Australopithecus bahrelghazali
Australopithecus bahrelghazali | |
---|---|
Khoảng thời gian tồn tại: Tầng Piacenza | |
Phân loại khoa học | |
Vực: | Eukaryota |
Giới: | Animalia |
Ngành: | Chordata |
nhánh: | Mammaliaformes |
Lớp: | Mammalia |
Bộ: | Primates |
Phân bộ: | Haplorhini |
Thứ bộ: | Simiiformes |
Họ: | Hominidae |
Phân họ: | Homininae |
Tông: | Hominini |
Chi: | †Australopithecus |
Loài: | †A. bahrelghazali
|
Danh pháp hai phần | |
†Australopithecus bahrelghazali Brunet et al., 1995 | |
Các đồng nghĩa | |
|
Australopithecus bahrelghazali là loài Vượn người phương nam thuộc phân tông Hominina đã tuyệt chủng. Hóa thạch 3,5 triệu năm (thuộc thế Pliocen) của loài này được phát hiện tại Koro Toro, Bahr el Gazel, Tchad vào năm 1995. Đây là loài thuộc phân tông Australopithecina đầu tiên và duy nhất hiện được tìm thấy tại Trung Phi, chứng tỏ rằng nhóm này phân bố rộng rãi trên khắp châu Phi thay vì chỉ giới hạn ở Đông và Nam Phi như người ta vẫn nghĩ trước đây. Tuy vậy A. bahrelghazali chưa được cộng đồng khoa học chấp nhận rộng rãi và các mẫu vật của chúng thường được quy kết cho A. afarensis, một loài vượn nhân cũng thuộc phân tông Australopithecina ở Đông Phi thế Pliocen đã được nghiên cứu kĩ càng hơn. Sở dĩ có sự bất đồng này là bởi lẽ A. bahrelghazali và A. afarensis đều khá giống nhau về mặt giải phẫu học, và thực tế là ta mới chỉ tìm thấy 3 mảnh xương hàm và một chiếc răng tiền hàm của A. bahrelghazali. Các mẫu vật thuộc loài này sinh sống trong môi trường đồng cỏ ven hồ với tán cây thưa thớt, có lẽ tương tự như đồng bằng châu thổ Okavango ngày nay. Chúng chủ yếu ăn thực vật C4 (chẳng hạn như cỏ, cói, các bộ phận tích trữ của thực vật, hoặc/và thân rễ), đôi khi ăn thực vật C3 (chẳng hạn như hoa quả), và côn trùng. Tuy nhiên, răng của chúng dường như không quá phù hợp cho chức năng nhai nghiền thực vật C4, nên hiên tại ta chưa rõ chế độ ăn uống chính xác của loài này.
Lịch sử nghiên cứu
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 1995, hai mẫu vật của loài được khai quật ở Koro Toro, Bahr el Gazel, Chad:
- KT12/H1 hay "Abel" (một cái hàm dưới còn bảo tồn răng tiền hàm, răng nanh và răng cửa thứ hai bên phải)
- KT12/H2 (một răng tiền hàm trên thứ nhất riêng lẻ).
