyền sản xuất khắp cả nước, được gọi là "Công nghệ cao hóa"[133].

Về nông nghiệp, năm 2005, FAO đã xếp Triều Tiên đứng hạng 10 trong sản lượng thu hoạch trái cây tươi[134] và đứng thứ 19 về sản lượng táo[135]. Triều Tiên đứng thứ 18 trong các nước sản xuất sắt và kẽm nhiều nhất sau, hạng 22 về than. Ngoài ra Triều Tiên còn đứng hạng 15 về sản xuất fluorit, 12 về đồng và muối tại châu Á. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn khác trong sản xuất bao gồm chì, wolfram, than chì, magiê, vàng, pyrit, fluorit và thủy điện.[10]

Cơ sở hạ tầng

Bức ảnh vệ tinh của bán đảo Triều Tiên về đêm, cho thấy lãnh thổ Bắc Triều Tiên gần như chìm trong bóng tối, với chỉ một điểm sáng nhỏ là ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Cơ sở hạ tầng năng lượng của Bắc Triều Tiên đã lỗi thời và trong tình trạng hư hỏng. Tình trạng thiếu điện là thường xuyên và sẽ không được giảm bớt ngay cả khi nhập khẩu điện vì lưới điện được bảo trì kém gây ra tổn thất đáng kể trong quá trình truyền tải. Than chiếm 70% sản lượng năng lượng sơ cấp, tiếp theo là thủy điện với 17%. Chính phủ dưới thời Kim Jong-un đã tăng cường nhấn mạnh vào các dự án năng lượng tái tạo như trang trại gió, công viên năng lượng mặt trời, sưởi ấm mặt trời và sinh khối. Một bộ các quy định pháp lý được thông qua vào năm 2014 đã nhấn mạnh sự phát triển của năng lượng địa nhiệt, gió và mặt trời cùng với tái chế và bảo tồn môi trường. Mục tiêu dài hạn của Triều Tiên là hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đạt sản lượng 5 triệu kilowatt từ các nguồn tái tạo vào năm 2044, so với tổng số 430.000 kilowatt hiện tại từ tất cả các nguồn. Năng lượng gió được dự kiến ​​sẽ đáp ứng 15% tổng nhu cầu năng lượng của đất nước theo chiến lược này. Theo số liệu của cơ quan năng lượng quốc tế vào năm 2015, thủy điện chiếm 73% tổng sản lượng điện do Triều Tiên sản xuất. Tiêu thụ điện bình quân trên đầu người ước đạt 0.46 MWh, chỉ bằng 1/20 so với Hàn Quốc. Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng chỉ có 30% người Triều Tiên được sử dụng điện[136].

Tàu điện ngầm Bình Nhưỡng có chức năng tránh bom
Tupolev Tu-204 của hãng Air Koryo ở sân bay quốc tế Vladivostok

Cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và đường hàng không, nhưng vận tải đường sắt là phổ biến nhất. Triều Tiên có khoảng 5.200 km đường sắt chủ yếu theo khổ tiêu chuẩn, chiếm 80% lưu lượng hành khách hàng năm và 86% vận chuyển hàng hóa, nhưng tình trạng thiếu điện làm giảm hiệu quả của chúng. Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Kaesong, Bình Nhưỡng và Sinuiju với tốc độ vượt quá 200 km/h đã được phê duyệt vào năm 2013. Bắc Triều Tiên kết nối với tuyến đường sắt xuyên Sibir qua Rajin.

Giao thông đường bộ rất hạn chế, chỉ có 724 km trong mạng lưới đường 25,554 km được trải nhựa, và việc bảo trì trên hầu hết các tuyến đường đều kém.. Đến năm 2015, vẫn chỉ có 6% tuyến đường bộ tại Triều Tiên được trải nhựa, trong khi tỷ lệ này của Hàn Quốc là 91% [137]. Các tuyến đường bộ cũng rất ít xe cộ qua lại. Trên đường cao tốc nối liền Bình Nhưỡng và thành phố biên giới Kaesong, người dân có thể thoải mái đi bộ giữa đường vì xe cộ vắng vẻ. Đường cao tốc rộng nhưng vắng đến mức một ô tô có thể có tới 10 làn để đi[138].

Chỉ có 2% năng lực vận chuyển hàng hóa được hỗ trợ bởi vận tải đường sông và đường biển, và giao thông hàng không là không đáng kể. Tất cả các cảng đều không bị đóng băng vào mùa đông và có một đội tàu gồm 158 tàu. Tám mươi hai sân bay và 23 sân bay trực thăng đang hoạt động và chủ yếu phục vụ hãng hàng không quốc gia Air Koryo. Ô tô là tương đối hiếm do quyền sở hữu ô tô bị hạn chế nghiêm ngặt ở Triều Tiên, chỉ ưu tiên người trong quân đội, ngành công nghiệp xây dựng và trung thành nhất với chính phủ. Xe đạp là phương tiện cá nhân phổ biến nhất ở Triều Tiên.

Dù không được đánh giá cao về cơ sở hạ tầng, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên có hệ thống tàu điện ngầm đã được xây dựng vào năm 1966 dưới thời Kim Nhật Thành, hiện có 2 tuyến tàu và 16 trạm đang hoạt động[138]. Đây là một trong những hệ thống tàu điện ngầm sâu nhất thế giới với độ sâu tối đa là 200 m dưới lòng đất, độ sâu trung bình cũng lên tới 100 m, ở một số đoạn đường núi sâu 150 m. Bên cạnh mục đích đi lại, nơi đây có thể trở thành hầm trú bom trong trường hợp khẩn cấp. Chính phủ đang tiến hành mở rộng hệ thống tàu điện ngầm. Ít nhất ba nhà ga mới đã được hoàn tất vào năm 2018, một trong số đó nằm ở phía tây Cung Thiếu nhi ở nam Bình Nhưỡng.

Xã hội

Giáo dục

Cung Thiếu nhi Mangyondae tại Bình Nhưỡng

Giáo dục tại Triều Tiên là miễn phí bắt buộc cho đến trung học[139], các trường trước đầu những năm 1990 có phát đồng phục miễn phí cho học sinh[140]. Cách giáo dục áp dụng khả năng nghiệm suy để học sinh tích cực trong việc phát triển tính độc lập và sáng tạo của mình[141]. Giáo dục bắt buộc kéo dài mười một năm, bao gồm một năm mẫu giáo, bốn năm giáo dục tiểu học và sáu năm giáo dục trung học[142]. Khoảng năm 2012, Triều Tiên cải cách giáo dục sang chế độ 12 năm, bao gồm: một năm mẫu giáo, năm năm giáo dục tiểu học, ba năm giáo dục trung học cơ sở và ba năm giáo dục trung học phổ thông. Khai giảng năm học mới vào ngày 1 tháng 4 hàng năm, do đó các năm học cũ phải kết thúc trước tháng 3.[143]

Một nhà trẻ ở Wonsan

Hơn 8 phần trăm của chương trình học là về "Chủ tịch Vĩ đại Kim Nhật Thành" và "Đạo đức Cộng sản". Ở trung học, các môn học "Chủ tịch Vĩ đại Kim Nhật Thành", "Đạo đức Cộng sản", và "Cương lĩnh Đảng Cộng sản" chỉ chiếm 5,8 phần trăm. Những bài học môn Tiếng Triều Tiên có những đầu đề như "Kim Chính Nhật đang xem ảnh", học sinh mẫu giáo được học các bài "Tuổi thơ của nguyên soái Kim".

Cao học không bắt buộc tại Triều Tiên. Nó chia thành hai hệ thống: học tập giáo dục đại học và học giáo dục đại học để tiếp tục học cao hơn. Học tập giáo dục đại học bao gồm ba loại trường đại học, trung học chuyên nghiệp, và trường kỹ thuật. Tốt nghiệp thạc sĩ và nghiên cứu cấp tiến sĩ thuộc về trường đại học, hai trường đại học đáng chú ý Triều Tiên là Đại học Kim Il-sung và Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng cả hai đều ở Bình Nhưỡng[144].

Một lớp học ở Chongsan

Trường Đại học Kim Nhật Thành gồm nhiều khoa như: kinh tế, lịch sử, triết học, luật, tiếng nước ngoài, văn học, địa lý, vật lý, toán, hóa, năng lượng hạt nhân, sinh học, và khoa học máy tính.[145][146] Để bắt kịp thời đại thông tin, sinh viên đại học nào có tài về máy tính sẽ được miễn nhiều môn như lý, hóa, sinh, trừ môn học chính và môn "Lịch sử cách mạng của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật". Thư viện trung ương của Triều Tiên có đến 20 phòng đọc, 14 phòng học và 3 triệu đầu sách.[147]

Bởi vì sự nhấn mạnh vào việc giáo dục liên tục cho tất cả các thành viên của xã hội nên việc giáo dục học tập khi trưởng thành hoặc làm việc nghiên cứu luôn được hỗ trợ tích cực. Trên thực tế, tất cả mọi người trong nước tham gia trong một số hoạt động giáo dục, thường là dưới hình thức "nhóm nghiên cứu nhỏ". Đầu những năm 1990, người dân ở các vùng nông thôn đã được tổ chức vào "gia đình năm người", những nhóm này có chức năng giáo dục và giám sát. Nhân viên văn phòng và nhà máy có hai giờ để "học thêm" sau khi làm việc mỗi ngày về các chủ đề chính trị và kỹ thuật. Các "nhà máy của kiến thức" được mở cho các công nhân học thêm các kỹ năng mới mà không cần phải nghỉ việc. Học sinh làm việc bán thời gian, nghiên cứu vào buổi tối, hoặc có những khóa học ngắn hạn chuyên sâu, có thể nghỉ làm việc trong một tháng hoặc lâu hơn. Các "nông trang của kiến thức" cũng được mở nơi lao động nông thôn có thể học để trở thành kỹ sư và trợ lý kỹ sư. Đối với công nhân và nông dân không nhận được giáo dục phổ thông thì có "trường học cho người lao động" và "trường dạy nghề cấp cao người lao động", mặc dù đến cuối những năm 1990 những nhóm này không còn quan trọng nhưng vẫn tồn tại.[145]

Xã hội Triều Tiên nhìn chung là xã hội học tập và thăng tiến chủ yếu dựa trên tài năng và mức độ cống hiến. Khu chung cư cao cấp ở trung tâm Bình Nhưỡng được phân miễn phí cho các giáo sư Đại học Kim Nhật Thành, các vận động viên đạt thành tích cao, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, người lao động đạt thành tích xuất sắc... Tại Thư viện Kim Nhật Thành trong tòa nhà 11 tầng vào một ngày có khoảng 5-7000 sinh viên, cán bộ đến học tập, nghiên cứu. Tại trường chuyên phổ thông có đầy đủ tiện nghi của một trường tiên tiến với các giảng đường hiện đại và khu thể thao phức hợp dành cho học sinh xuất sắc để đào tạo các em trở thành những kỹ sư, nhà nghiên cứu chất lượng.

