Cỏ xạ hương
Thymus vulgaris | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Eudicots |
Bộ (ordo) | Lamiales |
Họ (familia) | Lamiaceae |
Chi (genus) | Thymus |
Loài (species) | T. vulgaris |
Danh pháp hai phần | |
Thymus vulgaris L. |
Cỏ xạ hương (tiếng Anh: Thyme hay Common thyme, Garden thyme, danh pháp hai phần: Thymus vulgaris) là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực, dược liệu và trang trí. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753[1] Chúng thuộc Chi Cỏ xạ hương (Bách lý hương) và là loài phổ biến nhất trong chi này.
Thành phần
[sửa | sửa mã nguồn]Thành phần cỏ xạ hương gồm 3 thành phần quan trọng là Thymol, Carvacrol và Eugenol.
Thymol là một monoterpen phenol có công thức C10H14O, được chiết xuất từ cỏ Xạ Hương (tên khoa học là Thymus Vulgaris). Thymol có mùi thơm đặc trưng.
Thymol lần đầu tiên được phân lập bởi nhà hóa học người Đức Caspar Neumann vào năm 1719[2]. Vào năm 1853, người hóa học người Pháp A. Lallemand đặt tên Thymol cho hoạt chất này và xác định công thức hóa học [3]. Thymol lần đầu tiên được tổng hợp bởi nhà hóa học người Thụy Sĩ Oskar Widman vào năm 1882. AlainThozet và M. Perrin lần đầu tiên công bố cấu trúc tinh thể với xác định cấu trúc nguyên tử [4].
Thymol và Carvacrol có hoạt tính kháng virus, vi khuẩn và hoạt tính kháng viêm mạnh.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Cỏ xạ hương có nguồn gốc miền nam châu Âu từ phía tây Địa Trung Hải đến miền nam Italia nhưng hiện nay đã di thực khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam cây được trồng chính tại Đà Lạt và Sa Pa. Cỏ xạ hương khá phổ biến ở châu Âu như Đức, Pháp, Séc, Áo và khu vực Địa Trung Hải như Italia.
Mô tả
[sửa | sửa mã nguồn]Theo trang Y học cổ truyền, cỏ xạ hương là cây dưới bụi, cao 30–70 cm, tạo thành khóm xám hay lục trăng trắng, thân hóa gỗ, mọc đứng hay nằm, phân nhánh nhiều và có lông mịn. Lá nhỏ hình ngọn giáo dài 5-9mm; có cuống ngắn, mép lá cuốn lại có lông như bông ở mặt dưới. Hoa nhỏ ở nách lá, dài 4-6mm, màu hồng hay trắng; đài lởm chởm, lông cứng, chia hai môi; tràng hình ống, các môi trên đứng, môi dưới có 3 thùy gần bằng nhau; nhị 4, lồi có bao phấn rẽ ra; nhụy có đĩa mật bao quanh. Quả bế có 4 hạch nhỏ màu nâu. Hoa nở vào tháng 6-10[5].
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Người Ai Cập cổ đại sử dụng cỏ xạ hương công việc ướp xác. Người Hy Lạp cổ đại sử dụng nó trong phòng tắm và đốt cháy nó như hương trong các đền thờ, tin rằng nó là nguồn gốc của sự can đảm. Sự lan truyền của cỏ xạ hương khắp châu Âu được cho là do người La Mã, khi họ sử dụng nó để làm sạch phòng và để tạo vị thơm cho pho mát và rượu mùi.[6] Trong thời Trung cổ ở châu Âu, các loại thảo dược đã được đặt bên dưới gối để hỗ trợ giấc ngủ và tránh khỏi những cơn ác mộng.[7] Trong giai đoạn này, phụ nữ cũng thường xuyên tặng cho các hiệp sĩ và chiến binh món quà bao gồm lá cỏ xạ hương, vì nó được cho là mang lại sự can đảm cho người mang. Cỏ xạ hương cũng được sử dụng như hương và được đặt trên quan tài trong đám tang, nó được cho là đảm bảo thông hành vào kiếp sau.
Nuôi trồng
[sửa | sửa mã nguồn]Cỏ xạ hương tốt nhất là trồng ở một vị trí nắng nóng với đất thoát nước tốt. Nó thường được trồng vào mùa xuân, và sau đó phát triển như một cây lâu năm. Nó có thể được nhân giống bằng hạt, cắt, hoặc chia rễ từ cây. Cây chịu được hạn hán tốt, có thể chịu băng giá và được tìm thấy mọc hoang ở vùng núi cao. Dọc theo Riviera, nó được tìm thấy từ độ cao mực nước biển và lên đến 800m.
