Kaga (tàu sân bay Nhật)
Tàu sân bay Kaga sau khi được hiện đại hóa, với những ống khói đặc trưng hướng xuống phía dưới.
| |
Khái quát lớp tàu | |
---|---|
Bên khai thác | Hải quân Đế quốc Nhật Bản |
Lớp trước | Akagi |
Lớp sau | Ryūjō |
Thời gian đóng tàu | 1920–1928 |
Thời gian phục vụ | 1928–1942 |
Thời gian hoạt động | 1928–1942 |
Hoàn thành | 1 |
Bị mất | 1 |
Lịch sử | |
Nhật Bản | |
Tên gọi | Kaga |
Đặt tên theo | tỉnh Kaga |
Xưởng đóng tàu | Kawasaki Heavy Industries, Kobe; Xưởng hải quân Yokosuka |
Kinh phí | 53 triệu Yên[1] |
Đặt lườn | 19 tháng 7 năm 1920 |
Hạ thủy | 17 tháng 11 năm 1921 |
Hoàn thành | 31 tháng 3 năm 1928 |
Hoạt động | 1 tháng 11 năm 1929 |
Xếp lớp lại | Tàu sân bay, 31 tháng 3 năm 1923 |
Tân trang | 20 tháng 10 năm 1933–25 tháng 6 năm 1935 |
Xóa đăng bạ | 10 tháng 8 năm 1942 |
Số phận | Hư hại bởi máy bay Mỹ trong trận chiến Midway, bị tàu khu trục Nhật đánh đắm ngày 4 tháng 6 năm 1942 |
Đặc điểm khái quát | |
Kiểu tàu | tàu sân bay |
Trọng tải choán nước | 38.200 tấn Anh (38.813 t) (tiêu chuẩn) |
Chiều dài | 247,65 m (812 ft 6 in) |
Sườn ngang | 32,5 m (106 ft 8 in) |
Mớn nước | 9,48 m (31 ft 1 in) |
Động cơ đẩy |
|
Tốc độ | 28 hải lý trên giờ (52 km/h; 32 mph) |
Tầm hoạt động | 10.000 nmi (19.000 km; 12.000 mi) ở tốc độ 15 hải lý trên giờ (28 km/h; 17 mph) |
Thủy thủ đoàn tối đa | 1.708 (sau khi tái cấu trúc) |
Vũ khí |
|
Bọc giáp | |
Máy bay mang theo | 72 (+18 dự trữ): 18 × Zero, 27 × Val, 27 × Kate (tháng 12 năm 1941) |
Kaga (tiếng Nhật: 加賀, Gia Hạ) là một tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai; là chiếc tàu sân bay thứ ba của Hải quân Nhật được đưa vào hoạt động, với tên được đặt theo tỉnh Kaga cũ trước đây, nay thuộc tỉnh Ishikawa. Thoạt tiên được dự định như một trong hai thiết giáp hạm thuộc lớp Tosa, Kaga được cải biến thành một tàu sân bay theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington để thay thế cho chiếc tàu chiến-tuần dương Amagi vốn đã bị hư hại trong trận động đất Kantō 1923. Kaga được tái cấu trúc vào những năm 1933–1935 nhằm gia tăng tốc độ, cải tiến hệ thống thoát khí và nâng cấp sàn cất-hạ cánh để mang được những máy bay hiện đại lớn và nặng hơn.
Kaga có vai trò nổi bật trong việc phát triển học thuyết lực lượng tấn công tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, trong đó tập hợp các tàu sân bay lại để có một sức mạnh không lực tập trung. Là một khái niệm chiến lược mang tính cách mạng vào lúc đó, việc triển khai học thuyết này đã giúp Nhật Bản đạt được những mục tiêu chiến lược trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.
Máy bay của Kaga thoạt tiên đã hỗ trợ cho lực lượng Nhật Bản tại Trung Quốc trong Sự kiện Thượng Hải năm 1932, rồi tham gia cuộc Chiến tranh Trung-Nhật vào cuối những năm 1930. Cùng các tàu sân bay khác, nó tham gia vào cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941 và chiếm đóng Rabaul ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương vào tháng 1 năm 1942. Sang tháng tiếp theo, máy bay của nó đã ném bom Darwin thuộc Australia giúp hỗ trợ cho việc chiếm đóng Đông Ấn thuộc Hà Lan. Kaga lỡ mất cuộc không kích Ấn Độ Dương vào tháng 4 vì phải quay về Nhật Bản sửa chữa những hư hại do tai nạn va phải một rặng san hô vào tháng 2 trước đó.
Sau khi sửa chữa xong, Kaga gia nhập trở lại Không hạm đội 1 để tham gia trận Midway vào tháng 6 năm 1942. Sau khi ném bom xuống lực lượng Hoa Kỳ trú đóng trên đảo san hô, Kaga cùng với ba tàu sân bay khác bị máy bay xuất phát từ Midway và từ các tàu sân bay Enterprise, Hornet và Yorktown tấn công. Máy bay ném bom bổ nhào của Enterprise đã gây hư hại nặng cho Kaga. Khi đã trở nên rõ ràng là không thể giữ được, nó bị các tàu khu trục Nhật Bản đánh đắm để không bị lọt vào tay đối phương. Việc bị mất bốn tàu sân bay hạm đội trong đó có Kaga tại Midway là một thất bại chiến lược nghiêm trọng cho phía Nhật Bản, góp phần đáng kể cho chiến thắng sau cùng của phe Đồng Minh tại Thái Bình Dương. Đến năm 1999, những mảnh vỡ của Kaga được tìm thấy dưới đáy biển. Ngày 16 tháng 10 năm 2019, các chuyên gia trên tàu nghiên cứu RV Petrel đã tìm thấy xác tàu Kaga tại độ sâu gần 5.200m ở Thái Bình Dương, gần quần đảo Tây Bắc Hawaii.
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Thiết kế và chế tạo
[sửa | sửa mã nguồn]Kaga được đặt lườn như một trong số hai thiết giáp hạm nhanh thuộc lớp Tosa, và được hạ thủy vào ngày 17 tháng 11 năm 1921 tại xưởng đóng tàu của hãng Kawasaki Heavy Industries ở Kobe. Đến ngày 5 tháng 2 năm 1922, trong khi chờ đợi hoàn thiện, cả hai chiếc thiết giáp hạm lớp Tosa bị hủy bỏ và được chỉ định cho tháo dỡ theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington.[3][4]
Tuy nhiên, Hiệp ước cho phép cải biến lườn của hai thiết giáp hạm hay tàu chiến-tuần dương với trọng lượng choán nước tiêu chuẩn cho đến 33.000 tấn Anh (34.000 t) trở thành tàu sân bay. Ban đầu, hai chiếc Amagi và Akagi chưa hoàn tất thuộc lớp tàu chiến-tuần dương Amagi được chọn để hoán cải, nhưng trận động đất lớn Kantō (Quan Đông đại chấn tai) ngày 1 tháng 9 năm 1923 đã phá hủy sườn chiếc Amagi đến mức không thể sửa chữa một cách kinh tế, vì vậy Kaga được chọn để thay thế. Quyết định chính thức cải biến Kaga thành tàu sân bay được công bố vào ngày 13 tháng 12 năm 1923, nhưng công việc đã không tiến hành cho đến năm 1925, sau khi bản vẽ mới được thảo ra cũng như những hư hại của Xưởng hải quân Yokosuka do động đất được sửa chữa. Nó được chính thức đưa ra hoạt động vào ngày 31 tháng 3 năm 1928, nhưng chỉ có ý nghĩa bắt đầu công việc chạy thử máy. Nó gia nhập Hạm đội Liên hợp (Rengo kantai) vào ngày 30 tháng 11 năm 1929 như là chiếc tàu sân bay thứ ba của Hải quân Nhật, sau các chiếc Hōshō (1922) và Akagi (1927).[5]
Kaga được hoàn tất với chiều dài chung 238,5 mét (782 ft 6 in). Nó có mạn thuyền rộng 31,67 mét (103 ft 11 in) và độ sâu mớn nước 7,92 mét (26 ft 0 in) khi đầy tải. Con tàu có trọng lượng choán nước 26.900 tấn Anh (27.300 t) ở tải trọng tiêu chuẩn và 33.693 tấn Anh (34.234 t) khi đầy tải, nhẹ hơn gần 6.000 tấn Anh (6.100 t) so với trọng lượng thiết kế như một thiết giáp hạm.[6] Thủy thủ đoàn đầy đủ của nó gồm 1.340 thành viên.[7]
Sự bố trí sàn cất-hạ cánh
[sửa | sửa mã nguồn]Giống như Akagi, Kaga được hoàn tất với ba sàn cất-hạ cánh xếp thượng tầng, là những tàu sân bay duy nhất trên thế giới được thiết kế như vậy. Các tàu sân bay Anh Quốc Glorious, Courageous và Furious, nguyên được cải biến từ những "tàu tuần dương nhẹ lớn", mỗi chiếc có hai sàn cất-hạ cánh, nhưng không có chứng cứ gì là người Nhật đã sao chép kiểu mẫu của người Anh. Rất có thể đây là sự cải tiến mang tính hội tụ những biện pháp nhằm phóng lên càng nhiều máy bay càng tốt. Sàn đáp chính của Kaga dài 171,2 mét (561 ft 8 in); sàn giữa chỉ dài 15 mét (49 ft 3 in) và bắt đầu ngay phía trước cầu tàu; và sàn dưới dài khoảng 55 mét (180 ft 5 in). Nghi vấn đặt ra về sự tiện dụng của sàn giữa bởi vì nó quá ngắn và chỉ cho phép một số máy bay tải trọng nhẹ mới có thể sử dụng được, ngay cả vào thời đại mà máy bay nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với thời Thế Chiến II.[8] Ở bất kỳ tốc độ nào, sự tiến triển về tính năng, kích cỡ và trọng lượng máy bay trong những năm 1930 khiến cho ngay cả sàn cất cánh dưới cũng không đảm đương chiều dài lăn bánh cất cánh cần cho thế hệ máy bay mới được đưa vào sử dụng; vì thế hai sàn cất cánh bên dưới được tháo bỏ và bít kín khi nó được hiện đại hóa giữa những năm 1930.[9] Khác biệt so với Akagi, sàn đáp phía trên của Kaga hoàn toàn phẳng cho đến khi nó được bổ sung một tháp chỉ huy vào giai đoạn được hiện đại hóa.[10]