Triều Tiên có tỷ lệ dân số biết chữ trung bình là trên 99%[10]. Dù kinh tế còn khó khăn nhưng Triều Tiên có rất nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, họ có thể tự chế tạo từ điện thoại di động, máy tính bảng cho tới máy bay không người lái, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa đạn đạo tầm xa, tự phóng vệ tinh lên vũ trụ... và thử thành công bom nguyên tử.

Y tế

Bên trong bệnh viện tại Bình Nhưỡng
Phòng khám nha khoa ở Bình Nhưỡng

Mặc dù bị cấm vận, Triều Tiên có một dịch vụ y tế quốc gia và hệ thống bảo hiểm y tế khá tốt[148] bên cạnh những mặt hạn chế như thiếu thuốc men (bệnh viện có rất ít thuốc tây mà chủ yếu là đông dược), thiết bị y tế cũ kỹ, không có máy móc hiện đại và trình độ tay nghề bác sĩ không cao, không được tiếp cận với kỹ thuật y học hiện đại của thế giới.[149]

Triều Tiên dành 3% tổng sản phẩm quốc nội về chăm sóc sức khỏe. Bắt đầu từ những năm 1950, Triều Tiên nhấn mạnh về chăm sóc y tế, và giữa năm 1955 và 1986, số lượng bệnh viện đã tăng từ 285 đến 2.401 và số lượng phòng khám từ 1.020 lên 5.644[150]. Có các bệnh viện riêng cho các nhà máy và các mỏ. Từ năm 1953, Triều Tiên đã bắt đầu thi hành chính sách y tế miễn phí cho cán bộ công nhân viên và đến khoảng năm 1960, hệ thống y tế hoàn toàn miễn phí đối với mọi người dân.[149] Kể từ năm 1979, y học truyền thống được nhấn mạnh nhấn mạnh và đưa vào việc chữa trị nhiều hơn.

Thập niên 1960, Triều Tiên thành lập một đội quân bác sĩ gia đình, mỗi người phụ trách khám chữa một cụm dân cư đồng thời đẩy mạnh tiêm chủng và lối sống lành mạnh. Nhưng đến thập niên 1990, y tế Triều Tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế trì trệ cùng lệnh cấm vận và cô lập từ phương Tây.[151]

Hệ thống y tế của Triều Tiên đã bị suy giảm mạnh kể từ những năm 1990 do thiên tai, các vấn đề kinh tế, tình trạng thiếu lương thực và năng lượng. Nhiều bệnh viện và phòng khám ở Triều Tiên hiện nay không có thuốc thiết yếu, thiết bị, nước sinh hoạt và điện.[152]

Các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, sốt rét và viêm gan B được coi là bệnh đặc hữu.[153] Tuổi thọ trung bình của người dân là 69,2 tuổi đứng hạng 151/221 trên thế giới năm 2009.[154]

Theo hội Chữ thập đỏ thì họ đang cố gắng viện trợ các thiết bị y tế cho 1.700 bệnh viện và phòng khám của Triều Tiên với 300.000 nhân viên tình nguyện và 510 trạm khám bệnh lưu động, than đá cũng được đưa đến để giúp cho các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả trong những tháng mùa đông lạnh nhất.[155]

Tại Bình Nhưỡng, có hẳn một bệnh viện dành cho người nước ngoài nằm ở quận Taedonggang-guyok (Đại Đồng Giang), nơi tập trung hầu hết đại sứ quán các nước. Bệnh viện không lớn, khá cũ kỹ nhưng sạch sẽ, đầy đủ thiết bị với dãy nhà hai tầng làm nơi khám bệnh và dãy ba tầng nội trú kế bên. Tất cả người nước ngoài đều buộc phải khám chữa bệnh ở bệnh viện này chứ không được phép vào bất cứ bệnh viện nào khác tại Bình Nhưỡng. Trước đây, bệnh viện này cũng miễn phí cho người nước ngoài. Những năm gần đây, chỉ tiền khám được miễn phí, còn tiền thuốc bệnh nhân phải chịu.[149]

Có nhiều thông tin trái ngược về tính hiệu quả của hệ thống y tế Triều Tiên. Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Triều Tiên hiện nay đã thất bại trong việc đem đến cho người dân những nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất, mỗi người dân chỉ được chi dưới 1 USD mỗi năm cho việc chăm sóc sức khỏe.[156] Cũng theo tổ chức này, các cuộc giải phẫu lớn tại Triều Tiên được diễn ra mà không có thuốc gây mê,[156] chăn mền trong các bệnh viện không được giặt giũ thường xuyên, kim tiêm không được tiệt trùng, và người dân Triều Tiên sử dụng thuốc giảm đau như là thuốc chữa bách bệnh[156], và tỷ lệ cao người Triều Tiên bị suy dinh dưỡng.[156] Tờ Huffington Post (Mỹ) thì đăng bài báo cho rằng các y bác sỹ ngoại quốc tình nguyện đến Triều Tiên đã mô tả hệ thống y tế tại đây đang bị xuống cấp. Các lon bia được dùng làm bình đựng nước biển hay truyền dịch và bệnh nhân bị gãy tay chân chỉ được nẹp với những cái que thay vì được bó bột. Giải phẫu cắt chi thì không có thuốc gây mê và kim khâu vết thương cũ được tái sử dụng nhiều lần. Các bác sĩ tình nguyện nước ngoài còn thuật lại rằng họ đã từng chứng kiến cảnh một ông chồng Triều Tiên cầm nến soi cho một bác sĩ cắt bỏ bào thai trong bụng một thai phụ đang bị xuất huyết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đánh giá nguồn ngân sách Bình Nhưỡng chi cho y tế thuộc hàng thấp nhất thế giới, chưa đến 1 USD/người, theo báo cáo của WHO hồi năm 2006[157]. Thống kê của CIA (Mỹ) cho rằng tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong của Triều Tiên là 24,5 trên 1.000, cao gấp 4 lần Mỹ và gấp 6 lần Hàn Quốc. Năm 2012, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho rằng 25% trẻ em Triều Tiên dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mạn tính, một phần ba phụ nữ bị thiếu máu.[151]

Nhưng ngược lại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi đến khảo sát đã mô tả hệ thống y tế Triều Tiên có những thành công "đáng ghen tị đối với các nước đang phát triển", dù vẫn còn những thách thức bao gồm cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị và thiếu thuốc men.[158][cần nguồn tốt hơn] Francis Markus, phát ngôn viên Hội Chữ thập Đỏ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ khu vực Đông Á cho rằng việc đào tạo y bác sĩ ở Triều Tiên là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các y bác sĩ Triều Tiên là những chuyên gia tận tụy, giỏi chuyên môn, họ được tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật mà Triều Tiên không sẵn có.[151]

Nạn đói

Điều kiện tự nhiên của bán đảo Triều Tiên không thích hợp cho nông nghiệp: lượng mưa hàng năm thấp, mùa đông khắc nghiệt kéo dài trong khi đất canh tác ít, phần lớn diện tích là đồi núi.

Thập niên 1990, Triều Tiên lâm vào nạn đói do thiên tai (một loạt các trận lũ lụt và hạn hán) làm mất mùa. Thêm vào đó là việc quản trị kinh tế kém cỏi và mất đi sự giúp đỡ của đồng minh Liên Xô làm cho việc sản xuất thực phẩm và nhập cảng giảm rất nhanh chóng. Chính quyền Triều Tiên đã quá cứng nhắc để có thể giảm thiểu thảm họa [159][160] Khi đó, Lý Quang Diệu đã từng nhận định: "Triều Tiên là một trong những quốc gia được cai trị tệ nhất thế giới, thất bại với cả những nghĩa vụ cơ bản nhất, ví dụ như đảm bảo cho người dân được đủ ăn."[161] Ước tính nạn đói ở Triều Tiên đã làm chết khoảng 240.000 tới 3.500.000 người (dân số Triều Tiên khi ấy khoảng 22 triệu người) trong thập niên 1990 với đỉnh cao là năm 1997 [159][160]. Tới năm 1999, lương thực và cứu trợ nhân đạo đã làm ngưng số người chết vì nạn đói, nhưng việc Triều Tiên tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân dẫn tới giảm sút viện trợ quốc tế.

Một đứa trẻ ốm đói tại một ga đường sắt ở Bắc Triều Tiên.

Mùa xuân năm 2005, Chương trình lương thực thế giới báo cáo rằng các điều kiện gây ra nạn đói là một mối nguy hiểm và đang quay trở lại Triều Tiên, và chính phủ đã thông báo tập hợp hàng triệu cư dân thành phố tới giúp đỡ những người nông dân[162][163]. Tuy nhiên sau đó, chính phủ Triều Tiên báo rằng sản lượng lương thực 2005 đạt tới 1,6 triệu tấn (tăng 0,1% so với năm 2001), bội thu nhất trong 9 năm. Vào khoảng tháng 9 năm 2005, Triều Tiên từ chối nhận những viện trợ lương thực từ bên ngoài vì tuyên bố đã có thể tự lập và phát hiện nhiều nhóm cứu trợ là điệp viên phá hoại nền nông nghiệp của Triều Tiên. Đây là nạn đói duy nhất trong lịch sử xảy ra ở một quốc gia đô thị hóa trong thời bình.[164]

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế cáo buộc thì người dân Triều Tiên phải ăn cả cỏ dại, vỏ và rễ cây[165][166] để sống qua ngày. Theo tổ chức này, trong khi chính phủ Triều Tiên không đủ khả năng nuôi sống dân chúng nhưng họ vẫn đang từ chối hợp tác toàn diện với cộng đồng quốc tế để nhận viện trợ lương thực.[156] Hãng tin ABC News của Úc chiếu 1 đoạn video mà họ cho là từ "một nhà báo giấu tên" ở Triều Tiên, trong video có những trẻ em Triều Tiên mà họ cho là mồ côi vì cha mẹ chết đói hoặc bị bắt vào trại cải tạo. Đài này còn cho rằng hiện nay nạn đói đã lan đến quân đội của Triều Tiên, lực lượng thường được ưu tiên về lương thực. Đoạn video có một binh sĩ Triều Tiên cho biết trong 100 đồng chí của anh ta thì hết một nửa bị suy dinh dưỡng. Theo ABC News, những người dân thiếu đói đang phải lao động để hoàn tất một đường ray xe lửa dành riêng cho Kim Jong-un, người khi ấy sắp kế vị cha mình. Cũng như những thông tin khác của phương Tây về Triều Tiên, tính xác thực của đoạn video không được kiểm chứng vì tính khép kín của đất nước này.