Ẩm thực
[sửa | sửa mã nguồn]Bộ phận dùng của cỏ xạ hương là ngọn cây mang hoa lá (Herba et Folium Thymi)[5]. Hương vị cỏ hơi hăng, cay, mặn, gần giống đinh hương. Cỏ xạ hương được bán tươi hoặc khô, nên được bổ sung vào cuối quá trình nấu ăn vì nhiệt độ có thể dễ dàng gây mất đi hương vị tinh tế của nó. Dạng tươi thì nhiều vị hơn, nhưng kém tiện lợi hơn dạng khô, thời gian bảo quản hiếm khi hơn một tuần.
Xạ hương tươi thường được bán theo chùm nhánh. Có thể định lượng hương bằng chùm, nhánh hoặc bằng muỗng canh và muỗng cà phê. Cỏ xạ hương khô được sử dụng rộng rãi ở Armenia để pha trà. Tùy thuộc vào cách nó được sử dụng trong một món ăn, toàn bộ nhánh có thể được sử dụng, hoặc dùng lá và bỏ thân. Thông thường khi một công thức nấu ăn nói "chùm" hay "nhánh", có nghĩa sử dụng toàn bộ thân và lá; khi xác định bằng thìa nó có nghĩa là chỉ dùng lá. Thyme giữ lại được hương vị của nó ở dạng khô tốt hơn so với nhiều loại thảo mộc khác.
Cỏ xạ hương phù hợp với tất cả các loại thịt, rau, thịt hầm, súp, độn, bánh mì thịt, ướp và pate. Tốt với nấm, khoai tây chiên, cà rốt (các loại rau khác) và trong trứng tráng. Thường được sử dụng trong clam chowder và gumbo; được sử dụng nhiều trong ẩm thực phương Tây.
Dược liệu và ứng dụng y học
[sửa | sửa mã nguồn]Tinh dầu xạ hương thông thường có vị cay mùi thơm, tính ấm; có tác dụng khư phong giải biểu, hành khí giảm đau[5], chứa 20-54% thymol.[8] Tinh dầu xạ hương cũng chứa một số hợp chất khác, chẳng hạn như p-cymene, myrcene, borneol và linalool.[9]
Cỏ xạ hương có hai thành phần quan trọng là Thymol và Carvacrol. Theo nhiều nghiên cứu, hai thành phần này có các tác dụng kháng viêm (anti-inflammatory) với những cơ chế khác nhau. Thymol có tác dụng kháng viêm nhờ cơ chế ức chế sự sản sinh elastase được giải phóng khi hoạt hóa đại thực bào. Các elastase này sẽ sản sinh ra elastine là một dấu chỉ quan trọng trong quá trình viêm, có thể làm phản ứng viêm trầm trọng hơn. Việc ức chế giải phóng elastase sẽ giúp giảm các đáp ứng gây viêm. Công trình này được công bố bởi nhóm nghiên cứu của Braga, trường đại học y khoa Milan, Italia.[10]
Carvacrol là một thành phần quan trọng khác trong cỏ Xạ Hương, Carvacrol có hoạt động kháng viêm tốt do kích thích tăng sản sinh Interleukin 10, là một cytokin kháng viêm quan trọng. Interleukin 10 ức chế sản sinh ra các cytokin gây viêm khác. Công trình này được đăng tải trên tạp chí dược lý học của châu Âu năm 2013[11]. Hoạt tính kháng viêm của Thymol và Cavarcrol trong cỏ xạ hương được khoa học đánh giá như một liệu pháp mới và tiềm năng cho các bệnh viêm nhiễm như viêm đường hô hấp.
Trong nghiên cứu được tiến hành bởi Dentinox năm 1997, 154 trẻ từ 2 tháng tuổi tới 14 tuổi (độ tuổi trung bình là 4.4 tuổi) bị viêm phế quản cấp được điều trị hàng ngày với 30ml dịch chiết cỏ xạ hương trong giai đoạn từ 7 tới 14 ngày (trung bình 7.9 ngày). Kết quả nghiên cứu chỉ ra ở 93% bệnh nhân, các triệu chứng viêm phế quản giảm rõ rệt.
Thymol có khả năng làm giảm tình trạng vi khuẩn kháng các thuốc kháng sinh thông thường như penicillin. Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra hoạt động kháng vi sinh vật mạnh mẽ của Thymol cũng như hoạt tính chống oxy hóa nên thường được sử dụng để tăng cường sức khỏe cho người già yếu và trẻ nhỏ, tăng cường sức chống đỡ với bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng. Thymol và Carvacrol giảm khả năng vi khuẩn kháng kháng sinh thông qua tác động hiệp đồng với nhau. Ngoài ra thymol còn được chứng minh là có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u.
