Bước tới nội dung

Sơn ca vẫn hót

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sơn ca vẫn hót
The Nightingale
Ấn bản phát hành tại Việt Nam
Thông tin sách
Tác giảKristin Hannah
Quốc giaHoa Kỳ
Ngôn ngữTiếng Anh
Thể loạiTiểu thuyết lịch sử giả tưởng
Nhà xuất bảnSt. Martin's Press
Kiểu sáchSách giấy (bìa cứng)
Số trang564
ISBN978-0-312-57722-3
Bản tiếng Việt
Người dịchĐinh Thanh Vân & Hoàng Anh
Nhà xuất bảnNhà xuất bản Phụ nữ
Số trang576
ISBN978-6-045-63612-1

Sơn ca vẫn hót (nguyên bản tiếng Anh: The Nightingale), là một cuốn tiểu thuyết lịch sử giả tưởng của tác giả người Mỹ Kristin Hannah được Nhà xuất bản St. Martin ấn hành năm 2015. Cuốn sách theo chân hai chị em người Pháp Vianne và Isabelle (mật danh "Sơn ca") trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và quá trình đấu tranh của họ giữa vòng vây chiếm đóng của quân Đức. Tác phẩm lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một phụ nữ người Bỉ tên là Andrée de Jongh, người đã giúp đỡ các phi công Đồng Minh bị bắn rơi khỏi sự truy lùng của Đức Quốc xã.[1][2]

Từ khi phát hành, Sơn ca vẫn hót đã góp mặt trong nhiều danh sách bán chạy nhất. Tính đến năm 2021, tác phẩm đã bán được hơn 4,5 triệu bản trên toàn cầu và được dịch ra 45 thứ tiếng.[3][4] Năm 2015, Sơn ca vẫn hót được hãng TriStar Pictures mua bản quyền phát hành lên màn ảnh rộng, với Melanie Laurent trong vai trò đạo diễn.[5]

Tại Việt Nam, tác phẩm được Nhà xuất bản Phụ nữ dịch thuật và phát hành dưới tên Sơn ca vẫn hót.[6]

Cốt truyện

[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1995 với điểm nhìn ở ngôi thứ nhất của một người phụ nữ lớn tuổi (không được tiết lộ tên) đang vật lộn với căn bệnh ung thư. Bà sống ở ngoài khơi bờ biển Oregon cùng cậu con trai tên là Julien. Phần lớn thời lượng câu chuyện sau đó diễn ra ở ngôi kể thứ ba, với nhân vật chính là hai chị em Vianne Mauriac (đã có chồng và theo họ chồng) cùng Isabelle Rossignol. Trước năm 1939, gia đình họ sống ở Pháp. Đến khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra, hai chị em cùng người bố của mình bị chia cắt lẫn nhau. Nội dung câu chuyện sau đó đưa người đọc đi theo hai con đường khác nhau của Vianne và Isabelle.

Người chị cả Vianne đã lập gia đình, hiện đang làm giáo viên và nuôi cô con gái 8 tuổi Sophie trong ngôi nhà mà cô sinh sống từ thời thơ ấu tên là Le Jardin ở thị trấn Carriveau. Chồng của cô tên Antoine, một quân nhân Pháp bị lính Đức bắt làm tù binh. Ở nhà, Vianne và con gái phải đương đầu với sự chiếm đóng của quân Đức sau khi Pháp bại trận. Cô và Sophie cố gắng sinh tồn khi khẩu phần lương thực mỗi lúc một nghèo nàn, những đồng franc ngày càng cạn kiệt do nguồn thu nhập chính là Antoine không còn nữa, cũng như phải hầu hạ bọn sĩ quan của WehrmachtSS tại chính ngôi nhà mình. Bên cạnh bị mất việc làm, Vianne còn phải chứng kiến cảnh bắt bớ người Do Thái diễn ra như cơm bữa trong thị trấn. Người sĩ quan đầu tiên đến ở nhà Vianne là Wolfgang Beck, một người đàn ông tốt bụng đã có gia đình. Người thứ hai là Von Richter, một sĩ quan tàn bạo hơn, thường xuyên lạm dụng thể chất và lạm dụng tình dục Vianne.

Nội dung câu chuyện tiếp nối với việc cô bạn thân nhất người Do Thái của Vianne, Rachel de Champlain, bị đưa đến trại tập trung. Cả hai lên kế hoạch trốn thoát nhưng cuối cùng Rachel chết trong làn đạn của bọn Quốc xã. Vianne phải nhận nuôi đứa con trai ba tuổi của Rachel, Ari. Để che giấu thân phận Do Thái của cậu, Vianne đổi tên cậu thành "Daniel". Sau đó, Vianne tham gia che giấu thêm mười chín đứa trẻ Do Thái khác trong trại trẻ mồ côi ở tu viện gần đó. Trong thời gian này, Von Richter liên tục dùng bạo lực và tình dục để kiểm soát Vianne. Khi chiến tranh kết thúc, Antoine trở về từ trại tù binh, nhưng những dư chấn mà chiến tranh để lại với Vianne vẫn còn hiện hữu. Cô mang thai do kết quả từ những vụ cưỡng hiếp của Von Richter. Trong khi đó, Daniel (Ari) được họ hàng Do Thái của mình đưa sang Mỹ sinh sống.

