Thôi Trí Viễn
Thôi Trí Viễn | |
---|---|
崔致遠 | |
Tranh vẽ Thôi Trí Viễn vận Đường phục, áo bào màu đỏ, mũ Đường cân, trong tay cầm cây phất trần | |
Sinh | 857 Kim Thành, Tân La Thống nhất, Triều Tiên |
Mất | không rõ Già Sơn (倻山), Tân La Thống nhất |
Nghề nghiệp | Nhà thơ, nhà văn |
Tên tiếng Triều Tiên | |
Hangul | 최치원 |
Hanja | |
Romaja quốc ngữ | Choe Chiwon |
McCune–Reischauer | Ch'oe Ch'iwŏn |
Bút danh | |
Hangul | 해운, 고운 |
Hanja | |
Romaja quốc ngữ | Hae-un, Goun |
McCune–Reischauer | Haeun, Koun |
Choe Chiwon (phát âm tiếng Hàn: [tɕʰʷe tɕʰiwʌn], chữ Hán: 崔致遠, Thôi Trí Viễn; sinh năm 857 – không rõ năm mất), tự Hải Phu (海夫), hiệu Cô Vân (孤云), cũng xưng là Hải Vân (海云), sau khi mất được đặt thụy hiệu là Văn Xương Hầu (文昌侯), là một nhà thơ, nhà văn người Triều Tiên nổi tiếng sống vào thời kỳ Tân La Thống nhất (668–935). Tài nghệ thi ca của ông được đón nhận ở cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên.
Thôi Trí Viễn tới Trung Quốc du học nhà Đường khi mới lên 12 tuổi, tham gia khoa cử và thi đỗ tiến sĩ năm 17 tuổi. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ cao tại nơi đây trước khi quay trở về Tân La. Tại quê hương của mình, ông đã thực hiện những nỗ lực nhằm cải cách cải cách bộ máy chính quyền của vương triều Tân La đang dần suy tàn nhưng bất thành. Vào những năm cuối đời, Thôi Trí Viễn trở nên sùng bái Phật giáo. Không thể thực hiện ý tưởng chấn hưng triều đình, ông đã cáo quan mà lui về ở ẩn tại Hải Ấn tự trên núi Già Sơn rồi qua đời tại đây.
Được coi là bậc thầy của thơ phú, Thôi Trí Viễn được hậu thế tôn làm thủy tổ của nền văn học Triều Tiên và được xem là một ba nhà thơ lớn nhất văn học cổ điển nước này bên cạnh Lý Khuê Báo và Lý Tề Hiền.[1]
Tiểu sử
[sửa | sửa mã nguồn]Thôi Trí Viễn sinh vào năm 857 trong một gia đình quý tộc ở Sa Lương bộ, kinh đô Kim Thành (nay là Khánh Châu) của Tân La. Người ta không biết nhiều về gia thế của ông. Tam quốc sử ký chép rằng "sử liệu đã mất hết, [nên] không rõ dòng dõi".[2] Chỉ biết rằng, ông đã nhận được giáo dục rất tốt từ gia đình ngay từ khi còn nhỏ.[3] Trong các tác phẩm của mình, ông nhiều lần tự xưng là "Nho gia môn mạt học", "Huyền thố vi nho".
