Người Khách Gia
- Về ngôn ngữ hay phương ngữ, xem Tiếng Khách Gia.
Khách Gia, hay Hakka, còn gọi là người Hẹ (chữ Hán: 客家; bính âm: kèjiā; nghĩa đen là "nhà khách") là một tộc người Hán [1][2] có tổ tiên được cho là gốc gác ở khu vực các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây ở miền bắc Trung Quốc cách đây 2700 năm. Họ đã di cư xuống phía nam vì bất ổn, loạn lạc và sự xâm lấn ngoại bang từ thời nhà Tấn (265-420). Những cuộc di cư tiếp theo diễn ra vào cuối thời nhà Đường khi Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy, vào giữa thời nhà Tống, rồi làn sóng người tị nạn tràn xuống phía nam khi người Nữ Chân chiếm được kinh đô Tống, sau đó là khi nhà Tống bị người Mông Cổ tiêu diệt, rồi khi nhà Minh bị sụp đổ bởi bàn tay người Mãn Châu, tộc người đã tạo lập nên nhà Thanh. Người Khách Gia đã tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lãnh đạo.
Khu vực có số dân đáng kể | |
---|---|
Trung Quốc (Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồng Kông), Đài Loan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia | |
Ngôn ngữ | |
Tiếng Khách Gia | |
Sắc tộc có liên quan | |
Người Hán |
Hiện nay người Khách Gia tập trung ở các vùng miền Nam Trung Quốc như tỉnh Quảng Đông, tây Phúc Kiến, Giang Tây, nam Hồ Nam, Quảng Tây, nam Quý Châu, đông nam Tứ Xuyên, các đảo Hải Nam và Đài Loan. Tuy có những khác biệt về ngôn ngữ với cư dân xung quanh nhưng người Khách Gia không được coi là một dân tộc riêng biệt mà chỉ được xem là một bộ phận của người Hán. Ban đầu, người dân địa phương tưởng họ không phải là người Hán nhưng những nghiên cứu về phả hệ đã cho thấy người Khách Gia cũng có tổ tiên chung với dân địa phương. Tại Việt Nam, người Khách Gia còn được gọi là người Hẹ hay người Ngái.
Nguồn gốc tên gọi
sửaDường như tên gọi "Khách Gia" mới chỉ xuất hiện trong vài thế kỉ gần đây. Thời vua Khang Hi, vùng ven biển phía Nam thường xuyên bất ổn vì sự quấy phá và gây hấn của những người thuộc phong trào "Phản Thanh phục Minh". Tới khi dẹp tan phong trào này, Khang Hi thi hành các chính sách khuyến khích người dân tại các vùng này tái định cư như cấp phát tiền bạc và một số hỗ trợ khác. Dân bản địa đương nhiên là bất bình với những làn sóng di dân dồn dập tới vùng đất của họ.Vùng ven biển Hoa Nam vốn không màu mỡ và rộng rãi như vùng đồng bằng Hoa Trung, nhưng điều đó không ngăn cản những cư dân bản địa chống đối mạnh mẽ và quyết liệt những nhóm dân mới tới. Những di dân này bị đẩy tới rìa của những vùng đất màu mỡ, thậm chí bị đẩy lên các vùng trung du và miền núi. Cái tên "Khách hộ" (客戶, kèhù) có thể được sử dụng như một lối gọi mang tính miệt thị, nhưng chủ yếu và rõ ràng hơn, nó mang tính chỉ định những di dân mới, kèm theo một "thông điệp" rõ ràng về quan hệ "người mới-người cũ", "chủ-khách".
Dần dà, với sự ổn định đời sống và chính trị trong suốt một thế kỉ từ đời Khang Hi cho tới đời Càn Long, quan niệm chống đối và phân biệt giữa những nhóm dân cư cũ-mới đã dịu đi nhiều. Bản thân những con cháu của những người di dân đã chấp nhận cái tên "Khách Gia" vốn được coi như một sự phân biệt để gọi mình. Cho tới thời điểm đó, người Khách Gia vẫn còn giữ được những điểm rất độc đáo và đặc sắc trong lối sống và văn hóa của họ. Thí dụ, một người Khách Gia khi nhổ cỏ cho lúa vẫn không nhoài người xuống đất, dẫu cho như vậy sẽ khiến họ làm việc dễ dàng hơn, vì theo quan niệm của họ, đã là một người Khách Gia có tự trọng thì không được quỳ trên đất của người Mãn Thanh.