Phái bộ cổ nhân học Pháp-Tchad là những người phát hiện số mẫu vật này. Họ bao gồm nhà cổ sinh vật học Pháp Michel Brunet, nhà địa lý học Pháp Alain Beauvilain, nhà nhân chủng học Pháp Yves Coppens, nhà cổ sinh vật học Pháp Emile Heintz, kỹ sư địa hóa học Chad Aladji Hamit Elimi Ali Moutaye và nhà cổ nhân loại học Anh David Pilbeam. Dựa trên đống di cốt của động vật hoang dã tại đó, niên đại của các di cốt Australopithecina được ước tính trong khoảng giữa đến cuối thế Pliocen, cách đây 3,5–3 triệu năm. Các nhà mô tả quy kết sơ bộ các mẫu vật này cho loài Australopithecus afarensis (phân bố ở Ethiopia trong thời kỳ đó) trừ phi có sự so sánh giải phẫu chi tiết hơn.[1] Năm 1996, họ xếp số mẫu vật này vào một loài mới, gọi là A. bahrelghazali, theo địa danh nơi chúng được tìm thấy; Bahr el Gazel trong tiếng Ả Rập cổ điển có nghĩa là "Sông của linh dương Gazelle". Họ chỉ định KT12/H1 là mẫu định danh (holotype) và KT12/H2 là mẫu phụ (paratype).[2] Năm 1997, một xương hàm dưới khác được phát hiện tại khu K13,[3] và một mẫu thứ ba cũng được phát hiện tại khu KT40.[4]
Năm 2008, một mẫu pelit (một loại đá trầm tích), khai quật từ cùng một lớp trầm tích chứa KT12/H1 (Abel), đã được định tuổi bằng đồng vị phóng xạ (sử dụng tỉ lệ 10Be/9Be) và cho ra kết quả tầm 3,58 triệu năm trước đây.[5] Tuy nhiên, ngay sau đó thì Beauvilain hồi âm rằng mẫu vật Abel không được tìm thấy tại chỗ (in situ) mà ở rìa rãnh nước nông, và không thể xác định lớp địa tầng mà mẫu vật (hoặc bất kỳ hóa thạch nào khác ở Koro Toro) bị chôn vùi, để có thể biết chính xác niên đại bằng phương pháp phóng xạ.[6] Dẫu vậy, mẫu Abel được tái thẩm định vào năm 2010 bằng các phương pháp tương tự và cho ra kết quả khoảng 3,65 triệu năm trước.[7] Brunet cũng đồng ý cho rằng tuổi của mẫu vật là khoảng 3,5 triệu năm trước.[8]
A. bahrelghazali là loài thuộc phân tông Australopithecina đầu tiên được khai quật tại Trung Phi, và điều này đã góp phần bác bỏ quan điểm trước đó cho rằng loài này chỉ phân bố giới hạn ở phía đông nhánh phía đông của Đới tách giãn Đông Phi hình thành trong thế Miocen Muộn. Khu vực Koro Toro cách Đới tách giãn Đông Phi khoảng 2.500 km (1.600 mi), và các di cốt cho thấy các loài Australopithecina có địa bàn sinh sống tại các đồng cỏ và rừng thưa trên khắp lục địa. Sự thiếu vắng di cốt các loài Australopithecina khác ở Trung và Tây Phi có thể là do thiên kiến chọn mẫu (sampling bias), vì các trầm tích chứa hóa thạch có tuổi tương tự hầu như vẫn chưa được tìm thấy bên ngoài Đông Phi.[1] Tổ tiên của A. bahrelghazali có lẽ đã rời Đông Phi thông qua Vùng cắt Trung Phi (Central African Shear Zone).[9] Năm 2014, loài Australopithecina đầu tiên tọa lạc tại nhánh phía tây của Đới tách giãn Đông Phi đã được tìm thấy ở Ishango, Cộng hòa Dân chủ Congo.[10]
Hiện tại, việc phân loại các loài Australopithecus và Paranthropus còn nhiều rắc rối. Australopithecus được coi là đơn vị phân loài dựa trên sự thống nhất về đặc tính sinh lý (grade taxon), chứ không dựa trên mức độ gần gũi trên cây phát sinh chủng loại của họ Người. Để giải quyết vấn đề này, năm 2003, tác giả người Tây Ban Nha Camilo José Cela Conde và nhà sinh học tiến hóa Francisco J. Ayala đã đề xuất tách chi "Praeanthropus", xếp A. bahrelghazali cùng với Sahelanthropus (loài vượn nhân hóa thạch duy nhất hiện được biết tại Tchad), A. anamensis, A. afarensis, và A. garhi.[11]