Quãng thời gian tại Trung Quốc
[sửa | sửa mã nguồn]Năm 868, Thôi Trí Viễn, lúc bấy giờ mới 12 tuổi,[4][5] đã theo thuyền buôn tới nhà Đường du học. Trước khi rời khỏi quê hương, cha của ông từng nói rằng: "Nếu mi trong vòng 10 năm không đậu tiến sĩ, thì chớ làm con của ta, ta cũng không muốn có một đứa con như vậy."[6][7] 6 năm sau, trong kỳ khoa cử, Thôi Trí Viễn đã thi đỗ tiến sĩ.[8][9][10] Căn cứ theo quy định của nhà Đường, thi đậu tiến sĩ chỉ đem lại cho người đó tư cách làm quan, còn muốn thụ phong chức quan thì còn cần phải trải qua xét tuyển của Bộ Lại. Quãng thời gian sau đó, Thôi Trí Viễn tới thành Lạc Dương mở lớp dạy học kiếm sống. Ông đã miêu tả giai đoạn này bằng hai câu thơ: "Lưu lạc ở Đông Đô,[a] dùng bút để nấu cơm." Trong khoảng thời gian tại đây, ông đã viết tổng cộng 3 cuốn sách, trong đó quyển thứ nhất gồm 5 bài thuộc thể phú, quyển thứ 2 gồm 100 bài thuộc thể thất ngôn và quyển thứ ba là 30 bài thơ gồm các chủ đề khác nhau. Nội dung của 3 quyển sách này chủ yếu liên quan tới việc ông chuẩn bị tham gia "bác học hồng từ khoa".[11]
Năm 877, Thôi Trí Viễn được bổ nhiệm làm huyện úy Lật Thủy (nay là quận Lật Thủy, Nam Kinh, Giang Tô). Trong bốn năm làm quan tại đây, ông đã có cơ hội tiếp xúc với những tầng lớp thấp của xã hội, qua đó hiểu được thực tế về xã hội và cuộc sống của người dân Trung Quốc. Cũng trong gia đoạn này, Thôi Trí Viễn sáng tác nhiều tác phẩm về những chủ đề khác nhau, bày tỏ sự đồng cảm với nỗi thống khổ của nhân dân, trong đó có tác phẩm Trung Sơn phúc quỹ tập gồm 5 quyển. Tuy là một huyện úy hưởng bổng lộc nhưng điều này không đảm bảo cho Thôi Trí Viễn đủ cơm ăn áo mặc. "Cũng vì bổng lộc không đủ, mà không thể cứu giúp [nhân dân]", ông không còn cách nào khác ngoài việc phải tìm một lối thoát. Năm 884, ông rời Lật Thủy đến Hoài Nam để tham gia khoa thi Bác học.[b][11]
Tại Hoài Nam, Thôi Trí Viễn được Tiết độ sứ Hoài Nam lúc bấy giờ là Cao Biền mời làm quan tòng sự, chuyên xử lý các vấn đề văn thư.[12] Sau khi khởi nghĩa Hoàng Sào nổ ra, Cao Biền được bổ nhiệm làm Chư đạo binh mã đô thống. Thôi Trí Viễn dưới trướng Cao Biền đã biên soạn một lượng lớn công văn, trong đó có tác phẩm Hịch Hoàng Sào sách trứ danh. Tài năng của ông được Cao Biền cùng Đường Hy Tông đánh giá cao. Cũng chính vì thế mà ông được phong làm Lang thị Ngự sử trong cung, được phép mặc áo tía, đeo túi cá vàng.[c] Về sau, Thôi Trí Viễn đem các tác phẩm của mình trong thời kỳ này tổng hợp thành Quế uyển bút canh tập gồm tổng cộng 20 quyển. Sau khi thất thế, Cao Biền thường xuyên nghe lời nịnh nọt, Thôi Trí Viễn cũng vì thế mà dần dần rơi vào lãng quên. Năm 884, ông dâng thư thỉnh cầu về nước, được Cao Biền chuẩn ý. Thôi Trí Viễn rời Trung Quốc về Tân La vào tháng 8 năm đó, được Đường Hy Tông lệnh mang theo quốc thư, lấy thân phận sứ giả nhà Đường để về nước. Trước khi lên đường, Cố Vân, một nhà thơ thời Vãn Đường, đã viết một bài thơ tiễn biệt người bạn lâu năm.[13]
Trở lại Tân La và những năm cuối đời