Lịch sử
sửaNgười di cư ở Trung Quốc được gọi là Khách Gia (người từ nơi khác đến) và ban đầu không có người cụ thể nào được gọi là Khách Gia. Khu vực sông Hoàng Hà phía bắc là quê hương của người Khách Gia.[3]
Thời Đông Chu, người Khách Gia đã phát triển và sinh sống ở nhiều địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Đến thế kỷ thứ 3 Công Nguyên, họ sinh sống tập trung ở hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam. Sau đó, do biến loạn, họ có 5 đợt di cư lớn, dần dần chuyển dịch xuống miền Trung và cuối cùng là sinh sống ở miền Nam Trung Quốc.
1. Vào niên hiệu Vĩnh Gia thứ 5 (năm 311) thời Tây Tấn, do tỵ nạn Ngũ Hồ chiến loạn (Hung Nô, Tiên Ti, Yết, Đê, Khương), người Khách gia bắt đầu di cư xuống miền Nam. Từ lưu vực sông Hoàng Hà, họ chuyển xuống sinh sống ở hai bên bờ Nam và Bắc Trường Giang. Tập trung nhiều nhất là ở hai tỉnh An Huy và Giang Tây. Tại Giang Tây, người Khách gia đã dung hợp nền văn hóa cổ của họ ở phương Bắc với văn hóa Mân Việt để hình thành một nét sinh hoạt và văn hóa đặc thù trong lòng dân tộc Hán.
2. Cuối thời nhà Đường, do cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Sử Tư Minh và Hoàng Sào, người Khách gia lại tiếp tục di chuyển xuống miền Nam. Lúc này, những người Khách gia còn sinh sống ở Hà Nam cùng với những người Khách gia ở An Huy đã dời về miền Trung và Nam của tỉnh Giang Tây. Những người đang ở Giang Tây thì chuyển về ở tại vùng đất phía Tây tỉnh Phúc Kiến.
3. Đợt di cư thứ ba là vào thời Nam Tống. Do sự xâm nhập của quân Kim và Nguyên vào Trung nguyên, người Khách gia lại tràn xuống miền Nam tỉnh Phúc Kiến và cả vùng đất phía Bắc cũng như Đông Bắc tỉnh Quảng Đông. Một số ít tìm đến Quý Châu để sinh sống.
4. Lúc nhà Thanh vừa xâm chiếm Trung Quốc, người Khách gia lại có đợt di chuyển thứ tư. Một bộ phận người Khách gia trở ngược lên cư trú ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên. Một số khác đang sinh sống ở vùng biển của tỉnh Phúc Kiến và Sán Đầu (thuộc tỉnh Quảng Đông), đã vượt biển đến phía Nam đảo Đài Loan. Sau đó họ dần dần phát triển lên miền Trung và miền Bắc của Đài Loan. Một số ít đã sang Việt Nam sinh sống. Ngoài ra, vào năm 1777, người Khách gia tên La Phương Bá đã đi đến miền Tây Nam Borneo để khai khẩn và xây dựng một địa phương tự trị theo thể chế cộng hòa. Hơn một trăm năm sau, miền đất này bị người Hà Lan thôn tính.
