Bước tới nội dung

Lexington (lớp tàu chiến-tuần dương)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Một tranh vẽ vào năm 1922 của Louise Larned mô tả thiết kế cuối cùng của lớp Lexington, với tám khẩu pháo 406 mm (16 inch) và hai ống khói
Khái quát lớp tàu
Tên gọi Lớp tàu chiến-tuần dương Lexington
Xưởng đóng tàu
Bên khai thác Hoa Kỳ Hải quân Hoa Kỳ
Lớp trước không
Lớp sau không
Thời gian đóng tàu 1920 - 1922
Chế tạo 6
Hoàn thành 2 chiếc (được đưa ra hoạt động như tàu sân bay)
Hủy bỏ 4
Đặc điểm khái quát
Kiểu tàu tàu chiến-tuần dương
Trọng tải choán nước
  • 43.500 tấn (tiêu chuẩn);
  • 44.638 tấn (đầy tải);
  • 51.217 tấn (khẩn cấp chiến đấu)[1]
Chiều dài 266,4 m (874 ft) chung [1][2][3]
Sườn ngang 32,1 m (105 ft 4 in)[1][2][4]
Mớn nước 9,45 m (31 ft)[1][4]
Động cơ đẩy
  • Turbine điện
  • 16 × nồi hơi
  • 4 × trục
  • công suất 180.000 mã lực (134 MW) [1]
Tốc độ 62 km/h (33,5 knot) [1][2][3]
Tầm xa
  • 22.000 km ở tốc độ 18 km/h
  • (12.000 hải lý ở tốc độ 10 knot) [1]
Vũ khí
  • 8 × pháo 406 mm (16 inch)/50 caliber (4 × 2)[1]
  • 16 × pháo 152 mm (6 inch)/53 caliber[1]
  • 4 × pháo 76 mm (3 inch)/50 caliber[1]
  • 8 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch) (4 ngầm dưới mặt nước)[1]
Bọc giáp
  • đai giáp: 178 mm (7 inch)[1]
  • tháp súng: 130–230 mm (5–9 inch) [1]
  • tháp chỉ huy: 305 mm (12 inch) [1]
  • tháp pháo: 280 mm (11 inch)[1]
  • vỏ giáp hông: 152 mm (6 inch) [1]

Lớp Lexington là lớp tàu chiến-tuần dương duy nhất được Hải quân Hoa Kỳ đặt hàng.[A 1] Sáu chiếc trong lớp - được đặt những cái tên liên quan đến Chiến tranh Độc lập Hoa Kỳ - được vạch kế hoạch như một phần của Chương trình Phát triển Hải quân 1916 lớn lao, nhưng việc chế tạo chúng liên tục bị tạm dừng dành ưu tiên cho những tàu hộ tống và chống tàu ngầm. Trong khi bị trì hoãn, thiết kế của lớp được thay đổi nhiều lần; thoạt tiên được thiết kế để mang mười khẩu pháo 355 mm (14 inch)/50 caliber và 18 khẩu pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber với tốc độ tối đa 35 knot; phiên bản thiết kế cuối cùng có tám khẩu pháo 406 mm (16 inch)/50 caliber Mark 2 và 16 khẩu pháo 152 mm (6 inch)/53 caliber với tốc độ tối đa 33,25 knot nhằm tăng cường hỏa lực và bảo vệ (việc giảm tốc độ tối đa chủ yếu là do việc bổ sung thêm vỏ giáp).

