Ngày Chiến thắng (9 tháng 5)
Ngày Chiến thắng (tiếng Nga: День Победы, chuyển tự La Tinh: Den Pobedy) được coi là ngày kỷ niệm chiến thắng hoàn toàn của các nước Đồng Minh chống phát xít (trong đó có Liên Xô) đối với Đức Quốc Xã. 22 giờ 43 phút ngày 8 tháng 5 năm 1945 theo giờ Berlin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5 theo giờ Moskva), tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin trước sự chứng kiến của các đại diện cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được uỷ nhiệm của nước Đức Quốc Xã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện.[1] - Các nước đồng minh chống phát xít ở phương Tây cũng kỷ niệm trước đó một ngày. 2 giờ 41 phút ngày 7 tháng 5, (giờ GMT, tức 5 giờ 41 sáng ngày 7 tháng 5 theo giờ Moskva) tại Reims (Pháp), các đại diện quân đội Đức Quốc Xã đã ký biên bản xác nhận sự đầu hàng sơ bộ của quân đội Đức Quốc Xã tại mặt trận phía Tây và Bắc Ý. Kể từ năm 1946 trở đi, Liên Xô (cũ), các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu (cũ), các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng như Liên Bang Nga và các nước trong Cộng đồng SNG hiện nay đều lấy ngày 9 tháng 5 làm ngày chiến thắng Phát xít Đức trong khi các nước Tây Âu và Hoa Kỳ lấy ngày 8 tháng 5 theo sự công bố chính thức của văn bản Reims.[2]
Ngày chiến thắng | |
---|---|
Tên chính thức | tiếng Nga: День Победы, Den' Pobedy |
Cử hành bởi | Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bosna và Hercegovina, Serbia, Gruzia, Đức, Israel, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Montenegro, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina, Uzbekistan |
Ngày | 9 tháng 5 |
Tại Liên Xô (cũ) cũng như Liên Bang Nga và các nước trong Cộng đồng SNG hiện nay, Ngày Chiến thắng được coi là ngày quốc lễ và là ngày nghỉ. Trong ngày này, các lễ hội kỷ niệm được tổ chức tại Moskva, thủ đô các nước cộng hoà liên bang và nhiều thành phố lớn. Tại những năm kỷ niệm tròn 5 và tròn 10 (so với năm 1945), các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, bao gồm các cuộc duyệt binh, diễu binh của quân đội và các cuộc diễu hành của quần chúng nhân dân. Theo truyền thống có từ ngày 9 tháng 5 năm 1947 và cho đến hiện nay, các lễ duyệt binh tại Moskva luôn được tổ chức tại Quảng trường Đỏ, lấy Lăng Lenin làm lễ đài và lấy Điện Kremlin, biểu tượng quyền lực chính trị của Liên Xô (trước đây) và nước Nga (hiện nay) làm hậu cảnh chính.[3]
Vì những lý do trên mà người Nga gọi ngày 8 tháng 5 là "Ngày Chiến thắng ở châu Âu" (День Победы в Европе) để phân biệt với ngày chiến thắng 9 tháng 5 của mình. Ngược lại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các nước phương Tây gọi ngày 9 tháng 5 là "Ngày Chiến thắng (9 tháng 5)": Victory Day (9 May) để phân biệt với ngày 8 tháng 5 mà họ gọi là "Ngày Chiến thắng ở châu Âu" (Victory in Europe Day, viết tắt là V-E Day hay VE Day).[4]
Tại các nước Tây Âu, Anh và Hoa Kỳ, trong ngày 8 tháng 5 (cũng là ngày 9 tháng 5 theo múi giờ Moskva và một số nước Đông Âu), chính quyền, các hiệp hội cựu chiến binh, các tổ chức đấu tranh vì hoà bình và nhiều tổ chức chính trị, xã hội khác cũng tổ chức lễ kỷ niệm này nhưng với tính chất của một ngày hội nhiều hơn là lễ nghi. Đối với Hoa Kỳ, quân đội và nhân dân Hoa Kỳ cũng có một ngày chiến thắng khác của riêng mình với quy mô và mức độ không thua kém ngày 9 tháng 5; đó là ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên Chiến hạm USS Missouri (BB-63) neo đậu trong vịnh Tokyo, các đại diện có thẩm quyền của Đế quốc Nhật Bản ký biên bản xác nhận sự đầu hàng vô điều kiện của họ trước đại diện toàn quyền các nước đồng minh chống phát xít.[5] Tên tiếng Anh của ngày này là Victory over Japan Day, viết tắt là V-J Day hay VJ Day. Người Triều Tiên, Uzbekistan, gọi đây là "ngày Giải phóng" (Chogukhaebang'ŭi nal hay Kwangbokchŏl). Còn người Nhật gọi là "ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh" (Chung chiến kỷ niệm nhật, 終戦記念日, Shūsen-kinenbi).
Trong một nghị quyết cuối năm 2004, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã gọi ngày này là Ngày Tưởng niệm và Hòa giải. Không chỉ với ý nghĩa là Ngày Chiến thắng, các ngày 8 và 9 tháng 5 còn được coi là Ngày Tưởng niệm và Ngày Hoà giải để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và để thực hiện sự hoà giải giữa các dân tộc.
Diễn biến các sự kiện trong các ngày đầu tháng 5 năm 1945
sửaTình hình mặt trận Xô-Đức
sửaLúc 10 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1945, trong trận Berlin, các binh sĩ Hồng quân Liên Xô Aleksey Berestov, Mikhail Yegorov và Meliton Kantaria thuộc Trung đoàn bộ binh 150, Sư đoàn bộ binh 2 (Huân chương Kutuzov), thuộc Quân đoàn bộ binh 79, Tập đoàn quân xung kích 3, Phương diện quân Belorussia 1 đã cắm là cờ chiến thắng lên nóc tòa nhà Quốc hội Đức (Reichstag). Cũng trong ngày 30 tháng 4, Văn phòng đế chế (còn gọi là Toà nhà Đế chế) nằm trên đại lộ Friedrich Wilheim bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm. Ngày 2 tháng 5, đến lượt trụ sở cơ quan an ninh Đức Quốc Xã trên đường Unter den Lindel (Dưới rặng bồ đề) thất thủ. Mặc dù chiến sự ở khu vực Berlin cơ bản đã chấm dứt nhưng tại Tây Tiệp Khắc, phía Đông Nam nước Áo, tại bán đảo Kurlandia và một số đảo trên biển Baltic, quân Đức vẫn không chịu hạ vũ khí