[sửa | sửa mã nguồn]Sau khi quay về Tân La (đời vua Tân La Hiến Khang Vương) vào năm 885, Thôi Trí Viễn được bổ nhiệm làm Thị độc kiêm Hàn Lâm học sĩ, thủ Binh Bộ Thị Lang và Tri thụy thư giam đẳng. Triều đình Tân La lúc bấy giờ đã cực kì hủ hóa, triều chính hủ bại, đời sống nhân dân khốn khổ. Năm thứ hai sau khi trở về nước (năm 887), ông từng dâng lên vua Tân La Chân Thánh nữ vương Thời vụ sách chứa mười một điều khuyên nhủ kẻ cai trị Tân La cần thi hành những biện pháp chính trị nhân từ để cứu vãn quốc gia nguy vong. Tuy nhiên, những đề xuất cải cách của ông đều bị làm ngơ. Buồn bã, Thôi Trí Viễn sáng tác rất nhiều bài thơ biểu đạt sự bất mãn đối với hiện thực, phê phán tệ nạn xã hội và châm biếm thói đạo đức giả của những kẻ thuộc tầng lớp thống trị. Kết quả là ông bị nữ vương trách cứ và giáng xuống làm quan địa phương, giữ chức Thái thú quận Đại Sơn. Cảm giác Tân La đã qua mục nát không cách nào vãn hồi, Thôi Trí Viễn quyết định từ quan, lui về núi Già Sơn quy ẩn ở tuổi 41 vào năm 897 (đời vua Tân La Chân Thánh nữ vương).[14][15] Một trong những bài thơ còn sót lại của ông, "Triều lãng", thể hiện tâm trạng của ông:
驟雪翻霜千萬重, |
Sậu tuyết phiên sương thiên vạn trùng, |
Có nhiều giả thuyết khác nhau liên quan tới cái chết của ông. Theo Phá nhàn tập của Lý Nhân Lão, Thôi Trí Viễn một buổi sáng sớm đột nhiên mất tích, người nhà cùng bằng hữu tìm kiếm khắp nơi nhưng chỉ tìm thấy giày và mũ của ông trong sơn cốc. Giai thoại kể rằng, Thôi Trí Viễn lúc về già ủng hộ Vương Kiến. Trong một bức tín thư gửi cho Vương Kiến, ông có ghi 8 chữ: "Kê lâm hoàng diệp, cáp lĩnh thanh tùng." Sau khi Vương Kiến kiến lập vương triều Cao Ly, Thôi Trí viễn được truy phong là Văn Xương hầu, được thờ tự trong Văn miếu.[16][17]
Thành tựu văn học
[sửa | sửa mã nguồn]Số bài thơ hiện còn của Thôi Trí Viễn bao gồm 60 bài từ Quế uyển bút canh tập (桂苑筆耕集), 30 bài từ Đông văn tuyển (東文選), cùng hơn chục bài thơ nguyên vẹn và khá nhiều bài thơ chỉ còn sót lại vài câu rời rạc được chép tại trong Toàn Đường thi (全唐詩) hoặc những tài liệu lịch sử, bia ký và di tích khác. Thơ ca của ông có thể được chia thành 5 loại theo nội dung: Loại thứ nhất là những bài thơ trữ tình bày tỏ nỗi lòng nhớ quê hương khi đi du học nhà Đường, bao gồm: Đêm thu trong mưa, Sơn dương dữ hương hữu thoại biệt, Đông phong, Trần tình thượng thái úy. Loại thứ hai là thơ phê bình hiện thực, gồm:Giang nam nữ, Cổ ý, Ngụ hưng, Thục quỳ hoa. Loại thứ ba là thơ tả phong cảnh gồm có: Thạch phong, Triều lãng, Sa đinh, Dã thiêu, Đỗ quyên, Hải âu, Sơn đỉnh nguy thạch, Thạch thượng ải tùng, Hồng diệp thụ, Thạch thượng lưu tuyền gồm 10 bài, cùng Dụ Giang dịch tuyết, Đề Già Da sơn, Nhập sơn thi và Tặng Trí Quang Thượng nhân. Loại thứ tư Thất ngôn kỷ đức thi tam thập thủ cẩn hiến ti đồ tương công, Thù tiến sĩ Điền Thành nghĩa huynh tặng, Thù Ngô tiến sĩ loan quy Giang Nam, Thù Ngô Loan tú tài tích biệt nhị tuyệt cú, Thù Dương Chiêm tú tài tống biệt. Loại thứ năm là thơ miêu tả vũ điệu dân gian Tân La gồm: Hương nhạc tạp vịnh, Kim hoàn, Nguyệt điên. Các thể thơ mà Thôi Trí Viễn sử dụng cũng rất đa dạng, bao gồm tuyệt cú, luật thi cũng như cổ thể thi, nhưng chiếm số lượng nhiều nhất là tuyệt cú và luật thi bảy chữ. Những bài thơ của ông được thể hiện một cách tự nhiên dựa trên thực tế cuộc sống. Ông cho rằng một thi nhân không nên quá tự do tưởng tượng. Trong thư gửi Cao bí thư, ông đã dẫn hai câu thơ của Lý Bạch trong bài "Giang thượng ngâm" (江上吟) là "Hứng say, bút chuyển núi cao; Thơ xong, cười cợt rạt rào bãi sông"[e] và cho rằng đây chỉ là "những lời nói phóng đại và phi lý".[18][19][20]