Tuy nhiên, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (FAO) đã báo cáo rằng: dù suy dinh dưỡng và thực phẩm thiếu thốn là khá phổ biến tại Triều Tiên, nhưng người dân ở đây không hề bị nạn đói đe dọa.[167] Theo con số của Chương trình Lương thực Thế giới, năm 2013 Triều Tiên đã nhập kho khoảng 5,93 triệu tấn lương thực và năm 2014 là 5,94 triệu tấn, đủ để cung ứng nhu cầu cơ bản của người dân. Nguyên nhân vụ thu hoạch kỷ lục xuất phát từ đường lối đúng đắn của ban lãnh đạo mới khi đề ra chủ trương thay đổi trong quản lý nông nghiệp từ năm 2012.[168] Theo số liệu của FAO, năm 2012, Triều Tiên sản xuất được 2,7 triệu tấn gạo, 2 triệu tấn rau, 2 triệu tấn ngô và 1,8 triệu tấn khoai tây[169], đủ cho nhu cầu của 25 triệu dân nước này.

Bilai Dersa Gaga, Phó văn phòng đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) tại Bình Nhưỡng đã khẳng định Triều Tiên không có nạn đói trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Itar-Tass. Ông nhấn mạnh: "Ở Triều Tiên có nơi gặp tình trạng thiếu hụt lương thực nhưng tuyệt đối không có dấu hiệu của nạn đói". Ông Bilai cho biết, truyền thông phương Tây thường sử dụng các "nguồn tin giấu tên" khi đề cập đến nạn đói ở Triều Tiên, những dữ liệu vốn không đáng tin cậy và nhiều khi là bịa đặt, đồng thời khẳng định nhân viên FAO khi khảo sát tình trạng nông thôn Triều Tiên đã không phát hiện ra dấu hiệu của nạn đói.[170]

Báo trực tuyến Sputnik của Nga cho là trên báo chí thế giới vẫn xuất hiện những tin tức kiểu như "Triều Tiên đối mặt với hạn hán" hay "mỗi người dân đất nước chỉ được một chén cơm hàng ngày". Các chuyên gia lưu ý rằng: việc thiếu thông tin về đời sống tại Triều Tiên đã làm lan truyền những tin tức dựa trên dữ liệu đã cũ. Năm 2014, nhà Triều Tiên học người Nga, Tiến sĩ Konstantin Asmolov nhấn mạnh[171]:

"Ở Triều Tiên, cảnh thiếu đói những năm 1990 đã không còn từ lâu. Quả là có một số vấn đề như thực phẩm tương đối đơn điệu, số lượng hạn chế, không phải lúc nào cũng đủ, nhưng đó không phải nạn đói. Hơn thế, nhờ loạt tổ hợp biện pháp mà năm ngoái Triều Tiên đã tự túc được thực phẩm. Họ ngày càng ít lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Nhưng sự la lối rằng, người Triều Tiên đang chết vì đói, có động thái khiêu khích quân sự nhằm đòi viện trợ nhân đạo là yếu tố không thể thiếu trong hoạt động tuyên truyền chống Bình Nhưỡng."

Quân sự

Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á coi Triều Tiên là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Triều Tiên có một trong những lực lượng quân sự thông thường lớn nhất thế giới, kết hợp với các vụ thử tên lửa và hạt nhân đã gây ra mối lo ngại trên toàn thế giới. Nhưng các cường quốc thế giới đã không hiệu quả trong việc làm chậm con đường giành lấy vũ khí hạt nhân.

Trong khi vẫn nằm trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới, Triều Tiên dành gần một phần tư tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quân đội của mình, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Khả năng của nó sẽ tiếp tục thử nghiệm các quan hệ đối tác trong khu vực và quốc tế nhằm duy trì sự ổn định và an ninh. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều gần đây đã tăng cường ngoại giao trực tiếp. Nhưng các cuộc đàm phán cho đến nay cho thấy việc tháo dỡ kho vũ khí của Triều Tiên sẽ vẫn là một quá trình dài và đầy thách thức.

Quốc phòng và quân đội

Bệ phóng tên lửa vũ trụ Unha-3, nơi đã phóng vệ tinh vũ trụ đầu tiên do Triều Tiên tự chế tạo năm 2012

Với chính sách Sŏn'gun (선군정치, Sŏn'gun chŏngch'i, Tiên quân chính trị), quân đội trở thành một lực lượng chính trị quan trọng tại Triều Tiên. Mục tiêu cao nhất của Triều Tiên là đánh đuổi quân Mỹ và loại bỏ chính phủ Hàn Quốc để "thống nhất dân tộc Triều Tiên", do đó quân đội được ưu tiên cao nhất trong việc phân phối nguồn lực của đất nước. Theo một báo cáo năm 2019 thì chi phí quân sự của Triều Tiên khoảng 3,6 tỷ USD một năm chiếm 13,4 đến 23,3 phần trăm GDP của Triều Tiên[172].

Từ sau Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 năm 2016, cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm tối cao trực tiếp tất cả các vấn đề của Triều Tiên là Ủy ban Quốc vụ trực thuộc Hội đồng Nhân dân Tối cao, thành lập dựa trên cơ sở của Ủy ban Quốc phòng. Trước năm 2016, cơ quan cao nhất, thống lĩnh về mặt quân sự của Triều Tiên là một Quốc phòng Ủy viên hội (국방위원회, Kukpang Wiwŏnhoe), tức Ủy ban Quốc phòng, chịu trách nhiệm quản lý một lực lượng quân đội lớn thứ tư trên thế giới về quân số thường trực, với khoảng 1,21 triệu người trong lực lượng chính quy[173]. Triều Tiên có trên 200.000 binh sĩ thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt.[174]

Như nhiều quốc gia khác, ở Triều Tiên, công dân đủ 18 tuổi trở lên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, trừ một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, thời hạn nghĩa vụ ở Triều Tiên là từ 3 đến 10 năm kể từ ngày nhập ngũ.

Trong Hiến pháp Triều Tiên 1998, Ủy ban Quốc phòng là cơ quan thường trực được xếp đứng trên cả Ủy ban Thường vụ của Hội đồng Nhân dân tối cao. Đứng đầu Hội đồng này là Kim Jong-un với chức vụ Ủy viên trưởng, một chức vụ có toàn quyền với quân đội trên thực tế, kể cả quyền thăng phong quân hàm cao cấp. Cộng với sự lãnh đạo tối cao của Đảng Lao động Triều Tiên, Kim Jong-un là nhà lãnh đạo có thực quyền lớn nhất của chính quyền Triều Tiên.

Chiến lược quân sự chính của Triều Tiên là cử các đặc nhiệm phá hoại và tấn công "kẻ thù" từ phía sau chiến tuyến[175]. Vì Hàn Quốc đã lập một phòng tuyến mạnh sau vùng phi quân sự. Quân đội Triều Tiên được trang bị với một lượng vũ khí rất lớn với 4.060 xe tăng, 2.500 xe bọc thép chở quân, 17.900 pháo, 11.000 súng phòng không và 10.000 tên lửa phòng không và tên lửa chống tăng vác vai cho lực lượng bộ binh[176]; khoảng 915 tàu chiến cho lực lượng hải quân, 1.748 máy bay cho lực lượng không quân[177], được biết có khoảng 480 tiêm kích và 180 máy bay ném bom[178]. Ngoài ra Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên còn có lực lượng đặc nhiệm thuộc hàng đông nhất thế giới cùng hạm đội tàu ngầm nhiều nhất[179][cần nguồn tốt hơn]. Các loại vũ khí này sản xuất từ Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến Chiến tranh Lạnh cùng các vũ khí hiện đại sản xuất trong nước theo công nghệ của Liên Xô/Nga.

Do phải chuẩn bị tác chiến với một đối thủ mạnh hơn rất nhiều về trang bị là quân đội Mỹ, Triều Tiên đặc biệt quan tâm phát triển lực lượng đặc nhiệm, nhằm sử dụng ưu thế huấn luyện và kỹ năng tác chiến để bù đắp cho sự yếu thế hơn về trang bị.

Hỏa lực đáng gờm nhất của Triều Tiên nằm ở các hệ thống pháo phản lực bắn loạt (MLRS). Lực lượng này có khả năng phóng nhiều quả đạn trong thời gian rất ngắn, trong khi khả năng cơ động rất cao (ví dụ như loại BM-21, mỗi hệ thống với 6 xe phóng có thể phóng tới 240 quả đạn trong 20 giây, sau đó nhanh chóng di chuyển sang nơi khác trong chưa đầy 3 phút để tránh bị đối phương bắn trả). Triều Tiên đã tự phát triển nhiều pháo phản lực phóng loạt với cỡ nòng từ 107mm đến 300mm, tầm bắn xa và sức công phá mạnh hơn pháo xe kéo thông thường. Theo ước tính, Triều Tiên có khoảng gần 5.000 bệ phóng pháo phản lực bắn loạt, khoảng 2/3 số đó bố trí sát biên giới, có thể nã khoảng 100.000 quả đạn lên lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy không có độ chính xác cao như pháo thông thường nhưng với tốc độ bắn cực nhanh kiểu "rải trấu", pháo phản lực phóng loạt rất lợi hại khi tấn công mục tiêu trên diện rộng như đô thị hoặc doanh trại, gây sốc và tàn phá diện rộng cho đối phương. Đây được đánh giá là vũ khí được triển khai đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Khả năng tác chiến của pháo phản lực bắn loạt Triều Tiên đã được kiểm nghiệm trong trận đấu pháo ở đảo Yeonpyeong năm 2010. Triều Tiên đã bắn khoảng 108 quả đạn, đánh trúng chính xác các mục tiêu của Hàn Quốc trên hòn đảo, khiến 2 khẩu pháo tự hành loại hiện đại là K-9 Thunder cỡ 155mm của Hàn Quốc bị hư hại, 2 lính chết và 16 bị thương.

Tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo do Triều Tiên tự sản xuất

Ngoài ra, để đáp ứng với chiến lược chiến tranh phi đối xứng và chống trả các cuộc tấn công bằng vũ khí công nghệ cao của Mỹ, Triều Tiên đã phát triển các kỹ thuật tinh vi để khắc chế như thiết bị đánh lạc hướng điện tử, máy làm nhiễu GPS[180], sơn tàng hình[181], các loại tàu ngầm loại nhỏ, ngư lôi có người lái[182], một lượng lớn các loại vũ khí sinh học và hóa học[183] cùng hệ thống laser chống người[184], máy bay không người lái, tên lửa chống hạm kiểu mới, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và cả các tin tặc của các "đơn vị tự động hóa', nơi có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo về chiến thuật và tấn công hệ thống công nghệ thông tin của các nước đối thủ như Mỹ hay Hàn Quốc khi cần.