Trong khi việc chế tạo bốn chiếc trong lớp cuối cùng phải hủy bỏ và tháo dỡ vào năm 1922 để tuân thủ những quy định của Hiệp ước Hải quân Washington, hai chiếc (LexingtonSaratoga) được cải biến thành những tàu sân bay hạm đội đầu tiên của Hoa Kỳ.[5][A 2] Cả hai đã được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi Lexington thực hiện nhiều cuộc không kích trước khi bị đánh chìm trong trận chiến biển Coral, và Saratoga tham chiến tại Thái Bình Dương và Viễn Đông. Cho dù bị ngư lôi đánh trúng trong hai dịp khác nhau, Saratoga đã sống sót đến hết cuộc chiến và chỉ bị đánh chìm như một mục tiêu thử nghiệm bom nguyên tử trong Chiến dịch Crossroads.[A 3]

Thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngay từ năm 1912, Hải quân Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc chế tạo những chiếc tàu chiến-tuần dương mới nhằm đối chọi với bốn chiếc thuộc lớp KongōHải quân Đế quốc Nhật Bản đang chế tạo.[6] Tuy nhiên, khi cân nhắc việc Quốc hội sẽ không chấp thuận chế tạo mọi chiếc tàu chiến-tuần dương nào mà không giảm bớt số thiết giáp hạm, Hải quân quyết định rằng những thiết giáp hạm, như là lớp Nevada mới thuộc thế hệ "Siêu-Dreadnought" mà việc chế tạo vừa mới được bắt đầu, là quan trọng hơn; vì Quốc hội - trong cái nhìn của Hải quân – đã không chấp thuận đủ số lượng thiết giáp hạm cần thiết.[1] Vào năm 1903, Hải quân đề nghị Hoa Kỳ mỗi năm sẽ chế tạo hai chiếc thiết giáp hạm, nhưng Quốc hội từ chối, chấp thuận chỉ một chiếc cho năm 1904 (tài khóa 1905), hai chiếc vào năm 1905 (tài khóa 1906), một chiếc cho cả 19061907 (tài khóa 1907-1908), một chiếc cho cả 19121913 (tài khóa 1913-1914). Việc chấp thuận chế tạo hai chiếc thay vì một thuộc lớp New York vào năm 1910 (tài khóa 1911) rõ ràng là "một thứ vinh quang của cá nhân Bộ trưởng Hải quân von Lengerke Meyer".[7]

Tuy nhiên, vào năm 1916, nước Mỹ ở trong tình thế phải chuẩn bị cho chiến tranh, và Hải quân Mỹ bắt đầu chế tạo nhiều kiểu tàu nhằm hỗ trợ cho cuộc đối đầu sắp đến. Trong năm này, Hải quân đã đặt lườn hai thiết giáp thuộc lớp Tennessee, mười tàu tuần dương thuộc lớp Omaha và 50 tàu khu trục thuộc lớp Wickes cùng những con tàu khác.[8] Thêm vào đó, họ đặt hàng sáu chiếc tàu chiến-tuần dương mới thuộc lớp Lexington. Những con tàu này, cùng với các lớp OmahaWickes, được dự định trong thành phần lực lượng tuần tiễu nhanh đạt tốc độ 65 km/h (35 knot) sẽ hỗ trợ một hạm đội thiết giáp hạm lớn. Tuy nhiên, những con tàu này không được đặt lườn ngay lập tức, vì việc chế tạo các tàu chiến chủ lực phải tạm ngừng dành các ụ tàu cho việc chế tạo các tàu buôn và tàu khu trục trong chiến tranh chống tàu ngầm.[1]

Sáu chiếc trong lớp Lexington sẽ được đặt tên là: Lexington, Constellation, Saratoga, Ranger, ConstitutionUnited States và sẽ mang các ký hiệu từ CC-1 đến CC-6,[A 4] với ký tự "CC" nhấn mạnh đến kiểu tàu chiến-tuần dương.[1][A 5] Mặc dù lớp tàu này được vạch kế hoạch như là những tàu chiến-tuần dương đầu tiên của Hải quân Mỹ, chúng không phải là thiết kế hoàn toàn mới, nhưng là thiết kế mở rộng dựa trên các kiểu thiết kế tàu tuần dương 10.000 và 14.000 tấn sẵn có.[1][6]