5. Đợt di cư thứ năm và cũng là cuối cùng của người Khách gia ở vào thời kỳ Đồng Trị nhà Thanh. Sau cuộc khởi nghĩa của Hồng Tú Toàn (Thủ lĩnh Thái Bình Thiên Quốc) bị thất bại, nhiều người Khách gia đã chuyển đến đảo Hải Nam rồi lan ra cư trú khắp đảo.Một số lớn lại chọn phương thức viễn du Hải ngoại. Họ đi đến hầu hết các nước trong vùng Đông Nam Á rồi sang Ấn Độ (Calcutta, New Delhi và Darjeeling), Châu Phi (chủ yếu là ở Nam Phi). Một số khác lại theo thương thuyền đến cư trú ở các quần đảo thuộc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tại Châu Âu, họ sinh sống chủ yếu ở nước Anh (Liverpool) và Hà Lan (Hague, Rotterdam). Cuối cùng, người Khách gia cũng có mặt ở Úc (Sydney và Melbourne) và Châu Mỹ (Canada, Mỹ và Honolulu, Cuba, México, Panama, Brasil, Argentina, Peru, Jamaica, Guyana). Đây là thời kỳ xuất dương lớn nhất của người Khách gia Trung Quốc.
Do hoàn cảnh lịch sử cộng với bản tính hiền lành, ghét chiến tranh, người Khách gia đã dần dần dịch chuyển từ miền Bắc Trung Quốc xuống tận miền Nam. Trên bước đường di cư, để phân biệt với người dân địa phương, họ đã khiêm xưng hoặc được người bản địa gọi là Khách gia. Qua hơn 4000 năm lịch sử, người Khách gia vẫn bảo tồn rất nhiều cổ âm phương Bắc trong ngôn ngữ của họ (Trong 8 phương ngôn được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc, số người sử dụng ngôn ngữ Khách gia đứng hàng thứ năm, chiếm 4% dân số).
Ở Việt Nam, người Khách gia không rõ vì sao mà có tên gọi "người Hẹ". Có thể là những người đầu tiên đến cư trú ở Việt Nam, trong khi tiếp xúc với người bản địa, do cách giải thích không rõ ràng về nguồn gốc (không rành tiếng Việt) hoặc do người Việt nghe không hiểu và không rõ, đã lấy nguồn gốc hình thành từ thời nhà Hạ biến âm thành "Hẹ" (giống như "Xa" biến thành "Xe", "Trà" biến thành "Chè", "Ma" biến thành "Mè", mùa "Hạ" biến thành mùa "Hè"…). Cũng có thể là do cách phát âm chữ "Khách", trong "Khách gia", đọc theo giọng Quảng Đông và Hẹ đều là Hak (âm tiếng Việt đọc là Hat, giọng ngang không dấu) đã biến thành "Hẹ" (giống như người Triều Châu bị biến thành "Tiều").
Có một vấn đề quan trọng không kém. Sau khi nhà Nguyễn ban hành qui chế thành lập các Bang Hoa Kiều, người Hoa sinh sống ở Việt Nam có tất cả là 7 bang: Quảng Triệu (còn gọi là Bang Quảng Đông), Khách gia, Triều Châu, Phước Kiến, Phước Châu, Hải Nam và Quỳnh Châu. Trụ sở của 7 Bang (giống như Văn phòng Đại diện) thường được gọi là "Thất Phủ công sở" hoặc "Thất Phủ hội quán". Sau khi thực dân Pháp chiếm và ổn định Nam kỳ, tháng 1 năm 1885, họ ra lệnh sáp nhập Bang Phước Châu vào trong Bang Phước Kiến; sáp nhập Bang Quỳnh Châu vào trong Bang Hải Nam. Vì vậy mà từ đó về sau, chúng ta chỉ còn nghe nói đến 5 Bang mà thôi.
Ngoài ra, riêng đối với Bang Khách gia ở Việt Nam thì không chỉ có người Hẹ. Theo lệnh của Thực dân Pháp, những người Trung Quốc sinh sống ở Việt Nam nhưng có nguyên quán (Tổ tịch) không thuộc 4 Bang kia, tất cả đều phải chịu sự quản lý của Bang Khách gia. Vì vậy mà trong Bang Khách gia Việt Nam có những người gốc Giang Tô, Thượng Hải, Chiết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam...