Tại khu vực phía Tây Tiệp Khắc bao gồm cả thủ đô Praha, quân Đức vẫn kháng cự đặc biệt mạnh như chưa hề có chuyện Berlin thất thủ. Một số quân rất lớn của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) mà nòng cốt là Tập đoàn quân xe tăng 6 SS dưới quyền chỉ huy của Thống chế Ferdinand Schörner vẫn dựa vào các vị trí xung quanh các dãy núi vùng Böheimkirchen và Moravia để tiếp tục chiến đấu. Theo mệnh lệnh trước đó của Adolf Hitler (lúc này đã tự sát), Tập đoàn quân xe tăng 6 SS phải giữ bằng được "Pháo đài Alpe" nằm trong vùng tam giác München - Insburg và Salsburg để Chính phủ Đức Quốc Xã và các cơ quan chỉ huy quân sự Đức Quốc Xã có thể rời đến làm việc ở đó trong trường hợp Berlin thất thủ. Hoạt động trên địa bàn này còn có Cụm tác chiến Áo của tướng Lothar Rendulic và Cụm tác chiến Đông Nam của tướng Alexander Löhr.[6] Điều này hoàn toàn phù hợp với một tài liệu của Bộ Tổng tham mưu Đức do tướng Alfred Jodl ký ngày 2 tháng 5 ra lệnh:
“ | Kể từ hôm nay, nguyên tắc chỉ đạo hoạt động chủ yếu của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc Xã là cứu vãn binh lính Đức khỏi bị quân Nga bắt làm tù binh càng nhiều càng tốt và tiến hành đàm phán ngay với các nước phương Tây về việc ngừng bắn với họ càng sớm càng tốt. | ” |
— Alfred Jodl, [7] |
Căn cứ mệnh lệnh này, quân Đức chỉ hạ vũ khí trên mặt trận phía Tây và mặt trận Ý trong khi vẫn liên tục phản kích vào sườn trái Phương diện quân Ukraina 1 và ngăn chặn Phương diện quân Ukraina 2 (Liên Xô) ở ngoại vi Brno. Ngày 3 tháng 5, Thống chế Albert Kesselring, tư lệnh Cụm tập đoàn quân Italia được sự uỷ nhiệm của đô đốc Karl Dönitz chấp nhận ngừng bắn ở Bắc Ý và yêu cầu liên quân Anh - Hoa Kỳ để cho quân Đức tại Ý được tự do rút sang mặt trận phía Đông để chống lại Hồng quân Liên Xô. Tuy nhiên, người Anh ngỏ ý rằng phía Đức nên chấp nhận một sự đầu hàng không điều kiện. Để sớm giải quyết dứt điểm kết cục của cuộc chiến, ngày 4 tháng 5, Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô Stalin điện hỏi nguyên soái I.S. Koniev: "Ai sẽ chiếm Praha?". Ngày 5 tháng 5, Chiến dịch Praha được quân đội Liên Xô phát động, sử dụng các Phương diện quân Ukraina 1, 2 và 4 bao vây Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đang hoạt động tại khu vực Tiệp Khắc và miền Đông nước Áo. Ngày 9 tháng 5, quân đội Liên Xô giải phóng Praha.[8]
Tình hình mặt trận phía Tây
sửaNgày 20 tháng 4 năm 1945, Tập đoàn quân bộ binh 7 và Tập đoàn quân xe tăng 1 (Hoa Kỳ) vượt sông Rhine sau khi tấn công liên tục 160 km trong 4 ngày và chiếm thành phố Nuremberg. Ngày 22 tháng 4, các quân đoàn bộ binh 15 và 21 thuộc tập đoàn quân 7 (Hoa Kỳ) tấn công đánh chiếm thành phố Stuttgart. Bên cánh trái, các tập đoàn quân 3 và 6 (Hoa Kỳ) và Tập đoàn quân 1 (Pháp) cũng tiến đến sông Danube ngày 24 tháng 4. Ngày 25 tháng 4, một đội tuần tiễu của sư đoàn bộ binh 69 (Hoa Kỳ) đã gặp kỵ binh Liên Xô tại làng Leckwitz. Ngày 26 tháng 4, tư lệnh sư đoàn bộ binh 69 (Hoa Kỳ), Thiếu tướng Emil F. Reinhardt đã có cuộc gặp với Thiếu tướng Vladimir Rusakov, tư lệnh sư đoàn bộ binh 58 (Liên Xô) tại thị trấn Torgau bên bờ sông Elbe-Mulde. Đây là lần đầu tiên, quân đội hai nước gặp nhau trên chiến trường sau khi đã đánh bại những đơn vị cuối cùng của Tập đoàn quân 12 (Đức).[9]
Ngày 30 tháng 4, các quân đoàn 15 và 21 của Tập đoàn quân 7 (Hoa Kỳ) đánh chiếm Munich và phát triển thêm 48 km về phía nam sông Danube, trong khi các lực lượng phái đi trước của Quân đoàn 6 đã đột nhập địa phận nước Áo hai ngày trước đó. Ngày 4 tháng 5, các quân đoàn bộ binh 3, 5 và 12 đã phát triển đến gần biên giới Áo - Tiệp Khắc. Ở phía Nam, Quân đoàn bộ binh 6 đã bắt liên lạc được với các đơn vị Hoa Kỳ và Anh trên biên giới Áo - Ý nối liền mặt trận Tây Âu và mặt trận Địa Trung Hải. Cũng trong ngày 4 tháng 5, Quân đoàn 5 đánh chiếm căn cứ Salzburg, nằm trong tam giác chiến lược của "pháo đài Alpe", nơi bộ máy chiến tranh đầu não của quân đội Đức Quốc xã định rút về đây. Quân đoàn 15 cũng đánh chiếm thành phố Berchtesgaden, nơi được Hitler chọn làm sở chỉ huy dự bị của mình trong trường hợp Berlin thất thủ. Các con đường đi đến Alpe đã bị quân đội Hoa Kỳ phong toả, làm tiêu tan nốt ảo vọng cuối cùng của quân đội Đức Quốc xã về việc thiết lập căn cứ chỉ huy dự bị tại đây để tiếp tục cuộc chiến. Số phận của nước Đức Quốc xã trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu chỉ còn có thể tính từng ngày.[10]
Những thoả thuận của các nước đồng minh trước ngày 8 tháng 5 về việc đầu hàng vô điều kiện của Đức Quốc Xã
sửaTừ ngày 2 đến ngày 4 tháng 5 năm 1945, tại Tổng hành dinh mới của nước Đức Quốc Xã đóng ở Hamburg đã diễn ra hội nghị Ban chỉ đạo chiến tranh tối cao của nước Đức Quốc Xã dưới sự chủ trì của Đại đô đốc Karl Dönitz. Dự họp còn có Thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh lục quân Đức, Đại tướng Alfred Jodl, Phó tổng tham mưu trưởng lục quân Đức và một số tướng lĩnh Đức khác. Mở đầu cuộc họp, Karl Dönitz đặt vấn đề sẽ đầu hàng quân đội Hoa Kỳ, quân đội Anh và tiếp tục chiến đấu chống lại Hồng quân Liên Xô. Tất cả các tướng lĩnh Đức dự họp đều tán thành chủ trương này. Kết quả của hội nghị đó là ngày 5 tháng 5 năm 1945. Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức Quốc Xã đã kết thúc các cuộc đàm phán trên mặt trận phía Tây về việc quân Đức sẽ đình chiến tại nhiều mặt trận. Thiếu tướng I.A. Susloparov, đại diện Bộ Tổng tư lệnh Hồng quân Liên Xô tại Tổng hành dinh của Thống tướng Eisenhower đã báo cáo toàn bộ các diễn biến mà ông ta biết được về các cuộc gặp riêng giữa Chánh đô đốc Hans-Georg von Friedeburg và Thống tướng Eisenhower về Moskva. Thực ra thì không chỉ đến ngày 7 tháng 5 mà từ trước đó nhiều ngày, đô đốc von Friedeburg, đặc phái viên của Karl Dönitz dã có mặt tại Tổng hành dinh của tướng Eisenhower để thăm dò khả năng "đầu hàng một phía" của Đế chế thứ ba.