Khi hoàn tất, con tàu có hai hầm chứa máy bay (hangar) chính và một hầm phụ thứ ba, có thể chứa tổng cộng 60 máy bay. Hai hầm chính mở ra vào sàn cất cánh giữa và sàn cất cánh dưới, cho phép máy bay cất cánh trực tiếp từ hầm chứa, trong khi hoạt động hạ cánh diễn ra ở sàn trên. Máy phóng không được trang bị.[11] Thang nâng máy bay phía trước được đặt lệnh sang mạn phải và có kích thước 10,67 nhân 15,85 mét (35 ft 0 in × 52 ft 0 in); thang nâng phía sau đặt trên trục giữa và có kích thước 12,8 nhân 9,15 mét (42 ft 0 in × 30 ft 0 in). Hệ thống dây hãm của nó là kiểu dọc do người Pháp phát triển để sử dụng trên tàu sân bay Béarn của họ; được người Nhật đặt tên là Kiểu Fju (Fju shiki) trong kỹ thuật.[12]
Khi hoàn tất, Kaga mang theo một phi đoàn bao gồm 28 máy bay ném bom-ngư lôi Mitsubishi B1M3, 16 máy bay tiêm kích Nakajima A1N và 16 máy bay tuần tiễu Mitsubishi 2MR.[6][Note 1]
Vũ khí và vỏ giáp
[sửa | sửa mã nguồn]Kaga được trang bị mười khẩu pháo 20 cm (7,9 in)/50 caliber, gồm hai tháp pháo nòng đôi kiểu B đặt hai bên sàn cất cánh giữa và số còn lại gồm sáu khẩu trong các tháp pháo ụ phía sau. Chúng bắn ra đạn pháo nặng 110 kilôgam (240 lb) với tốc độ 3 đến 6 phát mỗi phút, với lưu tốc đầu đạn 870 m/s (2.900 ft/s); ở góc nâng 25°, chúng cho phép đạt tầm xa tối đa 22.600–24.000 mét (24.700–26.200 yd). Các tháp pháo kiểu B này trên danh nghĩa có thể nâng cho đến góc 70° để cung cấp hỏa lực phòng không bổ sung, nhưng trong thực tế góc nâng tối đa chỉ đạt được 55°. Tốc độ bắn chậm và góc nạp đạn cố định ở 5° làm triệt tiêu mọi khả năng phòng không.[13][14] Dàn hỏa lực hạng nặng này được bố trí trong trường hợp nó bị tấn công bất ngờ bởi tàu tuần dương đối phương và bị buộc phải tham chiến; nhưng sàn cất-hạ cánh lớn và mong manh, hầm chứa máy bay và cấu trúc thượng tầng làm cho nó trở thành một mục tiêu nổi bật hơn mọi tàu chiến trong các cuộc đụng độ mặt biển. Học thuyết về tàu sân bay vẫn còn đang được phát triển vào lúc đó, và người ta chưa nhận thức được sự phi thực tế của việc đấu pháo tay đôi của tàu sân bay.[15][Note 2]
Con tàu cũng trang bị vũ khí dành riêng phòng không gồm sáu khẩu 12 cm (4,7 in)/45 caliber nòng đôi, bố trí mỗi bên mạn ba khẩu đội trên những bệ nhô bên dưới mức các ống khói, nơi chúng không thể bắn chéo qua mạn của sàn đáp.[17] Các khẩu pháo này bắn ra đạn pháo nặng 20,3 kilôgam (45 lb) với lưu tốc đầu đạn 825–830 m/s (2.710–2.720 ft/s); ở góc nâng 45° chúng cho phép đạt tầm xa tối đa 16.000 mét (17.000 yd), và có được trần bắn tối đa 10.000 mét (11.000 yd) ở góc nâng 75°. Tốc độ bắn hiệu quả của kiểu vũ khí này là từ 6 đến 8 phát mỗi phút.[18][19] Nó còn có hai bộ kiểm soát hỏa lực Kiểu 89 để điều khiển các khẩu pháo 20 cm (7,9 in) và hai bộ kiểm soát hỏa lực Kiểu 91 (Kōshaki) vận hành bằng tay dành cho các khẩu pháo phòng không 12 cm (4,7 in).[20]
Khi được tái cấu trúc, độ dày đai giáp của Kaga được giảm từ 280 mm (11 in) xuống còn 152 mm (6 in), và phần trên của bầu chống ngư lôi có lớp giáp dày 127 mm (5 in). Độ dày vỏ giáp sàn tàu cũng được giảm từ 102 mm (4,0 in) xuống còn 38 mm (1,5 in).[12]
Động lực
[sửa | sửa mã nguồn]Khi Kaga được thiết kế, vấn đề xử lý ảnh hưởng khí nóng thoát ra đối với hoạt động không lực của tàu sân bay vẫn chưa được giải quyết. Các ống khói xoay tròn trên chiếc Hōshō đã không thành công, và những thử nghiệm trong hầm gió không đề xuất được giải pháp nào. Vì vậy Kaga và Akagi được cung cấp những giải pháp khác nhau để đánh giá trong điều kiện hoạt động thực tế. Khí thải của Kaga được góp vào một cặp ống dẫn dài đặt ngang để thải ra phía sau hai bên sàn đáp, cho dù đã có sự dự đoán của các nhà thiết kế hải quân tiếng tăm rằng chúng không thể đẩy hơi nóng ra cách xa sàn đáp. Sự dự báo này đã tỏ ra chính xác, không chỉ vì Kaga chậm hơn Akagi khiến hơi nóng bốc lên cao và ảnh hưởng đến hoạt động hoạt cánh. Một khuyết điểm khác là sức nóng của khí thải khiến cho chỗ nghỉ của thủy thủ đoàn hai bên lườn tàu cạnh ống khói hầu như không thể ở được.[12]
Kaga được hoàn tất với bốn bộ turbine hơi nước Kawasaki Brown-Curtis, mỗi bộ dẫn động một trục chân vịt, tạo ra tổng công suất 91.000 shp (68 MW). Khi được thiết kế như một thiết giáp hạm, nó được hy vọng sẽ đạt tốc độ tối đa 26,5 hải lý trên giờ (49,1 km/h; 30,5 mph), nhưng việc giảm trọng lượng choán nước từ 39.900 tấn Anh (40.500 t) xuống còn 33.693 tấn Anh (34.234 t) đã giúp gia tăng tốc độ tối đa lên 27,5 hải lý trên giờ (50,9 km/h; 31,6 mph), vốn đã đạt được khi chạy thử máy vào ngày 15 tháng 9 năm 1928. Nó có 12 nồi hơi Kampon Kiểu B (Ro) với áp suất hoạt động 20 kg/cm2 (1.961 kPa; 284 psi), trong đó chỉ có 8 nồi hơi được đốt dầu, và 4 chiếc còn lại đốt hỗn hợp dầu và than. Trữ lượng nhiên liệu của nó bao gồm 8.000 tấn Anh (8.100 t) dầu và 1.700 tấn Anh (1.700 t) than, cho phép nó tầm hoạt động 8.000 hải lý (15.000 km; 9.200 mi) ở tốc độ đường trường 14 hải lý trên giờ (26 km/h; 16 mph).[12]
Lịch sử hoạt động
[sửa | sửa mã nguồn]Các phục vụ ban đầu – Phát triển học thuyết tàu sân bay
[sửa | sửa mã nguồn]Vào ngày 1 tháng 12 năm 1931 Kaga đảm trách vai trò soái hạm của Hàng không chiến đội 1 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn đô đốc Takayoshi Katō.[21] Cùng với tàu sân bay Hōshō, Hải đội 1 lên đường vào ngày 29 tháng 1 năm 1932 hướng đến vùng biển Trung Quốc để hỗ trợ cho các đơn vị Lục quân Nhật Bản trong vụ Sự kiện Thượng Hải trong thành phần Hạm đội 3.[22][Note 3] Những chiếc B1M3 do Kaga và Hōshō mang theo là kiểu máy bay ném bom chính sử dụng trong cuộc xung đột ngắn tại Thượng Hải.[25]
Máy bay của Kaga, hoạt động từ cả hai tàu sân bay và một căn cứ tạm thời tại sân bay Kunda ở Thượng Hải, đã thực hiện các phi vụ hỗ trợ cho các đơn vị mặt đất của Lục quân trong suốt tháng 2 năm 1932. Trong một phi vụ như thế, ba máy bay tiêm kích Nakajima A1N2 của Kaga, bao gồm một chiếc do phi công ách tương lai Toshio Kuroiwa điều khiển trong một phi vụ hộ tống ba máy bay ném bom-ngư lôi Mitsubishi B1M3, đã ghi được chiến công không chiến đầu tiên của Hải quân Nhật vào ngày 22 tháng 2, khi họ bắn rơi một máy bay Boeing P-12 do một phi công tình nguyện Hoa Kỳ điều khiển.[21][26][Note 4] Sau khi có tuyên bố đình chiến vào ngày 3 tháng 3, Kaga quay trở về vùng biển nhà tiếp nối các hoạt động huấn luyện hạm đội cùng các đơn vị còn lại của Hạm đội Liên Hợp.[21]
Vào lúc này, học thuyết hoạt động tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản vẫn còn trong những giai đoạn đầu. Kaga cùng các tàu sân bay khác thoạt tiên được giao vai trò như những lực lượng chiến thuật hỗ trợ cho các thiết giáp hạm của hạm đội trong học thuyết của một "trận chiến quyết định" (Kantai Kessen). Trong vai trò này, máy bay của Kaga sẽ tấn công thiết giáp hạm đối phương bằng bom và ngư lôi. Các cuộc không kích nhắm vào tàu sân bay đối phương sau này (bắt đầu vào khoảng 1932–1933) được xem là có tầm quan trọng tương đương, với mục đích đạt được ưu thế trên không vào những giai đoạn đầu của trận chiến. Yếu tố cần thiết trong chiến lược này là tàu sân bay Nhật Bản phải có khả năng tấn công trước với đòn không kích phủ đầu áp đảo. Trong các cuộc thực tập chiến thuật hạm đội, các tàu sân bay bắt đầu hoạt động chung với nhau phía trước hoặc trong hàng chiến trận chính. Chiến lược mới nhấn mạnh đến tốc độ tối đa của cả tàu sân bay lẫn máy bay mà chúng mang theo, cũng như máy bay lớn hơn với tầm hoạt động xa hơn. Do đó đòi hỏi phải có sàn đáp dài hơn trên tàu sân bay để mang được những máy bay mới nặng hơn đang được đưa vào hoạt động.[30][31][32]
Kaga nhanh chóng bị đánh giá thấp hơn Akagi do tốc độ chậm hơn, sàn đáp nhỏ (ngắn hơn 64 foot (19,5 m)) và cách sắp xếp hệ thống thoát khí có vấn đề. Do những hạn chế rõ rệt của Kaga, nó được ưu tiên hơn Akagi trong quá trình hiện đại hóa.[33] Kaga được đưa về lực lượng dự bị vào ngày 20 tháng 10 năm 1933 để bắt đầu một đợt tái cấu trúc lớn thứ hai, vốn chính thức bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 năm 1934.[22]