Đối thủ tác chiến dự tính của Triều Tiên là Mỹ và Hàn Quốc, vốn có ưu thế gần như tuyệt đối về không quân. Với chiến lược chiến tranh phi đối xứng, để phòng tránh việc bị tên lửa hành trình hoặc máy bay ném bom của Mỹ và Hàn Quốc tấn công, Triều Tiên đã phát triển một mạng lưới hầm ngầm khổng lồ và cực kỳ kiên cố. Tất cả các hệ thống pháo binh, thiết giáp, không quân, các căn cứ, kho đạn của Tiều Tiên đều được ngụy trang và giấu kín trong những hầm ngầm kiên cố, rất khó bị đối phương phát hiện và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu tốt. Ngay cả các công trình dân sự cũng có thể được chuyển đổi thành kho tàng và hệ thống tiếp vận quân sự.

Triều Tiên cũng đã thử nghiệm một loạt các tên lửa khác nhau, bao gồm các tên lửa đạn đạo phóng từ tầm ngắn, trung bình, trung bình và liên lục địa và phóng từ tàu ngầm.

Khả năng vũ khí hạt nhân

Trên hết, thứ vũ khí nguy hiểm nhất mà Triều Tiên có thể dùng để chiến đấu chính là vũ khí hạt nhân. Nước này đã thử thành công bom nguyên tử, bom H và sắp tới có thể chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong trường hợp bị Mỹ tấn công, Triều Tiên có thể phóng tên lửa mang vũ khí hạt nhân để đáp trả. Hàn Quốc ước tính chi phí cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên dao động từ 1-3 tỷ USD mỗi năm, chi phí này khá lớn so với nền kinh tế Triều Tiên nhưng thực ra lại rất rẻ so với hiệu quả răn đe mà tên lửa hạt nhân mang lại cho Triều Tiên.[185] Chi phí này khá thấp so với chi phí cần để hiện đại hóa quân đội Triều Tiên nhằm nâng cao năng lực quốc phòng. Vì lý do này, Triều Tiên ra sức phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa bất chấp các lệnh trừng phạt do Mỹ và phương Tây đưa ra, bởi vũ khí hạt nhân được coi là "kim bài miễn tử" chắc chắn nhất của Triều Tiên để bảo vệ đất nước mình. Hơn nữa, Triều Tiên còn muốn dùng chương trình hạt nhân để ép Mỹ ký hiệp định hòa bình và rút quân khỏi Hàn Quốc từ đó tiến đến "thống nhất hai miền Triều Tiên"[186]. Triều Tiên chỉ đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu Mỹ ký hiệp đình hòa bình trước, ngược lại Mỹ đòi hỏi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ ký hiệp định hòa bình.[187]

Theo Tổng thống Nga, Vladimir Putin nhận định thì việc các nước như Iraq và Libya bị tấn công đã khiến Triều Tiên thấy rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới là cách duy nhất để bảo vệ đất nước khỏi sự đe dọa của Hoa Kỳ. Triều Tiên thấy rõ số phận của nhà lãnh đạo Iraq là Saddam Hussein, người đã bị hành quyết sau khi Mỹ tấn công Iraq với lý do giả mạo là nước này tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ông Putin nói:

"Saddam Hussein đã từ chối sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng ngay cả với điều đó, ông đã bị lật đổ và các thành viên trong gia đình ông đã bị giết chết. Đất nước của ông đã bị phá hủy và Saddam Hussein bị treo cổ. Mọi người đều biết điều đó, và mọi người ở Triều Tiên cũng biết điều đó. Người dân Triều Tiên sẽ chấp nhận ăn cỏ chứ sẽ không từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân nếu họ không cảm thấy an toàn."[188]

Chính phủ Triều Tiên đã có một chương trình hạt nhân mà theo họ là đủ khả năng tạo ra bom hạt nhân, và họ đã 6 lần thử bom hạt nhân dưới lòng đất. Chương trình hạt nhân này thường gây ra tranh cãi trên bình diện quốc tế. Ước tính kho dự trữ hạt nhân của đất nước khác nhau: một số chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng có từ mười đến ba mươi vũ khí hạt nhân, trong khi các quan chức tình báo Mỹ ước tính con số này nằm trong khoảng từ ba mươi đến sáu mươi. Chế độ đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), mỗi tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn, vào tháng 7 và tháng 11 năm 2017. Bình Nhưỡng cho biết, trong cuộc thử nghiệm tháng 11 của Hwasong-15 ICBM mới, tên lửa đã đạt độ cao 4.485 km (2.780 sq mi), đến nay trên Trạm vũ trụ quốc tế, và bay khoảng 1.000 km (590 sq mi) trước khi hạ cánh trên biển ngoài khơi bờ bi��n của Nhật Bản. Các nhà phân tích ước tính Hwasong-15 có phạm vi tiềm năng 13.000 km (8.100 sq mi).

Văn hóa

Người dân Triều Tiên viếng tượng Kim Nhật Thành (trái) và Kim Jong-il ở Đài tưởng niệm Mansu Hill Grand, Bình Nhưỡng

Có một sự sùng bái cá nhân rộng rãi đối với Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, và đa số văn học, âm nhạc đại chúng, nhà hát, phim ảnh ở Triều Tiên đều là để ca ngợi hai lãnh đạo, mặt khác nhiều tác phẩm cũng ca ngợi sự đi lên của xã hội mới, tình yêu thương giữa nhân dân và lãnh đạo... Ở Triều Tiên, mọi người đều xem hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật còn sống nên chỉ được phép viếng lãnh tụ bằng bó hoa và lẵng hoa. Tuyệt đối cấm viếng bằng vòng hoa vì họ quan niệm vật này chỉ có thể dành cho người đã chết. An ninh trong chuyện này cũng rất gắt gao, các cơ quan ngoại giao cũng không được phép mua và trực tiếp mang hoa đến viếng, mà chỉ có thể đặt tiền trước cho một cơ quan phục vụ chuyên trách. Hình ảnh và dấu ấn hai vị lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật hiện diện khắp nơi trên đất nước. Ở nhiều địa danh hay những thiết chế lớn đều có bia biển rất lớn bằng bêtông ghi lại ngày tháng lãnh tụ từng ghé thăm. Đặc biệt là ở các quảng trường, ảnh lãnh tụ được treo ở vị trí trang trọng nhất giữa các kiến trúc chính. Để tạo nhiều điểm nhấn cho cả khu vực đô thị, người ta đắp cả ngọn đồi, xây bức tường lớn làm tranh hoành tráng về lãnh tụ.[189] Mức độ sùng bái cá nhân xung quanh Kim Chính Nhật và Kim Nhật Thành đã được minh họa vào ngày 11 tháng 6 năm 2012 khi một nữ sinh 14 tuổi ở Bắc Triều Tiên bị chết đuối khi cố gắng giải cứu chân dung của hai người trong một trận lụt.

Một sự kiện đại chúng ở Triều Tiên là thể dục đồng diễn. Màn đồng diễn lớn nhất gần đây được gọi là "Arirang". Nó được trình diễn sáu tối một tuần trong hai tháng và có hơn 100.000 người tham gia. Màn đồng diễn gồm nhảy múa, thể dục và múa kiểu ba lê để kỷ niệm lịch sử Triều Tiên và Đảng Lao động. Màn đồng diễn được tổ chức ở Bình Nhưỡng tại nhiều địa điểm (tuỳ theo tầm vóc của lễ hội theo từng năm) kể cả ở Nhà hát Lớn Mùng 1 Tháng 5. Lễ hội Arirang được tổ chức như để biểu dương sức mạnh của sự đồng lòng chung sức của người dân Triều Tiên. Đó cũng là lời nhắn nhủ rằng "đừng đi" trước tình trạng người dân rời miền Bắc chạy vào miền Nam kể từ ngày đất nước chia cắt.[190]

Du lịch

Vùng Kŭmgangsan
Chùa Phật giáo Pyohunsa, một quốc bảo Triều Tiên
Một bãi biển ở thành phố Hamhung

Theo nguyên tắc, bất kỳ ai cũng được phép du lịch tới Triều Tiên, và những ai có thể hoàn thành quá trình làm thủ tục thì đều không bị Triều Tiên từ chối cho nhập cảnh. Khách du lịch không được đi thăm thú bên ngoài vùng đã được cho phép trước mà không được hướng dẫn viên người Triều Tiên cho phép nhằm tránh các điệp viên nằm vùng. Các điểm du lịch nổi tiếng ở Triều Tiên là thủ đô Bình Nhưỡng, thành phố Kaesong và vùng núi Trường Bạch.

Thủ đô Bình Nhưỡng là nơi không thể bỏ qua ở Triều Tiên. Nơi đây gây ấn tượng bởi nhiều tượng đài lớn, những tòa nhà cao tầng và đường phố khang trang. Khác với hình dung của du khách, Bình Nhưỡng cũng có những nhà hàng phục vụ đồ ăn, thức uống theo phong cách phương Tây[191].

Kaesong từng là kinh đô của Vương quốc Cao Câu Ly cách đây hơn 600 năm trước, nơi đây nổi tiếng với các lăng tẩm của các vua Cao Ly và bảo tàng Cao Câu Ly lưu giữ nhiều hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ 11.

Vùng núi Trường Bạch được cho là nơi các lãnh đạo Triều Tiên chào đời. Đây là đỉnh núi cao nhất bán đảo Triều Tiên với 2.744 m so với mực nước biển. Ngọn núi này cũng xuất hiện trong bức khảm phía sau tượng hai cố lãnh đạo của Triều Tiên. Nhiều người Hàn Quốc cũng thường xuyên lên núi Trường Bạch, nhưng từ phía địa phận Trung Quốc. Moon Jae-in là tổng thống Hàn Quốc tại nhiệm đầu tiên tới thăm núi Trường Bạch trên lãnh thổ Triều Tiên trong hội nghị liên Triều lần thứ ba.

Wonsan là thành phố duyên hải nằm trên cung đường tới núi Kim Cương, nổi tiếng với ngọn thác Ullim. Ngoài ra, ở đây còn có thác Kuryong với 9 dòng đổ xuống chân núi. Dưới sức chảy liên tục của dòng thác, phía chân núi hình thành nên một đầm sâu. Tương truyền chín con rồng đã trú ngụ tại đây nên người ta gọi là đầm Cửu Long

Tháng 7 năm 2004, Quần thể kinh thành và lăng mộ Cao Câu Ly là địa điểm đầu tiên ở Triều Tiên được đưa vào danh sách Các di sản văn hoá thế giới của UNESCO.