Theo một thoả ước được xác định bằng một văn bản ghi nhớ tại Hội nghị họp từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945 tại Cung điện Livadia gần thành phố Yalta, miền nam Ukraina thì:
“ | Vì tính nhân đạo của công cuộc chiến đấu chống các thế lực phát xít và để giảm thiểu đến mức thấp nhất có thể đạt được những tổn thất đối với quân đội các nước tham gia chống phát xít; tư lệnh quân đội các nước đồng minh chống phát xít được quyền tiếp nhận bất kỳ sự đầu hàng nào của chỉ huy các đơn vị quân đội Đức Quốc xã tại khu vực mặt trận do mình phụ trách mà chỉ cần thông báo cho nước đồng minh có liên quan biết về sự đầu hàng đó. | ” |
— Văn bản Hội nghị Yalta, [11] |
Mặc dù đang trong cơn bĩ cực nhưng bộ máy tình báo Đức Quốc Xã vẫn hoạt động bình thường và không chỉ đô đốc Karl Dönitz mà nhiều tướng lĩnh cao cấp khác của nước Đức Quốc Xã cũng nắm được như ý tưởng cơ bản của thoả thuận Yalta. Chính những điều đó đã giúp cho các tướng lĩnh Đức Quốc Xã còn đang lãnh nhiệm sau ngày 30 tháng 4 năm 1945 nhìn ra một kẽ hở cho các cuộc đàm phán riêng rẽ với phía Liên Xô và phía Hoa Kỳ - Anh về việc đầu hàng của nước Đức Quốc Xã. Nếu như ngày 1 tháng 5, ở Berlin, Thượng tướng Bộ binh Hans Krebs thất bại trong cuộc đàm phán với Thượng tướng I.D. Sokolovsky của Hồng quân Liên Xô về vấn đề ngừng bắn thì ngày 5 tháng 5 tại Reims, tướng Alfred Jodl lại đạt được thảo thuận về việc đầu hàng của quân đội Đức Quốc Xã tại mặt trận phía Tây. Khi hiểu ra điều này, tướng S.M. Shtemenko, khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng Hồng quân Liên Xô đã nhận xét:
“ | Té ra, đầu hàng không điều kiện vẫn có thể kiếm lời về chính trị được. | ” |
— S. M. Stemenko, [12] |
Đức Quốc Xã đầu hàng
sửaNgày 5 tháng 5 năm 1945, theo sự giới thiệu của đô đốc von Friedeburg, tướng Alfred Jodl, Phó tổng tham mưu trưởng lục quân Đức Quốc Xã phụ trách các vấn đề tác chiến đã đến tổng hành dinh của tướng Eisenhower, Tổng tư lệnh liên quân đồng minh Anh - Hoa Kỳ tại Reims (Pháp). Tại đây, tướng Eisenhower đã yêu cầu Alfred Jodl trình giấy uỷ nhiệm về việc ký kết văn bản đầu hàng không điều kiện. Vì không có giấy uỷ nhiệm theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ, tướng Alfred Jodl trả lời rằng ông ta chỉ được uỷ quyền ký kết văn bản ngừng bắn để có thể điều động các đơn vị đang chiến đấu chống liên quân Anh - Hoa Kỳ sang mặt trận phía Đông để chống lại Hồng quân Liên Xô. Tướng Alfred Jodl tuyên bố rằng chủ trương của chính phủ Karl Dönitz như chính vị đô đốc này đã trình bày tại cuộc họp ngày 4 tháng 5 năm 1945:
“ | Cần phải giữ gìn cho dân tộc Đức và giúp đỡ cho càng nhiều người Đức càng tốt thoát khỏi chủ nghĩa Bolshevik | ” |
— Karl Dönitz, [13] |
Trong cuộc đàm phán, tướng Alfred Jodl còn cho biết thêm: vì các tập đoàn quân của thống chế Ferdinand Schörner và các tướng Lothar Rendulic, Alexander Löhr đang chiến đấu tại mặt trận phía Đông chống lại Hồng quân Liên Xô cho nên họ sẽ không chịu sự ràng buộc của lệnh đầu hàng do Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc Xã ký với các đồng minh Anh và Hoa Kỳ tại mặt trận phía Tây. Tướng Eisenhower bác bỏ đề nghị của tướng Alfred Jodl chỉ vì một lẽ hiển nhiên, trong tay ông này không có một chứng cứ về sự uỷ quyền nào để ký kết một văn kiện vượt quá thẩm quyền của một Phó tổng tham mưu trưởng lục quân. Việc xin giấy uỷ nhiệm của đô đốc Karl Dönitz diễn ra rất khẩn trương và ngày 6 tháng 5 năm 1945, Alfred Jodl đã quay lại Reims sau 8 giờ với một uỷ nhiệm thư đủ thủ tục pháp lý trong tay.[14]
Gần nửa đêm ngày 6 tháng 5, viên sĩ quan tuỳ tùng của tướng Eisenhower đến phòng làm việc của tướng Susloparov - trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh Liên quân - trao thiếp mời của Bộ Tổng tư lệnh liên quân Hoa Kỳ - Anh về việc tham gia ký kết văn bản đầu hàng của quân đội Đức Quốc Xã. Tại Tổng hành dinh liên quân, tướng Susloparov đã đọc kỹ toàn bộ văn bản đầu hàng do các sĩ quan tham mưu của Bộ Tổng tư lệnh liên quân soạn thảo bằng tiếng Anh và tiếng Đức. Khi được tướng Eisenhower hỏi: Thưa tướng quân, ngài có ý kiến gì về việc này?; tướng Susloparov trả lời:
“ | Tôi thấy các thành viên của khối liên minh chống Hitler đã cùng cam kết với nhau rằng phải tiến hành sự đầu hàng cùng lúc của quân đội Đức Quốc Xã trên tất cả các mặt trận. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta cùng ký kết nó nhưng văn bản này lại không đề cập đến sự đầu hàng của quân Đức trên mặt trận phía Đông? | ” |
— I. A. Susloparov, [14] |
Ban đầu người Đức chỉ chấp nhận đầu hàng các nước phương Tây thuộc phe Đồng minh. Tuy nhiên, sau nửa ngày được phía Hoa Kỳ và Anh thuyết phục, họ đã đồng ý chấp nhận đầu hàng toàn bộ các thành viên thuộc phe Đồng Minh. Thống tướng Eisenhower cũng chính thức thông báo cho phái đoàn quân sự Liên Xô rằng Liên quân đã yêu cầu tướng Alfred Jodl phải chấp nhận việc nước Đức Quốc Xã phải đầu hàng hoàn toàn chứ không phải một sự đầu hàng nào khác. Ông cũng đề nghị tướng Susloparov thông báo ngay cho Moskva biết tiến trình sự kiện để Moskva tán thành và tướng Susloparov có thể thay mặt chính phủ Liên Xô ký vào văn bản này. Thời gian biểu cuối cùng để ký văn bản dự kiến vào 2 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1945 tại Phòng tác chiến của Bộ tổng tham mưu Liên quân Hoa Kỳ - Anh ở mặt trận Tây Âu. Một trong những điều khoản quan trọng nhất mà văn bản này quy định là Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc Xã có trách nhiệm ra lệnh đình chỉ chiến sự trên tất cả các mặt trận vào 0 giờ 01 phút ngày 9 tháng 5 năm 1945 (theo giờ Moskva) tức 2 giờ 01 phút cùng ngày (theo giờ Trung Âu).[14] Tướng Susloparov thấy đây là điều có thể chấp nhận được. Vì chưa được sự uỷ quyền chính thức, lúc 11 giờ 30 phút, tướng Susloparov cho mã hoá toàn bộ văn bản và gửi bằng vô tuyến điện về Moskva kèm theo đề nghị được trao thẩm quyền ký kết văn kiện đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã theo lời khuyên của tướng Eisenhower.[15]
Việc ký kết này khiến Susloparov rất băn khoăn, rõ ràng ông không lường được trường hợp này và trước đó cũng chưa nhận được chỉ thị gì từ Moskva. Lúc 2 giờ 35 phút sáng ngày 7 tháng 5, giờ ấn định ký kết đã qua hơn 5 phút, các tướng lĩnh đại diện các cường quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp và cả tướng Susloparov đều nóng lòng chờ đợi câu trả lời từ Moskva nhưng vẫn không thấy hồi âm. Cuối cùng, thấy không thể trùng trình được nữa, lúc 2 giờ 41 phút ngày 7 tháng 5, tướng Susloparov quyết định ký vào văn bản. Ông hiểu rằng nếu ông cương quyết không ký, rất có khả năng biên bản đầu hàng sẽ được ký mà không có sự tham gia của Liên Xô. Để bảo đảm cho Chính phủ Liên Xô có khả năng ảnh hưởng trở lại đối với tiến trình đầu hàng của nước Đức Quốc Xã khi cần thiết, ông ghi chú vào tờ số 1 của văn kiện:
“ | Biên bản về việc chấm dứt chiến sự này không loại trừ sau này có thể ký kết một văn kiện hoàn hảo hơn ghi nhận sự đầu hàng của nước Đức Quốc Xã nếu một trong các nước đồng minh có yêu cầu | ” |
Biên bản đầu hàng sơ bộ được ký kết tại Reims vào ngày 7 tháng 5 năm 1945, có hiệu lực vào 23 giờ 1 phút ngày 8 tháng 5 tính theo giờ Trung Âu. Thống tướng Eisenhower nâng cốc chúc mừng tướng Susloparov sau khi ông này gửi báo cáo về Moskva thì lúc 2 giờ 50 phút, Moskva có điện trả lời: Không được ký kết một văn kiện nào hết.[16]
Lúc 8 giờ sáng ngày 7 tháng 5, tướng Deel, trưởng phái đoàn quân sự Hoa Kỳ tại Moskva trao cho Chính phủ Liên Xô một giác thư có đoạn viết:
“ | Trưa hôm nay, tôi nhận được thông điệp khẩn của Tổng thống Hoa Kỳ đề nghị Nguyên soái Stalin đồng ý tuyên bố về việc đầu hàng của nước Đức Quốc Xã vào hồi 19 giờ ngày hôm nay, theo giờ Moskva. Qua Bộ dân uỷ ngoại giao, chúng tôi được biết rằng không thể làm như vậy vì Chính phủ Liên Xô chưa được các đại diện của mình hiện đang công tác tại Bộ tham mưu của Thống tướng Eisenhower báo cáo về sự đầu hàng của Đức. Tôi đã báo cáo lại tình hình cho Tổng thống Harry S. Truman và được Tổng thống đồng ý rằng sẽ chưa công bố chính thức trước 9 giờ sáng ngày 8 tháng 5 (theo giờ Washington) tức 16 giờ (theo giờ Moskva) nếu Nguyên soái Stalin chưa tỏ ra đồng ý về thời hạn sớm đó. | ” |
— -, [17] |
Rõ ràng là Moskva không hài lòng với việc ký một văn bản đầu hàng của nước Đức Quốc Xã nhưng họ không phải là người tham gia chính thức với một sĩ quan cấp thiếu tướng và lại không có sự uỷ quyền ký kết. Stalin cho rằng việc ký kết phải có đầy đủ đại diện có thẩm quyền của các nước đồng minh chống phát xít chủ chốt tham gia và phải diễn ra trên đất nước của kẻ gây ra chiến tranh chứ không thể diễn ra ở nơi khác. Đại tướng A.I. Antonov ủng hộ ý kiến này và nhận xét:
“ | Các nước Đồng minh đang gây sức ép, họ muốn toàn thế giới biết rằng quân đội Đức Quốc Xã đầu hàng họ chứ không đầu hàng Liên Xô | ” |
— A. I. Antonov, [18] |
Lãnh tụ Liên Xô Stalin cũng tỏ ra không hài lòng trước các sự kiện trên. Ông cho rằng buổi ký kết văn kiện đầu hàng của Đức phải diễn ra tại Berlin dưới sự phê chuẩn của đại diện phái đoàn Liên Xô; còn biên bản đầu hàng tại Reims chỉ là biên bản sơ bộ. Trong hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ của mình, Nguyên soái G.K. Zhukov đã ghi lại ý kiến của Stalin như sau:
“ | Hôm nay, tại Reims, người Đức đã ký kết biên bản sơ bộ về việc đầu hàng vô điều kiện. Tuy nhiên, gánh nặng chiến tranh chủ yếu chống phát xít Đức lại đè lên vai nhân dân Liên Xô chứ không phải các nước Đồng minh. Vì vậy, buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng phải diễn ra dưới sự chứng kiến của tất cả các quốc gia thuộc liên minh chống Hitler chứ không phải chỉ dưới sự chứng kiến của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao của các nước Đồng Minh phương Tây. Thêm nữa, tôi không đồng tình về việc ký kết văn kiện đầu hàng không diễn ra tại Berlin - trung tâm của chế độ phát x��t Đức. Chúng ta đã đồng ý với các nước Đồng Minh phương Tây về việc xem văn kiện ký kết tại Reims chỉ là một biên bản đầu hàng sơ bộ. Ngày mai, đại diện của Bộ Tổng chỉ huy quân đội Đức Quốc Xã và đại diện của Bộ Tổng tư lệnh các nước Đồng minh sẽ đến Berlin để ký kết văn bản chính thức. Đồng chí được cử làm đại diện toàn quyền cho Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô. A.Ya. Vysinsky, V.D. Sokolovsky và K.F. Teleghin sẽ làm trợ lý cho đồng chí | ” |
— I. V. Stalin, [19] |
Ngay trước buổi trưa ngày 7 tháng 5, Đại tướng A.I. Antonov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô đã chuyển cho các phái đoàn quân sự Hoa Kỳ, Anh và Pháp tại Moskva một giác thư đề nghị các nước đồng minh thống nhất coi văn bản được ký kết tại Reims chỉ là văn bản sơ bộ và ngày 8 tháng 5, các nước đồng minh sẽ cử các đại diện cao cấp có thẩm quyền đến Berlin để ký một định ước cuối cùng về sự đầu hàng của quân đội Đức Quốc Xã, có sự tham gia của cấp chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Đức. Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp chấp thuận đề nghị này.[20]
Ngày 7 tháng 5, các sĩ quan chính trị thuộc Bộ tham mưu Phương diện quân Belorussia 1 đã tìm được một ngôi nhà còn nguyên vẹn trong một trường quân sự tại Karls Horster, ngoại ô Berlin để dùng làm nơi ký kết văn kiện đầu hàng chính thức của nước Đức Quốc Xã. Ngày 8 tháng 5, Thống tướng Dwight D. Eisenhower cử ba cấp phó của mình là Thống tướng Không quân Hoàng gia Anh Arthur Tedder, tướng Carl A. Spaatz tư lệnh các lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ ở châu Âu và Thống chế Pháp Jean de Lattre de Tassigny đến ký kết văn bản đầu hàng chính thức. Họ đi Berlin trên một chuyên cơ, đem theo 10 sĩ quan tuỳ tùng, 11 nhà báo và phóng viên nhiếp ảnh. Trên chuyên cơ này cũng chở theo thống chế Wilhelm Keitel, Tổng tư lệnh lục quân Đức, đô đốc Hans-Georg von Friedeburg, tướng Hans-Jürgen Stumpff và ba sĩ quan tuỳ tùng người Đức đến Berlin để ký định ước đầu hàng không điều kiện.[21]
22 giờ ngày 8 tháng 5 (0 giờ ngày 9 tháng 5 theo giờ Moskva), các đoàn đại biểu quân sự của bốn nước đồng minh vào phòng họp. Phía Liên Xô có Nguyên soái G. K. Zhukov, Đại tướng V. D. Sokolovsky, Trung tướng K.F. Teleghin và nhà ngoại giao A.Ya. Vysinsky. Đoàn đại biểu quân đội Hoàng gia Anh do Thống chế Không quân Arthur Tedder đứng đầu, đoàn đại biểu Quân đội Hoa Kỳ do Đại tướng Carl A. Spaatz đứng đầu. Đại diện cho quân đội Pháp là Thống chế Jean de Lattre de Tassigny. Zhukov đọc lời khai mạc ngắn gọn và cho gọi các đại diện Đức vào phòng họp với thủ tục đầu tiên là kiểm tra giấy uỷ nhiệm của Chính phủ Đức. Thay mặt nước Đức Quốc Xã, Thống chế Keitel ký vào định ước xác nhận đầu hàng không điều kiện của nước Đức Quốc Xã được làm bằng ba thứ tiếng Anh, Đức và Nga được làm thành năm bản. Sau đó, lần lượt đại diện các đoàn Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô đều ký vào văn bản định ước. Việc ký kết nhanh chóng hoàn thành lúc 22 giờ 43 phút.[22] Lúc đó ở Moskva - vì khác biệt về múi giờ - đã là 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5. Ngay sau lễ ký kết định ước, đoàn đại biểu quân sự Liên Xô đã mở tiệc chiêu đãi các đoàn đại biểu đồng minh. Tại buổi tiệc, các tướng lĩnh Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô đều bày tỏ lòng mong muốn củng cố và giữ vững mãi mãi các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khối Đồng minh chống phát xít.[23]
Ngay sau lễ ký kết, nhà ngoại giao Vysinsky đã thông báo cho thiếu tướng Susloparov, người cũng có mặt trong lễ ký kết rằng Stalin thấy không có gì đáng phàn nàn về những công việc mà Susloparov tiến hành tại Reims ngày 7 tháng 5 năm 1945.[24]
Việc ban bố văn kiện đầu hàng của nước Đức Quốc Xã và thiết lập quyền kiểm soát của Đồng minh
sửaNếu như về mặt ngoại giao, Chính phủ Liên Xô cương quyết đòi tổ chức một lễ ký kết tại Berlin thì trong việc triển khai ban bố văn kiện đầu hàng của nước Đức Quốc Xã, họ tỏ ra mềm dẻo và linh hoạt. Không chờ lễ ký kết ở Berlin hoàn tất, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô đã đồng ý phối hợp với Bộ Tổng tư lệnh Liên quân Đồng minh triển khai ngay việc thông tin về sự kiện nước Đức Quốc Xã đầu hàng trên khắp các mặt trận. Lúc 22 giờ 35 phút ngày 7 tháng 5, tướng Eisenhower đề nghị mở một hành lang trên không phận châu Âu từ thành phố Flensburg, nơi đóng trụ sở tạm thời của Tổng hành dinh bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức đến bán đảo Kurlandia, Latvia để cho một máy bay Đức mang mệnh lệnh đầu hàng đến cho Tập đoàn quân 18 (Đức) vẫn còn bị vây tại đây; phía Liên Xô đã đáp ứng yêu cầu này. Bản mệnh lệnh đầu hàng được các sĩ quan tham mưu Đức cùng các sĩ quan Anh và Hoa Kỳ đi theo giám sát có đính kèm theo bản khổ lớn chụp ảnh văn kiện đầu hàng sơ bộ của nước Đức tại Reims. Cùng ngày hôm đó, quân Đức tại Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hy Lạp và Nam Tư cũng nhận được các văn kiện về việc đầu hàng thông qua các chuyến bay phối hợp của Không quân Liên Xô, Không lực Hoa Kỳ, Không lực Hoàng gia Anh và họ nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh đầu hàng.[25]