Tái cấu trúc
[sửa | sửa mã nguồn]Trong đợt tái cấu trúc lớn thứ hai, hai sàn cất cánh bên dưới của Kaga được cải biến thành hầm chứa máy bay, và cùng với sàn đáp bên trên, được kéo dài ra đến tận mũi. Điều này đã làm gia tăng chiều dài sàn cất-hạ cánh lên 248,55 mét (815 ft 5 in) và tăng số lượng máy bay mang theo lên 90 chiếc (gồm 72 chiếc hoạt động và 18 chiếc dự trữ).[34] Một thang nâng máy bay thứ ba phía trước, kích thước 11,5 nhân 12 mét (37 ft 9 in × 39 ft 4 in), được bổ sung để phục vụ cho các hầm chứa máy bay được mở rộng.[6] Thang nâng dành cho bom và ngư lôi được cải tiến để đưa đạn dược đến tận sàn đáp. Hệ thống dây hãm của nó được thay thế bằng một hệ thống Kiểu 1 do Nhật thiết kế. Một đảo cấu trúc thượng tầng nhỏ bên mạn phải cũng được trang bị.[11]
Hệ thống động lực của nó được thay thế hoàn toàn mới cũng như các chân vịt, đã giúp tăng công suất từ 91.000 shp (67.859 kW) lên 127.400 shp (95.002 kW) khi chạy thử máy. Mỗi bộ turbine Kampon hộp số đa tầng được trang bị bao gồm một turbine áp suất cao, một turbine áp suất thấp và một turbine đường trường, được kết nối vào một trục duy nhất. Các nồi hơi cũ được thay thế bằng tám nồi hơi cải tiến Kampon Kiểu B (Ro) đốt dầu với áp suất hoạt động 22 kg/cm2 (2.157 kPa; 313 psi) ở nhiệt độ 300 °C (572 °F). Lườn tàu được kéo dài thêm 10,3 mét (33 ft 10 in) ở phía đuôi để giảm sức cản, và nó được bổ sung một bầu chống ngư lôi nữa bên trên đai giáp hông ngang với phần trên của bầu hiện hữu, giúp làm tăng chiều ngang mạn tàu và hạ thấp trọng tâm; đây là kết quả từ những bài học thu được sau sự cố Tomozuru vào đầu năm 1934. Việc này đã làm tăng trọng lượng choán nước từ 26.900 tấn Anh (27.332 t) lên 38.200 tấn Anh (38.813 t). Động lực được tăng cường và tải trọng nặng thêm lại bù trừ lẫn nhau, tốc độ tối đa của nó tăng thêm không đầy một knot, lên đến 28,34 hải lý trên giờ (52,49 km/h; 32,61 mph) khi chạy thử máy. Trữ lượng nhiên liệu của nó tăng lên 7.500 tấn Anh (7.620 t) dầu giúp nâng cao tầm xa hoạt động lên 10.000 hải lý (18.520 km; 11.510 mi) ở tốc độ đường trường 16 hải lý trên giờ (30 km/h; 18 mph). Ống dẫn khói ngang kéo dài được thay thế bằng một ống khói duy nhất có miệng hướng xuống dưới bên mạn phải dựa theo kiểu sử dụng trên chiếc Akagi, với một hệ thống làm mát hơi nóng thoát ra bằng nước và một nắp chụp có thể nâng lên để làm thoát khí trong trường hợp con tàu bị nghiêng nặng đến mức miệng ống khói chạm mặt nước. Chỗ trống dôi ra do tháo dỡ ống dẫn ngang được chia thành hai sàn và cải biến thành chỗ nghỉ của các đội bay tăng thêm.[35] Thành phần thủy thủ đoàn đầy đủ của nó tăng lên 1.708 thành viên.[36]
Hai tháp pháo nòng đôi trên sàn cất cánh giữa được loại bỏ, và bốn khẩu pháo 20 cm (7,9 in)/50 caliber kiểu năm thứ 3 đặt trong tháp pháo ụ được bổ sung phía trước. Các khẩu pháo phòng không 12 cm được thay thế bởi tám khẩu 12,7 cm (5,0 in)/40 caliber Kiểu 89 trên các bệ nòng đôi. Chúng bắn ra đạn pháo nặng 23,45 kilôgam (51,7 lb) với tốc độ từ 8 đến 14 phát mỗi phút và lưu tốc đầu đạn 700–725 m/s (2.300–2.380 ft/s); ở góc nâng 45° chúng cho phép đạt tầm xa tối đa 14.800 m (16.200 yd) và một trần bắn tối đa 9.400 m (30.800 ft).[37][38] Các bệ nhô của chúng được nâng lên một sàn tàu cho phép có một mức độ bắn chéo qua sàn đáp. Mười hai tháp pháo 25 mm (0,98 in) Kiểu 96 nòng đôi được bổ sung cũng trên các bệ nhô; chúng bắn ra đạn pháo nặng ,25 kilôgam (0,55 lb) với lưu tốc đầu đạn 900 m/s (3.000 ft/s); ở góc nâng 50° chúng cho phép đạt tầm xa tối đa 7.500 m (8.200 yd) và một trần bắn tối đa 5.500 m (18.000 ft). Tốc độ bắn hiệu quả chỉ đạt 110–120 phát mỗi phút do phải thường xuyên thay hộp đạn dung lượng 15 viên.[39][40] Sáu súng máy 6,5 milimét (0,26 in) Kiểu 11 cũng được tăng cường.[35] Sáu bộ điều khiển hỏa lực Kiểu 95 được trang bị để kiểm soát các khẩu pháo 25 mm mới, nhưng Kaga vẫn giữ lại bộ điều khiển hỏa lực đã lạc hậu Kiểu 91 dành cho phòng không.[36]
Nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng trong thiết kế của Kaga đã không được hiệu chỉnh. Các bồn chứa xăng máy bay của nó được tích hợp trực tiếp vào cấu trúc của con tàu, có nghĩa là các chấn động đối với lườn tàu, như trúng bom hoặc đạn pháo, có thể được truyền thẳng đến các thùng chứa, gây nút hoặc rò rỉ. Ngoài ra, cấu trúc mới hoàn toàn kín của các hầm chứa máy bay khiến cho việc chữa cháy trở nên khó khăn, ít nhất một phần do hơi nhiên liệu có thể tích tụ trong hầm chứa. Cộng vào mối nguy hiểm đó là yêu cầu của học thuyết tàu sân bay Nhật Bản đòi hỏi máy bay phải được bảo trì, nạp nhiên liệu và nạp đạn dược tại hầm chứa thay vì trên sàn đáp mỗi khi có thể được. Hơn nữa, hầm chứa máy bay và sàn cất-hạ cánh chỉ được bọc giáp hạn chế; và không có dự phòng cho hệ thống chữa cháy của con tàu. Các điểm thiếu sót sau này là những yếu tố mang tính quyết định cho việc mất con tàu.[41][42][43][44]
Chiến tranh Trung-Nh��t
[sửa | sửa mã nguồn]Kaga quay trở lại phục vụ vào năm 1935 và được phân về Hàng không chiến đội 2. Chiếc tàu sân bay được nhận những kiểu máy bay mới, bao gồm 16 máy bay tiêm kích Nakajima A2N Kiểu 90, 16 máy bay ném bom bổ nhào Aichi D1A Kiểu 94, và 28 máy bay ném bom-ngư lôi Mitsubishi B2M Kiểu 89.[45] Lúc xung đột bùng nổ trở lại tại Trung Quốc sau sự kiện Lư Câu Kiều vào tháng 7 năm 1937, Kaga đang ở vùng biển nhà. Các liên đội chiến đấu của nó hoàn tất việc huấn luyện tại Ōmura, Nagasaki trước khi giúp vào việc hộ tống tàu chở quân tăng viện từ Nhật Bản sang Trung Quốc. Vào ngày 15 tháng 8, cùng với Hōshō và Ryūjō, con tàu trực chiến trong biển Hoa Đông như một phần của Hạm đội 3 và bắt đầu hỗ trợ các chiến dịch quân sự Nhật Bản dọc theo bờ biển Trung Quốc chung quanh Thượng Hải và sâu vào đất liền.[46][47]
Máy bay của Kaga tham chiến lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 8 năm 1937 khi sáu máy bay tiêm kích Kiểu 90 đối đầu với bốn máy bay Trung Quốc bên trên sân bay Kiangwan, bắn rơi ba máy bay đối phương mà không bị tổn thất. Từ ngày 17 tháng 8 đến ngày 7 tháng 9, những chiếc Kiểu 90 của Kaga cùng hai máy bay tiêm kích Mitsubishi A5M Kiểu 96 vốn vừa gia nhập chiếc tàu sân bay vào ngày 22 tháng 8, đã đụng độ với máy bay Trung Quốc trong nhiều dịp khác. Phi công của Kaga tự nhận đã bắn rơi 10 máy bay đối phương trong những cuộc giao chiến này mà không bị thiệt hại.[48][Note 5] Vào ngày 17 tháng 8, 12 máy bay ném bom của chiếc tàu sân bay đã tấn công Hàng Châu mà không có máy bay tiêm kích hộ tống, và 11 chiếc trong số đó đã bị máy bay Trung Quốc bắn rơi.[50] Bắt đầu từ ngày 15 tháng 9, sáu chiếc máy bay tiêm kích Kiểu 90 cùng sáu chiếc Kiểu 96, 18 máy bay ném bom bổ nhào và 18 máy bay ném bom-ngư lôi từ tàu sân bay được tạm thời bố trí đến sân bay Kunda để hỗ trợ các hoạt động của lực lượng trên bộ.[51]
Đến ngày 26 tháng 9, chiếc tàu sân bay đi đến Sasebo để tiếp liệu. Tại Sasebo, nó được nhận máy bay mới thay thế, bao gồm 32 máy bay tấn công tàu sân bay (ném bom-ngư lôi) Yokosuka B4Y Kiểu 96, 16 máy bay ném bom tàu sân bay (ném bom bổ nhào) Aichi D1A2 Kiểu 96, và thêm 16 máy bay tiêm kích Kiểu 96. Nhiều chiếc máy bay tiêm kích Nakajima A4N Kiểu 95 bổ sung cho lực lượng tiêm kích của chiếc tàu sân bay vào những thời điểm không thể xác định sau đó.[51]
Kaga quay trở lại tuyến đầu vào đầu tháng 10 năm 1937, và ngoại trừ hai chuyến đi ngắn đến Sasebo, đã ở lại ngoài khơi bờ biển Trung Quốc cho đến tháng 12 năm 1938. Sử dụng Đài Loan (lúc này là một phần của Đế quốc Nhật Bản) như là căn cứ, nó đã di chuyển 29.048 hải lý (53.797 km; 33.428 mi) để hỗ trợ các hoạt động quân sự tại phía Nam Trung Quốc và biển Hoa Đông. Vào thời gian này, máy bay ném bom của Kaga đã hỗ trợ Lục quân Nhật bằng cách tấn công các cầu đường sắt, sân bay và phương tiện vận tải. Phi công của tàu sân bay tự nhận đã tiêu diệt được 17 máy bay Trung Quốc trong các trận không chiến trong khi bản thân chỉ mất năm chiếc. Ngày 12 tháng 12 năm 1937, máy bay của Kaga đã tham gia sự kiện Panay.[52][53][54][Note 6]