Trường đại học Maryland, Hoa Kỳ cũng liệt kê cỏ Xạ Hương (Thyme) đã được sử dụng rộng rãi và hiệu quả cho các trường hợp viêm phế quản và viêm đường hô hấp ở châu Âu, đặc biệt là tại Đức.[12] Dịch chiết cỏ xạ hương được sử dụng rất rộng rãi ở châu Âu, chủ yếu trị và phòng các bệnh hô hấp, đối tượng chính là trẻ em.
Trà làm từ xạ hương có thể dùng để trị ho và viêm phế quản.
Thymol, một chất khử trùng, là thành phần hoạt chất chính trong nhiều loại nước súc miệng được sản xuất thương mại như Listerine.[13] Thymol cũng có thể được tìm thấy như là thành phần chính trong một số sản phẩm rửa tay tự nhiên, không cồn.
Thymol cũng đã được chứng minh là có hiệu quả trong trị nấm mà thường là lây nhiễm móng chân.[14] Một nghiên cứu của Đại học Leeds Metropolitan thấy rằng cỏ xạ hương có thể có ích trong việc điều trị mụn trứng cá.[15][16]
Độc tính
[sửa | sửa mã nguồn]Cỏ xạ hương an toàn cho các đối tượng sử dụng. Trẻ em vẫn được sử dụng dịch chiết cỏ xạ hương khi bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp. Tuy cỏ xạ hương đã được sử dụng trong dân gian và không có thông tin gì về các tác dụng tiêu cực của cỏ xạ hương cho phụ nữ mang thai nhưng không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai vì chưa có các nghiên cứu về sử dụng cỏ xạ hương trên đối tượng này.
Hình ảnh
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ The Plant List (2010). “Thymus vulgaris”. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2013.
- ^ Carolo Neuman (1724) "De Camphora," Philosophical Transactions of the Royal Society of London, 33 (389) : 321-332
- ^ A. Lallemand (1853) "Sur la composition de l'huile essentielle de thym" (On the composition of the essential oil of thyme), Comptes rendus, 37 : 498-500.
- ^ Oskar Widmann (1882) "Ueber eine Synthese von Thymol aus Cuminol" (On a synthesis of thymol from cuminol), Berichte der Deutschen chemischen Gesellschaft zu Berlin, 15 : 166-172.
- ^ a b c Cỏ xạ hương[liên kết hỏng]
- ^ Grieve, M. “Thyme. A Modern Herbal”. Hypertext version of the 1931 edition. Truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2008.
- ^ Huxley, A (1992). New RHS Dictionary of Gardening. Macmillan.
- ^ Montvale, NJ. Thymus Vulgaris. PDR for Herbal Medicine. Medical Economics Company. tr. 1184.
- ^ “Chemical Composition of Thyme Essential Oil”. Thyme Essential Oil.
- ^ Braga PC1, Dal Sasso M, Culici M, Bianchi T, Bordoni L, Marabini L., 2006, Anti-inflammatory activity of thymol: inhibitory effect on the release of human neutrophil elastase, Pharmacology. 2006;77(3):130-6. Epub 2006 Jun 7.
- ^ Lima Mda S1, Quintans-Júnior LJ, de Santana WA, Martins Kaneto C, Pereira Soares MB, Villarreal CF. Anti-inflammatory effects of carvacrol: evidence for a key role of interleukin-10. Eur J Pharmacol. 2013 Jan 15;699(1-3):112-7.
- ^ “Cough”. Truy cập 11 tháng 2 năm 2015.
- ^ Pierce, Andrea (1999). American Pharmaceutical Association Practical Guide to Natural Medicines. New York: Stonesong Press. tr. 338–340.
- ^ Russel S Ramsewak; Nair, Muraleedharan G.; Stommel, Manfred; Selanders, Louise (tháng 4 năm 2003). “Phytotherapy Research”. doi:10.1002/ptr.1164. PMID 12722144. Chú thích journal cần
|journal=
(trợ giúp)Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) - ^ “Early days for 'thyme acne treatment'”. National Health Service. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2012.
- ^ Graber, Cynthia. “Thyme Kills Acne Bacteria”. Scientific American. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2012.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Tư liệu liên quan tới Thymus vulgaris tại Wikimedia Commons
- Dữ liệu liên quan tới Thymus vulgaris tại Wikispecies