Isabelle, cô em gái trẻ có tính khí bốc đồng, từng có thời gian bỏ nhà theo trai, quyết định dấn thân vào vai trò chống lại sự chiếm đóng của lính Quốc xã. Sau khi bị đuổi khỏi trường, cô đi bộ từ Paris đến Carriveau. Trên đường đi, cô gặp gỡ và làm quen với một người lính kháng chiến tên là Gaëtan Dubois. Tại Carriveau, cô tham gia Kháng chiến Pháp. Thời gian đầu, cô được giao nhiệm vụ phân phát các tài liệu tuyên truyền chống Đức Quốc xã. Sau khi chuyển đến một chi bộ ở Paris, cô lên kế hoạch giúp các phi công của quân Đồng Minh bị Đức bắn rơi trốn thoát đến đại sứ quán Anh ở Tây Ban Nha (lúc bấy giờ là quốc gia trung lập). Với sự giúp đỡ của người bố thất lạc từ lâu và những người lính phe kháng chiến, cũng như sự hỗ trợ từ MI9, cô đã thành công trót lọt trong một vài phi vụ. Trong thời gian hoạt động, cô lấy mật danh là "Sơn ca" và bị quân Đức truy lùng ráo riết. Không may là cuối cùng cô bị bắt, bị lột trần lột truồng tra tấn và cưỡng hiếp. Để cứu con gái, cha cô đã tự thú nhận mình chính là "Sơn ca". Về phần Isabelle, cô bị đưa đến một trại tập trung ở Đức và phải sống trong những điều kiện như địa ngục, bị chuyển từ trại này sang trại khác, nhưng cuối cùng vẫn sống sót đến khi chiến tranh kết thúc. Vianne và Isabelle cuối cùng tái ngộ nhau sau bao ngày xa cách, nhưng Isabelle trong tình trạng rất yếu do bệnh sốt phát ban và viêm phổi. Trong giờ phút lâm chung, Isabelle gặp lại Gaëtan một lần nữa. Hai người hôn nhau trước khi Isabelle chết trong vòng tay anh.

Câu chuyện khép lại với điểm nhìn quay về với người phụ nữ già năm 1995, lúc bấy giờ thì tác giả tiết lộ bà này chính là Vianne. Bà đang trên đường đến Paris để tham dự một sự kiện nhằm tri ân và tưởng nhớ đứa em gái Isabelle, "Sơn ca" của bà. Đi cùng bà là Julien (đứa con hoang của bà với Von Richter). Vianne sau đó gặp lại Ari. Cả ba người tâm sự với nhau với nhiều xúc cảm. Vianne tự nhủ với lòng mình sau chuyến đi sẽ kể hết mọi chuyện về thân thế thực sự của Julien cho anh.

Nguồn cảm hứng

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù mọi sự kiện, nhân vật trong Sơn ca vẫn hót đêu là hư cấu, nhưng có phỏng theo các nhân vật lịch sử có thật. Con đường qua dãy núi Pyrenees, con đường mà Isabelle đã giúp đỡ các các phi công Đồng Minh được lấy cảm hứng dựa trên con đường Comet của Andrée de Jongh, một phụ nữ người Bỉ. Lúc bấy giờ bà 24 tuổi.[7] Cũng giống như Isabelle, de Jongh đích thân hộ tống nhiều binh lính Đồng Minh qua dãy núi Pyrenees. Cho đến cuối cuộc chiến tranh, bà đã hỗ trợ tổng cộng 118 phi công. Và cũng chịu chung số phận như Isabelle, de Jongh bị bắt và bị đưa đến trại tập trung Ravensbrück thay vì bị hành quyết, vì Đức Quốc xã không tin vào lời khẳng định của bà cho rằng chính bà là người lãnh đạo đường dây lẩn trốn này. Nhưng khác với Isabelle, de Jongh sống rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc. Bà được phong tước hiệu nữ bá tước vào năm 1985 và qua đời vào năm 2007.