Kaga đi vào ụ tàu vào ngày 15 tháng 12 năm 1938, nơi hệ thống dây hãm của nó lại được thay thế bằng Kiểu 3 mới hơn và cầu tàu được hiện đại hóa. Sàn cất-hạ cánh và khoảng hầm chứa máy bay được mở rộng, gia tăng khả năng chứa máy bay của con tàu. Nó được đại tu toàn bộ từ ngày 15 tháng 11 năm 1939 đến ngày 15 tháng 11 năm 1940 trước khi quay trở lại phục vụ thường trực. Vào cùng lúc đó, một thế hệ mới các kiểu máy bay chiến đấu được đưa vào sử dụng, và Kaga nhận lên tàu 12 máy bay tiêm kích Mitsubishi A5M, 24 máy bay ném bom bổ nhào Aichi D1A và 36 máy bay ném bom-ngư lôi Yokosuka B4Y; ngoài ra còn có 18 khung máy bay tháo rời được chở theo để dự trữ.[22][56][Note 7]
Kinh nghiệm hoạt động tàu sân bay của Nhật Bản ngoài khơi Trung Quốc đã giúp phát triển hơn nữa học thuyết tàu sân bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Một bài học rút ra từ cuộc Chiến tranh Trung-Nhật là tầm quan trọng của việc tập trung và tăng cường sức mạnh không lực hải quân về hướng bờ biển. Do đó, vào tháng 4 năm 1941, Hải quân Nhật cho thành lập Không hạm đội 1, còn gọi là Kido Butai, để kết hợp mọi tàu sân bay hạm đội dưới một quyền chỉ huy duy nhất. Vào ngày 10 tháng 4 Kaga được phân về Đội tàu sân bay 1 cùng với Akagi như một phần của hạm đội tàu sân bay mới, vốn còn có Hàng không chiến đội 2 (bao gồm Hiryū và Sōryū) và Hàng không chiến đội 5 (bao gồm Shōkaku và Zuikaku). Học thuyết của Hải quân Nhật nhấn mạnh việc không kích kết hợp lực lượng mọi phi đoàn không lực của đội tàu sân bay hơn là của từng chiếc riêng lẻ. Khi nhiều đội tàu sân bay hoạt động phối hợp, sức mạnh không lực của chúng cũng được kết hợp. Học thuyết về sự tập trung sức mạnh này của Hải quân Đế quốc Nhật Bản là kiểu tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại rằng việc tập trung mọi tàu sân bay lại với nhau khiến chúng trở nên mong manh dễ bị quét sạch toàn bộ bằng một đợt không kích hay giao chiến mặt biển lớn. Do đó, Hải quân Nhật cũng phát triển một giải pháp thỏa hiệp, trong đó các tàu sân bay hạm đội sẽ hoạt động gần nhau trong một đội tàu sân bay, nhưng bản thân các đội sẽ hoạt động trong một đội hình hình vuông lỏng lẻo, với 7.000 mét (7.700 yd) cách quãng giữa các đội tàu sân bay.[57][58][59][60]
Học thuyết của Hải quân Nhật quy định các liên đội không lực tàu sân bay không nên tung ra toàn bộ lực lượng trong một đòn tấn công duy nhất. Thay vào đó, mỗi chiếc tàu sân bay sẽ phóng lên một loạt bao gồm mọi máy bay có thể xếp trên mỗi sàn đáp cùng một lúc; đợt tấn công tiếp theo sẽ gồm những máy bay có thể xếp trên sàn đáp kế tiếp. Như vậy các cuộc không kích của Không hạm đội 1 sẽ bao gồm ít nhất hai đợt máy bay lớn.[61] Điểm đặc biệt là Không hạm đội 1 vẫn không được xem là một lực lượng tấn công chiến lược chủ yếu của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, mà chỉ là một thành phần của Lực lượng Đặc nhiệm "Trận chiến Quyết định" (Kantai Kessen) của Hạm đội Liên hợp vốn dựa trên các thiết giáp hạm.[62][63]
Mặc dù việc tập trung rất nhiều tàu sân bay hạm đội vào một đơn vị duy nhất là một khái niệm tiến công chiến lược mới mang tính cách mạng, Không hạm đội 1 mắc phải nhiều khiếm khuyết trong phòng thủ, khiến cho nó, theo nguyên văn lời của sử gia hải quân Mark Peattie, là một "hàm thủy tinh" (glass jaw): "Nó có thể tung ra một cú đấm nhưng không thể chịu đựng một cú đấm trả."[64] Trên các tàu sân bay Nhật, súng phòng không và các hệ thống điều khiển hỏa lực kèm theo có nhiều thiếu sót về thiết kế và cấu hình làm giới hạn hiệu quả của chúng. Ngoài ra, lực lượng tuần tra chiến đấu trên không (CAP: combat air patrol) của hạm đội Nhật bao gồm quá ít máy bay tiêm kích; và còn bị ảnh hưởng bởi hệ thống cảnh báo sớm không thích đáng, bao gồm việc thiếu sót radar; liên lạc vô tuyến yếu kém với các máy bay tiêm kích làm hạn chế khả năng kiểm soát và chỉ huy tuần tra chiến đấu trên không hiệu quả. Hơn nữa, các tàu chiến hộ tống cho tàu sân bay đã không được huấn luyện hay bố trí để hỗ trợ phòng không ở khoảng cách gần. Những khiếm khuyết này, kết hợp với những điểm yếu trên con tàu đã được mô tả bên trên, cuối cùng đã đưa đến sự diệt vong của Kaga và các tàu sân bay khác của Không hạm đội 1.[65][66][67]
Mở màn Thế Chiến II – Trận Trân Châu Cảng
[sửa | sửa mã nguồn]Vào tháng 11 năm 1941, Hạm đội Liên hợp Nhật Bản, dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Yamamoto Isoroku, chuẩn bị cho việc Nhật Bản chính thức tuyên chiến với Hoa Kỳ bằng cách thực hiện một đòn tấn công phủ đầu xuống Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Trân Châu Cảng, Hawaii. Vào ngày 17 tháng 11, tại vịnh Saeki, Hiroshima, dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân Jisaku Okada,[Note 8] Kaga chất lên tàu 100 quả ngư lôi được thiết kế đặc biệt để sử dụng trong vùng nước nông tại nơi neo đậu của Trân Châu Cảng. Đến ngày 19 tháng 11, Kaga cùng phần còn lại thuộc lực lượng tấn công cơ động (Kido Butai) của Hạm đội Liên Hợp, dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc Nagumo Chuichi, và bao gồm sáu tàu sân bay hạm đội thuộc các Hàng không chiến đội 1, 2 và 5, đã tập trung tại vịnh Hitokappu thuộc đảo Etorofu. Hạm đội rời Etorofu vào ngày 26 tháng 11, đi theo một hải trình băng ngang Bắc Thái Bình Dương để tránh các tuyến hàng hải thương mại.[59][Note 9]
Để tấn công Trân Châu Cảng, Kaga mang theo tổng cộng 18 máy bay tiêm kích Mitsubishi A6M Zero, 27 máy bay ném bom-ngư lôi Nakajima B5N và 27 máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A,[Note 10] cùng với ba khung máy bay bay dự trữ của mỗi loại. Vào sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, từ một vị trí cách 230 hải lý (430 km) về phía Bắc hòn đảo, Kaga tham gia cả hai đợt không kích do Không hạm đội 1 tung ra tấn công vào đảo Oahu. Trong đợt tấn công thứ nhất với tổng cộng 213 máy bay, 26 chiếc máy bay ném bom-ngư lôi Nakajima B5N của Kaga đã tấn công các tàu chiến Hoa Kỳ thả neo trong cảng bằng bom và ngư lôi, được hộ tống bởi chín chiếc máy bay tiêm kích Mitsubishi A6M. Trong đợt tấn công thứ hai với tổng cộng 170 máy bay, 26 máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A của Kaga đã nhắm vào sân bay trên đảo Ford giữa cảng trong khi chín máy bay tiêm kích Zero đã hộ tống và tấn công số máy bay đậu trên mặt đất. Có tổng cộng năm chiếc B5N, bốn chiếc Zero và sáu chiếc D3A cùng 31 thành viên các đội bay bị tổn thất trong hai đợt tấn công.[70][71][72][73] Các đội bay ném bom và ngư lôi của Kaga cho là đã ném trúng đích các thiết giáp hạm Nevada, Oklahoma, Arizona, California, West Virginia và Maryland.[74] Phi công tiêm kích của chiếc tàu sân bay khai nhận đã bắn rơi một máy bay Mỹ và phá hủy 20 chiếc khác trên mặt đất.[75][Note 11] Sau khi hoàn thành cuộc tấn công, các Hàng không chiến đội 1 và 5, bao gồm Kaga, lập tức quay trở về Nhật Bản.[59][Note 12]
Chinh phục Thái Bình Dương
[sửa | sửa mã nguồn]Vào tháng 1 năm 1942, từ Truk (nay là Chuuk) thuộc quần đảo Micronesia, Kaga cùng thành phần còn lại thuộc các hải đội 1 và 5 đã hỗ trợ cho cuộc chiếm đóng Rabaul thuộc quần đảo Bismarck, khi lực lượng Nhật Bản bành trướng đến khu vực ngoại vi phòng thủ phía Nam để phòng ngừa các cuộc tấn công từ phía Australia. Nó đã cung cấp 27 máy bay B5N mang bom và 9 máy bay tiêm kích A6M Zero cho đợt không kích ban đầu xuống Rabaul vào ngày 20 tháng 1 năm 1942, khi một chiếc B5N bị hỏa lực phòng không đối phương bắn hạ.[Note 13] Hàng không chiến đội 1 đã tấn công các vị trí Đồng Minh tại đảo Kavieng lân cận vào ngày hôm sau, trong đó Kaga đóng góp 9 chiếc A6M Zero và 16 chiếc D3A. Sang ngày 22 tháng 1, những chiếc D3A và Zero của Kaga lại tấn công Rabaul, khi hai chiếc máy bay ném bom bổ nhào bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp, nhưng các đội bay được giải cứu. Kaga quay trở về Truk vào ngày 25 tháng 1; cuối cùng Rabaul và Kavieng lọt vào tay Nhật Bản trong tháng 2.[80][81]
