Bước tới nội dung

Lê Lai

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lê Lai
黎來
Trung Túc Vương
Thụy hiệuToàn Nghĩa
Binh nghiệp
Nguyện trung thànhLê Thái Tổ
Tham chiến
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1355
Nơi sinh
Ngọc Lặc, Thanh Hóa
Mất
Thụy hiệu
Toàn Nghĩa
Ngày mất
(1419-04-29)29 tháng 4, 1419 (?)
An nghỉLam Sơn
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Lê Kiều
Thân mẫu
Lê Thị Kiệu
Hậu duệ
Lê Lư
Lê Lộ
Lê Lâm
Tước hiệuTrung Túc Vương
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳNhà Hồ, Bắc thuộc lần 4

Lê Lai là một tướng lĩnh tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, ông được coi là một anh hùng, một tấm gương trung nghĩa với sự kiện nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là cải trang thành Lê Lợi và bị quân Minh giết chết.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Lê Lai sinh ra ở thôn Dựng Tú, xã Đức Giang huyện Lương Giang (nay là Thôn Thành Sơn (Làng Tép), xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), cha tên là Lê Kiều, nối đời làm chức phụ đạo trong vùng, con lớn tên Lê Lạn, con thứ 2 là Lê Lai.

Lê Lai được sử gia Lê Quý Đôn miêu tả trong sách Đại Việt thông sử là có tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả lẫm liệt, lo việc hậu cần cho Lê Lợi rất chu đáo.[1]

Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và 18 tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện chung sức đánh đuổi quân Minh đang cướp phá. Ông được ban tước Quan nội hầu, tổng quản của phủ Đô tổng quản. Anh trai của Lê Lai, Lê Lạn cũng tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn, lập được nhiều công lao.[1]

Bấy giờ khoảng năm 1418 nghĩa quân Lam Sơn lực lượng còn yếu, thiếu lương, thường bị quân Minh vây đánh, tình thế hết sức ngặt nghèo. Lê Lợi đã hỏi về việc ai có thể đóng giả ông để cứu nguy cho toàn quân, Lê Lai đã nhận lời. Sự kiện này được các sử liệu chép có sai khác, chép lại chi tiết dưới đây.[1]

Sách Lam Sơn thực lục chép

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:

- Ai có thể thay thân khoác hoàng bào, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô? Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chủ Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho trẫm được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!

Các tướng đều không dám nhận lời.

Chỉ có Lê Lai thưa rằng:

- Thần bằng lòng xin thay mặc áo chủ công. Ngày sau Bệ Hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến thần tử, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều thần mong mỏi!

Đế lạy Trời mà khấn rằng:

- Lê Lai có công đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!

Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến. Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:

- Ta đây là chủ Lam Sơn!

Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm.

Sách Việt sử tiêu án chép

[sửa | sửa mã nguồn]

Bình Định Vương đại phá quân Minh ở Mang Thôi. Trước Vương khởi binh ở Lam Sơn, thế quân kém và ít, người Minh lùng bắt mãi, bèn mưu cùng tướng tá rằng: Ai có thể đem thân ra thay ta, để cho ta đi ẩn nấp, giấu tông tích mà cho quân nghỉ, để mưu đồ cử binh lần sau.

Lê Lai xin đem thân nhận lấy việc ấy, Vương lạy khấn trời nói:

"Lê Lai đem thân thay chúa, nếu sau này không nhớ đến công, nguyện cung điện hóa thành rừng núi, bảo ấn hóa thành đồng, thần kiếm hóa thành dao cùn"

Lê Lai liền tự xưng là Bình Định Vương, khiêu chiến với quân Minh rồi chết. Đâu cũng truyền đi là Bình Định Vương chết rồi, người Minh cũng tin là thật, không lưu ý.

Sách Đại Việt thông sử, phần Liệt truyện chép

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Mậu Tuất 1418, lúc vua mới dựng cờ khởi nghĩa, tướng ít, quân thiếu, bị tướng nhà Minh vây đánh ở Mường Một, vua chạy thoát về đóng ở Trịnh Cao, nơi hẻo lánh, không dân ở, tướng Minh chia quân chặn những chỗ hiểm yếu, tình thế rất cấp bách, nhà vua hỏi các tướng:

Ai dám đổi áo thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng danh hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để ta có thể giấu tiếng, nghỉ binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau ?.