Người Khách Gia ở Phúc Kiến
sửaNgười Khách Gia ở Phúc Kiến có lối kiến trúc đặc sắc có tên là "thổ lâu" (土樓), theo nghĩa đen là "tòa nhà bằng đất". Bởi lẽ họ là người mới định cư, nên tại đây họ chủ yếu sinh sống trên những vùng bán sơn địa và thường bị trộm cắp quấy phá. Căn nhà của họ thể hiện rõ sự phòng bị trộm cắp này: các ngôi nhà ở nhưng được thiết kế rất chắc chắn và kín kẽ với duy nhất một lối ra vào và không có cửa sổ tại tầng trệt. Lần lượt từ thấp lên cao, các tầng thường có những nhiệm vụ là chỗ ở cho gia súc, gia cầm, chỗ đựng lương thực; từ tầng hai trở lên thì được dùng làm nơi ăn ở cho thành viên trong gia đình.
Người Khách Gia ở Quảng Đông
sửaỞ Quảng Đông, người Khách Gia cư trú chủ yếu ở khu vực phía đông tỉnh này, nhất là ở vùng Hưng - Mai (Hưng Ninh - Mai Huyện). Cũng giống như bà con của họ ở Phúc Kiến, người Khách Gia ở vùng Hưng - Mai đã phát triển các phong cách kiến trúc riêng độc đáo, nổi tiếng nhất là "vi long ốc" (tiếng Hán: 圍龍屋 wéilóngwū) và "tứ giác lâu" (tiếng Hán: 四角樓 sìjǐaolóu).
Người Khách Gia ở nước ngoài
sửaKhách Gia là một trong những nhóm người "di động" nhất trong cộng đồng người Hoa. Họ cư trú ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Á cho tới châu Âu, từ châu Phi cho tới châu Mĩ, thậm chí cả Mĩ La Tinh. Tại châu Phi, họ là một cộng đồng mạnh tại Nam Phi, Tahiti thuộc Pháp (còn được gọi là Pháp Đa Đảo), Maritius, ở Mĩ La Tinh, họ tập trung sinh sống và tạo ra cộng đồng mạnh nhất tại Jamaica. Phần lớn di dân Khách Gia tới Anh có quan hệ với Hồng Kông theo nhiều mức độ: phần nhiều họ sang Anh qua ngả Hồng Kông sau khi đã tới Hồng Kông làm việc và kiếm sống một thời gian hoặc ngắn hoặc dài; một phần khác đã chuyển tới Hồng Kông sinh sống ngay từ khi Hồng Kông bắt đầu trở thành đất của người Anh, nghĩa là bố mẹ của một số người Khách Gia di cư sang Anh đã được sinh ra và lớn lên, hay ít nhất là kiếm sống và trưởng thành trên chính Hồng Kông.
Giống như đa số di dân Trung Hoa khác, cộng đồng Khách Gia lớn nhất vẫn là tại Đông Nam Á, tại Mã Lai, Singapore, Indonesia, Tây Borneo, Thái Lan. Trong một số thời đoạn gần đây, chủ yếu là từ khi Indonesia xâm chiếm và biến Đông Timo thành tỉnh thứ 27 của mình, phần lớn người Khách Gia cũng như các cộng đồng Hoa kiều khác đã rời khỏi Đông Timo. Theo một số tài liệu thì sau khi rời khỏi Đông Timo, phần lớn những người này đã cố gắng tái định cư tại Úc bằng nhiều phương pháp, kể cả bằng việc nhập cư lậu.
Nhìn trên bình diện chung thì người Khách Gia hải ngoại không thành công bằng những người di dân Trung Hoa có gốc gác Phúc Kiến và một phần nào đó là những người có gốc Quảng Đông.