Đối với những lực lượng cơ bản của Cụm tập đoàn quân trung tâm (Đức) do Thống chế Ferdinand Schörner và Cụm tác chiến Áo do tướng Lothar Rendulic chỉ huy thì việc đầu hàng diễn ra không đơn giản. Ngày 4 tháng 5, tại Praha nổ ra cuộc khởi nghĩa của những người yêu nước Tiệp Khắc chống phát xít. Viện cớ những người khởi nghĩa tập kích quân Đức, cắt đường dây điện thoại và được sự dung túng của đô đốc Karl Dönitz, người đang lãnh trách nhiệm đứng đầu Chính phủ Đức, thống chế Ferdinand Schörner nói rằng ông ta không nhận được một văn bản nào cả. Ngày 7 tháng 5, một tốp sĩ quan liên lạc của Liên Xô được những người khởi nghĩa dẫn đường đến Plezen mang theo văn kiện đầu hàng đã bị các nhóm biệt kích của Tập đoàn quân xe tăng 6 SS bắt và thủ tiêu. Phía Liên Xô chỉ biết được việc này sau ngày 9 tháng 5 khi nhận được lời khai của một lính Nga trong quân đoàn "Nước Nga tự do" của A.A. Vlasov bị bắt làm tù binh. Ngày 8 tháng 5, thông qua Đài phát thanh Praha do quân khởi nghĩa chiếm giữ, các văn kiện đầu hàng được công bố rõ ràng nhưng thống chế Ferdinand Schörner vẫn làm như không biết gì và tiếp tục thực hiện các hoạt động chiến đấu, mở một hàng lang hẹp qua Plezen để rút quân sang tuyến kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ. Thậm chí đến tận ngày 10 tháng 5, hơn 1.000 quân SS tại Traslav vẫn tiếp tục kháng cự lại Quân đoàn cơ giới cận vệ 2 (thuộc Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 của tướng A.G. Kravchenko) cho đến khi bị tiêu diệt hoàn toàn vào cuối ngày.[26]
Rõ ràng là chính phủ Karl Dönitz đã không thể kiểm soát được tình hình và bắt đầu dung túng cho những hành động phá hoại hoà bình, đi ngược lại lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện đã được chính họ xác nhận tại Reims ngày 7 tháng 5 và Berlin ngày 8 tháng 5. Ngày 16 tháng 5, cựu thủ tướng Anh Winston Churchill tuyên bố với tờ Thời báo (Anh) rằng Hoa Kỳ và Anh không có ý định đảm nhận việc cai trị nước Đức.[27] Ngày 17 tháng 5 năm 1945, phái đoàn Liên Xô do nguyên soái Zhukov chỉ huy bắt đầu đến làm việc tại Hội đồng kiểm soát nước Đức của các nước Đồng minh tại Flensburg. Tại đây, các đại biểu Liên Xô đã đưa ra những bằng chứng về việc chính phủ Karl Dönitz không kiểm soát được tình hình và các bằng chứng về phần lớn các thành viên trong chính phủ này đều là tội phạm chiến tranh. Nói cách khác, đó vẫn là chính phủ Quốc xã mà không có Đảng Quốc xã và Hitler. Nhiều bằng chứng khác về việc các thành viên trong chính phủ Karl Dönitz vẫn ngầm cung cấp vũ khí cho các phần tử SS còn chưa bị bắt giữ chống lại các lực lượng đồng minh đã được đưa ra.[28] Trước những bằng chứng không thể chối cãi, ngày 23 tháng 5 năm 1945, Hội đồng kiểm soát nước Đức của các nước Đồng minh ra nghị quyết về việc giải tán và bắt giữ chính phủ Karl Dönitz như những tội phạm chiến tranh. Sự kiện này đã mở đường cho một hội nghị toàn thể của Hội đồng kiểm soát nước Đức của các nước Đồng minh họp tại Berlin ngày 5 tháng 6 năm 1945. Hội nghị đã ra bản tuyên bố chung về sự bại trận của nước Đức và thiết lập sự kiểm soát của bốn nước đồng minh Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp tại nước Đức. Tuyên bố nêu rõ:
“ | Kể từ ngày 5 tháng 6 năm 1945, bốn cường quốc Đồng minh đảm nhận quyền lực tối cao ở nước Đức, kể cả các quyền lực của chính phủ Đức, của Bộ chỉ huy tối cao Đức và mọi cấp chính quyền từ trung ương đến cấp vùng, các thành phố, thị xã và địa phương | ” |
— Tuyên bố của bốn nước Đồng minh ngày 5 tháng 6 năm 1945, [29] |
Cùng ngày, bốn cường quốc đồng minh đã ký các hiệp nghị về việc phân chia vùng chiếm đóng của các nước Đồng minh tại nước Đức và cơ chế kiểm soát chống việc tái vũ trang nước Đức. Hiệp nghị thứ nhất quy định chia nước Đức thành bốn vùng kiểm soát do bốn nước Đồng minh Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô uỷ trị. Riêng thủ đô Berlin chia làm bốn phần do bốn nước Đồng minh thay nhau chỉ huy các lực lượng kiểm soát liên hợp. Hiệp nghị thứ hai quy định trong thời kỳ nước Đức có trách nhiệm thực hiện những yêu cầu cơ bản của việc đầu hàng không diều kiện, quyền lực tối cao sẽ do bốn Bộ tư lệnh của bốn nước đồng minh đảm nhiệm trong từng vùng đóng quân của mình, phù hợp với những chỉ thị của các chính phủ hữu quan, phối hợp với nhau trong giải quyết những vấn đề tổng thể của nước Đức. Bốn vị tư lệnh đồng minh sẽ là thành viên ngang quyền trong một Hội đồng kiểm soát làm việc theo chế độ đồng thuận.[28]
Như vậy, phải đến gần một tháng sau Ngày Chiến thắng, tình hình nước Đức mới thực sự được kiểm soát và Chiến thắng ngày 9 tháng 5 mới được bảo đảm một cách cơ bản.
Kỷ niệm ngày chiến thắng Phát xít Đức ở Liên Xô trước đây và các nước SNG hiện nay
sửaĐêm mùng 8 rạng ngày 9 tháng 5 năm 1945, ở các thành phố lớn của tất cả các nước cộng hoà trong Liên bang Xô viết và nhiều vùng nông thôn cho đến những nơi đóng quân của quân đội Liên Xô tại Đông Âu, tại Viễn Đông, người Liên Xô hầu như không ngủ. Cũng giống như ngày 22 tháng 6 năm 1941, họ tụ tập quanh các loa phóng thanh công cộng chờ nghe tuyến bố của Chính phủ Liên Xô. Đúng 1 giờ 45 phút, Yu. B. Levitan, phát thanh viên nổi tiếng của Đài phát thanh Moskva, từng bị Joseph Goebbels thề độc rằng ông sẽ bị treo cổ trước tiên nếu quân Đức chiếm được Moskva, đã trực tiếp đọc tại phòng bá âm của Đài phát thanh Moskva bản nhật lệnh đặc biệt của Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô và tuyên bố đặc biệt của Chính phủ Liên Xô về việc nước Đức Quốc xã đã ký văn kiện xác nhận sự đầu hàng không điều kiện; và cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô đã thành công. Để tránh sự nhầm lẫn, các văn bản này được đọc hai lần; đồng thời được Cục Thông tin Liên Xô phát đi bằng điện báo trên toàn thế giới.[28] Lúc 2 giờ 00 phút, Moskva chào mừng Ngày Chiến thắng bằng màn pháo hoa cấp đặc biệt, màn pháo hoa lớn nhất để mừng chiến thắng kể từ ngày 5 tháng 8 năm 1943 khi lần đầu tiên, nghi thức này được thực hiện bởi một sắc lệnh của Stalin. Từ 2 giờ đến 2 giờ 45 phút ngày 9 tháng 5, bầu trời Moskva được chiếu sáng bởi hàng vạn quả pháo hoa được bắn từ 1.000 khẩu đại bác, mỗi khẩu bắn 30 loạt đạn.[30]
Mặc dù sự kiện Ngày Chiến thắng được ghi dấu ấn đầu tiên năm 1945 nhưng đến năm 1947, ngày 9 tháng 5 mới được nhà nước Liên Xô công nhận là một ngày kỷ niệm cấp quốc gia. Trước đó, buổi lễ mừng chiến thắng đầu tiên đã được tổ chức nhưng không nhằm ngày 9 tháng 5 mà vào ngày 24 tháng 6 năm 1945 tại Quảng trường Đỏ với đội ngũ đại diện cho 11 phương diện quân (vào thời điểm năm 1945), Quân đội Ba Lan và quân đoàn Cossack Kuban tham gia diễu binh với đội hình 13 trung đoàn, do các tư lệnh hoặc tham mưu trưởng phương diện quân, tư lệnh quân đội, quân đoàn dẫn đầu. Điểm đặc sắc nhất của lần kỷ niệm độc nhất vô nhị này là hơn 200 binh sĩ Liên Xô mang theo hơn 200 lá quân kỳ thu được của các sư đoàn quân đội Đức Quốc Xã và lực lượng SS với tư thế cầm chúc mũi cờ xuống đất. Lần lượt 200 lá quân kỳ Đức Quốc Xã diễu qua mặt đường đá đẫm nước mưa của Quảng trường Đỏ và cuối cùng, được ném xuống thành một đống trước cửa Lăng Lenin. Một số nhà báo phương Tây cho rằng đây là một hành động hạ nhục quân đội Đức Quốc Xã. Còn nhà báo Liên Xô Boris Polevoy thì cho biết sự việc này làm ông nhớ đến Nguyên soái Mikhail Illarionovich Kutuzov sau khi đuổi quân đội của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte khỏi biên giới Nga đã ra lệnh thu các quân kỳ của người Pháp lại và hạ chúc mũi các là cờ đó trước con ngựa bạch của ông. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Liên Xô cho rằng đây là một hành động báo công trước vị lãnh tụ quá cố Vladimir Ilyich Lenin.