Tính chính đáng của A. bahrelghazali chưa được chấp nhận rộng rãi bởi lẽ số lượng mẫu vật còn quá ít và nhiều đặc điểm của chúng rất giống A. afarensis.[12]
Giải phẫu học
[sửa | sửa mã nguồn]Răng của KT12/H1 có nét giống với xương hàm của A. afarensis. Răng cửa rộng và trông giống như răng nanh. Răng tiền hàm có hai mấu nhọn. Không giống như A. afarensis, phần ổ răng của xương hàm gần như thẳng đứng thay vì nằm chéo. Lồi xương hàm trên nằm ngang kém phát triển, còn lồi xương hàm dưới phát triển vừa phải (hai gờ ở đường giữa hàm, trên mặt lưỡi), và lớp men răng mỏng trên mặt nhai (chewing surface) của răng tiền hàm.[1] Brunet và đồng nghiệp liệt kê sự hiện diện của 3 chân răng khác nhau như một đặc điểm độc đáo, nhưng chiếc răng tiền hàm thứ ba của mẫu A. afarensis LH-24 từ Trung Awash, Ethiopia, được mô tả vào năm 2000 cũng có cùng đặc điểm, điều này cho thấy giải phẫu răng tiền hàm của A. afarensis có nhiều biến thể.[13] Mẫu vật khớp bán động hàm dưới (ở đường giữa hàm) tìm thấy tại khu KT40, và mẫu vật KT12/H1 đều có kích thước tương tự khớp hàm dưới của A. afarensis, tuy nhiên chúng thiên về chiều dày hơn là chiều cao.[4]
Cổ sinh vật học
[sửa | sửa mã nguồn]Phân tích đồng vị carbon chỉ ra chế độ ăn chủ yếu của loài này là thực vật C4, chẳng hạn như cỏ, cói, củ dưới lòng đất, hoặc cây thân rễ. Loài này ăn một phần thực vật C3, bao gồm nhiều loại thực phẩm điển hình của vượn như trái cây, hoa, vỏ hoặc côn trùng. Điều này chứng tỏ rằng, giống như các vượn người phương nam đương thời và trong tương lai, A. bahrelghazali có đủ khả năng khai thác bất kỳ nguồn thức ăn nào dồi dào trong môi trường của nó, trong khi hầu hết các loài linh trưởng (bao gồm cả tinh tinh xavan) đều không ăn thực vật C4.[14] Mặc dù hiện hữu 55–80% dấu ấn đồng vị δ13C sinh ra từ các nguồn thực vật C4 tương tự như Paranthropus boisei và khỉ gelada hiện đại, A. bahrelghazali vẫn thiếu các đặc điểm tiến hóa chuyên biệt để có thể ăn được các loài thực vật như vậy. Bởi vì hình thái răng không thuộc kiểu hypsodont (tức là kiểu răng có phần chóp cao và phần chân ngắn), chúng không thể nhai một lượng lớn cỏ. Hơn nữa, bởi vì lớp men quá mỏng, răng của chúng sẽ không thể chịu được sự mài mòn của các hạt bụi bám trên các loại rễ củ. Về mặt thực phẩm C4, tinh tinh và bonobo (lớp men răng của chúng thậm chí còn mỏng hơn) tiêu thụ cùi thực vật như một thức ăn dự phòng và tiêu thụ cói như một nguồn năng lượng và protein quan trọng; tuy nhiên, một chế độ ăn dựa trên cói dường như không thể duy trì cho loài A. bahrelghazali.[9]