Tại đảo Đài Loan, người Khách Gia chiếm 15% trên tổng số 22,9 triệu dân (xem thêm Đài Loan nhân khẩu học). Trong những thời đoạn của thế kỉ 18, 19 đã có một số va chạm vũ lực giữa người Khách Gia và người Hoklo, phần là do mâu thuẫn kinh tế, phần là do mâu thuẫn chính trị. Sơ khởi của những mâu thuẫn này là sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai cộng đồng. Tuy vậy, nhìn chung thì vẫn có những mối quan hệ cá nhân giữa hai nhóm người này. Điều này thể hiện ngay trong cách xưng hô của hai tộc người. Ví dụ như, trong tiếng Khách Gia, chữ "cô gái Hoklo", "ho-ló-mà", vừa mang nghĩa là "cô chủ", vừa mang nghĩa "cô em" hoặc bỡn cợt hơn, "cô ả, nhân tình". Còn trong tiếng Hoklo, chữ "keh-kia", chỉ một anh chàng Khách Gia có nghĩa là "anh chàng đối tác của chị em". Trong khi đó, người Khách Gia ở Việt Nam gọi là người Ngái.
Những người Khách Gia nổi tiếng
sửaNgười Khách Gia đã có một ảnh hưởng khác thường lên tiến trình lịch sử của Trung Quốc và của cộng đồng người Hoa hải ngoại, nhất là trong lĩnh vực lãnh đạo chính trị và cách mạng. Điều này vẫn tiếp tục đúng trong lịch sử hiện đại khi mà một vài nhà lãnh đạo tiếng tăm nhất là người Khách Gia.
Vào những năm 1980-1990, ba đất nước tại châu Á có đồng thời ba lãnh tụ hàng đầu là người Khách Gia: Đặng Tiểu Bình của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Lý Đăng Huy của Trung Hoa Dân Quốc và Lý Quang Diệu của Singapore.
Tuy nhiên, Benjamin Yang, trong cuốn tiểu sử về Đặng Tiểu Bình xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1997, bác bỏ nguồn gốc Khách gia của Đặng Tiểu Bình (Benjamin Yang, Deng - A political biopgraphy, M.E. Sharpe, New York 1997, p. 290, chú thích 2 của chương 2).
Các nhà cách mạng và các chính trị gia
sửa- Phùng Vân Sơn, Nam Vương
- Dương Tú Thanh, Đông Vương
- Thạch Đạt Khai (huyện Quý 貴縣, Quảng Tây), Dực Vương
- Lý Tú Thành (huyện Đằng 藤縣, Quảng Tây), Trung Vương
- Trần Ngọc Thành, Anh Vương
- Hồng Nhân Can, Can Vương (Thừa tướng)
- Gia tộc họ Tống
- Ba chị em họ Tống
- Tống Ái Linh (1890-1973; Thượng Hải), vợ Khổng Tường Hy
- Tống Khánh Linh (1893-1981; Côn Sơn, Giang Tô), vợ Tôn Dật Tiên
- Tống Mỹ Linh (1898-2003; Văn Xương, Hải Nam), vợ Tưởng Giới Thạch
- Tống Tử Văn (1894-1971; Thượng Hải), thương gia và chính khách Trung Hoa Dân Quốc
- Tống Gia Thụ (Hải Nam) doanh nhân và nhà cách mạng Trung Quốc
- Ba chị em họ Tống
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Trương Quốc Đào (1897-1979; Bình Hương, Giang Tây), thành viên sáng lập, từng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc
- Chu Đức (1896-1976; Nghi Lũng, Tứ Xuyên), Tổng tư lệnh, một trong những người sáng lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
- Hồ Diệu Bang (1915-89; Hồ Nam), cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc
- Diệp Kiếm Anh (1897-1986; Mai huyện, Quảng Đông), Nguyên soái Trung Quốc
- Tăng Khánh Hồng (1939-, Cát An, Giang Tây), cựu Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Đặng Tiểu Bình (1904-1997; Quảng An, Tứ Xuyên), cố lãnh đạo tối cao của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa
- Diệp Tuyển Bình (Mai Huyện, Quảng Đông), cựu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
- Trương Chấn (1914-2015; Bình Giang, Hồ Nam), cố phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc
- Tạ Phi, cựu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
- Hoàng Hoa Hoa, cựu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
- Quách Thanh Côn, bộ trưởng bộ Công An Trung Quốc
- Phó Liên Chương (Trường Đinh, Phúc Kiến), bộ trưởng Bộ Y Tế
- Hà Lập Phong (Hưng Ninh, Quảng Đông; sinh tại Vĩnh Định, Phúc Kiến), phó thủ tướng
- Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)
- Lý Đăng Huy (1923-; huyện Vĩnh Định, Phúc Kiến; sinh tại Đài Loan), cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc
- Trần Thủy Biển (1950-; huyện Triều An, Phúc Kiến; sinh tại Đài Loan), cựu kim Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc
- Diệp Cúc Lan (1949-; sinh tại Đài Loan), đương kim Phó Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc
- Hứa Tín Lương (1941-), lãnh đạo đối lập ở Đài Loan, nhà đồng sáng lập, cựu Chủ tịch của Đảng Tiến bộ Dân chủ Đài Loan
- Thái Anh Văn (1956-; huyện Bình Đông, Đài Loan), tổng thống Trung Hoa Dân Quốc nhiệm kì 2016-2020
- Hải ngoại
- Lý Quang Diệu (1923-; Đại Bộ, Quảng Đông; sinh tại Singapore), sáng lập gia và lãnh tụ của Singapore hiện đại
- Lý Hiển Long (1952-, Đại Bộ, Quảng Đông; sinh tại Singapore), đương kim Thủ tướng Singapore
- Hồ Tứ Đạo (胡赐道) 1926-, huyện Vĩnh Định, Phúc Kiến; sinh tại Singapore), cựu Bộ trưởng Tài chính Singapore
- Dương Bang Hiếu (Đại Bộ, Quảng Đông; sinh tại Malaysia), cựu Tổng trưởng Tư pháp Singapore
- Ngũ Băng Chi (tên khai sinh 伍冰枝), cựu Toàn quyền Canada (sinh tại Hồng Kông)
- Thaksin Shinawatra (丘達新), cựu Thủ tướng Thái Lan (sinh tại Thái Lan).
- Abhisit Vejjajiva, cựu Thủ tướng Thái Lan sinh tại Newcastle (Anh), họ của ông là người Khách Gia đến Thái Lan từ Việt Nam, tên họ trong tiếng Việt là Viên.
- Yingluck Shinawatra, em gái của Thaksin Shinawatra. Bà không chỉ là một doanh nhân nổi tiếng mà còn là vị nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Theo giới truyền thông Trung Quốc, tổ tiên của bà Yingluck Shinawatra phát tích từ huyện Phong Thuận thành phố Mai Châu tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Văn sĩ
sửa- Quách Mạt Nhược (1892-1978; Lạc Sơn, Tứ Xuyên), văn sĩ Trung Hoa nổi tiếng, từng là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
- Hàn Tố Âm (1917-; Tín Dương, Hà Nam), tác giả đương đại của Trung Hoa
- La Hương Lâm (羅香林) (Hưng Ninh, Quảng Đông), một trong những học giả lớn nhất về văn hóa và ngôn ngữ Khách Gia
Nghệ sĩ
sửa- Lâm Phong Miên (1900 - 1991; Mai Châu, Quảng Đông), tiếng Khách Gia gọi là Lim Foong Min, là họa sĩ kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật hội họa phương Tây với hội họa Trung Quốc.
- Lý Thoại Long (1941 -) Quảng Đông, là họa sĩ sơn dầu với kỹ thuật hội họa Pháp và thủy mặc hội họa Trung Quốc.
Doanh nhân
sửa- Dương Khôn, sáng lập viên của Hoàng gia Selangor, nhà sản xuất các sản phẩm từ thiếc lớn nhất thế giới
- Hồ Văn Hổ (胡文虎) và Hồ Văn Báo (胡文豹) (huyện Vĩnh Định 永定縣, Phúc Kiến; sinh tại Myanmar)
- Trương Bật Sĩ (張弼士) (1840-1916; huyện Đại Bộ 大埔縣, Quảng Đông), đại tài phiệt gốc Hoa ở Đông Nam Á, người được kính trọng và tôn vinh vì những đóng góp cho lợi ích của người Hoa hải ngoại trong suốt giai đoạn cuối triều nhà Thanh và đầu kỉ nguyên Cộng hòa
- Tạ Ninh Niên (sinh trưởng tại Malaysia), chủ tịch sáng lập của tập đoàn The Sunway Group of Companies, Malaysia.