Vào ngày 9 tháng 2, Kaga va phải một dãi san hô ngầm tại Palau sau khi truy đuổi không thành công lực lượng tàu sân bay Mỹ đã tiến hành không kích xuống quần đảo Marshall vào ngày 1 tháng 2. Hư hại đã làm giảm tốc độ tối đa của chiếc tàu sân bay xuống còn 18 hải lý mỗi giờ.[59][Note 14] Sau khi được sửa chữa tạm thời, nó tiếp tục đi đến biển Timor, nơi mà vào ngày 19 tháng 2, từ một điểm cách 100 hải lý (190 km) về phía Đông Nam điểm cực Đông của Timor, nó cùng các tàu sân bay thuộc các hải đội 1 và 2 tung ra cuộc không kích xuống Darwin, Australia, trong một nỗ lực nhằm phá hủy các cơ sở cảng và sân bay tại đây để ngăn ngừa mọi sự can thiệp vào công cuộc chiếm đóng Java. Kaga đã đóng góp 27 chiếc B5N mang bom, 18 chiếc D3A và 9 chiếc Zero cho cuộc tấn công, gây cho đối phương sự bất ngờ hoàn toàn. Tám tàu đã bị đánh chìm, trong đó có tàu khu trục Hoa Kỳ Peary, và mười bốn chiếc khác bị hư hại với cái giá tổn thất một chiếc B5N của Kaga. Cuộc tấn công đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn Darwin tham gia vào việc kháng cự của Đồng Minh tại Java. Đến tháng 3 năm 1942, đặt căn cứ tại vịnh Staring, Kaga đã hỗ trợ trực tiếp cho cuộc chiếm đóng Java; phần đóng góp đáng kể nhất có lẽ là đã cung cấp 27 chiếc B5N "Kate" mang bom được 9 chiếc "Zero" hộ tống cho cuộc không kích vào ngày 5 tháng 3 xuống Tjilatjap. Trận này tỏ ra rất thành công, đánh chìm tám tàu trong cảng cùng tấn công các khẩu đội phòng không và một kho hàng mà không bị thiệt hại nào. Hầu hết lực lượng Đồng Minh tại Đông Ấn thuộc Hà Lan đã đầu hàng vào cuối tháng 3. Kaga đã không thể tham gia cuộc Không kích Ấn Độ Dương trong tháng 4. Nó đã lên đường quay trở về Sasebo vào ngày 15 tháng 3 để sửa chữa, vào ụ tàu vào ngày 27 tháng 3 và hoàn tất việc sửa chữa vào ngày 4 tháng 4.[59][81][83][84] [Note 15]
Trận Midway
[sửa | sửa mã nguồn]Không kích Midway
[sửa | sửa mã nguồn]Lo ngại các cuộc không kích của tàu sân bay Hoa Kỳ tại quần đảo Marshall, Lae-Salamaua cũng như cuộc không kích Doolittle, Đô đốc Yamamoto Isoroku, Tư lệnh Hạm đội Liên hợp, quyết định ép buộc lực lượng Hải quân Hoa Kỳ lộ diện để loại trừ mối đe dọa từ các tàu sân bay đối phương. Ông quyết định tấn công và chiếm đóng đảo Midway, nơi ông biết chắc sẽ thu hút lực lượng tàu sân bay Mỹ vào trận chiến. Mật danh của phía Nhật Bản cho cuộc tấn công Midway là Chiến dịch MI.[90]
Để hỗ trợ cho chiến dịch MI, vào ngày 27 tháng 5 năm 1942, Kaga khởi hành từ vùng biển nội địa Nhật Bản cho chiến dịch sau cùng của nó, cùng với các tàu sân bay Akagi, Hiryū và Sōryū vốn hình thành nên các Hàng không chiến đội 1 và 2, cho cuộc tấn công Midway. Liên đội không quân phối thuộc cho Kaga bao gồm 27 chiếc Zero, 20 chiếc D3A và 27 chiếc B5N.[91][Note 16] Khi hạm đội được bố trí tại địa điểm cách 250 hải lý (460 km; 290 mi) về phía Tây Bắc Midway vào lúc bình minh (04 giờ 45 phút giờ địa phương) ngày 4 tháng 6 năm 1942, Kaga đóng góp 18 máy bay ném bom bổ nhào D3A do Trung úy Shōichi Ogawa dẫn đầu, được 9 máy bay tiêm kích Zero hộ tống, vào lực lượng ném bom xuống đảo san hô. Những chiếc máy bay ném bom-ngư lôi B5N được trang bị ngư lôi, sẵn sàng trong trường hợp phát hiện ra tàu chiến đối phương trong khi ném bom Midway. Một chiếc Zero và một chiếc D3A đã bị hỏa lực phòng không tại Midway bắn rơi, và thêm bốn chiếc D3A khác bị hư hại; trong khi các phi công Zero của Kaga tự nhận đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ bên trên đảo Midway. Một chiếc B5N của Kaga được phóng lên để bổ sung lực lượng trinh sát của hạm đội đối với vùng biển chung quanh.[Note 17] Chiếc tàu sân bay cũng tung ra hai chiếc Zero cho lực lượng tuần tra chiến đấu trên không (CAP).[75][94][95][96] Thêm năm máy bay Zero được phóng lên tăng cường cho lực lượng tuần tra chiến đấu lúc 07 giờ 00, và bảy chiếc máy bay tiêm kích này đã giúp bảo vệ Lực lượng Đặc nhiệm (Kido Butai) khỏi những máy bay tấn công đầu tiên của Mỹ cất cánh từ đảo Midway lúc 07 giờ 10 phút. Tuy nhiên, phía Nhật Bản đã không biết là Hải quân Mỹ đã tiên đoán được kế hoạch MI của Nhật qua việc thu thập tình báo tín hiệu và đã chuẩn bị một cuộc phục kích sử dụng ba tàu sân bay đang sẵn có, được bố trí về phía Đông Bắc Midway.[97][98]
Lúc 07 giờ 15 phút, đô đốc Nagumo ra lệnh cho những máy bay B5N trên Kaga và Akagi trang bị lại với bom cho một cuộc tấn công khác vào chính Midway. Quy trình này bị kéo dài do số lượng xe đẩy đạn dược dùng để mang bom và ngư lôi bị giới hạn cũng như không đủ thang nâng đạn dược. Điều này có nghĩa là ngư lôi không thể cất giữ bên dưới cho đến khi bom đã được lấy ra khỏi hầm đạn, ráp và gắn lên máy bay. Quy trình này thông thường kéo dài một tiếng rưỡi, và cần thêm thời gian để đưa máy bay lên sàn đáp, làm nóng động cơ và phóng lên. Đến khoảng 07 giờ 40 phút, ông lại đảo ngược mệnh lệnh sau khi nhận được tin từ một trong những máy bay trinh sát đã phát hiện ra các tàu chiến Mỹ.[99] Trước đó lúc 07 giờ 30 phút, Kaga thu hồi ba trong số các máy bay tuần tra chiến đấu trên không của nó.[100]
Bị đánh chìm
[sửa | sửa mã nguồn]Bốn máy bay tuần tra chiến đấu của Kaga đang trong quá trình hạ cánh khi 16 máy bay ném bom bổ nhào SBD-2 Dauntless thuộc Liên đội VMSB-241 Thủy quân Lục chiến cất cánh từ Midway, do Thiếu tá Lofton R. Henderson dẫn đầu, tấn công Hiryū mà không có kết quả.[101] Năm chiếc Zero được phóng lên lúc 08 giờ 15 phút; ba chiếc trong số đó đã đánh chặn 12 máy bay ném bom hạng nặng B-17 Flying Fortress của Không lực Mỹ đặt căn cứ tại Midway, nhưng chỉ gây những thiệt hại nhẹ cho những chiếc máy bay ném bom. Chúng đang tìm cách ném bom ba chiếc tàu sân bay kia từ độ cao 20.000 foot (6.100 m), nhưng tất cả đều bị trượt. Năm chiếc D3A cũng gia nhập lực lượng tuần tra chiến đấu trên không vào lúc này; và có thêm một tốp ba chiếc Zero được phóng lên lúc 08 giờ 30 phút. Kaga bắt đầu thu hồi lực lượng tấn công Midway lúc 08 giờ 35 phút và kết thúc việc thu hồi lúc 08 giờ 50 phút; một phi công Zero tử trận sau khi bị rơi lúc hạ cánh.[102][Note 18]
Năm chiếc Zero phóng lên lúc 08 giờ 15 phút được thu hồi lúc 09 giờ 10 phút; được thay thế bởi sáu chiếc Zero nữa phóng lên lúc 09 giờ 20 phút. Chúng đã đánh chặn cuộc tấn công đầu tiên xuất phát từ tàu sân bay Mỹ: 15 máy bay ném bom bổ nhào TBD Devastator thuộc Liên đội VT-8 của tàu sân bay Hornet, do John C. Waldron dẫn đầu, lúc 09 giờ 22 phút. Tất cả 15 chiếc Devastator đều bị bắn hạ khi chúng tìm cách phóng ngư lôi vào Soryū, tất cả thành viên các đội bay đều tử trận chỉ có một người duy nhất sống sót, Thiếu úy George H. Gay, Jr.. Không lâu sau đó, 14 chiếc Devastator khác thuộc Liên đội VT-6, xuất phát từ tàu sân bay Enterprise do Eugene E. Lindsey dẫn đầu, bị phát hiện. Chúng tìm cách đánh gọng kìm nhắm vào Kaga, nhưng lực lượng tuần tra chiến đấu trên không, được tăng cường thêm 6 chiếc Zero do Kaga phóng lên lúc 10 giờ 00, đã bắn rơi tất cả ngoại trừ bốn chiếc Devastator, và chiếc tàu sân bay né tránh được tất cả các quả ngư lôi.[104][105]