Thiết kế ban đầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong cấu hình nguyên thủy vào năm 1916, những tàu chiến-tuần dương được thiết kế để có tể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h (35 knot) với mười khẩu pháo 355 mm (14 inch)/50 caliber bố trí trên bốn tháp pháo (hai tháp pháo hai nòng và hai tháp pháo ba nòng) cùng dàn pháo hạng hai có 18 khẩu pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber. Tất cả chúng phải được đặt trong một trọng lượng rẽ nước 34.300 hoặc 34.800 tấn; Tuy nhiên, những tính năng cao như vậy lại bị ngăn trở bởi lớp vỏ giáp yếu so với các thiết giáp hạm đương thời. Để đạt được tốc độ như thiết kế, con tàu cần có được công suất động cơ 180.000 mã lực (134 MW), đòi hỏi phải có 24 nồi hơi. Con số lớn lao này gây ra nhiều vấn đề trong thiết kế. Trước hết là không đủ chỗ để đặt tất cả chúng bên dưới sàn tàu bọc thép vốn là thông lệ vào thời đó; và giải pháp đưa ra "rất không bình thường": một nửa số nồi hơi sẽ được đặt dọc giữa bên trên sàn tàu bọc thép với những vỏ bọc thép bao quanh mỗi chiếc. Sau nữa, số lượng ống thoát hơi mà số nồi hơi này cần dùng khiến cho Lexington được thiết kế để có thể mang "không ít hơn" bảy ống khói, với bốn trong số chúng được đặt cạnh nhau.[1][2][6]

Tái thiết kế

[sửa | sửa mã nguồn]
Một bức tranh mô tả thiết kế ban đầu của lớp Lexington với năm ống khói nhỏ

Tuy nhiên, vào năm 1917, việc chế tạo lớp tàu này lại bị tạm ngưng dành ưu tiên cho việc chế tạo những tàu buôn và tàu chiến chống tàu ngầm, vốn đang rất cần để đảm bảo sự vận chuyển an toàn người và tiếp liệu sang châu Âu vào lúc mà Đức tiến hành các chiến dịch tàu ngầm U-boat. Nhờ đó người ta lại có cơ hội thiết kế lại lớp tàu. Dàn hỏa lực pháo chính được nâng cấp lên cỡ pháo 406 mm (16 inch)/50 caliber Mark 2 do những kế hoạch chế tạo tàu chiến-tuần dương Anh và Nhật trang bị cỡ pháo 15 và 16 inch tương ứng, và số lượng nồi hơi được giảm xuống còn 20, cho phép bố trí toàn bộ chúng bên dưới sàn tàu bảo vệ. Việc giảm số nồi hơi cũng làm giảm bớt số lượng ống thoát hơi cần thiết, nên số lượng ống khói của con tàu giảm từ bảy xuống còn năm chiếc. Dàn hỏa lực hạng hai được tăng cường từ 18 khẩu 127 mm (5 inch) lên 14 khẩu 152 mm (6 inch)/53 caliber.[9]