Vì lí do chính trị, những khách du lịch có hộ chiếu Hoa Kỳ nói chung đều không được cấp visa, dù vẫn có một số ngoại lệ từng xảy ra vào năm 1995, 2002 và 2005. Triều Tiên đã thông báo cho những nhà tổ chức du lịch rằng họ sẽ cấp visa cho những người mang hộ chiếu Hoa Kỳ vào năm 2006. Các công dân Hàn Quốc cần có giấy phép đặc biệt của cả hai chính phủ mới được vào Triều Tiên. Năm 2002, vùng xung quanh Kŭmgangsan (núi Kim Cương), một ngọn núi đẹp gần biên giới Hàn Quốc, đã được chỉ định làm một địa điểm du lịch đặc biệt Khu du lịch Kŭmgangsan, nơi các công dân Hàn Quốc không cần giấy phép đặc biệt. Các tour du lịch do các công ty tư nhân điều hành đã đưa hàng nghìn người dân ở miền Nam bán đảo Triều Tiên tới núi Kim Cương hàng năm. Núi Kim Cương được xem là dãy núi đẹp nhất Triều Tiên. Khu nghỉ dưỡng ở đây là nơi diễn ra những cuộc đoàn tụ của người dân hai miền Triều Tiên. Núi cao 1.638 m, được hình thành từ những khối đá hoa cương lớn rắn chắc.

Tháng 7 năm 2005 công ty Hyundai của Hàn Quốc đã đạt được một thoả thuận với Chính phủ Triều Tiên về việc mở cửa thêm nhiều khu du lịch, gồm cả núi núi Paektu (Bạch Đầu) và Kaesŏng (Khai Thành).

Ngày 11 tháng 7 năm 2008, một nữ du khách Hàn Quốc bị 1 lính Triều Tiên bắn chết tại khu nghỉ mát núi Kŭmgang của Triều Tiên. Chính quyền Seoul đã ngưng lại chương trình du lịch núi Kŭmgang và đưa ra yêu cầu điều tra vụ việc trước khi cho phép dự án được khởi động trở lại, nhưng Triều Tiên cho đến nay vẫn từ chối đáp ứng.[192]

Ẩm thực

Bibimbap ở Bắc Triều Tiên

Ẩm thực Triều Tiên đã phát triển qua nhiều thế kỷ thay đổi chính trị xã hội. Bắt nguồn từ truyền thống nông nghiệp và du mục cổ xưa ở miền nam Mãn Châu và Bán đảo Triều Tiên, nó đã trải qua một sự tương tác phức tạp của môi trường tự nhiên và các xu hướng văn hóa khác nhau. Các món cơm và kim chi là món ăn chính của người Triều Tiên. Trong một bữa ăn truyền thống, họ đi kèm cả hai món ăn phụ (banchan) và các món chính như cháo, bulgogi hoặc mì sợi. Rượu soju là thức uống tinh thần truyền thống nổi tiếng nhất của Triều Tiên.

Nhà hàng nổi tiếng nhất của Bắc Triều Tiên, Okryu-gwan, nằm ở Bình Nhưỡng, được biết đến với món mì lạnh Naengmyeon. Các món ăn khác được phục vụ ở đó bao gồm súp cá đối xám với cơm, súp sườn bò, bánh kếp đậu xanh, sinseollo và các món ăn được làm từ rùa Terrapin. Okryu-gwan gửi các nhóm nghiên cứu về nông thôn để thu thập dữ liệu về ẩm thực Triều Tiên và giới thiệu các công thức nấu ăn mới. Một số thành phố châu Á tổ chức các chi nhánh của chuỗi nhà hàng Bình Nhưỡng nơi các nữ tiếp viên biểu diễn âm nhạc và khiêu vũ.

Năm 2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) quyết định đưa món kim chi đỏ (khác với món kim chi ở Hàn Quốc đã được công nhận vào năm 2013) vào danh sách danh sách đề cử chính thức di sản văn hóa phi vật thể thế giới.[193]

Âm nhạc

Chính phủ nhấn mạnh những giai điệu dựa trên dân gian lạc quan và nhạc cách mạng trong suốt hầu hết thế kỷ 20. Thông điệp về ý thức hệ được truyền tải qua các bản nhạc lớn như "Năm cuộc cách mạng vĩ đại" dựa trên ch'angguk truyền thống của Triều Tiên. Những vở opera cách mạng khác với các đồng nghiệp phương Tây của họ bằng cách thêm các nhạc cụ truyền thống vào dàn nhạc và tránh các phân đoạn ngâm thơ. Bể máu là tác phẩm được trình diễn rộng rãi nhất trong Năm Đại nhạc hội: kể từ khi ra mắt năm 1971, nó đã được phát hơn 1.500 lần, và chuyến lưu diễn năm 2010 tại Trung Quốc là một thành công lớn. Âm nhạc cổ điển phương Tây của Brahms, Tchaikovsky, Stravinsky và các nhà soạn nhạc khác được trình diễn bởi cả Dàn nhạc Giao hưởng Nhà nước và dàn nhạc sinh viên.

Nhạc pop xuất hiện vào những năm 1980 với Dàn nhạc điện tử Pholbo và Ban nhạc nhẹ Wangjaesan. Cải thiện quan hệ với Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 đã gây ra sự suy giảm các thông điệp ý thức hệ trực tiếp trong các bài hát pop, nhưng các chủ đề như tình đồng chí, nỗi nhớ và xây dựng một đất nước hùng mạnh vẫn còn. Vào năm 2014, ban nhạc ban nhạc Moranbong toàn nữ được mô tả là nhóm nhạc nổi tiếng nhất trong cả nước. Người Bắc Triều Tiên cũng thích nghe nhạc K-Pop của Hàn Quốc vốn lan rộng qua các thị trường bất hợp pháp.

Văn học

Một hiệu sách ở Triều Tiên bày bán những tác phẩm văn học của Kim Il-sung và Kim Jong-il

Tất cả các nhà xuất bản đều thuộc sở hữu của chính phủ hoặc Đảng Lao động Triều Tiên vì chúng được coi là một công cụ quan trọng để tuyên truyền. Nhà xuất bản Đảng Lao động Triều Tiên là nhà xuất bản có thẩm quyền nhất trong số đó và xuất bản tất cả các tác phẩm của Kim Il-sung, tài liệu giáo dục tư tưởng và tài liệu chính sách của đảng. Văn học nước ngoài được xuất bản hạn chế, chẳng hạn như các ấn bản truyện cổ tích Ấn Độ, Đức, Trung Quốc và Nga, kịch Shakespeare và một số tác phẩm của Bertolt Brecht và Erich Kästner.

Các tác phẩm cá nhân của Kim Il-sung được coi là "kiệt tác cổ điển" trong khi những tác phẩm được tạo ra theo chỉ dẫn của ông được gắn nhãn "mô hình của văn học Juche". Chúng bao gồm Số phận của một người đàn ông quân đoàn tự vệ, Bài ca của Triều Tiên và Lịch sử bất tử, một loạt tiểu thuyết lịch sử miêu tả sự đau khổ của người Triều Tiên dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản. Hơn bốn triệu tác phẩm văn học đã được xuất bản từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000, nhưng hầu hết tất cả chúng thuộc về một loạt các thể loại chính trị hẹp như "văn học cách mạng đầu tiên của quân đội".

Khoa học viễn tưởng được coi là một thể loại thứ cấp vì nó phần nào rời xa các tiêu chuẩn truyền thống. Bối cảnh kỳ lạ của các câu chuyện giúp các tác giả có nhiều tự do hơn để mô tả chiến tranh mạng, bạo lực, lạm dụng tình dục và tội phạm, vốn không có ở các thể loại khác. Các tác phẩm khoa học viễn tưởng tôn vinh công nghệ và thúc đẩy khái niệm Juche về sự tồn tại của con người thông qua các mô tả về robot, thám hiểm không gian và sự bất tử.

Điện ảnh

Hãng phim lớn nhất của Triều Tiên là Xưởng phim truyện Triều Tiên với một trường quay rộng khoảng 930.000 m² ở ngoại ô Bình Nhưỡng. Các hãng phim lớn khác ở Triều Tiên có thể kể tới Xưởng phim tài liệu Triều Tiên, Xưởng phim mùng 8 tháng 2 và Xưởng phim Khoa học - Giáo dục Triều Tiên (SEK Studio). Hãng SEK đã thực hiện các công đoạn sản xuất cho sê-ri phim hoạt hình của Mondo TV như King Lion Simba và Pocahontas. Năm 2005, SEK cũng là hãng phim Triều Tiên thực hiện dự án điện ảnh hợp tác đầu tiên của hai miền, đó là bộ phim hoạt hình Thẩm Thanh Vương hậu (왕후 심청, Wanghu Simcheong).

Do tính chất cô lập cao độ của chính quyền Triều Tiên nên thông tin về sự phát triển và các tác phẩm của nền điện ảnh nước này rất ít được thế giới biết tới. Trái lại, phim truyền hình của Hàn Quốc, đối thủ của Triều Tiên, được biết đến ở nhiều nước, đặc biệt ở các nước châu Á, và các diễn viên Hàn Quốc rất được yêu thích.

Ở Triều Tiên, xem phim Hàn Quốc là một tội nghiêm trọng. Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc còn loan tin rằng 10.000 người đã được triệu tập tới một sân vận động ở Wonsan để chứng kiến việc xử tử 8 phạm nhân bị kết tội xem các bộ phim truyền hình Hàn Quốc trái phép. Tuy nhiên, trang web tin tức Daily NK, trang chuyên về tin tức Triều Tiên lại cho biết họ không nhận được thông tin nào về vụ tử hình này.[194][195]

Truyền thông

Tháp truyền hình ở Bình Nhưỡng

Các chính sách của chính phủ đối với phim ảnh không khác gì những chính sách được áp dụng cho các bộ phim chuyển động nghệ thuật khác phục vụ để hoàn thành các mục tiêu của "giáo dục xã hội". Một số bộ phim có ảnh hưởng nhất dựa trên các sự kiện lịch sử (An Jung-geun bắn Itō Hirobumi) hoặc truyện dân gian (Hong Gildong). Hầu hết các bộ phim đều có những câu chuyện tuyên truyền có thể dự đoán được, khiến điện ảnh trở thành một trò giải trí không phổ biến; khán giả chỉ xem những bộ phim có các diễn viên yêu thích của họ. Các tác phẩm phương Tây chỉ có sẵn trong các buổi chiếu riêng tư cho các đảng viên cấp cao, mặc dù bộ phim Titanic năm 1997 thường được chiếu cho sinh viên đại học như một ví dụ về văn hóa phương Tây. Truy cập vào các sản phẩm truyền thông nước ngoài có sẵn thông qua DVD nhập lậu và truyền hình hoặc đài phát thanh ở khu vực biên giới. Những bộ phim phương Tây như The Interview, Titanic và Charlie Angels chỉ là một vài bộ phim bị buôn lậu qua biên giới Bắc Triều Tiên, cho phép tiếp cận công dân Bắc Triều Tiên.