Câu chuyện về De Jongh cũng truyền cảm hứng cho Hannah tìm hiểu nhiều hơn và phát hiện ra những câu chuyện khác trong cuộc Kháng chiến Pháp, nơi những người phụ nữ sẵn sàng đặt tính mạng của bản thân và con cái của họ vào tình thế nguy hiểm để che chở cho những gia đình người Do Thái. Đây cũng là điều tạo nên nguồn cảm hứng cho nhân vật Vianne trong tác phẩm.[8] Truyện cũng lấy cảm hứng từ một số nhân vật lịch sử khác, bao gồm nữ y tá Edith Cavell trong chiến tranh thế giới thứ nhất.[8]

Tiếp nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Sơn ca vẫn hót nhận được nhiều ý kiến đánh giá nhìn chung tích cực.[9] Một bài phê bình trên ấn phẩm Kirkus Reviews nhận xét: "Khuynh hướng đa cảm hóa [của Hannah] làm suy yếu sức hút của câu chuyện này. . . Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm đáng trân trọng và làm say đắm lòng người".[10] Tác phẩm cũng lọt vào danh sách sách bìa cứng bán chạy nhất của NPR trong 45 tuần liên tiếp và án ngữ trong danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong suốt 20 tuần.[11][12]

Phim chuyển thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 3 năm 2015, cuốn sách được TriStar Pictures mua bản quyền để chuyển thể lên màn ảnh. Bộ phim do Ann Peacock viết kịch bản và Elizabeth Cantillon đóng vai trò sản xuất.[13][14] Vào tháng 8 năm 2016, có thông báo cho rằng Michelle MacLaren sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn và John Sayles đóng vai trò biên kịch. Tuy nhiên sau đó MacLaren đã bỏ dở dự án và bộ phim theo đó cũng ngừng sản xuất.[15] Tháng 12 năm 2019, Melanie Laurent ký hợp đồng làm đạo diễn cho bộ phim với kịch bản của Dana Stevens, còn Cantillon vẫn trong vai trò phụ trách sản xuất. Hai chị em DakotaElle Fanning dự kiến sẽ đóng vai chính, đánh dấu lần đầu tiên hai chị em nhà này đóng chung trong một bộ phim, mặc dù trước đó, trong một vài bộ phim, hai người này đã từng thay thế nhau trong cùng một nhân vật ở các độ tuổi khác nhau của nhân vật.[16] Phim hiện đã dời lịch phát hành.[17]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “The Nightingale: Behind the Book”. KristinHannah.com. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  2. ^ “A Q&A With Kristin Hannah, Author of February's #1 Indie Next List Pick”. the American Booksellers Association. 4 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2020.
  3. ^ Egan, Elisabeth (29 tháng 1 năm 2021). “Kristin Hannah Reinvented Herself. She Thinks America Can Do the Same”. The New York Times. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2021.
  4. ^ Gutterman, Annabel (3 tháng 2 năm 2021). “What to Know About the Book Behind Netflix's Firefly Lane”. Time. Truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2021.
  5. ^ McNary, Dave (5 tháng 2 năm 2018). “Sony Buys 'Nightingale' Author's Alaska Novel 'The Great Alone' (EXCLUSIVE)”. Variety (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 11 tháng 8 năm 2020.
  6. ^ Lê Đăng (25 tháng 5 năm 2019). "Sơn ca vẫn hót": Bản tình ca đẹp giữa khói lửa chiến tranh”. Giáo dục và thời đại.
  7. ^ Bargreen, Melinda (22 tháng 2 năm 2015). “Kristin Hannah's inspirations for WWII tale 'The Nightingale'. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2016.
  8. ^ a b Bargreen, Melinda (22 tháng 2 năm 2015). “Kristin Hannah's inspirations for WWII tale 'The Nightingale'. Truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2016.
  9. ^ Rhule, Patty (8 tháng 2 năm 2015). “Kristin Hannah takes on the Nazis in 'Nightingale'. USA Today. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  10. ^ “THE NIGHTINGALE by Kristin Hannah”. Kirkus Reviews. 20 tháng 11 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  11. ^ “The Nightingale”. National Public Radio. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  12. ^ Busch, Anita; Fleming, Mike Jr. (23 tháng 6 năm 2015). “Ann Peacock To Adapt 'The Nightingale' For TriStar”. Deadline Hollywood. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  13. ^ Busch, Anita; Fleming, Mike Jr. (23 tháng 6 năm 2015). “Ann Peacock To Adapt 'The Nightingale' For TriStar”. Deadline Hollywood. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  14. ^ Ford, Rebecca (19 tháng 3 năm 2015). “TriStar Nabs Hot WWII Novel 'The Nightingale'. The Hollywood Reporter. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2016.
  15. ^ Kroll, Justin (11 tháng 8 năm 2016). 'Game of Thrones' Director Michelle MacLaren to Helm TriStar's 'The Nightingale' (EXCLUSIVE)”. Variety. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2020.
  16. ^ Galuppo, Mia (4 tháng 12 năm 2019). “Elle Fanning, Dakota Fanning to Play Sisters in 'The Nightingale' Adaptation”. The Hollywood Reporter (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2020.
  17. ^ D'Alessandro, Anthony (30 tháng 4 năm 2020). 'The Nightingale': Elle And Dakota Fanning's WWII Sisters Pic Pushed By One Year”. Deadline Hollywood. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2021.