Khoảng năm 1918, các sĩ quan tham mưu Hải quân Mỹ tại Anh bị ấn tượng rất mạnh bởi chiếc tàu chiến-tuần dương mới của Anh Quốc HMS Hood (51) thuộc lớp Admiral. Vì con tàu này được mô tả như một "thiết giáp hạm nhanh", họ chủ trương Hoa Kỳ nên phát triển một lớp thiết giáp hạm nhanh của riêng mình. Trong khi nhiều bản phác thảo được thực hiện, Bộ hải quân cho rằng chúng sẽ khiến cho mọi lớp tàu chiến khác trở nên lỗi thời, nên họ kiên trì theo kiểu lớp South Dakota thông thường hơn. Tuy nhiên, những ý tưởng từ chiếc Hood được nhanh chóng tiếp thu và áp dụng vào lớp Lexington, bắt đầu một bản tái thiết kế cuối cùng cho lớp này. Những ảnh hưởng từ chiếc Hood được chứng tỏ qua việc giảm bớt độ dày đai giáp chính, chuyển đổi sang kiểu vỏ giáp nghiêng, và bổ sung thêm bốn ống phóng ngư lôi bên trên mặt nước cộng thêm vào số bốn ống phóng dưới nước vốn đã có trong thiết kế ban đầu. Các thay đổi khác bao gồm việc mở rộng thân tàu cho một hệ thống bảo vệ ngư lôi, và đai giáp đứng được tăng lên 228 mm (9 inch). Một kiểu nồi hơi mới cho phép giảm số lượng nồi hơi xuống còn 16. Một lần nữa, với số lượng ống thoát khí được giảm bớt, số ống khói lần này giảm xuống chỉ còn hai chiếc. Tuy nhiên, những cải tiến này lại làm gia tăng trọng lượng rẽ nước của con tàu lên đến 43.500 tấn, nặng hơn 300 tấn so với lớp thiết giáp hạm South Dakota đang được chế tạo, và nặng hơn 10.900 tấn so với lớp Colorado trước đó.[10][11]

Một bức tranh mô tả thiết kế cuối cùng của lớp Lexington với hai ống khói

Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn tồn tại, như được chứng minh bởi kinh nghiệm của chiếc tàu chiến-tuần dương Anh Quốc HMS Queen Mary trong trận Jutland; nó bị đánh chìm chỉ với một quả đạn pháo Đức duy nhất đã xuyên thủng lớp sàn tàu bọc thép 228 mm (9 inch) làm nổ tung một trong các hầm đạn của nó. Thiết kế của lớp Lexington yêu cầu một lớp vỏ giáp dày 76 mm (3 inch) trên nóc tháp pháo, chỉ đạt một phần ba so với chiếc Queen Mary.[12]

Thiết kế ban đầu của lớp Lexington trang bị dàn pháo chính gồm mười khẩu 355 mm (14 inch)/50 caliber kiểu Mark 4, 5 hoặc 6 được gắn trên bốn tháp pháo (hai tháp pháo ba nòng và hai tháp pháo nòng đôi).[6][A 6] Được thiết kế vào năm 1916 và được đưa vào sử dụng năm 1918, những khẩu pháo này đã được trang bị cho các lớp thiết giáp hạm TennesseeNew Mexico.[13]

Các thiết kế sau đó đề nghị kiểu pháo 406 mm (16 inch)/50 caliber Mark 2 hoặc Mark 3 vốn được dự định sẽ trang bị cho lớp thiết giáp hạm South Dakota (1920).[9] Giống như kiểu pháo 355 mm (14 inch)/50 caliber, kiểu 406 mm (16 inch) cũng được phát triển vào năm 1916. Một kiểu nguyên mẫu được thử nghiệm và chấp thuận vào ngày 8 tháng 4 năm 1918, và được dự định sẽ đưa vào sử dụng vào năm 1923. Tuy nhiên, cùng với việc chế tạo cả hai lớp LexingtonSouth Dakota bị hủy bỏ, không có khẩu pháo nào được trang bị trên các tàu chiến, cho dù đã có 71 đã được chế tạo và 44 khẩu khác đang được chế tạo. Trong những năm 1922-1924, 20 khẩu pháo loại này đã được chuyển cho Lục quân để sử dụng như những khẩu đội phòng thủ duyên hải song song với kiểu pháo 406 mm (16 inch)/50 caliber M1919 của Lục quân.[14] Những kế hoạch sau này dự định sẽ trang bị chúng cho lớp thiết giáp hạm Iowa, nhưng việc thiếu sót thông tin giữa các phòng thiết kế đã khiến cho kiểu 406 mm (16 inch)/50 caliber Mark 7 được sử dụng thay thế.[15] Kết quả là, tất cả số pháo Mark 2 và 3 còn lại ngoại trừ ba khẩu đều được chuyển cho Lục quân cũng để sử dụng trong vai trò phòng thủ duyên hải.