Các hóa thạch dấu tích côn trùng xung quanh hồ Tchad mở rộng (hay "Hồ Mega-Tchad") vào thế Pliocen cho thấy đây từng là một vùng cây cối xanh tốt, và sự phong phú của các cây thân rễ cho thấy khí hậu nơi đây thay đổi theo chu trình mùa mưa và mùa khô.[15] Koro Toro từng là nơi sinh sống của nhiều động vật có vú lớn, như linh dương (một số trong đó là những loài đặc hữu), voi Loxodonta exoptata, tê giác trắng Ceratotherium praecox, lợn Kolpochoerus afarensis, ngựa Hipparion, Sivatherium và hươu cao cổ. Một số loài trong đó có địa bàn hoạt động ở Đông Phi vào thế Pliocen; điều này chứng tỏ các loài động vật có thể tự do di cư giữa phần phía đông và phía tây của Thung lũng Tách giãn Lớn.[1] Tại khu K13, người ta đã tìm thấy di cốt của nhiều loài thuộc họ Trâu bò như linh dương đồng lầy, quyến linh, và linh dương. Tông Strepsicerotini hiếm được tìm thấy hơn, chứng tỏ K13 xưa kia có môi trường mở với khí hậu khô hạn hơn các địa điểm Đông Phi thế Pliocen.[16] Nhìn chung, khu vực này xưa kia dường như chủ yếu là đồng cỏ lác đác cây che phủ.[14] Ngoài ra, một số loài gắn bó với nước cũng sinh sống ở đây, chủ yếu là cá da trơn cùng 10 loài cá khác, hà mã Hexaprotodon protamphibius, rái cá, rùa Geochelone, ba ba Trionyx, cá sấu Mã Lai và chim nước họ Vịt. Những loài động vật thủy sinh phân bố ở Koro Toro chứng tỏ nơi đây từng có các hồ nước hoặc suối nước lộ thiên với rìa cỏ đầm lầy bao quanh, kết nối với hệ thống sống Nilo-Sudan (gồm sông Nile, Chari, Niger, Sénégal, Volta và Gambia).[17] Trong giai đoạn Mega-Tchad, thảm thực vật của vùng Koro Toro có lẽ khá giống với đồng bằng Châu thổ Okavango ngày nay.[8]
Xem thêm
[sửa | sửa mã nguồn]Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d Brunet, M.; Beauvilain, A.; Coppens, Y.; Heintz, É.; Moutaye, A. H. E; Pilbeam, D. (1995). “The first australopithecine 2,500 kilometres west of the Rift Valley (Chad)”. Nature. 378 (6554): 273–275. Bibcode:1995Natur.378..273B. doi:10.1038/378273a0. PMID 7477344.
- ^ Brunel, Michel; Beauvilain, A.; Coppens, Yves; Heintz, É.; Moutaye, A. H. E; Pilbeam, D. (1996). “Australopithecus bahrelghazali, une nouvelle espèce d'Hominidé ancien de la région de Koro Toro (Tchad)” [Australopithecus bahrelghazali, a new species of fossil hominid from Koro Toro (Chad)] (PDF). Comptes Rendus des Séances de l'Académie des Sciences. 322: 907–913.
- ^ Brunet, M.; Beauvilain, A.; và đồng nghiệp (1997). “Tchad : un nouveau site à Hominidés Pliocène”. Comptes rendus des séances de l'Académie des Sciences. 324: 341–345.
- ^ a b Guy, F.; Mackaye, H.-T.; và đồng nghiệp (2008). “Symphyseal shape variation in extant and fossil hominoids, and the symphysis of Australopithecus bahrelghazali”. Journal of Human Evolution. 55 (1): 37–47. doi:10.1016/j.jhevol.2007.12.003. PMID 18222528.
- ^ Lebatard, A.-E.; Bourlès, D. L.; Duringer, P.; Jolivet, M.; Braucher, R.; Carcaillet, J.; Schuster, M.; Arnaud, N.; Monié, P. (2008). “Cosmogenic nuclide dating of Sahelanthropus tchadensis and Australopithecus bahrelghazali: Mio-Pliocene hominids from Chad”. Proceedings of the National Academy of Sciences. 105 (9): 3226–3231. Bibcode:2008PNAS..105.3226L. doi:10.1073/pnas.0708015105. PMC 2265126. PMID 18305174.
- ^ Beauvilain, A. (2008). “The contexts of discovery of Australopithecus bahrelghazali (Abel) and of Sahelanthropus tchadensis (Toumaï): unearthed, embedded in sandstone, or surface collected?”. South African Journal of Science. 104 (5–6): 165–168.