Không lâu sau cuộc tấn công bằng máy bay ném ngư lôi, máy bay ném bom bổ nhào Mỹ xuất phát từ tàu sân bay đã đến bên trên các tàu sân bay Nhật mà hầu như không bị phát hiện, và bắt đầu bổ nhào tấn công. Lúc 10 giờ 22 phút, 28 chiếc SBD Dauntless cất cánh từ Enterprise, do C. Wade McClusky dẫn đầu, bắt đầu tấn công Kaga, đánh trúng nó một quả bom 1.000 pound (450 kg) và ít nhất ba quả bom 500 pound (230 kg). Quả thứ nhất đánh trúng gần thang nâng phía sau, gây các đám cháy tại các khoang nghỉ của thủy thủ đoàn; quả tiếp theo đánh trúng thang nâng phía trước và xuyên thủng vào hầm chứa máy bay phía trên, gây một loạt các vụ nổ và đám cháy dọc theo số máy bay trong hầm tàu đã chất đầy vũ khí và tiếp đầy xăng nhằm chuẩn bị cho cuộc không kích nhắm vào các tàu sân bay Mỹ. Hạm trưởng Okada và đa số sĩ quan cao cấp của con tàu bị giết khi quả bom thứ ba đánh trúng cầu tàu.[Note 19] Quả bom 1000 pound đánh trúng giữa tàu và xuyên thủng sàn đáp để phát nổ trong hầm chứa máy bay phía trên. Vụ nổ làm vỡ các ống dẫn xăng máy bay, làm hỏng cả hai hệ thống chữa cháy bên mạn phải và mạn trái, máy phát điện dự phòng cho các bơm cứu hỏa cũng như hệ thống chữa cháy bằng carbon dioxide.[111][112] Đám cháy bùng phát do xăng máy bay chảy tràn trên sàn chứa máy bay, gây nổ 80.000 pound (36.000 kg) bom và ngư lôi trải khắp sàn tàu trong một loạt các vụ nổ vốn đã làm boong các mặt hông hầm chứa máy bay.[113][114] Hầu như cùng thời gian đó, máy bay ném bom bổ nhào Mỹ cũng đánh trúng và làm tử thương Akagi và Sōryū.[115][Note 20]
Không thể trấn áp các đám cháy, những người sống sót của Kaga được các tàu khu trục Hagikaze và Maikaze vớt lên từ 14 giờ 00 đến 17 giờ 00.[Note 21] Lúc khoảng 19 giờ 25 phút, nó bị đánh đắm bởi hai quả ngư lôi phóng từ Hagikaze, và đã chìm với đuôi chìm trước tại tọa độ 30°20′B 179°17′T / 30,333°B 179,283°T.[59][119][120] Thiếu úy Takeshi Maeda, thành viên một đội bay B5N của Kaga bị thương và được chiếc Hagikaze cứu vớt, đã mô tả quang cảnh: "Đồng đội của tôi đưa tôi lên boong tàu để tôi có thể nhìn thấy những giây phút cuối cùng của chiếc tàu sân bay yêu quý vốn đang ở gần đó. Mặc dù tôi đang đau đớn, những giọt nước mắt bắt đầu chảy dài trên gò má, và mọi người chung quanh tôi gào khóc; đó là một cảnh tượng rất buồn thảm."[121]
Tổn thất nhân mạng của chiếc tàu sân bay là 811 người tử trận, phần lớn trong số kỹ thuật viên cơ khí máy bay và nhân viên vũ khí dưới hầm chứa máy bay cùng số kỹ thuật viên hầm máy, nhiều người bị mắc kẹt bên dưới các phòng nồi hơi và động cơ bởi đám cháy lan tràn không thể kiểm soát được bên trên họ. 21 phi công trên tàu đã thiệt mạng.[122][Note 22] Việc bị mất Kaga cùng với ba tàu sân bay hạm đội khác tại Midway (Hiryū cũng bị đánh chìm sau đó trong trận này), tức hai phần ba tổng số tàu sân bay hạm đội, cùng những đội bay nòng cốt của Không hạm đội 1, là một thất bại chiến lược nghiêm trọng cho phía Nhật Bản, góp phần đáng kể cho thất bại sau cùng của Nhật Bản trong chiến tranh.[130]
Khảo sát xác tàu đắm
[sửa | sửa mã nguồn]Vào tháng 5 năm 1999, hãng Nauticos Corporation phối hợp cùng với Hải quân Mỹ đã phát hiện một số mảnh tàu đắm của Kaga.[131] Họ sử dụng chiếc tàu nghiên cứu RV Melville trong đợt khảo sát một khu vực tập trận hạm đội cùng với một hệ thống vẽ bản đồ bằng siêu âm SAEMAP vừa mới được cải tiến của Hải quân Mỹ. Một cuộc thăm dò tiếp theo do chiếc USNS Sumner (T-AGS-61) tiến hành vào tháng 9 năm 1999 đã tìm thấy địa điểm đắm tàu và được chụp ảnh.[132] Các mảnh vở thuộc xác tàu đắm của Kaga bao gồm một đoạn vách ngăn hầm chứa máy bay dài 50 ft (15 m), hai nòng pháo cao xạ 25 mm và một đèn dẫn đường hạ cánh. Các hiện vật này nằm ở độ sâu 17.000 foot (5.200 m) dưới đáy biển.[133]
Danh sách thuyền trưởng
[sửa | sửa mã nguồn]Thuyền trưởng | Thời gian | Ghi chú |
---|---|---|
Seizaburo Kobayashi | 10 tháng | 3 năm 1927 – 1 tháng 12 năm 1927Sĩ quan trang bị trưởng |
Giichiro Kawamura | 1 tháng 12 năm 1927 – 1 tháng 3 năm 1928 | Sĩ quan trang bị trưởng |
Giichiro Kawamura | 1 tháng 3 năm 1928 – 1 tháng 12 năm 1930 | |
Sekizo Uno | 1 tháng 12 năm 1930 – 1 tháng 12 năm 1931 | |
Jiro Onishi | 1 tháng 12 năm 1931 – 15 tháng 11 năm 1932 | |
Shunichi Okada | 15 tháng 11 năm 1932 – 28 tháng 11 năm 1932 | |
Goro Hara | 28 tháng 11 năm 1932 – 14 tháng | 2 năm 1933|
Sonosuke Kobayashi | 14 tháng | 2 năm 1933 – 15 tháng 11 năm 1933|
Eijiro Kondo | 15 tháng 11 năm 1933 – 15 tháng 11 năm 1934 | |
Teizo Mitsunami | 15 tháng 11 năm 1934 – | 1 tháng 12 năm 1936|
Ayao Inagaki | 1 tháng 12 năm 1936 – 1 tháng 12 năm 1937 | |
Katsuo Abe | 1 tháng 12 năm 1937 – 25 tháng 4 năm 1938 | |
Ichiro Ono | 25 tháng | 4 năm 1938 – 15 tháng 12 năm 1938Thăng lên Chuẩn đô đốc ngày 15 tháng 11 năm 1938 |
Setsuzo Yoshitomi | 15 tháng 12 năm 1938 – 15 tháng 11 năm 1939 | |
Kyuji Kubo | 15 tháng 11 năm 1939 – 15 tháng 10 năm 1940 | |
Sadayoshi Yamada | 15 tháng 10 năm 1940 – 15 tháng | 9 năm 1941|
Jisaku Okada | 15 tháng | 9 năm 1941 – 4 tháng 6 năm 1942Tử trận |
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Tác giả Hara cho rằng thành phần không lực của khi đưa vào hoạt động bao gồm 12 máy bay tiêm kích Kiểu 3 (với 3 chiếc dự trữ), 6 máy bay trinh sát (với 2 chiếc dự trữ) và 18 máy bay ném ngư lôi (với 6 chiếc dự trữ).
- ^ Vào thời đó Hải quân Hoa Kỳ cũng đã hành động tương tự khi trang bị bốn tháp pháo 8 inch (203 mm) nòng đôi trên những tàu sân bay lớp Lexington của họ.[16]
- ^ Hạm đội 3 vào lúc này dưới quyền chỉ huy của Phó đô đốc Nomura Kichisaburō.[23] Phi công tiêm kích Isamu Mochizuki, một phi công Ách tương lai, đã phục vụ trong lực lượng tiêm kích của tàu sân bay trong một khoảng thời gian nào đó từ năm 1929 đến năm 1932.[24]
- ^ Ngoài Hạ sĩ Kuroiwa, các phi công tiêm kích khác của Kaga tham gia vào việc bắn hạ bao gồm Trung úy Nokiji Ikuta và Binh nhất Kazuo Takeo (xem hình). Trung úy Kotani, dẫn đầu tốp ba chiếc máy bay ném bom-ngư lôi, đã thiệt mạng trong trận chiến. Phi công Mỹ thiệt mạng trong cuộc không chiến là Robert Short.[27] Các đội bay của Kaga đã nhận được lệnh biểu dương đặc biệt của Phó đô đốc Nomura Kichisaburō, Tư lệnh Hạm đội 3, cho hoạt động tác chiến này.[26][28] Phi công Ách tương lai Mitsugu Mori đã phục vụ trong đơn vị tiêm kích của Kaga trong thời gian này.[29]
- ^ Trung úy Chikamasa Igarashi dẫn đầu sáu máy bay tiêm kích trong cuộc đụng độ ngày 16 tháng 8. Cùng tham gia trong trận này là phi công Ách tương lai Akio Matsuba. Các cuộc đụng độ khác bao gồm: ngày 17 tháng 8 Khi bốn chiếc Kiểu 90 do Thượng sĩ Toyoda dẫn đầu bắn rơi hai máy bay Trung Quốc bên trên bầu trời Kiangwan; ngày 4 tháng 9 khi hai chiếc Kiểu 96 do Trung úy Tadashi Nakajima dẫn đầu bắn rơi ba chiếc Curtiss Hawk; ngày 7 tháng 9 khi chiếc Kiểu 90 do Trung úy Igarashi dẫn đầu năm máy bay đối phương bên trên bầu trời hồ T'ai Hu, bản thân Igarashi tự nhận bắn rơi ba chiếc trong số đó.[49]
- ^ Sáu máy bay tiêm kích của Kaga được tạm thời phân về các căn cứ trên bờ gần Thượng Hải và Nam Kinh từ ngày 9 tháng 12 năm 1937 đến ngày 15 tháng 1 năm 1938. Chín máy bay tiêm kích được tạm thời bố trí ở ngoại vi Nam Kinh từ ngày 3 tháng 3 đến ngày 4 tháng 4 năm 1938. Liên đội tiêm kích của Kaga vào lúc này bao gồm các phi công ách tương lai Jirō Chōno, Osamu Kudō, Yoshio Fukui, Watari Handa, Masaichi Kondō, Hatsuo Hidaka, Kiichi Oda, Satoru Ono và Chitoshi Isozaki.[55] Hải quân Mỹ đã giải mã một bức điện của Hải quân Đế quốc Nhật Bản cho thấy việc tấn công chiếc Panay cùng các tàu trung lập khác trên sông Dương Tử đã được biết trước và chủ động lập kế hoạch bởi một sĩ quan không lực trên chiếc Kaga.[54]
- ^ Tác giả Hata cho rằng lực lượng không quân của Kaga sau khi đại tu bao gồm 12 máy bay tiêm kích và bốn chiếc dự trữ, 18 máy bay ném bom bổ nhào và sáu chiếc dự trữ, cùng 48 máy bay ném bom-ngư lôi với 16 chiếc dự trữ.[56]
- ^ Okada sinh ra ở tỉnh Ishikawa vào năm 1893. Ông gia nhập Hải quân Đế quốc Nhật Bản năm 1911 và tham gia Không lực Hải quân năm 1922.[68]
- ^ Hành trình đến Hawaii gặp phải hoàn cảnh biển động mạnh, lên đến cao điểm vào ngày 3 tháng 12, khi Kaga chịu đựng tổn thất trong chiến đấu lần đầu tiên do một thành viên thủy thủ đoàn bị sóng cuốn đi và mất tích.[69]
- ^ Tên mã của phe Đồng Minh cho các kiểu máy bay này lần lượt là "Zeke", "Kate" và "Val" tương ứng.