Về giàn hỏa lực hạng hai trên thiết kế nguyên thủy, lớp Lexington được trang bị 18 khẩu 127 mm (5 inch)/51 caliber. Kiểu vũ khí này thoạt tiên được trang bị cho các lớp thiết giáp hạm FloridaWyoming, và sau đó trở thành hỏa lực hạng hai cho mọi thiết giáp hạm Mỹ được chế tạo trước Hiệp ước Hải quân Washington. Ngoài ra, nhiều tàu khu trục, tàu ngầm và tàu chiến phụ trợ được chế tạo trong giai đoạn này đã sử dụng chúng như giàn hỏa lực chính. Dàn pháo hạng hai sau đó được nâng cấp lên 14 khẩu 152 mm (6 inch) /53 caliber được bố trí trên các tháp súng nhỏ trong một đợt tái thiết kế. Những khẩu pháo này trở thành giàn hỏa lực chính trên lớp tàu tuần dương hạng nhẹ Omaha cùng các tàu ngầm Narwhal, NautilusArgonaut; và chúng trở thành dàn pháo hạng hai cho lớp thiết giáp hạm South Dakota.[16][17][18]

Cải biến thành tàu sân bay

[sửa | sửa mã nguồn]

Công việc chế tạo những chiếc tàu chiến-tuần dương cuối cùng cũng được bắt đầu vào những năm 19201921, sau một giai đoạn trì hoãn kéo dài gần năm tháng.[1][19] Tuy nhiên, vào tháng 7 năm 1921, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Charles Evans Hughes kêu gọi tổ chức một cuộc hội nghị tại Washington D.C. sẽ được tổ chức vào tháng 11. Mục tiêu đặt ra là nhằm kìm chế các chương trình phát triển hải quân đang gia tăng nhanh chóng và cực kỳ tốn kém tại nhiều nước.[20] Đối với Hải quân, rõ ràng là những chiếc tàu chiến-tuần d��ơng mới đắt tiền,[21] bị một số người cho là đã lạc hậu,[22] sẽ trở thành những đối tượng rất hấp dẫn để hủy bỏ. Vì thế, các nghiên cứu được thực hiện nhằm khảo sát các khả năng cải biến một hoặc nhiều chiếc tàu chiến-tuần dương cho các mục đích khác: một phương án chuyển đổi thành tàu sân bay, trong khi một phương án khác biến nó thành một tàu biển chở khách vượt Đại Tây Dương.[21]

Việc cải biến Lexington thành một tàu sân bay có cả các khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực khi so sánh với "tàu sân bay được thiết kế chuyên biệt". Trong khi nó có được sự bảo vệ chống lại ngư lôi tốt hơn, hầm đạn chứa bom cho máy bay nhiều hơn và nhiều chỗ cho máy bay đậu; một tàu sân bay cải biến sẽ có tốc độ chậm hơn 1 km/h (0,5 knot), ít chỗ hơn trong sàn chứa máy bay (ít hơn khoảng 16%), ít nhiên liệu dự trữ khẩn cấp hơn và một sàn đáp phía sau hẹp hơn. So sánh về chi phí, một tàu sân bay hoàn toàn mới sẽ có phí tổn 27,1 triệu Đô-la, trong khi việc cải biến một chiếc thuộc lớp Lexington, không kể đến phí tổn 6,7 triệu Đô-la đã đổ vào, sẽ tốn kém thêm 22,4 triệu Đô-la nữa.[5][A 7]

Mọi cuộc tranh luận về vấn đề cải biến chúng đều bị dập tắt khi Hiệp ước Hải quân Washington được ký kết. Theo những điều khoản của Hiệp ước, mọi tàu chiến chủ lực đang được chế tạo thuộc các nước tham gia ký kết (Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, ÝNhật Bản) phải hủy bỏ và tháo dỡ. Đối với các lớp tàu chiến-tuần dương, hạn chế này bao gồm lớp Lexington của Mỹ, lớp Amagi của Nhật Bản và lớp G3 của Anh.[23] Tuy nhiên, Hiệp ước cho phép các nước tham gia giữ lại hai tàu chiến chủ lực đang chế tạo để cải biến chúng thành tàu sân bay.[5] Hải quân Hoa Kỳ quyết định giữ lại hai chiếc thuộc lớp Lexington đã sắp hoàn tất: LexingtonSaratoga.[24]