Truyền thông ở Bắc Triều Tiên nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ nhất trong các chính phủ trên thế giới. Việc kiểm duyệt ở Bắc Triều Tiên bao gồm tất cả các thông tin do truyền thông tạo ra. Được giám sát chặt chẽ bởi các quan chức chính phủ, các phương tiện truyền thông được sử dụng nghiêm ngặt để củng cố lý tưởng được chính phủ phê duyệt. Không có tự do báo chí ở Bắc Triều Tiên vì tất cả các phương tiện truyền thông được kiểm soát và lọc qua kiểm duyệt của chính phủ. Mức độ tự do báo chí năm 2017 ở Triều Tiên là hạng thứ 180 (cuối cùng) trong số 180 quốc gia trong Chỉ số Tự do Báo chí hàng năm của Phóng viên Không Biên giới. Theo Freedom House, tất cả các cơ quan truyền thông đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của chính phủ, tất cả các nhà báo đều là đảng viên và nếu nghe các chương trình phát thanh nước ngoài có thể bị tử hình. Nhà cung cấp tin tức chính là Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA). Tất cả 12 tờ báo lớn và 20 tạp chí định kỳ, bao gồm Rodong Sinmun, được xuất bản tại thủ đô.

Có ba đài truyền hình nhà nước. Hai trong số họ chỉ phát sóng vào cuối tuần và Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên được phát sóng mỗi ngày vào buổi tối. Trang web Uriminzokkiri và các tài khoản YouTube và Twitter có liên quan với nó phân phối hình ảnh, tin tức và video do phương tiện truyền thông chính phủ phát hành. Associated Press đã mở văn phòng toàn thời gian kiểu phương Tây đầu tiên ở Bình Nhưỡng vào năm 2012.

Các ngày lễ chính

Thể thao

Triều Tiên (áo đỏ) trong trận đấu với Brasil ở FIFA World Cup 2010
Một cảnh của lễ hội Arirang

Hầu hết các trường học ở Triều Tiên đều cung cấp các buổi tập thể thao hàng ngày cho học sinh, sinh viên trong các hiệp hội bóng đá, bóng rổ, bóng bàn, thể dục dụng cụ, taekwondo, quyền anh và những môn khác. Bóng đá Triều Tiên từng được xem là một nền bóng đá chất lượng ở châu Á. Giải bóng đá Ngoại hạng Triều Tiên rất phổ biến trong nước và các trận đấu của giải thường được truyền hình trực tiếp. Đội tuyển bóng đá quốc gia Bắc Triều Tiên thậm chí đã 2 lần dự World Cup, với lần gần nhất tại World Cup 2010, khi thua cả ba trận đấu với Brasil, Bồ Đào Nha và Bờ Biển Ngà. Sự xuất hiện của đội ở giải năm 1966 thành công hơn nhiều, chứng kiến ​​chiến thắng bất ngờ 1-0 trước Ý và trận thua tứ kết trước Bồ Đào Nha với tỷ số 3-5. Một đội tuyển bóng rổ quốc gia cũng tham gia các cuộc thi bóng rổ quốc tế. Vào tháng 12 năm 2013, cựu cầu thủ bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman đã đến thăm Triều Tiên để giúp đào tạo và phát triển đội tuyển bóng rổ quốc gia sau khi anh phát triển tình bạn với Kim Jong-un.

Sự xuất hiện đầu tiên của Bắc Triều Tiên ở Thế vận hội Mùa hè đến vào năm 1964. Thế vận hội Mùa hè 1972 chứng kiến ​​các vận động viên Triều Tiên thi đấu lần đầu tiên và có năm huy chương, trong đó có một huy chương vàng. Ngoại trừ Thế vận hội Los Angeles và Seoul bị tẩy chay, các vận động viên Bắc Triều Tiên đã giành được huy chương trong tất cả các kỳ Olympic kể từ đó. Cử tạ Kim Un-guk đã phá kỷ lục thế giới ở hạng cân 62 kg nam tại Thế vận hội Mùa hè 2012 tại Luân Đôn. Những vận động viên thành công ở Olympic đều nhận được căn hộ cao cấp từ nhà nước như một sự công nhận thành tích của họ.

Lễ hội Arirang đã được Kỷ lục Guinness thế giới công nhận là sự kiện vũ đạo lớn nhất thế giới. Khoảng 100.000 vận động viên thực hiện các bài thể dục nhịp điệu và các điệu nhảy trong khi 40.000 người tham gia khác tạo ra một màn hình hoạt hình rộng lớn ở phía sau. Sự kiện này là một đại diện nghệ thuật của lịch sử đất nước và bày tỏ lòng tôn kính đối với Kim Il-sung và Kim Jong-il. Sân vận động mùng 1 tháng 5 Rungrado, sân vận động lớn nhất thế giới với sức chứa 150.000 người, tổ chức lễ hội này. Marathon Bình Nhưỡng là một sự kiện thể thao đáng chú ý khác. Đó là Cuộc đua Nhãn Đồng của IAAF nơi các vận động viên nghiệp dư từ khắp nơi trên thế giới có thể tham gia.

Xem thêm

Ghi chú

  1. ^ Cách gọi của phía chính quốc
  2. ^ Cách gọi dịch từ phía Nhật Bản (北朝鮮, Kita-Chōsen) và cách gọi trước đó của phía chính quốc, Trung Quốc và Việt Nam, cũng như là nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước đây, để phân biệt với toàn bộ bán đảo Triều Tiên cũng như nền văn hóa Triều Tiên.
  3. ^ Hoặc Bắc Hàn (북한, RR: Buk'han), cách gọi dịch từ phía Hàn Quốc (chỉ khi có ngữ cảnh liên quan đến cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc), phía Đài Loan, phía Hồng Kông và phía Ma Cao, được sử dụng bởi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây và những cộng đồng người Việt hải ngoại ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc và những nước thân phương Tây khác. Tên gọi "Bắc Hàn" được các đài BBCVOA sử dụng nhiều, nhưng một số đài như RFI lại sử dụng tên gọi "Bắc Triều Tiên" thường xuyên hơn.