Các tướng đều không ai dám hưởng ứng. Riêng Lê Lai đứng dậy nói: Tôi xin đi. Sau này lấy được nước thì nghĩ đến công lao của tôi, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ ơn nước, đó là nguyện vọng của tôi.

Nhà vua rất thương cảm. Ông nói: Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ mảnh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sẽ sợ vô ích, nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì. Nhà vua vái trời mà khấn rằng:

Lê Lai có công đổi áo, sau này tôi và con cháu tôi, cùng con cháu tướng ta công thần, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn báu thành cục đồng, gươm thần biền biến thành con dao cùn.

Ông bèn dẫn hai con voi và 500 quân kéo thẳng tới trại giặc khiêu chiến. Giặc dốc hết quân ra đánh, ông cưỡi ngựa tốt, xông thẳng vào giữa trận hô lên:Chúa Lam Sơn chính là ta đây, rồi đánh chết được rất nhiều quân giặc. Khi đã kiệt sức, ông bị địch bắt, xử cực hình. Sau đó giặc lui quân về thành Tây Đô, việc phòng bị chúng mới sơ hở, ta vừa có thời cơ, nghỉ binh nuôi chứa nhuệ khí, để có thể trăm trận trăm thắng và lấy được thiên hạ.[5]

Sách Đại Việt thông sử, phần Đế Kỷ Đệ nhất chép

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Theo sách Đại Việt thông sử, phần Đế kỷ Đệ nhất [6] cuối tháng 1 năm 1418[7], Thái Tổ Cao Hoàng bị thua trận ở Mường Một, chạy thoát về Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Trong tình thế nguy cấp, Thái Tổ họp các tướng lại hỏi:
Nay thế trận hiểm nguy, có ai dám làm như Kỷ Tín đời Hán, thân khoác hoàng bào mà hi sinh thay trẫm không?[8]

Các tướng đều ngồi yên không ai dám thưa. Lê Lai đứng dậy nói rằng: "Thần nay nguyện được tử trận thay cho chủ công. Ví như sau này giành được giang sơn thì xin nghĩ đến công lao của thần, khiến cho con cháu muôn đời được nhờ quốc ân, được vậy thần chết cũng nhắm mắt."

Thái Tổ rất thương cảm. Lê Lai lại nói: "Tình hình nguy khổn, nếu ngồi khư khư, quân thần chung mạng, bao công sức đây hãy còn gì. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì?"

Thái Tổ lại vái trời khấn rằng:

"Lê Lai có công đổi áo, nếu sau này khôi phục nghiệp xưa, nếu không nhớ đến công lao ấy, thì xin cho cung điện biến thành rừng núi, ấn triện biến thành cục đồng, gươm thần biến thành dao cùn."

Lê Lai vâng mệnh mang 2 voi và 500 quân kéo ra trại quân Minh khiêu chiến. Quân Minh đổ ra đánh. Lê Lai thúc ngựa xông thẳng vào giữa trận hô to:

"Ta là chủ Lam Sơn đây!"

Quân Minh ngỡ là Thái Tổ nên xúm lại đánh kịch liệt. Lê Lai cầm binh dùng kế cầm chân giặc khoảng 500 tấn công quân Minh ác liệt nhưng lại thất bại, bị quân Minh bắt và đem hành hình. Hôm ấy là ngày 29 tháng 4 (theo âm lịch).[6]

Cái chết

[sửa | sửa mã nguồn]

Lê Lai chết rồi, Lê Lợi ngầm sai người tìm di hài đem về Lam Sơn mai táng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), phong Lê Lai là Công thần hạng nhất, tặng là Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, hàm Thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa.[9]

Tháng 12 năm 1429, vua Lê Thái Tổ, sai Nguyễn Trãi viết hai bản lời thế ước trước và lời thề nhớ công của Lê Lai, để trong hòm vàng. Lại gia phong làm Thái úy[9] Năm Thái Hòa thứ nhất 1443, ban tặng tước Bình Chương quốc quân trọng sự, ban cho túi kim ngư, ấn vàng, tước Huyện Thượng Hầu.[9] Năm 1470, niên hiệu Hồng Đức tặng tước Diên Phúc Hầu.[9] Năm 1484 truy tặng tước Thái úy Phúc Quốc Công, sau gia phong Trung Túc Vương.[9]

Lê Thái Tổ mất ngày 22 tháng 8 âm lịch, năm 1433, trước khi mất có dặn lại đời sau phải làm giỗ Lê Lai trước một ngày, tức là ngày 21 tháng 8. Từ đó dân gian truyền lại câu: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi.

Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lê Lai được ban tước Vương và ban ruộng tế tự, vào năm 1672, đời vua Lê Gia Tông, triều đình có chính sách giảm lộc điền đối với các công thần, nhưng riêng số ruộng cấp cho con cháu Lê Lai để tế tự thì vẫn được giữ nguyên, ban cho 100 mẫu. Đến năm 1761, triều đình lại biểu dương tấm lòng trung trinh của ông.[10]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]

Cả gia đình Lê Lai đều chết vì việc nước. Anh ông là Lê Lạn tử trận khi tham gia đánh ải Khả Lưu năm 1425, được phong tặng Hiệp Quận Công, hàm Thái phó.

Lê Lai có ba con trai, đều được Lê Lợi nuôi như con đẻ:

  • Lê Lư, tử trận khi vây thành Nghệ An năm 1425. Năm 1428 Tặng hàm Thiếu úy, đến đời vua Lê Thánh tông tặng tước Kiến tiết hầu, về sau gia tặng Kiến quận công.
  • Lê Lộ, trong trận đánh năm 1421 ở ải Kình Lộng đã dẫn phụ binh đánh bại Trần Trí, thăng là Tả trung quân tổng đốc chư quân sự. Năm 1424 theo Lê Lợi đánh châu Trà Lân, phá quân Phương Chính và Sư Hựu, thăng làm Thái bảo. Tháng 10 năm 1424 ông trúng tên mà chết. Năm 1428, Lê Lợi tặng Thái úy. Đến đời vua Lê Thánh Tông tặng là Chiêu Công hầu, sau gia tặng Chiêu quận công.
  • Lê Lâm, theo Lê Lợi lập được nhiều công lao, năm 1428 được phong làm Thứ thủ quân Thiết đột, là một trong những người được gọi là Lũng nhai công thần, phong là Trung Lượng đại phu, Câu kiềm vệ tướng quân, tước Thượng trí tự Suy trung đồng đức Hiệp mưu bảo chính công thần. Năm 1430, Lê Lâm làm tiên phong đi đánh Ai Lao, đuổi giặc bị trúng chông độc tử trận, tặng làm Thiếu úy. Lê Lâm sinh con là Lê Niệm làm trọng quan triều đình, gia phong làm Trung quốc công, ban tên thụy là Uy Vũ.[11]

Những thông tin về những Lê Lai khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo sách Võ tướng Thanh Hoá trong lịch sử dân tộc, sử sách, văn bia còn để lại một số nghi vấn về những nhân vật khác cũng có tên Lê Lai sống cùng thời khởi nghĩa Lam Sơn.

Sách Lam Sơn thực lục tục biên nêu trường hợp Nguyễn Thận người Mục Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoa) là công thần khởi nghĩa Lam Sơn, được đổi sang họ Lê và tên Lai. Sách có đề cập đến một Lê Lai liều mình cứu chúa bị tử trận và sau đó nhân vật Nguyễn Thận này vẫn tiếp tục hoạt động. Như vậy đây là hai người khác nhau.

Văn bia ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng đề cập đến một công thần khác của Lê Lợi cũng có tên là Lê Lai.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư phần bản kỷ, quyển số 10, trang 27b chỉ thấy chép: "Ngày 13 tháng 1 năm Đinh Mùi (1427) giết Tư mã Lê Lai, tịch biên gia sản vì Lai cậy có chiến công nên nói năng khinh mạn". Nên có giả thuyết rằng, Lê Lai may mắn sống sót sau khi cứu chúa, tiếp tục tham gia kháng chiến và bị chính Lê Lợi ra lệnh giết về sau này. Tuy nhiên trong các sách viết về khởi nghĩa Lam Sơn chỉ có sách này chép việc Lê Lai bị Lê Lợi giết và sách này cũng không chép việc Lê Lai liều mình cứu chúa.