- ^ Mười bốn chiếc B5N trong đợt thứ nhất mang bom dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Takahashi Hashiguchi, trong khi 12 chiếc còn lại dưới quyền chỉ huy của Trung úy Ichirō Kitajima mang ngư lôi. Một thành viên đội bay B5N, Yasuji Inoue, bị thương nặng do một viên đạn bắn trúng cằm.[76] Năm máy bay ném bom-ngư lôi và hai chiếc Zero bị mất trong đợt tấn công thứ nhất; và hai chiếc Zero cùng sáu máy bay ném bom bổ nhào bị mất trong đợt tấn công thứ hai.[72] Phi công ách tương lai Akira Yamamoto đã tham gia đợt tấn công thứ nhất và khai báo đã bắn hạ một máy bay dân sự nhỏ bên trên Oahu cùng tiêu diệt sáu máy bay đối phương trên mặt đất. Sau này Yamamoto là một thành viên lực lượng tuần tra chiến đấu trên không của Kaga tại Midway và đã sống sót qua trận chiến này. Phi công ách tương lai Kiyonobu Suzuki đã tham gia đợt tấn công thứ hai. Suzuki cũng có mặt tại Midway và đã sống sót.[77] Tốp máy bay tiêm kích của Kaga do Yoshio Shiga dẫn đầu, người đã cố để có thể có mặt đầu tiên tại mục tiêu trong đợt tấn công thứ nhất, nhưng đã không thể vượt qua người dẫn đầu tốp tiêm kích của tàu sân bay Akagi.[78]
- ^ Hải đội Tàu sân bay 2 với Hiryū và Soryū được cho đổi hướng để hỗ trợ cho việc chiếm đóng đảo Wake.
- ^ Đội bay của chiếc B5N bị mất trong cuộc không kích gồm Tatsuyasu Sugihara, Katsuo Yamamoto và Yoichi Tanaka, tất cả đều thiệt mạng. Họ là những thương vong đầu tiên của phía Nhật Bản trong cuộc chiếm đóng Rabaul.[79]
- ^ Theo tác giả Werneth: Takeshi Maeda, một thành viên đội bay B5N trên chiếc Kaga, cho rằng chiếc tàu sân bay bị mắc cạn tại vịnh Staring vào tháng 3, không phải tại Palau vào tháng 2.[82] Sự mâu thuẫn này không được giải thích bởi những nguồn khác.
- ^ Trong khi Kaga đang ở trong ụ tàu, vào ngày 18 tháng 4, 12 chiếc Zero của nó đang đặt căn cứ tạm thời tại sân bay Kisarazu đã tham gia cuộc phản công bất thành vào lực lượng tàu sân bay Hoa Kỳ vốn đã tung ra cuộc không kích Doolittle. Nhóm tấn công, bao gồm 29 máy bay ném bom trên bờ và 12 chiếc Zero thuộc Không đoàn 26 ngoài những máy bay tiêm kích của Kaga, đã bay 600 hải lý (1.110 km) về phía Đông trước khi quay trở lại sau khi không thể phát hiện ra các tàu đối phương, vốn đã rời khỏi khu vực.[85] Phi công ách Masaaki Shimakawa tham gia đơn vị tiêm kích của chiếc tàu sân bay vào khoảng thời gian này.[86] Sau cuộc không kích Ấn Đ�� Dương, Kaga được sử dụng cho các hoạt động huấn luyện không lực hạn chế bởi tất cả các đơn vị khác của Không hạm đội một trong tháng 5 vì các tàu sân bay khác đang ở trong xưởng tàu để bảo trì và nâng cấp.[87]
- ^ Chín trong số những chiếc Zero được dự định sẽ đặt căn cứ tại Midway sau khi hoàn thành việc chiếm đóng và thuộc về Không đoàn 6. Hai chiếc D3A được mang theo dưới dạng linh kiện tháo rời với dự định thay thế cho những chiếc của Sōryū hay những thành viên của Không đoàn 6.[92]
- ^ Tổng cộng có 25 máy bay Mỹ bị mất bên trên Midway trong cuộc không kích.[93] Chiếc máy bay trinh sát B5N do Thiếu úy Haruo Yoshino điều khiển đã truy lùng trong khoảng Nam-Đông Nam của lực lượng cơ động cho đến phía Tây Midway và bên trên đảo san hô Kure. Nó không phát hiện bất kỳ tàu chiến đối phương nào và đã hạ cánh trở lại Kaga ít phút trước khi con tàu bị máy bay ném bom bổ nhào đánh trúng.[81]
- ^ Viên phi công Zero tử trận khi hạ cánh là Yukuo Tanaka.[103]
- ^ Ngoài Okada, cú đánh trúng ngay cầu tàu dường như đã làm thiết mạng Đại tá Masao Kawaguchi - Sĩ quan Cao cấp (hạm phó), Thiếu tá Toyosaburō Miyano – Sĩ quan tác xạ trưởng, Trung tá Ichiji Monden - Hoa tiêu trưởng và Thiếu tá Hidekazu Takahashi – Sĩ quan liên lạc.[107] Trung tá Torao Yamazaki – Sĩ quan bảo trì, bị giết bởi quả bom đánh trúng thứ nhất.[108] Vào lúc xảy ra cuộc tấn công của McClusky, Kaga dường như có hai hoặc ba chiếc Zero trên sàn đáp chuẩn bị cất cánh cho nhiệm vụ tuần tra chiến đấu.[109] Hỏa lực phòng không của Kaga đã bắn rơi một chiếc máy bay ném bom bổ nhào đối phương, do J. Q. Roberts điều khiển và là chiếc thứ sáu trong đội hình tấn công. Đây là chiếc máy bay ném bom bổ nhào duy nhất bị hỏa lực phòng không tàu sân bay bắn rơi trong ngày hôm đó.[108] Liên đội ném bom của McClusky có tổng cộng 31 máy bay, nhưng ba chiếc đã tách ra để tấn công Akagi.[110]
- ^ Tàu ngầm Mỹ Nautilus đã phóng tổng cộng bốn quả ngư lôi vào chiếc tàu sân bay đang cháy; một quả hỏng, hai quả trượt, và một quả trúng Kaga lúc khoảng 14 giờ 05 phút, nhưng tịt ngòi.[116] Quả ngư lôi đánh trúng vỡ làm đôi và phần đầu đạn chìm xuống biển. Phân nữa nổi còn lại sau đó được nhiều người sống sót của Kaga sử dụng như phao cứu sinh.[117]
- ^ Các tác giả Parshall và Tully cho rằng hai chiếc tàu khu trục đã cứu vớt trên 700 thành viên thủy thủ đoàn.[118] Vì chiếc tàu sân bay được báo cáo có số thành viên thủy thủ đoàn đầy đủ là 1.708 người,[36] phải có khoảng 900 người sống sót, nhưng sự khác biệt giữa các con số không được các nguồn giải thích.
- ^ Peattie cho rằng tám phi công của Kaga thiệt mạng trên không và 13 người thiệt mạng trên tàu. Trong số 15 máy bay tiêm kích Zero tuần tra chiến đấu của Kaga được phóng lên không vào lúc chiếc tàu sân bay bị đánh trúng, năm chiếc bị tiêu diệt trong không chiến và số còn lại được Hiryū thu hồi. Hai người sau đó tham gia đợt tấn công thứ hai của Hiryū nhắm vào Yorktown trong khi bốn người kia tăng cường cho lực lượng tuần tra chiến đấu còn lại của chiếc tàu sân bay.[123] Tất cả 10 phi công đều sống sót.[124][125] Hai phi công tiêm kích của Kaga tham gia cuộc tấn công nhắm vào Yorktown là Akira Yamamoto và Makoto Bandō.[126] Bốn trong số năm phi công tuần tra chiến đấu của Kaga bị bắn rơi đã thiệt mạng.[127] Các thành viên sống sót của Kaga bị giới hạn liên lạc tại một sân bay ở Kyūshū từ một đến hai tháng sau khi quay về Nhật Bản nhằm giữ kín tin tức về thất bại tại Midway đối với công chúng Nhật Bản.[128] Nhiều người trong số sống sót được chuyển trở ra các đơn vị tiền tuyến mà không cho phép tiếp xúc với gia đình. Một số người bị thương bị cô lập trong bệnh viện trong gần một năm.[129]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Parshall 2005, tr. 535
- ^ Campbell 1985, tr. 185–187
- ^ Gardiner 1984, tr. 232
- ^ Jentschura 1977, tr. 35
- ^ Lengerer 1982, tr. 128
- ^ a b c Lengerer 1982, tr. 129
- ^ Jentschura 1977, tr. 42
- ^ Lengerer 1982, tr. 130, 134
- ^ Lengerer 1982, tr. 130, 136
- ^ Peattie 2001, tr. 54-55
- ^ a b Ireland 2007, tr. 102–103
- ^ a b c d Lengerer 1982, tr. 134
- ^ “Japanese 20 cm/50 (7.9") 3rd Year Type No. 1”. navweaps.com. ngày 19 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2009.