Tham khảo

  1. ^ Alton, David; Chidley, Rob (2013). Building Bridges: Is There Hope for North Korea?. Oxford: Lion Books. tr. 89. ISBN 978-0-7459-5598-8.
  2. ^ “DPR Korea 2008 Population Census National Report” (PDF). Pyongyang: DPRK Central Bureau of Statistics. 2009. tr. 14. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 31 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2011.
  3. ^ “GDP (PPP) Field listing”. CIA World Factbook. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2014.
  4. ^ “National Accounts Main Aggregate Database”. Cục Thống kê Liên Hợp Quốc. tháng 12 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2016.
  5. ^ a b “North Korean Economy Watch » GDP statistics”. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2017. Hyundai Research Institute (South Korea)
  6. ^ “GDP (PPP) per capita Field listing”. CIA World Factbook. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 6 năm 2014. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2014.
  7. ^ ONLINE, TUOI TRE (7 Tháng bảy 2017). “Triều Tiên: góc nhìn khác ngoài tên lửa, hạt nhân”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  8. ^ Văn Việt (28 tháng 3 năm 2016). “Triều Tiên cảnh báo nạn đói có thể khiến hàng triệu người chết”. Báo điện tử VnExpress.
  9. ^ Hanoitv. “Gần 41% dân số Triều Tiên suy dinh dưỡng”. hanoitv.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 7 năm 2020. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  10. ^ a b c d “Korea, North”. The World Factbook. 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2010.
  11. ^ “Bắc Triều Tiên tự chế tạo máy bay cỡ nhỏ”. RFI. 1 Tháng tư 2015. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  12. ^ News, VietNamNet. “Giải mã thành công tên lửa Triều Tiên”. VietNamNet. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  13. ^ KHOA THƯ (16 tháng 6 năm 2021). “Ông Kim Jong Un: Triều Tiên thiếu lương thực trầm trọng do bệnh dịch, thiên tai”. Tuổi Trẻ Online.
  14. ^ KÔNG ANH (theo Al Jazeera, New York Post) (17 tháng 6 năm 2021). “Ông Kim Jong-un cảnh báo tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên”. vtc.vn.
  15. ^ a b “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 9 năm 2019. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2015.
  16. ^ Đồn đoán về Kim Jong-un làm lộ điểm yếu tình báo Hàn Quốc
  17. ^ Người tình của Kim Jong Un bị xử bắn. Truy cập 2013-08-30.
  18. ^ Truy cập 2015-06-02
  19. ^ Lãnh tụ Bắc Hàn để các con chó đói ăn thịt người chú. Truy cập 2014-01-06.
  20. ^ ngày 17 tháng 5 năm 2014, 11:34 am. “Executed singer alive and well, Pyongyang TV shows - The West Australian”. Au.news.yahoo.com. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2014.
  21. ^ “North Korean singer "executed by firing squad" shows up alive and well in Pyongyang | NK News - North Korea News”. NK News. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2014.
  22. ^ Justin Rohrlich (ngày 22 tháng 1 năm 2014). “Inside the North Korea Rumor Mill”. NK News. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2014.
  23. ^ Sarah Dean (ngày 29 tháng 5 năm 2014). “Girls playing on the beach, hair salons and bored commuters: Tourist who took camera inside North Korea expecting to find 'really, really sad people' is shocked to discover a happy country”. Daily Mail. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  24. ^ Allison Quinn (ngày 5 tháng 8 năm 2014). “Letter to Kim Jong-un Takes Russian Schoolgirl to North Korea”. Moscow Times. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  25. ^ a b Abt, Felix (2014). A Capitalist in North Korea: My Seven Years in the Hermit Kingdom. Tuttle Publishing. ISBN 9780804844390.
  26. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2015.
  27. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2015.
  28. ^ [1]
  29. ^ Nordkoreas Verteidigungsminister hingerichtet, FAZ, 13.5.2015
  30. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2015.
  31. ^ “South Korea: North Korean defense chief was not executed - UPI.com”. UPI. 13 tháng 5 năm 2015. Truy cập 15 tháng 8 năm 2023.
  32. ^ “Triều Tiên giận dữ trước thông tin bộ trưởng quốc phòng bị xử tử”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập 15 tháng 8 năm 2023.
  33. ^ “N.K. executes defense chief”. The Korea Herald. Truy cập 15 tháng 8 năm 2023.
  34. ^ 'Resucita' en Corea del Norte un funcionario "ejecutado" en marzo”. Truy cập 15 tháng 8 năm 2023.
  35. ^ “Tin tức mới nhất 24h”. Báo Lao Động.
  36. ^ Weiser, Martin (3 tháng 10 năm 2020). “Nobody ever said Kim Il-sung could teleport”. East Asia Forum.
  37. ^ “Đại sứ Việt Nam 'giải mã' bí ẩn Triều Tiên”. Báo điện tử Người đưa tin. 24 tháng 12 năm 2013. Truy cập 15 tháng 8 năm 2023.
  38. ^ “Triều Tiên chỉnh múi giờ trở lại như Hàn Quốc từ 5-5”.
  39. ^ “Kim Jong-un tuyên bố hợp nhất múi giờ Triều Tiên với Hàn Quốc”.
  40. ^ Hiến pháp Triều Tiên 1998, phần Giới thiệu.
  41. ^ Hitchens, Christopher (ngày 24 tháng 12 năm 2007). “Why has the Bush administration lost interest in North Korea?”. Slate. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2010.
  42. ^ a b “North Korea profile: Leaders”. BBC. ngày 26 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2014.
  43. ^ “North Korea: Kim Jong-un hailed 'supreme commander'. BBC. ngày 24 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2014.
  44. ^ “Triều Tiên sửa hiến pháp, củng cố vị trí nguyên thủ quốc gia của ông Kim Jong Un”. Tuổi trẻ online. Truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2019.
  45. ^ Hiến pháp Triều Tiên 1998, Điều 87.
  46. ^ Hiến pháp Triều Tiên 1998, Điều 88.
  47. ^ “Report: Torture, starvation rife in North Korea political prisons”. CNN. ngày 4 tháng 5 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2014.
  48. ^ “The Hidden Gulag: Exposing North Korea's Prison Camps Prisoners' Testimonies and Satellite Photographs”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 4 năm 2006. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2006.
  49. ^ a b “MSN - Outlook, Office, Skype, Bing, Breaking News, and Latest Videos”. www.msn.com. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  50. ^ “Access to Evil”. 29 Tháng một 2004. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua news.bbc.co.uk.
  51. ^ “2009 Human Rights Report: Democratic People's Republic of Korea”. U.S. Department of State. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2010.
  52. ^ “North Korea: Torture, death penalty and abductions”. Amnesty International. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2010.
  53. ^ “White paper on human rights in North Korea 2009 (page 74 – 75)” (PDF). Korea Institute for National Unification. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2010.
  54. ^ “The Hidden Gulag – Part Three: Summary of torture and infanticide information (page 70 – 72)” (PDF). The Committee for Human Rights in North Korea. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2010.
  55. ^ “Running Out of the Darkness”. TIME Magazine. ngày 24 tháng 4 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2006.
  56. ^ “N. Korean Defectors Describe Brutal Abuse”. The Associated Press. ngày 29 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2008.
  57. ^ “The Hidden Gulag – Satellite imagery: Selected North Korean Prison Camp Locations (page 89)” (PDF). The Committee for Human Rights in North Korea. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 21 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2010.
  58. ^ “Testimony of Ms. Soon Ok Lee, North Korean prison camp survivor”. United States Senate Hearings. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2010.
  59. ^ UN Commission on Human Rights (ngày 14 tháng 4 năm 2005). “html version of the file http://ap.ohchr.org/documents/E/CHR/resolutions/E-CN_4-RES-2005-11.doc”. Situation of human rights in the Democratic People's Republic of Korea: Human Rights Resolution 2005/11. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007. Liên kết ngoài trong |title= (trợ giúp)
  60. ^ “Report of the Commission of Inquiry on Human Rights in the Democratic People's Republic of Korea”. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  61. ^ Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor (ngày 28 tháng 2 năm 2005). “Country Reports on Human Rights Practices: Korea, Democratic People's Republic of”. US Department of State. Truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2007.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  62. ^ a b Neaderland, Benjamin (2004). “Quandary on the Yalu: International Law, Politics, and China's North Korean Refugee Crisis”. Stanford Journal of International Law (1): 143–178.
  63. ^ “Kim Jong Il's leadership, key to victory”. Naenara. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2006.
  64. ^ “Worst Obstacle to Reunification of Korea”. Korea Today. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2006.
  65. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2014.
  66. ^ “Palestinian Self-Determination, Human Rights In Democratic People's Republic Of Korea Addressed In Texts Approved By Third Committee”. United Nations. ngày 17 tháng 11 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2010.
  67. ^ “DisplayNews”. Ohchr.org. ngày 25 tháng 3 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2010.
  68. ^ Alton, 2013. p. 79. As of 2005 the agency "Religious Intelligence UK" estimated 3,846,000 believers of Korean shamanism, 3,245,000 Chondoists, 1,082,888 Buddhists, 406,000 Christians, and the rest non-believers.
  69. ^ “Annual Report of the United States Commission on International Religious Freedom”. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2010.
  70. ^ “N Korea stages Mass for Pope”. BBC.
  71. ^ “Triều Tiên: Thánh lễ không có linh mục”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 3 tháng 6 năm 2015.
  72. ^ “WWL: Focus on the Top Ten”. http://sb.od.org. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 2 năm 2006. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2006. Liên kết ngoài trong |nhà xuất bản= (trợ giúp)
  73. ^ “Bắc Hàn, Nam Hàn gặp rào cản ngôn ngữ?”. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua www.bbc.com.
  74. ^ “Zing - Thông tin uy tín, hình ảnh ấn tượng”. ZingNews.vn. Truy cập 15 tháng 8 năm 2023.
  75. ^ “Triều Tiên, đất nước kỳ lạ - Kỳ 5: Đồng won xanh, đỏ”.
  76. ^ Bình Nhưỡng dọa hủy diệt Hàn Quốc Lưu trữ 2008-11-23 tại Wayback Machine Thứ hai, 31/3/2008, 07:24 GMT+7
  77. ^ News, VietNamNet. “Khám phá pháo tự hành lớn nhất của quân đội Triều Tiên”. VietNamNet. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  78. ^ Triều Tiên dọa biến Hàn Quốc thành tro bụi Lưu trữ 2008-10-31 tại Wayback Machine Thứ ba, 28/10/2008, 16:29 GMT+7
  79. ^ a b VnExpress. “VnExpress - Báo tiếng Việt nhiều người xem nhất”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  80. ^ a b VietnamPlus (2 Tháng tám 2011). “Hàn Quốc viện trợ bột mỳ đợt hai cho Triều Tiên - Châu Á-TBD - Vietnam+ (VietnamPlus)”. VietnamPlus. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  81. ^ “Bắc Hàn đồng ý nhận cứu trợ từ Nam Hàn”. Radio Free Asia. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  82. ^ Kim, Kwang-Tae (ngày 22 tháng 11 năm 2010). “SKorea: NKorea Fires Artillery Onto Island”. Associated Press. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2010.
  83. ^ “(URGENT) Four S. Korean soldiers wounded by N. Korean artillery fire: military officials”. Yonhap News Agency. ngày 23 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 22 tháng 11 năm 2010.
  84. ^ Branigan, Tania (ngày 23 tháng 11 năm 2010). “Artillery fire on Korean border”. guardian.co.uk. Guardian. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2010.
  85. ^ “Artillery fire on Korean border”. BBC Online. BBC. ngày 23 tháng 11 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2010.
  86. ^ “Nam Bắc Hàn 'chung lá cờ ở Olympics'. BBC News Tiếng Việt. 17 Tháng một 2018. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  87. ^ Hàn - Triều cam kết ký hiệp định hòa bình, kết thúc chiến tranh, VnExpress, 27/4/2018
  88. ^ baotintuc.vn (19 Tháng sáu 2019). “Trung Quốc–Triều Tiên: Mối quan hệ nhiều thăng trầm bên dòng sông Áp Lục”. baotintuc.vn. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  89. ^ “Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2011.
  90. ^ a b Thông tin cơ bản về CHDCND Triều Tiên và quan hệ Việt Nam - Triều Tiên
  91. ^ “N Korea admits Vietnam war role”. 7 Tháng bảy 2001. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua news.bbc.co.uk.