Chuẩn Đô đốc David W. Taylor (trái), Trưởng Văn phòng Chế tạo và Sửa chữa, cùng Chuẩn Đô đốc John K. Robison (phải), Trưởng Văn phòng Kỹ thuật, đang nâng một mô hình tàu chiến-tuần dương bên trên một mô hình đề nghị cải biến thành tàu sân bay. Bộ Hải quân, ngày 8 tháng 3 năm 1922.

Một vấn đề là trọng lượng rẽ nước của tàu sân bay được đóng mới sẽ bị giới hạn ở mức 27.000 tấn, quá thấp trong việc cải biến một tàu chiến-tuần dương thành tàu sân bay. Một điều khoản ngoại lệ đã được thêm vào thỏa thuận của Hiệp ước, được đề xuất bởi Trợ lý Bộ trưởng hải quân Theodore Roosevelt Jr., sẽ cho phép năm quốc gia ký kết được lựa chọn cải biến không quá hai chiếc tàu chiến chủ lực đang được chế tạo thành tàu sân bay tải trọng 33.000 tấn mỗi chiếc.[5][25] Nhưng ngay cả việc gia tăng thêm 6.000 tấn (từ 27.000 lên 33.000 tấn) vẫn hầu như không đủ cho việc cải biến- cần phải có một biện luận sáng tạo về một điều khoản trong Hiệp ước để cho phép cải biến mà không cần tháo bỏ phân nửa số động cơ, điều mà Hải quân Mỹ không muốn thực hiện.[5] Điều khoản này (Chương II, Điều III, khoản I, (d)) như sau:

Không một tàu chiến chủ lực hay tàu sân bay nào được phép tái cấu trúc, ngoại trừ nhằm vào mục đích cung cấp sự tự vệ chống lại các cuộc tấn công từ trên không hay bởi tàu ngầm, và phải tuân thủ theo những quy luật sau: Những nước tham gia, với mục đích như trên, có thể trang bị trên những tàu chiến hiện hữu vỏ giáp hay đai giáp hoặc sàn tàu chống không kích, với điều kiện việc gia tăng trọng lượng rẽ nước có hiệu lực không vượt quá 3.000 tấn cho mỗi con tàu. Không được phép thay đổi lớp vỏ giáp hông; cỡ nòng, số lượng và kiểu vũ khí của giàn hỏa lực chính; ngoại trừ:

(1) trong trường hợp của Pháp và Ý, mỗi nước, trong phạm vi giới hạn trọng lượng rẽ nước cho phép, có thể tăng cường vỏ giáp bảo vệ và cỡ nòng pháo trên những tàu chiến chủ lực đang có sao cho không vượt quá 406 mm (16 inch) và

(2) Đế quốc Anh được phép hoàn tất, trong trường hợp của chiếc HMS Renown, những thay đổi của lớp vỏ giáp vốn đã được thực hiện nhưng tạm thời bị ngưng.[26]

Nếu không có điều khoản này, hai chiếc tàu sân bay sẽ gặp rắc rối lớn. Những ước lượng được thực hiện vào năm 1928 cho biết Lexington có trọng lượng rẽ nước thực là 35.689 tấn và Saratoga là 35.544 tấn; cho dù trong các tài liệu chính thức, con số được đưa ra là 33.000 tấn với một chú thích là: "[con số này] không bao gồm tải trọng cho phép theo Chương 11, điều 3, khoản 1, của Hiệp ước Washington cung cấp các phương tiện chống không kích và tàu ngầm". Con số về tải trọng này tiếp tục gắn liền trong suốt cuộc đời hoạt động của chúng.[5]

Những chiếc trong lớp

[sửa | sửa mã nguồn]
Lexington không lâu trước khi được hạ thủy, khoảng năm 1925.