- ^ Lebetard, A.-E.; Bourlès, D. L.; Braucher, R.; và đồng nghiệp (2010). “Application of the authigenic10Be/9Be dating method to continental sediments: Reconstruction of the Mio-Pleistocene sedimentary sequence in the early hominid fossiliferous areas of the northern Chad Basin”. Earth and Planetary Science Letters. 297 (1–2): 57–70. Bibcode:2010E&PSL.297...57L. doi:10.1016/j.epsl.2010.06.003.
- ^ a b Brunet, M. (2010). “Two new Mio-Pliocene Chadian hominids enlighten Charles Darwin's 1871 prediction”. Philosophical Transactions of the Royal Society B. 365 (1556): 3315–3321. doi:10.1098/rstb.2010.0069. PMC 2981960. PMID 20855305.
- ^ a b Macho, G. A. (2015). “Pliocene hominin biogeography and ecology”. Journal of Human Evolution. 87: 78–86. doi:10.1016/j.jhevol.2015.06.009. PMID 26198846.
- ^ Crevecoeur, I.; Skinner, M. M.; Bailey, S. E.; và đồng nghiệp (2014). “First Early Hominin from Central Africa (Ishango, Democratic Republic of Congo)”. PLOS ONE. 9 (1): e84652. Bibcode:2014PLoSO...984652C. doi:10.1371/journal.pone.0084652. PMC 3888414. PMID 24427292.
- ^ Cela-Conde, C. J.; Ayala, F. J. (2003). “Genera of the human lineage”. Proceedings of the National Academy of Sciences. 100 (13): 7684–7689. Bibcode:2003PNAS..100.7684C. doi:10.1073/pnas.0832372100. PMC 164648. PMID 12794185.
- ^ Spoor, F.; Leakey, M. G.; O'Higgins, P. (2016). “Middle Pliocene hominin diversity: Australopithecus deyiremeda and Kenyanthropus platyops”. Philosophical Transactions of the Royal Society B. 371 (1698): 20150231. doi:10.1098/rstb.2015.0231. PMC 4920288. PMID 27298462.
- ^ White, T. D.; Suwa, G.; Simpson, S.; Asfaw, B. (2000). “Jaws and teeth of Australopithecus afarensis from Maka, Middle Awash, Ethiopia”. American Journal of Physical Anthropology. 111 (1): 66. doi:10.1002/(SICI)1096-8644(200001)111:1<45::AID-AJPA4>3.0.CO;2-I.
- ^ a b Lee-Thorp, J.; Likius, A.; Mackaye, H. T.; và đồng nghiệp (2012). “Isotopic evidence for an early shift to C4 resources by Pliocene hominins in Chad”. Proceedings of the National Academy of Sciences. 109 (50): 20369–20372. doi:10.1073/pnas.1204209109. PMC 3528505. PMID 23150583.
- ^ Schuster, M.; Duringer, P.; Ghienne, J.-F.; và đồng nghiệp (2009). “Chad Basin: Paleoenvironments of the Sahara since the Late Miocene”. Comptes Rendus Geoscience. 341 (8–9): 603–611. Bibcode:2009CRGeo.341..603S. doi:10.1016/j.crte.2009.04.001.
- ^ Geraads, D.; Brunet, M.; Mackaye, H. T.; Vignaud, P. (2000). “Pliocene Bovidae (Mammalia) from the Koro Toro Australopithecine sites, Chad” (PDF). Journal of Vertebrate Paleontology. 21 (2): 335–346. doi:10.1671/0272-4634(2001)021[0335:PBMFTK]2.0.CO;2.
- ^ Otero, O.; Pinton, A.; Mackaye, H. T.; Likius, A.; Vignaud, P.; Brunet, M. (2010). “The early/late Pliocene ichthyofauna from Koro-Toro, Eastern Djurab, Chad”. Geobios. 43 (2): 241–255. doi:10.1016/j.geobios.2009.10.003.
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Australopithecus bahrelghazali (fossil hominin) tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
- Australopithecus bahrelghazali, Abel
- Dòng thời gian của loài người (Tương tác) - Viện Smithsonian, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ (tháng 8 năm 2016).