Trong khoảng thời gian 16 năm sinh sống tại Trung Quốc, Thôi Trí Viễn đã sáng tác trên dưới một vạn thiên tác phẩm, trong đó chỉ có 300 tác phẩm là thơ, số còn lại đa phần là văn xuôi và văn ứng dụng. Văn nhân Cao Ly Chu Thận trong tác phẩm Du thanh lương sơn lục đã gọi Thôi Trí Viễn là ông tổ của "nền văn học phương Đông".[f] Trong những năm đầu của vương triều Triều Tiên, văn nhân Thành Khiếm (成伣) từng nói rằng "Văn chương nước ta, cũng từ Thôi Trí Viễn mà ra." Các tác phẩm văn xuôi cùng văn ứng dụng của Thôi Trí Viễn phần lớn là biền thể văn.[g] Biền thể văn là một loại văn thể từng thịnh hành ở Giang Nam vào thời Lục triều, trở thành thể thức công văn chính thức của triều đình dưới thời nhà Đường. Tập văn xuôi còn tồn tại Quế uyển bút canh tập của Thôi Trí Viễn chứa phấn lớn công văn hành chính biền thể tứ lệ lục. Văn xuôi của ông phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại và có thành tựu nghệ thuật cao. Khi Hoàng Sào khởi nghĩa, Thôi Trí Viễn phụng chỉ thảo một bức "Hịch Hoàng Sào thư" với mục đích khiển trách và thuyết phục Hoàng Sào, được đánh giá là một "kiệt tác của nghệ thuật hùng biện và văn phong".[7] Theo sách Cô vân tiên sinh di sự, Hoàng Sào đã ngã lăn ra giường khi đọc được câu "không chỉ người trong thiên hạ đều muốn giết ngươi mà ngay cả quỷ thần dưới đất cũng bàn cách để diệt ngươi".[21][20]
Vào năm 882, Thôi Trí Viễn khi còn dưới trướng ở Cao Biền đã viết sách "Bổ An Nam lục dị đồ ký" (補安南錄異圖記). Cuốn sách viết về các vấn đề lịch sử, địa lý, phong tục ở An Nam đô hộ phủ (khi đó An Nam đô hộ phủ đã được thăng lên thành Tĩnh Hải quân), là một trong những tài liệu sớm nhất của Triều Tiên nói về Việt Nam.[22]
Di sản
[sửa | sửa mã nguồn]Khi Triều Tiên ngày càng trở nên Nho giáo hóa vào cuối thời Cao Ly và đặc biệt là thời kỳ nhà Triều Tiên, Thôi Trí Viễn đã trở thành một trong những học giả được ca ngợi nhất và có vinh dự được thờ tự trong Văn Miếu.[23] Vua Cao Ly Hiển Tông (cai trị 1009–1031) ghi nhận những thành tựu Nho học của ông, đã truy tặng thụy hiệu "Văn Xương hầu" (문창후, 文昌侯).[24] Vào đầu thế kỷ 13, chân dung của ông đã được đặt trong Văn miếu, trở thành đối tượng của sự tôn kính kể từ đó về sau.[25]
Mặt khác, theo thời gian, Thôi Trí Viễn không chỉ được hậu thế tôn sùng dưới tư cách một nhà nho, mà còn dưới tư cách một nhà thơ. Một phần là do số lượng bài thơ của ông còn lưu truyền là tương đối lớn và tất cả đều được viết bằng chữ Hán. Nhiều truyền thuyết, giai thoại xoay quanh cuộc đời ông đã xuất hiện. Thơ chữ Hán của Thôi Trí Viễn ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay. Văn thơ ông cũng như chính tâm hồn ông: "Thơ biểu hiện tinh thần con người, văn biểu hiện thể chất con người."[26]
-
Bảo tàng Thôi Trí Viễn tại Dương Châu, Trung Quốc
-
Tượng Thôi Trí Viễn tại bảo tàng
-
Quế uyển bút canh tập
Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Đông Đô ám chỉ Lạc Dương, là kinh đô phụ của nhà Đường sau Tây Đô Trường An
- ^ "Bác học hồng nho khoa" là một loại khoa cử trong lịch sử Trung Quốc. Khởi đầu từ thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, khoa thi này, do Bộ Lại quản lý, giúp những người đỗ tiến sĩ nhưng có xuất thân bình dân, bần hàn, có cơ hội để có cơ hội leo cao trên quan trường. Con em quý tộc thì tham dự Minh kinh, nhưng không nhất thiết phải trải qua kỳ thi này để làm quan.