Lớp Lexington bao gồm sáu tàu chiến, được chế tạo tại bốn địa điểm. Sau khi ký kết Hiệp ước Hải quân Washington, việc chế tạo mọi con tàu bị tạm ngưng vào tháng 2 năm 1922. Lườn của hai chiếc được đặt hàng lại như lớp tàu sân bay Lexington: USS Lexington (CV-2)USS Saratoga (CV-3) theo như những điều khoản của Hiệp ước, trong khi bốn chiếc còn lại bị chính thức hủy bỏ vào tháng 8 năm 1923 và được tháo dỡ ngay trên ụ đóng tàu.[2]

Tàu Đặt lườn Hạ thủy Hoạt động Số phận
Lexington (CV-2) 8 tháng 1 năm 1921 3 tháng 10 năm 1925 14 tháng 12 năm 1927 Bị đánh đắm 8 tháng 5 năm 1942 trong trận chiến biển Coral
Constellation (CC-2) 18 tháng 8 năm 1920 Bị tháo dỡ năm 1923
Saratoga (CV-3) 25 tháng 9 năm 1920 7 tháng 4 năm 1925 16 tháng 11 năm 1927 Bị chìm 25 tháng 7 năm 1946 sau thử nghiệm bom hạt nhân
Ranger (CC-4) 23 tháng 6 năm 1921 Bị tháo dỡ 8 tháng 11 năm 1923
Constitution (CC-5) 25 tháng 9 năm 1920 Bị tháo dỡ năm 1923
United States (CC-6) 25 tháng 9 năm 1920 Bị tháo dỡ 25 tháng 10 năm 1923