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Các sử quan thời nhà Nguyễn đã cho rằng:Vua nhà Lê đã có tài như vua nhà Hán là Cao Tổ, tôi nhà Lê lại cũng trung liệt như tôi nhà Hán là Kỷ Tín: nghìn năm bất hủ.[12]

Các công trình gắn với tên tuổi Lê Lai

[sửa | sửa mã nguồn]

Phố Lê Lai

[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là con phố nhỏ thuộc phường Lý Thái Tổ, tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam, dài 420m, kéo từ phố Đinh Tiên Hoàng đến phố Trần Quang Khải.

Phố được chia làm hai đoạn. Đoạn từ Đinh Tiên Hoàng tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ - Ngô Quyền là đường một chiều (theo hướng Đinh Tiên Hoàng sang), đối xứng chiều với phố Lê Thạch song song qua vườn hoa Lý Thái Tổ. Phần kia là đường hai chiều.

Phố được xây trên nền đất của hai thôn cũ là Vọng Hà và Hậu Bi thuộc hai tổng Tả Túc và Hữu Túc, đều thuộc huyện Thọ Xương. Phố có từ thời Pháp thuộc, được phân ra làm hai phố là Rue Dominé (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng tới chỗ giao cắt Lý Thái Tổ - Ngô Quyền) và Rue Bonhour (đoạn từ đường Trần Quang Khải tới chỗ giao c���t Lý Thái Tổ - Ngô Quyền). Sau năm 1945, hai phố này được gộp làm một và được đặt tên là Lê Lai.

Tên ông được đặt cho nhiều con đường trên khắp Việt Nam như đường Lê Lai ở phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; đường Lê Lai ở thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng.

Tại huyện Ngọc Lặc quê hương ông, trước đây có Phố Lê Lai (nay là Đường Phố Cống, thị trấn Ngọc Lặc).

Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa quyết định đặt tên Đại lộ Lê Lai cho con đường lớn mới mở nối từ đường Hồ Chí Minh vào khu trung tâm hành chính mới của huyện Ngọc Lặc.

Đền thờ Lê Lai

[sửa | sửa mã nguồn]
Rước kiệu từ làng Thành Sơn về Đền thờ Trung túc Vương Lê Lai.

Đền thờ Lê Lai (dân địa phương gọi là đền Tép) thuộc địa phận làng Tép (Thôn Thành Sơn), xã Kiên Thọ, Ngọc Lặc, Thanh Hóa, cách khu di tích Lam Kinh 5 km về phía Tây, được nhà nước công nhận là di tích quốc gia. Hàng năm vào các ngày mùng 8 tháng Giêng và 21/8 âm lịch địa phương đều mở hội, rước kiệu và dâng hương tại Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (hay còn gọi là Đền Tép). Năm 2013, phần chính điện đã bị cháy. Hiện nay đã được phục dựng.[13].

Tên trường

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thành lập Trường THPT Lê Lai tại chính quê hương ông ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Sách dùng để viết bài

[sửa | sửa mã nguồn]

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Đại Việt thông sử,1976 Nhà xuất bản văn hóa thông tin
  2. ^ 1431
  3. ^ Nhà xuất bản Tân Việt (in lần thứ 3) 1956, bản điện tử, trang số 09)
  4. ^ Nhà xuất bản: Văn Sử 1991
  5. ^ Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 1976, tr 192
  6. ^ a b Đại Việt thông sử, nhà xuất bản văn hóa thông tin, trang 39, in 1976
  7. ^ Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục thì việc này diễn ra năm 1419
  8. ^ Khi Hán Cao Tổ Lưu Bang bị Hạng Vũ vây ngặt ở Huỳnh Dương, Kỷ Tín mặc áo ngồi xe, giả làm Lưu Bang ra hàng. Hạng Vũ tưởng bắt được Lưu Bang nên nới lỏng vòng vây, nhờ đó Lưu Bang chạy thoát. Sau Hạng Vũ phát hiện Kỷ Tín không phải Lưu Bang nên giết Tín
  9. ^ a b c d e Đại Việt thông sử, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2007, dịch giả Ngô Thế Long,trang 193
  10. ^ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nhà xuất bản giáo dục Hà Nội, 1998
  11. ^ Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, tr 193, 194, năm 2007
  12. ^ Khâm định việt sử thông giám cương mục, Nhà xuất bản giáo dục Hà Nội, 1998, quyển XIII.
  13. ^ “Bộ Công an điều tra vụ đền thờ Lê Lai bị cháy - VietNamNet”. VietNamNet. Truy cập 5 tháng 10 năm 2015.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]