- ^ Vào thời nhà Đường, màu sắc quan phục đã có phân biệt: Quan tam phẩm trở lên mặc áo màu tía, đeo túi kim ngư (金魚袋), quan ngũ phẩm trở lên mặc áo lụa đào (màu đỏ), đeo túi ngân ngư (銀魚袋, túi cá bạc), quan lục phẩm không có túi cá. Tuy nhiên, những người giữ chức vụ cao mà phẩm hàm thấp thì vẫn phải ăn mặc theo nguyên phẩm phục sức. Ví dụ như người làm chức Tể tướng nhưng phẩm hàm dưới tam phẩm, vẫn được phép mặc áo tía, đeo túi cá vàng, gọi chung là chế độ Tử kim ngư đại (紫金魚袋).
- ^ Bản dịch của dịch giả Ngô Trần Trung Nghĩa
- ^ "Giang thượng ngâm", bản dịch của nhà nghiên cứu Trần Trọng San:
Khuất Bình văn rực gương trời,
Lâu đài vua Sở chôn vùi cổ khâu.
Hứng say, bút chuyển núi cao;
Thơ xong, cười cợt rạt rào bãi sông. - ^ Phương Đông ở đây chỉ Triều Tiên, phía đông của Trung Quốc.
- ^ Biền thể văn (駢體文), hay gọi ngắn gọn là biền văn (駢文) là một loại văn thể, từng hai câu đối nhau.
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 253–266
- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 150
- ^ Ch'oe Chong-go 2005, tr. 84
- ^ Kim Ick-Da 1974, tr. 145
- ^ Ebrey & Walthall 2013, tr. 108
- ^ Kang Chae-ŏn & Kang Jae-eun 2006, tr. 67–68.
- ^ a b Riotto 2014, tr. 39.
- ^ Kang Chae-ŏn & Kang Jae-eun 2006, tr. 68.
- ^ Youn Dae-Yeong 2014, tr. 88.
- ^ Kim Ick-Da 1974, tr. 334
- ^ a b Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 152
- ^ Lưu Tiến Bảo 2019, tr. 73.
- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 153
- ^ Choe Chong-dae 2014.
- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 154–155
- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 154
- ^ Ebrey & Walthall 2013, tr. 170
- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 156–157
- ^ Vi Húc Thăng 2008, tr. 64–69
- ^ a b Hà Diên 1986
- ^ Lý Nham và đồng nghiệp 2010, tr. 168–170
- ^ Youn Dae-Yeong 2014, tr. 64–65.
- ^ Choi Yearn-hong 2016.
- ^ Riotto 2014, tr. 49.
- ^ Shin Jeongsoo 2012, tr. 127–128.
- ^ Nguyễn Thị Ngân 2013.
Thư mục
[sửa | sửa mã nguồn]- Kang Chae-ŏn; Kang Jae-eun (2006). The Land of Scholars: Two Thousand Years of Korean Confucianism [Đất nước của những nho gia: 2000 năm Nho giáo Triều Tiên] (bằng tiếng Anh). Paramus: Homa & Sekey Books. ISBN 978-1-931907-37-8. OCLC 1074570202.