Từ sau khi Stalin mất đến năm 1964, ngày 9 tháng 5 hàng năm chỉ được tổ chức kỷ niệm bằng các buổi lễ và các cuộc gặp mặt, thăm viếng các nghĩa trang, đặt hoa ở Đài liệt sĩ vô danh dưới chân tường Điện Kremlin và một số di tích chiến tranh quan trọng trong đó có di tích Pháo đài Brest, di tích "Con đường sống" ở Leningrad và thắng tích "Ngọn đuốc vĩnh cửu" trên đồi Mamayev ở Volgograd. Bắt đầu từ năm 1965 cho đến năm 1985, ngày 9 tháng 5 được tổ chức long trọng hơn tại Moskva với các cuộc diễu hành quần chúng. Các cuộc diễu binh chỉ tổ chức vào các năm 1965, 1985 và 1990. Sau khi Liên Xô tan rã, lần đầu tiên, Chính phủ Nga tổ chức lại cuộc diễu binh kết hợp với diễu hành quần chúng ngày 9 tháng 5 năm 1995 tại Quảng trường Đỏ. Năm 2001, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra sắc lệnh về Ngày Chiến thắng là ngày lễ cấp quốc gia thường niên của Nga và ngày 9 tháng 5 năm đó được tổ chức diễu hành, duyệt đội ngũ quân sự nhưng không diễu hành các trang bị kỹ thuật quân sự. Ba năm sau đó, nước Nga đều tiến hành kỷ niệm cấp quốc gia ngày 9 tháng 5 theo thông lệ này.
Ngày 9 tháng 5 năm 2005, lần đầu tiên, các cựu chiến binh Liên Xô cũ đến dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng được bố trí ngồi trên những chiếc ô tô GAZ A-A để diễu qua Quảng trường Đỏ đúng như gần 60 năm trước đó, họ tham gia cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7 tháng 11 năm 1941 cũng từ Quảng trường Đỏ và đi thẳng ra mặt trận trong Chiến dịch Moskva. Cũng tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2005, người Nga đã dùng một màn trình diễn sân khấu hoá do hai trung đoàn tân binh tham gia với trang phục đúng như của Hồng quân năm 1941 để tái hiện hình ảnh các đơn vị Hồng quân Liên Xô chiến đấu đẩy lùi Phát xít Đức khỏi chân thành trì Moskva 60 năm về trước. Một số máy bay chiến đấu mới của Nga cũng tham gia các màn trình diễn trên không.
Ngày 9 tháng 5 năm 2008, một lễ kỷ niệm với quy mô hoành tráng nhất kể từ sau khi Liên Xô tan rã được tổ chức tại Quảng trường Đỏ với sự xuất hiện của hàng loạt các vũ khí quan trọng như tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2UTTKh "Topol-M", tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander, hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-30 Smerch, hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1, hệ thống phòng không liên hợp di động 9K22 Tunguska, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, pháo tự hành 2S19 Msta, máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95, máy bay tiêm kích Su-27 và MiG-29, máy bay tiếp dầu trên không Ilyushin Il-78. Đoàn xe quân sự không chỉ diễu qua Quảng trường Đỏ mà còn diễu binh qua Đại lộ Arbat mới, đại lộ hiện đại nhất của Moskva.
Ngày 9 tháng 5 năm 2009, một lễ kỷ niêm với quy mô hoàng tráng không thua kém lễ kỷ niệm năm 2008, toàn bộ cựu chiến binh Nga và các nước SNG trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại được mời đã đến Moskva dự lễ (trừ những người đã quá yếu). Tại cuộc diễu binh này, Quân đội Nga tiếp tục giới thiệu các vũ khí mới như các tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao S-300 và S-400 Triumf SAM, tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp 9K37 Buk, xe tăng chủ lực T-90.
Đối với người dân Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, trước năm 1991, ngày 9 tháng 5 là một ngày lễ lớn của Liên Xô và các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Một điều thú vị là trong khi nhiều nước Cộng hòa thuộc Liên Xô đã chính thức công nhận ngày 9 tháng 5 là ngày nghỉ lễ, thì ở Nga và Ukraina, ngày này chỉ trở thành ngày nghỉ lễ lần lượt vào năm 1963 và 1965. Nếu như ngày 9 tháng 5 rơi vào một trong hai ngày nghỉ cuối tuần (thứ 7 hoặc chủ nhật) thì người dân được nghỉ bù thêm một ngày khác trong tuần (thường là thứ hai).
Cộng đồng người Nga ở hải ngoại cũng xem ngày 9 tháng 5 là một ngày lễ lớn đối với họ - bất chấp việc ngày này bị đối xử như thế nào ở nơi họ đang sống. Cộng đồng người Nga ở Hoa Kỳ, Canada, Estonia, Latvia, Litva [31] thường tổ chức các cuộc hội họp, mít tinh công khai và thậm chí cả những buổi diễu hành lớn vào ngày này.[32] Trong ngày này, một số kênh truyền hình đa ngôn ngữ của các nước Châu Âu đã phát sóng các bài diễn văn mừng Ngày chiến thắng của Tổng thống Nga và buổi lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ.[33]
Sau khi Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, nhân dân Nga và nhiều nước thuộc khối SNG vẫn tiếp tục xem ngày 9 tháng 5 như một ngày quốc lễ. Một số chính phủ không đứng ra tổ chức ngày kỷ niệm này nhưng họ lại ủng hộ hoặc ít nhất cũng cho phép các tổ chức chính trị xã hội đứng ra tổ chức. Theo truyền thống, những buổi lễ mừng chiến thắng vẫn được tổ chức vào ngày 9 tháng 5, cùng thời gian với buổi diễu binh ở Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moskva của Nga. Những quốc gia thuộc cộng đồng SNG, một số nước phương Tây và các nước Đông Âu sau đây đã công nhận ngày 9 tháng 5 là ngày Chiến thắng, một số nước cho công dân nghỉ lễ, không coi đó là ngày làm việc:
- Cộng hoà Armenia công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946;
- Cộng hoà Azerbaijan công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946;
- Cộng hoà Belarus công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 và coi đó không phải là ngày làm việc;
- Cộng hoà Estonia công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 đến năm 1990;
- Cộng hoà Gruzia công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946;
- Cộng hoà Kazakhstan công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1947 và đôi khi kết hợp với hai ngày 10 hoặc 11 là ngày quốc lễ khác.
- Cộng hoà Kyrgyzstan công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946;
- Cộng hoà Litva công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 đến năm 1990;
- Cộng hoà Latvia công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 đến năm 1990;
- Cộng hoà Moldova công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1951;
- Cộng hoà Tajikistan công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946;
- Cộng hoà Turkmenistan công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946;
- Cộng hoà Ukraina công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 và coi đó không phải là ngày làm việc. Qua một luật mới 2015, phi cộng sản hóa, các biểu tượng Liên Xô không còn được phép trưng bày[34][35]
- Cộng hoà Uzbekistan công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 đến năm 1990. Đến năm 1999 khôi phục sự công nhận và gọi đó là "Ngày tưởng niệm và hòa giải".
- Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) và khu vực Đông Berlin công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 1946 đến năm 1990. Sau khi sáp nhập với CHLB Đức chuyển sang kỷ niệm ngày 8 tháng 5.
- Serbia coi ngày 9 tháng 5 là ngày kỷ niệm nhưng vẫn là ngày làm việc. Hiện nay, việc kỷ niệm chỉ giới hạn trong phủ Tổng thống, Bộ Quốc phòng, quân đội và các cựu chiến binh thời kỳ 1939-1945.
- Cộng hoà Srpska, một trong hai chủ thể cấu thành nhà nước Bosna và Hercegovina từ ngày thành lập đã công nhận ngày 9 tháng 5 là Ngày Chiến thắng và xem đó là ngày nghỉ.
Tại các nước khác
sửa- Ngày 8 tháng 5: Các nước Pháp, Đức,... công nhận là ngày lễ tưởng niệm và kết thúc chiến tranh. Slovakia là ngày Deň víťazstva nad fašizmom (Ngày chiến thắng Phát xít). Cộng hòa Séc công nhận là ngày Den vítězství or Den osvobození (Ngày Giải phóng), Na Uy là ngày "Frigjøringsdagen" (Ngày Giải phóng).
- Ngày 5 tháng 5: Là ngày "Bevrijdingsdag" (Ngày Giải phóng) ở Hà Lan và "Befrielsen" (Ngày Giải phóng) ở Đan Mạch.
- Và Israel công nhận ngày 9 tháng 5 từ năm 2000 .
Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng năm 2010 có quy mô và ảnh hưởng quốc tế lớn hơn tất cả các lễ kỷ niệm trước đó, kể cả các lễ kỷ niệm diễn ra dưới thời Liên Xô. Theo thông lệ, tất cả các cựu chiến binh của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại ở Nga và các nước SNG đều được mời đến Moskva dự lễ và được ngồi tại hàng ghế danh dự trên lễ đài.[36] 9 giờ 45 phút (giờ Moskva) ngày 9 tháng 5 năm 2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cùng các nguyên thủ quốc gia: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Quyền Tổng thống Ba Lan Bronisław Komorowski, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng thống Belarus Aliaksandr Lukašenka, Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Thủ tướng Mông Cổ Sükhbaataryn Batbold, Thủ tướng Azerbaijan Artur Rasizade, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdimuhamedow, Thủ tướng lâm thời Kyrgyzstan Roza Otunbayeva, Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, Tổng thống Tajikistan Emomalii Rahmon, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan, Thủ tướng Litva Andrius Kubilius cùng đại diện chính phủ các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Latvia, Estonia và nhiều nước châu Âu khác bước lên lễ đài được dựng trước Lăng Lenin. Đúng 10 giờ (giờ Moskva), lễ kỷ niệm bắt đầu bằng cuộc duyệt đội danh dự của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov theo sự hướng dẫn của Tư lệnh Quân khu Moskva Valery Gerasimov.
Điểm khác biệt đầu tiên của Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng năm 2010 không phải là việc trưng bày các vũ khí hiện đại mới mà là sự tham gia của 102.000 người. 8.729 quân nhân đã tham gia diễu binh. Ngoài Quân đội Nga là chủ yếu, còn có quân nhân thuộc quân đội các nước Đồng Minh chống phát xít Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước SNG đã cùng với Liên bang Nga trong khuôn khổ Liên bang Xô Viết tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.[37] Phục vụ trong lễ diễu binh có một dàn quân nhạc với quân số 1.100 người, 112 xe quân sự các loại và 70 máy bay quân sự. Trong cuộc diễu binh, có sự tham gia của Đội lễ binh Quân đội Hoàng gia Anh, Đội danh dự Quân đội Hoa Kỳ, quân đội Ba Lan, quân đội Mông Cổ, quân đội các nước thuộc Liên Xô cũ: Ukraina, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Armenia, Kyrgyzstan, Azerbaijan.[38] Chỉ có duy nhất một nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) không cử đại diện tham gia lễ kỷ niệm này là Gruzia. Lãnh đạo nước này thông báo rằng Nga đã không mời họ.[39] Hải quân Hoa Kỳ cử tàu chiến tham gia lễ kỷ niệm tại Vladivostok. Hải quân Pháp cử tàu chiến tham gia lễ kỷ niệm tại Sevastopol[40]
Điểm khác biệt thứ hai của lễ kỷ niệm ngày 9 tháng 5 năm 2010 là lễ đài tuy được đặt trước lăng Lenin nhưng ngôi lăng được che phủ bằng ba tấm bình phong mang biểu tượng quốc kỳ Nga ở hai bên và biểu tượng Ngày chiến thắng ở chính diện. Các tấm bình phong này đã được dựng lên từ ngày 6 tháng 5 khi diễn ra cuộc tổng duyệt lần cuối cùng.
Điểm khác biệt thứ ba là sau cuộc duyệt binh, Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev mời các nguyên thủ quốc gia và đại diện lãnh đạo các nước đến dự lễ kỷ niệm cùng đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài liệt sĩ vô danh dưới chân tường Điện Kremlin. Trong các cuộc kỷ niệm trước đó, nghi thức này diễn ra trước lễ kỷ niệm chính thức tại Quảng trường Đỏ.
Điểm khác biệt cuối cùng là lễ kỷ niệm tại Moskva diễn ra đồng thời với lễ kỷ niệm tại các thành phố lớn ở Nga gồm Sankt-Peterburg, Volgograd, Rostov trên sông Đông, Novorossiysk, Kaliningrad (8 giờ, giờ địa phương) và Vladivostok (6 giờ, giờ địa phương). Các địa điểm ở ngoài nước Nga đồng thời tổ chức lễ kỷ niệm có thủ đô Kiev Ukraina, thủ đô Minsk của Belarus có Quân đội Nga tham gia[41] và các địa điểm Seelow, Tượng đài Chiến binh Xô Viết tại Công viên Treptower và Nhà Quốc hội Đức đều ở Berlin.[42]
Đây cũng là lễ kỷ niệm có chi phí cao nhất so với tất cả các lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng tại Nga từ năm 1991 đến nay. Nhà chức trách Moskva công bố đã chi 205.000.000 rúp (tương đương 6.100.000 USD) cho lễ kỷ niệm này.[43]
Để kỷ niệm ngày chiến thắng lần thứ 70, một cuộc diễu hành đã diễn ra tại Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 09 tháng năm 2015. Các cuộc diễu hành hàng năm đánh dấu sự chiến thắng của Đồng Minh trong Thế chiến thứ hai tại Mặt trận phía Đông, vào cùng ngày với việc ký kết các hành động đầu hàng của Đức Quốc Xã ở Berlin, vào lúc nửa đêm của ngày 09 Tháng 5 năm 1945 (thời gian Nga). Cuộc diễu hành năm 2015 được dự kiến sẽ là một trong những cuộc diễn hành lớn nhất được tổ chức trong lịch sử Nga, là "cơ hội để Kremlin chỉ ra rằng nước Nga - cường quốc đã trở lại"[44] và có ý phô trương sức mạnh quân sự lớn của Nga và trưng bày hàng loạt loại vũ khí mới của mình và với khoảng 16.000 người tham gia diễu binh.[45] Cuộc diễu hành được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Đại tướng Oleg Salyukov, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga, là người chỉ huy cuộc diễu hành này.
27 nhà lãnh đạo quốc tế được dự kiến sẽ được tham dự trong năm nay. Trong số những người dự kiến đến sự kiện năm nay là Tổng thống của Serbia Tomislav Nikolic,[46] Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình,[47] Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang,[48] Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao của Bắc Triều Tiên Kim Yong-nam, Chủ tịch nước Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, và lãnh đạo UNESCO và Hội đồng châu Âu, dù lời mời được gửi tới 68 lãnh đạo trên thế giới.[49] Các tin nổi bật trên các trang tin tức Nga trong những ngày này luôn thông báo danh sách các lãnh đạo nhận lời đến Nga dự kỷ niệm này.[44]
Vì không đồng ý với việc sáp nhập Krym của Liên bang Nga năm 2014 và cuộc chiến tiếp theo ở Donbas, tạo sự bất ổn tại miền Đông Ukraina, một số các quốc gia đã từng cùng chiến đấu trong chiến tranh, đặc biệt là những người tham gia cuộc diễu hành năm 2010 đã không tham gia vào lễ kỷ niệm năm 2015, trong đó có Đức, mà thủ tướng Angela Merkel thay vào đó sẽ thăm Moscow vào ngày 10 tháng 5, một ngày sau cuộc diễu hành.[50] Những quốc gia đó sẽ vắng mặt trong lễ kỷ niệm và sẽ chỉ có đại sứ của họ tại Liên bang Nga có m���t trong cuộc diễu hành như là một phần của các đoàn ngoại giao tham dự.