- Khâu Đức Uy, chủ nhân và sáng lập viên của hệ thống nhà hàng Wagamama, cũng như các nhà hàng Hakkasan và Yauatcha, trong đó Hakkasan và Yauatcha là 2 nhà hàng Trung Hoa tại Anh duy nhất được trao tặng ngôi sao Michelin danh giá
Nghệ sĩ giải trí
sửa- Hồng Kông
- Trương Quốc Vinh (Mai Huyện, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), ca sĩ và diễn viên Hồng Kông
- Chu Nhuận Phát (1955-; Bảo An, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), diễn viên Hồng Kông và Hollywood
- Lê Minh (1966-; Mai Huyện, Quảng Đông; sinh tại Bắc Kinh), ca sĩ
- Vạn Tử Lương (Bảo An, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), diễn viên
- Chung Sở Hồng, diễn viên
- Trần Tiểu Xuân (陳小春) (Huệ Dương, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), diễn viên
- Tằng Chí Vĩ (曾志偉) (Ngũ Hoa, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), diễn viên
- Diệp Lệ Nghi (葉麗儀) (Huệ Dương, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), ca sĩ
- Diệp Đức Nhàn (葉德嫻) (Huệ Dương, Quảng Đông; sinh tại Hồng Kông), ca sĩ và diễn viên
- Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan)
- Hầu Hiếu Hiền (1947-; Mai Huyện, Quảng Đông), đạo diễn điện ảnh
- Lâm Phụng Kiều, diễn viên, vợ Thành Long
- Diệp Thư Hoa, ca sĩ nhóm nhạc (G)I-dle
- La Đại Hữu, ca sĩ
- S.H.E, nhóm nhạc pop nữ Đài Loan
- Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
- Hoàng Uyển Thu (Mai Huyện, Quảng Đông), diễn viên chính của bộ phim Trung Hoa kinh điển Chị Ba Lưu
- Lưu Tích Quân (Mai Huyện, Quảng Đông, sinh ở Thâm Quyến), ca sĩ nổi tiếng, được biết đến với bài hát Em rất vui vẻ
- Singapore
- Phạm Văn Phương, diễn viên, ca sĩ và người mẫu
- Lý Bỉnh Văn, nhạc sĩ
- Bành Diệu Thuận, diễn viên
- Trương Ngọc Hoa, diễn viên và ca sĩ
- Malaysia
- Vu Khởi Hiền, ca sĩ
- Đới Bội Ni (Hải Phong, Sán Vĩ, Quảng Đông; sinh tại Malaysia), ca sĩ
- Trương Trí Thành, ca sĩ
- Vương quốc anh
- Naomi campbell Siêu mẫu ,diễn viên
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ Rubinstein, M. A (2004), Rethinking Taiwanese and Chinese Identity: Melissa J. Brown's Is Taiwan Chinese? (PDF), 40, Institute of International Relations, tr. 454–458, ISBN 1013-2511 Kiểm tra giá trị
|isbn=
: số con số (trợ giúp), Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 27 tháng 7 năm 2011, truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2014 - ^ Guangdong Hakka culture Lưu trữ 2015-01-21 tại Wayback Machine Newsgd.com.2009-August-24.Retrieved on 2010-March 6
- ^ “The Hakka People”. 全球華文網路教育中心. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 9 năm 2019.
Liên kết ngoài
sửa- The Hakka Community in India Lưu trữ 2020-06-11 tại Wayback Machine
- The Institute of Hakka Research Lưu trữ 2007-10-08 tại Wayback Machine at Jiaying University
- (tiếng Trung) Council for Hakka Affairs in Taiwan
- Hakka Population and Distribution from asiawind.com
- (tiếng Trung) 台灣客家文學館 Lưu trữ 2015-08-22 tại Wayback Machine Taiwan Hakka literature museum
- The HAKKA Association of Thailand Lưu trữ 2009-03-18 tại Wayback Machine
- The Hakka Community in Thailand