- Choe Chong-dae (14 tháng 7 năm 2014). “Choe Chi-won, eminent scholar” [Choe Chi-won, học giả lỗi lạc]. The Korea Times (bằng tiếng Anh).
- Ch'oe Chong-go (2005). “Choe Chiwon (857 – c. 910)”. Law and Justice in Korea: South and North [Luật pháp và Tư pháp ở Nam và Bắc Triều Tiên] (bằng tiếng Anh). Seoul: Seoul National University Press. ISBN 978-89-521-0635-3.
- Choi Yearn-hong (8 tháng 7 năm 2016). “Choe Chi-won, great Tang and Silla poet”. Korea Times (bằng tiếng Anh). Washington, D.C.
- Ebrey, Patricia Buckley; Walthall, Anne (2013). “Early Korea to 935”. East Asia: A Cultural, Social, and Political History [Đông Á: Lịch sử văn hóa, xã hội và chính trị] (bằng tiếng Anh). Cengage Learning. ISBN 978-1-133-60647-5.
- Hwang, Kyung Moon (2016). “Jang Bogo, Choe Chiwon and Unified Silla Society”. A History of Korea [Lịch sử Triều Tiên] (bằng tiếng Anh). Macmillan International Higher Education. ISBN 978-1-137-57359-9.
- Kim Ick-Dal (1974). Korea: Its People and Culture [Triều Tiên: Dân tộc và Văn hóa] (bằng tiếng Anh). Hakwon-Sa.
- Lưu Tiến Bảo, 劉進寶 (2019). 浙大史学精粹第二辑——中国古代史卷 [Chiết đại sử học tinh túy tập 2 —— Trung Quốc cổ đại sử] (bằng tiếng Trung). Bắc Kinh: Beijing Book Co. Inc. ISBN 978-7-308-16874-8.
- Lý Nham, 李岩; Từ Kiến Thuận, 徐建顺; Trì Thủy Dũng, 池水涌; Du Thành Vân, 俞成云 (tháng 9 năm 2010). 朝鲜文学通史 [Triều Tiên văn học thông sử] (bằng tiếng Trung). Bắc Kinh: 社会科学文献出版社 (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Văn hiến). ISBN 978-7-5097-1511-6. OCLC 671601786.
- Nguyễn Thị Ngân (12 tháng 3 năm 2013). “Tân La thù dị truyện và Choe Chi-Won (Thôi Trí Viễn)”. Trung Tâm Nghiên Cứu Hàn Quốc. Hà Nội: Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
- Riotto, Maurizio (2014). “When Poets Become Sorcerers: The Cases of Virgil and Ch'oe Ch'iwǒn” [Khi thi nhân trở thành phù thủy: Trường hợp của Virgil và Ch'oe Ch'iwǒn]. Korean Studies (bằng tiếng Anh). University of Hawai'i Press. 38: 29–50. ISSN 0145-840X. JSTOR 24574886.
- Shin Jeongsoo (2012). “The Making of King Peony in Korean Literature: A Reading of "Admonition for the Flower King"” [Sự hình thành của hình tượng vua loài hoa mẫu đơn trong văn học Triều Tiên: Đọc về "Hoa vương giới"]. The Journal of Korean Studies. 17 (1): 125–152. ISSN 0731-1613. JSTOR 23622343.
- Vi Húc Thăng, 韦旭昇 (tháng 7 năm 2008). 韩国文学史 [Lịch sử văn học Trung Quốc] (bằng tiếng Trung) (ấn bản thứ 1). Bắc Kinh: 北京大学出版社 (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh). ISBN 978-7-301-14042-0. OCLC 298921866.
- Youn Dae-Yeong (2014). “Korean Views of Vietnam in the Late Nineteenth and Early Twentieth Centuries” [Góc nhìn của Triều Tiên về Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20]. Journal of Vietnamese Studies (bằng tiếng Anh). Berkeley, California: University of California Press. 9 (1): 62–95. doi:10.1525/vs.2014.9.1.62. ISSN 1559-372X.