  92. ^ “atimes.com”. www.atimes.com. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2006. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  93. ^ “BBC News - ASIA-PACIFIC - North Korea fought in Vietnam War”. news.bbc.co.uk. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  94. ^ “Kim Jong-il qua đời: phản ứng từ Việt Nam”. BBC News Tiếng Việt. 19 Tháng mười hai 2011. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  95. ^ VnExpress. “Chủ tịch Triều Tiên hôm nay thăm chính thức Việt Nam”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  96. ^ VietnamPlus (16 Tháng một 2016). “Triều Tiên sẽ dừng thử hạt nhân nếu Mỹ-Hàn ngừng tập trận chung - Châu Á-TBD - Vietnam+ (VietnamPlus)”. VietnamPlus. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  97. ^ a b VCCorp.vn (14 Tháng tám 2017). “Triều Tiên đã "kiếm" hàng tỷ USD viện trợ như thế nào?”. VnEconomy. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 1 năm 2020. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  98. ^ Tuyên bố chung của Trump - Kim nói gì?, 12/06/2018, Vietnamnet
  99. ^ ITAR-TASS, ngày 7 tháng 3 năm 1998
  100. ^ "Russian ambassador to North Korea upbeat on cooperation prospects", Interfax, ngày 7 tháng 2 năm 2012
  101. ^ “Chiến lược của Bắc Triều Tiên để nhận viện trợ từ Trung Quốc”. world.kbs.co.kr. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  102. ^ Herald, The Korea (29 Tháng mười 2019). “China's aid to NK this year tops W41b until Aug”. www.koreaherald.com. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  103. ^ a b North Korea: Who is sending aid?- BBC News
  104. ^ https://fas.org/sgp/crs/row/RS21834.pdf
  105. ^ Herald, The Korea (26 Tháng năm 2017). “South Korea OKs first aid to North Korea since Moon took office”. www.koreaherald.com. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  106. ^ http://www.fao.org/3/i0876e/i0876e.pdf
  107. ^ http://www.fao.org/3/a-i4646e.pdf
  108. ^ “NKorea's Kim says thanks for flood aid, but not to SKorea”. Afp.google.com. ngày 10 tháng 9 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 2 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 5 năm 2013.
  109. ^ ONLINE, TUOI TRE (21 Tháng chín 2017). “Hàn Quốc vẫn viện trợ 8 triệu USD cho Triều Tiên”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  110. ^ “Hàn Quốc là nước viện trợ nhiều nhất cho Triều Tiên năm 2019”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2020.
  111. ^ Acomm(http://www.acomm.com.vn), Copyright(c) 2019. “Liên hợp quốc kêu gọi viện trợ lương thực cho Triều Tiên - Tạp chí Tuyên giáo”. tuyengiao.vn. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  112. ^ VnExpress. “Hàn Quốc thông qua gói viện trợ 8 triệu USD cho Triều Tiên”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  113. ^ Local factories in North Korea, Interview by staff reporter, Joon Ang Ilbo, taken from Tong-il Hankuk newspaper, ngày 14 tháng 3 năm 2002
  114. ^ Kihl, Young Whan (3 Tháng tư 1985). “North Korea in 1984: "The Hermit Kingdom" Turns Outward!”. Asian Survey. 25 (1): 65–79. doi:10.2307/2644057. JSTOR 2644057. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua JSTOR.
  115. ^ “North Korean Economy Watch » Blog Archive » Scott Snyder on Rason”. Nkeconwatch.com. ngày 5 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  116. ^ “North Korean Economy Watch » Blog Archive » Bridge on China-North Korea border being renovated”. Nkeconwatch.com. ngày 13 tháng 4 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  117. ^ “Human Development Report 1998”. United Nations Development Programme. 1998. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.
  118. ^ Welcome to North Korea. Rule No. 1: Obey all rules, Steve Knipp, Contributor to The Christian Science Monitor. ngày 2 tháng 12 năm 2004.
  119. ^ Yi-geun Ryu & Daniel Rakove (ngày 30 tháng 5 năm 2007). “[Feature] In reclusive North, signs of economic liberalization”. The Hankyoreh. The Hankyoreh Media Company. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  120. ^ “Báo Tuổi Trẻ”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2009.
  121. ^ “Người Bắc Hàn xin tị nạn ở Hà Nội”. BBC News Tiếng Việt. 24 Tháng chín 2009. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  122. ^ “Dân Bắc Hàn lâm vào cảnh "cùng cực". BBC News Tiếng Việt. 23 Tháng mười 2009. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  123. ^ Jangmadang Will Prevent "Second Food Crisis" from Developing, DailyNK, 2007-10-26
  124. ^ 2008 Top Items in the Jangmadang, The DailyNK, ngày 1 tháng 1 năm 2009
  125. ^ Kim Jong Eun's Long-lasting Pain in the Neck, TheDailyNK, ngày 30 tháng 11 năm 2010
  126. ^ “Báo Tuổi Trẻ”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2009.
  127. ^ “COUNTRY PROFILE: NORTH KOREA” (PDF). Library of Congress – Federal Research Division. tháng 7 năm 2007. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.
  128. ^ “DPRK--Only Tax-free Country”. Truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2009.
  129. ^ “The Taean Work System”. Lcweb2.loc.gov. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  130. ^ “NK's Economy Records 1st Growth in 3 Years”. Koreatimes.co.kr. ngày 28 tháng 6 năm 2009. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2010.
  131. ^ Basic information on the Democratic People's Republic of Korea. Bộ ngoại giao Bulgaria.
  132. ^ In limited N.Korean market, furor for S.Korean products, The Hankyoreh, ngày 6 tháng 1 năm 2011
  133. ^ “CẢI CÁCH KINH TẾ Ở CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN - Viện Nghiên Cứu Đông Bắc Á”. www.inas.gov.vn. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  134. ^ “MAJOR FOOD AND AGRICULTURAL COMMODITIES AND PRODUCERS - Countries by commodity”. UN FAO Statistics Division. 2005. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.
  135. ^ “MAJOR FOOD AND AGRICULTURAL COMMODITIES AND PRODUCERS - Countries by commodity”. UN FAO Statistics Division. 2005. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.
  136. ^ Cuộc khủng hoảng năng lượng ở Triều Tiên
  137. ^ ChartsBin. “Roads Paved(% of Total Roads) by Country”. ChartsBin. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  138. ^ a b VnExpress. “Hệ thống giao thông vắng xe cộ ở Triều Tiên”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  139. ^ North Korea - Education Overview, Library of Congress.
  140. ^ “Political Life Launched by Chosun Children's Union”. Daily NK. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  141. ^ “Educational themes and methods”. Lcweb2.loc.gov. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  142. ^ “Primary and Secondary education”. Lcweb2.loc.gov. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  143. ^ “Triều Tiên - đất nước lạ kỳ: Giáo dục không mất tiền”.
  144. ^ “North Korea - Higher education”. Lcweb2.loc.gov. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2010.
  145. ^ a b “North Korea - EDUCATION”. countrystudies.us. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  146. ^ NK, Daily (14 Tháng chín 2007). “North Korea: Education Revolution In Progress”. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  147. ^ Bên trong thư viện trung ương đồ sộ của Triều Tiên, 19/07/2018, Vietnamnet
  148. ^ Library of Congress country study, see p. 8 - Health
  149. ^ a b c “Y tế cũng miễn phí”.
  150. ^ North Korea Public Health, Country Studies
  151. ^ a b c “Nền y tế Triều Tiên 'bí mật nhất thế giới'. tienphong.vn. 20 Tháng tư 2017. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  152. ^ “N Korea healthcare 'near collapse'. BBC News. ngày 18 tháng 11 năm 2008.
  153. ^ “Life Inside North Korea”. U.S. Department of State. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 18 tháng 11 năm 2008.
  154. ^ “CIA - The World Factbook -- Country Comparison:: Life expectancy at birth”. The World Factbook. Central Intelligence Agency. 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 7 năm 2009.
  155. ^ “Calgary Doctor Returns from North Korea- Canadian Red Cross”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2011.
  156. ^ a b c d e “Everything you need to know about human rights”. www.amnesty.org. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  157. ^ “Lạ lùng bệnh viện Triều Tiên”. Báo Thanh Niên. 1 Tháng bảy 2013. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  158. ^ “Aid agencies row over North Korea health care system”. 16 Tháng bảy 2010. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua www.bbc.co.uk.
  159. ^ a b Noland, Marcus, Sherman Robinson and Tao Wang, Famine in North Korea: Causes and Cures Lưu trữ 2011-07-06 tại Wayback Machine, Institute for International Economics.
  160. ^ a b Spoorenberg, Thomas; Schwekendiek, Daniel. 2012. "Demographic Changes in North Korea: 1993–2008", Population and Development Review, 38(1), pp. 133-158.
  161. ^ Lee Kuan Yew (2013). "North Korea: A Grand Hoax", in L.K. Yew, One Man's View of the World (Singapore: Straits Times Press), pp. 137]
  162. ^ “North Korea, Facing Food Shortages, Mobilizes Millions From the Cities to Help Rice Farmers”. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2008.
  163. ^ “North Korea's problem with food”. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2009.
  164. ^ Eberstadt, Nicholas (29 Tháng mười hai 2015). “How North Korea Became the World's Worst Economy”. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua www.wsj.com.
  165. ^ “N Koreans eating twigs”. 29 Tháng mười một 2000. Truy cập 3 Tháng tư 2021 – qua news.bbc.co.uk.
  166. ^ “atimes.com”. www.atimes.com. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2011. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  167. ^ http://www.wfp.org/countries/korea-democratic-peoples-republic-dprk/overview
  168. ^ “North Korea food production improves slightly”. The Telegraph. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  169. ^ “FAOSTAT”. www.fao.org. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  170. ^ News, V. T. C. (15 Tháng năm 2013). “Nạn đói ở Triều Tiên chỉ là bịa đặt”. Báo điện tử VTC News. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  171. ^ “Những huyền thoại về Bắc Triều Tiên”. vn.sputniknews.com. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  172. ^ N. Korea ranks No.1 in military spending as percentage of GDP, Yonhap News Agency, January 09, 2020
  173. ^ " Background Note: North Korea", US Department of State, October, 2006.
  174. ^ Hé lộ về lực lượng đặc nhiệm lớn nhất thế giới của Triều Tiên, Báo Tin tức, 30/10/2021
  175. ^ Bureau of East Asian and Pacific Affairs (2007). “Background Note: North Korea”. United States Department of State. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2007.
  176. ^ Армии стран мира: К Lưu trữ 2014-10-06 tại Wayback Machine, soldiering.ru
  177. ^ Library of Congress country study, see p. 19 - Major Military Equipment
  178. ^ Order of Battle - North Korea Lưu trữ 2008-03-23 tại Wayback Machine, MilAviaPress
  179. ^ North Korea Country Study (2009), Library of Congress, pp.288-293 (on PDF reader)
  180. ^ North Korea Appears Capable of Jamming GPS Receivers, globalsecurity.org, ngày 7 tháng 10 năm 2010
  181. ^ North Korea 'develops stealth paint to camouflage fighter jets', The Daily Telegraph, ngày 23 tháng 8 năm 2010
  182. ^ North Korea's Human Torpedoes, DailyNK, 06-05-2010
  183. ^ “New Threat from N.Korea's 'Asymmetrical' Warfare”. English.chosun.com. The Chosun Ilbo (English Edition). ngày 29 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2010.
  184. ^ North Korea's military aging but sizable Lưu trữ 2014-09-03 tại Wayback Machine, CNN, ngày 25 tháng 11 năm 2010
  185. ^ Chương trình hạt nhân của Triều Tiên "ngốn" bao nhiêu tiền?, VnEconomy, 21/07/2017
  186. ^ Bắc Hàn và giấc mơ nguyên tử đã ba đời, Nguyễn Tiến Hưng, BBC Vietnam
  187. ^ 'Chiếc hộp Pandora' đã mở ra khi TT Moon gặp lãnh đạo Kim lần thứ 3 Lưu trữ 2018-09-23 tại Wayback Machine, 19/09/2018, news.zing.vn
  188. ^ Vladimir Putin warns world faces 'global catastrophe' over North Korea, CNN, ngày 5 tháng 9 năm 2017
  189. ^ “Triều Tiên, đất nước lạ kỳ - Kỳ 2: Lãnh tụ bất tử”.
  190. ^ “Triều Tiên - Đất nước lạ kỳ - Kỳ cuối: Ước nguyện thống nhất”.
  191. ^ VnExpress. “9 vùng du lịch nổi tiếng ở Triều Tiên”. Báo điện tử VnExpress. Truy cập 3 Tháng tư 2021.
  192. ^ “KBS World: Kỷ niệm 3 năm ngày du khách Hàn bị bắn chết tại núi Geumgang của Triều Tiên”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 1 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2011.
  193. ^ “Kim chi đỏ của Triều Tiên được vinh danh”.
  194. ^ NLD.COM.VN (11 Tháng mười một 2013). “Triều Tiên xử tử 80 người vì xem phim Hàn”. https://nld.com.vn. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 4 năm 2023. Truy cập 3 Tháng tư 2021. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  195. ^ “Triều Tiên tử hình 80 người vì xem phim Hàn Quốc”. Truy cập 3 Tháng tư 2021.

Đọc thêm

Liên kết ngoài

Những liên kết tới Chính phủ Triều Tiên

Các website về Triều Tiên

Các trang web chỉ trích Triều Tiên

Các tài liệu về Triều Tiên