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Lớp Lexington là lớp tàu chiến duy nhất của Hải quân Mỹ được chính thức xem là tàu chiến-tuần dương. Lớp Alaska thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai được chính thức xếp lớp như là "tàu tuần dương lớn", mặc dù một số sử gia hiện đại thường xếp chúng là tàu chiến-tuần dương. Thiết kế của lớp Alaska ít có điểm giống lớp Lexington hay các tàu chiến-tuần dương khác, thay vào đó là một thiết kế mở rộng dựa trên lớp tàu tuần dương hạng nặng Baltimore nhưng được trang bị động cơ như một tàu sân bay lớp Essex. Xem: Gardiner và Cheasneau (1980), trang 122; Scarpaci (2008), trang 17
  2. ^ Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ là chiếc USS Langley, nhưng nó không hơn một chiếc tàu sân bay thử nghiệm để phát triển, vì nó quá chậm - tốc độ tối đa chỉ đạt 15,5 knot - không thể theo kịp những con tàu hộ tống kể cả những chiếc thiết giáp hạm chậm chạp. Xem: Friedman (1983), trang 37; Gardiner và Gray, trang 120-121; và DANFS: Langley.
  3. ^ Để biết thêm thông tin, xin xem các mục SaratogaLexington trong ': "Lexington""Saratoga".
  4. ^ Tương tự như việc Hải quân Mỹ sử dụng ký tự "BB" cho thiết giáp hạm và "CV" cho tàu sân bay, cũng như nhiều cách đặt tên cho các loại tàu chiến khác.
  5. ^ Tên "CC" sau này được sử dụng lại cho "tàu chỉ huy" USS Northampton (CLC-1).
  6. ^ Mặc dù không có nguồn nào mô tả cụ thể kiểu pháo 355 mm được sừ dụng, Vào lúc đó Hoa Kỳ chỉ có ba kiểu pháo 14" cỡ nòng 50 là Mark 4, Mark 5 và Mark 6.
  7. ^ Hai con số trên (6,7 và 22,4 triệu) chỉ là ước lượng dựa trên những con tàu ít hoàn tất như chiếc Ranger. Phí tổn ban đầu sẽ cao hơn và chi phí cải biến sẽ thấp hơn trên những con tàu đã hoàn tất được nhiều.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z aa ab Gardiner và Gray (1984), trang 119
  2. ^ a b c d e f g “Lexington Class (CC-1 through CC-6)”. Navy Department, Naval Historical Center. 26 tháng 2 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 10 năm 2008. Truy cập 8 tháng 12 năm 2008.
  3. ^ a b Pike, John (5 tháng 9 năm 2008). “CC-1 Lexington Class Specifications”. GlobalSecurity.org. Truy cập 9 tháng 12 năm 2008.
  4. ^ a b c d “Ranger”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 11 năm 2012. Truy cập 5 tháng 12 năm 2008.
  5. ^ a b c d e f Friedman (1983), trang 43
  6. ^ a b c d Morison và Polmar (2003), trang 70
  7. ^ Friedman (1985), trang 101
  8. ^ Gardiner và Gray (1984), trang 119-120, 124
  9. ^ a b Morison và Polmar (2003), trang 71
  10. ^ Gardiner và Gray (1984), trang 118-119
  11. ^ Morison và Polmar (2003), trang 71-72
  12. ^ Sinesi (1998), trang 22
  13. ^ DiGiulian, Tony (15 tháng 8 năm 2008). “14"/50 (35.6 cm) Mark 4 and Mark 6”. Navweaps.com. Truy cập 23 tháng 11 năm 2008.
  14. ^ DiGiulian, Tony (26 tháng 7 năm 2008). “United States of America 16"/50 (40.6 cm) Mark 2 and Mark 3”. Navweaps.com. Truy cập 23 tháng 11 năm 2008.
  15. ^ DiGiulian, Tony (3 tháng 11 năm 2008). “United States of America 16"/50 (40.6 cm) Mark 7”. Navweaps.com. Truy cập 23 tháng 11 năm 2008.
  16. ^ Morison và Polmar (2003), trang 69-71
  17. ^ DiGiulian, Tony (9 tháng 2 năm 2008). “5"/51 (12.7 cm) Marks 7, 8, 9, 14 and 15”. Navweaps.com. Truy cập 23 tháng 11 năm 2008.
  18. ^ DiGiulian, Tony (8 tháng 2 năm 2008). “6"/53 (15.2 cm) Marks 12, 14, 15 and 18”. Navweaps.com. Truy cập 23 tháng 11 năm 2008.
  19. ^ Sinesi (1998), trang 26
  20. ^ Morison và Polmar (2003), trang 74
  21. ^ a b Friedman (1983), trang 41 & 43
  22. ^ Morison và Polmar (2003), trang 72
  23. ^ Xem: Washington Naval Treaty, Chapter II, Part III, Section II
  24. ^ a b c d e f “Board for Selling Doomed Warships; Admirals Oppose Sinking at Sea Under Terms of the Five Power Naval Treaty” (PDF). The New York Times. 2 tháng 5 năm 1922. tr. 20.
  25. ^ Xem: Washington Naval Treaty, Chapter I, Article IX
  26. ^ See: Chapter II, Part III, Section I, (d)
  27. ^ “Lexington”. Truy cập 5 tháng 12 năm 2008. Đã bỏ qua tham số không rõ |short= (trợ giúp)
  28. ^ a b “Saratoga”. Truy cập 5 tháng 12 năm 2008. Đã bỏ qua tham số không rõ |short= (trợ giúp)
  29. ^ “USS Constitution (CC-5), 1918 Program – construction cancelled in 1923”. Navy Department, Naval Historical Center. 20 tháng 2 năm 2000. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 3 năm 2012. Truy cập 5 tháng 12 năm 2008.
  30. ^ “United States”. Truy cập 5 tháng 12 năm 2008. Đã bỏ qua tham số không rõ |short= (trợ giúp)

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]