- ^ Campbell 1985, tr. 187
- ^ Peattie 2001, tr. 53, 55
- ^ Gardiner 1984, tr. 110
- ^ Lengerer 1982, tr. 131
- ^ “Japan 12 cm/45 (4.7") 10th Year Type”. navweaps.com. ngày 28 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2009.
- ^ Campbell 1985, tr. 194
- ^ Parshall 2005, tr. 140, 467
- ^ a b c Hata 1975, tr. 24
- ^ a b c Lengerer 1982, tr. 172
- ^ Hata 1975, tr. 299
- ^ Hata 1975, tr. 342
- ^ Peattie 2001, tr. 37
- ^ a b Peattie 2001, tr. 50–51
- ^ Sakaida 2002, tr. 97
- ^ Hata 1975, tr. 24, 299
- ^ Hata 1975, tr. 347
- ^ Peattie 2001, tr. 72–76
- ^ Stille 2007, tr. 13
- ^ Goldstein 2004, tr. 76–78
- ^ Peattie 2001, tr. 55–56
- ^ Peattie 2001, tr. 56
- ^ a b Lengerer 1982, tr. 137
- ^ a b c Parshall 2005, tr. 467 Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
không hợp lệ: tên “tp67” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác - ^ “Japan 12.7 cm/40 (5") Type 88 12.7 cm/40 (5") Type 89”. navweaps.com. ngày 3 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2009.
- ^ Campbell 1985, tr. 192–193
- ^ “Japan 25 mm/60 (1") Type 96 Model 1”. navweaps.com. ngày 4 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2009.
- ^ Campbell 1985, tr. 200
- ^ Peattie 2001, tr. 65, 70, 159
- ^ Stille 2007, tr. 15–16
- ^ Willmott 1983, tr. 415
- ^ Parshall 2005, tr. 245
- ^ Hata 1975, tr. 24–25
- ^ Peattie 2001, tr. 103–104
- ^ Hata 1975, tr. 25
- ^ Hata 1975, tr. 25–26
- ^ Hata 1975, tr. 25–26, 263
- ^ Howarth 1983, tr. 213
- ^ a b Hata 1975, tr. 26
- ^ Hata 1975, tr. 26–27
- ^ Werneth 2008, tr. 160
- ^ a b Toland 2003, tr. 49
- ^ Hata 1975, tr. 28, 322, 346, 353, 361, 366, 368
- ^ a b Hata 1975, tr. 27
- ^ Parshall 2005, tr. 82, 86, 137–138, 416
- ^ Peattie 2001, tr. 124–125, 147–153
- ^ a b c d e f Tully, Anthony P. (2000). “IJN Kaga: Tabular Record of Movement”. Kido Butai. Combinedfleet.com. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2010.
- ^ Stille 2007, tr. 13–14
- ^ Parshall 2005, tr. 86–87
- ^ Peattie 2001, tr. 152
- ^ Goldstein 1991, tr. 78–80
- ^ Peattie 2001, tr. 159
- ^ Parshall 2005, tr. 85, 136–145
- ^ Peattie 2001, tr. 155–159
- ^ Stille 2007, tr. 14–15, 50–51
- ^ Goldstein 2004, tr. 295
- ^ Werneth 2008, tr. 107
- ^ Lengerer 1982, tr. 174
- ^ Stille 2007, tr. 19
- ^ a b Werneth 2008, tr. 111
- ^ Evans 1986, tr. 54
- ^ Lengerer 1982, tr. 175
- ^ a b Hata 1975, tr. 28
- ^ Werneth 2008, tr. 109, 138, 276
- ^ Hata 1975, tr. 295, 345
- ^ Toland 2003, tr. 205
- ^ Werneth 2008, tr. 115, 140
- ^ Lengerer 1982, tr. 175–176
- ^ a b c Werneth 2008, tr. 140
- ^ Werneth 2008, tr. 116
- ^ Lengerer 1982, tr. 176–177, 305–307
- ^ Gill 1957, tr. 590
- ^ Hata 1975, tr. 148
- ^ Sakaida 2002, tr. 130
- ^ Parshall 2005, tr. 88
- ^ Cressman 1990, tr. 104
- ^ Parshall 2005, tr. 281
- ^ Stille 2007, tr. 22
- ^ Parshall 2005, tr. 450–451
- ^ Parshall 2005, tr. 451
- ^ Willmott 1983, tr. 380
- ^ Parshall 2005, tr. 126, 515
- ^ Evans 1986, tr. 138
- ^ Lundstrom 2005, tr. 330–331
- ^ Parshall 2005, tr. 151, 154
- ^ Stille 2007, tr. 59
- ^ Parshall 2005, tr. 156–159
- ^ Parshall 2005, tr. 508
- ^ Parshall 2005, tr. 180
- ^ Parshall 2005, tr. 196, 199
- ^ Parshall 2005, tr. 196
- ^ Parshall 2005, tr. 213–214
- ^ Stille 2007, tr. 62
- ^ Cressman 1990, tr. 103
- ^ Parshall 2005, tr. 235
- ^ a b Parshall 2005, tr. 234
- ^ Parshall 2005, tr. 231
- ^ Lundstrom 2005, tr. 360–361
- ^ Parshall 2005, tr. 228, 234–236, 248–250
- ^ Stille 2007, tr. 62–63
- ^ Parshall 2005, tr. 255–256
- ^ Willmott 1983, tr. 426–427
- ^ Stille 2007, tr. 63
- ^ Parshall 2005, tr. 302–303
- ^ Willmott 1983, tr. 427
- ^ Parshall 2005, tr. 337
- ^ Parshall 2005, tr. 338
- ^ Werneth 2008, tr. 142
- ^ Werneth 2008, tr. 121
- ^ Parshall 2005, tr. 476
- ^ Peattie 2001, tr. 338
- ^ Parshall 2005, tr. 502–503
- ^ Lundstrom 2005, tr. 351, 414
- ^ Parshall 2005, tr. 290
- ^ Lundstrom 2005, tr. 363
- ^ Werneth 2008, tr. 156
- ^ Parshall 2005, tr. 386–387
- ^ Fuchida 1995, tr. 231
- ^ “IJN Carrier Wreckage- Identification Analysis”. Nauticos Corporation. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2010.
- ^ “Navy and Industry Collaborate for Historical Find”. Nauticos Corporation. 20 tháng 2 năm 2001. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 21 tháng 5 năm 2010.
- ^ Parshall 2005, tr. 491–493
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Campbell, John (1985). Naval Weapons of World War Two. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-459-4.
- Cressman, Robert J. (1990). A Glorious Page in our History: The Battle of Midway 4–6 June 1942. Steve Ewing, Barrett Tillman, Mark Horan, Clark G. Reynolds, and Stan Cohen. Missoula, Montana: Pictorial Histories Publishing Company, Inc. ISBN 978-0-929521-40-4.
- Evans, David C. (Editor) (1986 (2nd Edition)). The Japanese Navy in World War II: In the Words of Former Japanese Naval Officers. Mitsuo Fuchida. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-316-4. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|year=
(trợ giúp)Quản lý CS1: văn bản dư: danh sách tác giả (liên kết) - Fuchida, Mitsuo (1955). Midway: The Battle That Doomed Japan, The Japanese Navy's Story. Masatake Okumiya. Annapolis, Maryland: United States Naval Institute. OCLC 607018642.
- Gardiner, Robert; Gray, Randal biên tập (1984). Conway's All the World's Fighting Ships: 1906–1922. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-85177-245-5.
- Gill, G. Hermon (1957). Volume I – Royal Australian Navy, 1939–1942 (1st edition). Australia in the War of 1939–1945, Series 2: Navy. Canberra: Australian War Memorial. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2012.
- Goldstein, Donald M. (2004). The Pacific War Papers: Japanese Documents of World War II. Katherine V. Dillon (editors). Dulles, Virginia: Potomac Books. ISBN 1-57488-632-0.
- Hata, Ikuhiko (1975 (original) 1989 (translation)). Japanese Naval Aces and Fighter Units in World War II. Yasuho Izawa, Don Cyril Gorham (translator). Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-315-6. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|year=
(trợ giúp) - Howarth, Stephen (1983). The Fighting Ships of the Rising Sun: The Drama of the Imperial Japanese Navy 1895–1945. Fairfield, Pennsylvania: Fairfield Graphics. ISBN 0-689-11402-8.
- Ireland, Bernard (2007). Aircraft Carriers of the World. London: Southwater. ISBN 978-1-84476-363-4.
- Jentschura, Hansgeorg (1977). Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869–1945. Dieter Jung and Peter Mickel. Annapolis, Maryland: United States Naval Institute. ISBN 0-87021-893-X.
- Lengerer, Hans (1982). “Akagi & Kaga”. Trong Roberts, John (biên tập). Warship VI. London: Conway Maritime Press. ISBN 0-87021-981-2.
- Lundstrom, John B. (2005 (New edition)). The First Team: Pacific Naval Air Combat from Pearl Harbor to Midway. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-189-7. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|year=
(trợ giúp) - Parshall, Jonathan; Tully, Anthony (2005). Shattered Sword: The Untold Story of the Battle of Midway. Dulles, Virginia: Potomac Books. ISBN 1-57488-923-0.
- Peattie, Mark (2001). Sunburst: The Rise of Japanese Naval Air Power 1909–1941. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 1-55750-432-6.
- Sakaida, Henry (2002). Aces of the Rising Sun, 1937–1945. Oxford: Osprey Publishing. ISBN 1-84176-618-6.
- Stille, Mark (2007). USN Carriers vs IJN Carriers: The Pacific 1942. Oxford: Osprey Publishing. ISBN 978-1-84603-248-6.
- Toland, John (2003 (1970)). The Rising Sun: The Decline and Fall of the Japanese Empire, 1936–1945. New York: The Modern Library. ISBN 0-8129-6858-1. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong:
|year=
(trợ giúp) - Tully, Anthony P. (2000). “IJN Kaga: Tabular Record of Movement”. Kido Butai. Combinedfleet.com. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2010.
- Werneth, Ron (2008). Beyond Pearl Harbor: The Untold Stories of Japan's Naval Airmen. Atglen, Pennsylvania: Schiffer Military History. ISBN 978-0-7643-2932-6.
- Willmott, H. P. (1983). The Barrier and the Javelin: Japanese and Allied Pacific Strategies, February to June 1942. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 978-1-59114-949-1.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tabular record of movement
- WW2DB: Kaga
- IJN Carrier Wreckage:Identification Analysis Lưu trữ 2007-09-27 tại Wayback Machine