Nhân dịp này, một thăm dò được Trung tâm văn hóa Nga (RCC) ở Washington D.C (Mỹ) tiến hành trong tháng 4 năm 2015 với các công dân Anh, Pháp, Đức với câu hỏi là: "quân đội nước nào đã giải phóng châu Âu khỏi ách phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai"? Có tới 43% người trả lời là Quân đội Hoa Kỳ, 20% cho là Quân đội Anh, chỉ 13% chỉ ra đó là Hồng quân Liên Xô.[44]
Kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức ở các nước phương Tây
sửaTại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước phương Tây cũng như một số nước Đông Âu hiện nay, ngày 8 tháng 5 được coi là ngày kỷ niệm chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Một số nước như Hà Lan và Đan Mạch lấy ngày 5 tháng 5 để kỷ niệm sự kiện này và gọi là ngày giải phóng.
Ngày tưởng niệm và ngày hoà giải
sửaNgày 22 tháng 11 năm 2004, trong phiên họp thường niên, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bàn thảo về việc toàn thế giới tổ chức kỷ niệm 60 năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1945-2005), cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, tàn khốc nhất, làm chết và làm bị thương nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại. Các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đều nhất trí nhìn nhận rằng Chiến tranh thế giới thứ hai là thảm hoạ chưa từng có trong lịch sử loài người với khoảng 100 triệu người chết (kể cả những người chết do ảnh hưởng gián tiếp của chiến tranh), hàng trăm triệu người chịu thương tật, hàng trăm triệu người mất nhà cửa. Từ nhận thức đó, cần phải xem Ngày Chiến thắng không chỉ là chiến thắng của các cường quốc đã đánh bại chủ nghĩa phát xít mà còn phải xem đó là ngày mà toàn nhân loại tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến tranh này và là ngày nhân loại hoà giải để vĩnh viễn không bao giờ để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới mà hậu quả của nó có thể dẫn đến sự diệt vong của loài người.[51][52][53][54][55][56][57][58]
Đó là những ý tưởng ban đầu để kết thúc phiên họp toàn thể cuối năm 2004, Đại hội đồng Liên hợp quốc ra một bản tuyên bố chung về kỷ niệm 60 năm kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó, là một Nghị quyết về Ngày Tưởng niệm và Ngày Hoà giải. Không chỉ với ý nghĩa là Ngày Chiến thắng, các ngày 8 và 9 tháng 5 còn được coi là Ngày Tưởng niệm và Ngày Hoà giải để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai và để thực hiện sự hoà giải giữa các dân tộc. Ngày Tưởng niệm và Ngày Hoà giải này được xác lập bằng Nghị quyết số A/RES/59/26 ngày 22 tháng 11 năm 2004 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân dịp kỷ niệm 60 năm kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai trong năm 2005.[59] Mặc dù không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng bằng Nghị quyết № A/RES/59/26, Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí khuyến cáo các nước thành viên, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, cùng với việc tổ chức ngày chiến thắng (ngày 8 hoặc ngày 9 tháng 5) cũng nên tổ chức song song lễ tưởng niệm các nạn nhân của cuộc Chiến tranh thứ giới thứ hai.[60]
-
Tem của Liên Xô phát hành nhân dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm đầu tiên - 1946
-
Tem khối của Kazakhstan năm 2005
-
Tem khối của Armenia năm 2005
-
Tem đôi của Ukraina năm 2005
-
Tem đơn của Moldavia có hình bức thư được gấp ba cạnh, dấu hiệu thư của chiến binh gửi từ mặt trận.
-
Tem khối của Liên Xô cũ năm 1985
-
Tem khối của Nga năm 2000
-
Tem đơn của Ukraina năm 1995
-
Tem khối của Belarus năm 2005
-
Tem đơn của Azerbaijan năm 2015
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ История Великой Отечественной войны Советского Союза 1941-1945 гг. Том 5. Победоносное окончание войны с фашистской Германией. Поражение империалистической Японии (1945 г.) — М.: Воениздат, 1963
- ^ Third Reich Victorious. The Alternate History of How the Germans Won the War. — L.: Greenhill Books, 2002
- ^ “Bản chụp sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 5 năm 2010. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2010.
- ^ Gilbert, Martin. The Day the War Ended: ngày 8 tháng 5 năm 1945--Victory in Europe. New York: H. Holt, 1995 p. 215.
- ^ Hakim, Joy (1995). A History of Us: War, Peace and all that Jazz. New York: Oxford University Press. ISBN 0-19-509514-6.
- ^ Иван Степанович Конев, Сорок пятый. — М.: Воениздат, 1970.
- ^ Kurt von Tippelskirch, Geschichte des Zweiten Weltkrieges. — Bonn, 1954
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Nhà xuất bản Tiến Bộ. Moskva. 1985. trang 496-500.
- ^ “Edward M. Bedessem, Central Europe, CMH Online bookshelves: The U.S. Army Campaigns of World War II. Washington: US Army Center of Military History. (1990) trang 30”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2010.
- ^ “Edward M. Bedessem, Central Europe, CMH Online bookshelves: The U.S. Army Campaigns of World War II. Washington: US Army Center of Military History. (1990) trang 32-33”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2010.
- ^ Các văn bản của Hội nghị Tam cường đồng minh chống phát xít từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 2 năm 1945 tại Yalta (Liên Xô)
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập 2. Nhà xuất bản Tiến Bộ. Moskva. 1985. trang 518.
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập 2. trang 507
- ^ a b c Dwight Eisenhower, Крестовый поход в Европу. — Смоленск: Русич, 2000 - Глава 21: Вторжение в Германию
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập 2. trang 508.
- ^ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênM. Stemenko p 2
- ^ Bernard Montgomery, Мемуары фельдмаршала. — М.: Вагриус, 2006
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập 2. trang 517
- ^ Zhukov, Georgy (2002). Memoirs (bằng tiếng Nga). Olma-Press. tr. 329.
- ^ Grigori Doberin. Những bí mật của Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội. 1986. trang 354.
- ^ Крах фашистской агрессии 1939-1945. — М.: Наука, 1980 - Финал - Капитуляция
- ^ Голль, Шарль, де. Военные мемуары: Спасение 1944–1946. — М.: ACT, Астрель, Транзиткнига, 2004. (Charles de Gaulle. Sự cứu rỗi 1944-1946. AST dịch và xuất bản. Moskva. 2004. Mục "Tài liệu tham khảo" - "Một số văn bản quan trọng")
- ^ G. K. Zhukov. Nhớ lại và suy nghĩ. Tập 3. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1987. trang 361-363.
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập2. Nhà xuất bản Tiến Bộ. Moskva. 1985. trang 521.
- ^ Ширер Уильям А. Крах нацистской империи. — Смоленск.: Русич, 1999. - Глава 14: Последние дни Третьего Рейха (William Arthur Shirer, The Rise and Fall of the Third Reich, 1959)
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập 2. trang 521-524.
- ^ Grigori Doberin. Những bí mật của Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà xuất bản Sự Thật. Hà Nội. 1987. trang 355
- ^ a b c 9 Мая 1945 года. — М.: Наука, 1970 - Н. Г. Кузнецов. От Ялты до Потсдама
- ^ Grigori Doberin. Những bí mật của Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhà xuất bản Sự Thật. Hà Nội. 1987. trang 355-356
- ^ S. M. Stemenko. Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh. Tập 2. trang 543-545.
- ^ " Estonia: Local Russians Celebrate End Of World War II", Radio Liberty, ngày 9 tháng 5 năm 2007
- ^ “"Russian Orthodox Church in Toronto celebrates ngày 9 tháng 5 năm 2005"”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2010.
- ^ "May 9 parade TV-event from Israel"
- ^ «Велику Вітчизняну війну» замінили на «Другу світову» — закон Lưu trữ 2015-10-02 tại Wayback Machine (tiếng Ukraina). Fakty. ICTV. 09.04.2015
- ^ Депутати врегулювали питання про відзначення в Україні перемоги над нацизмом (tiếng Ukraina). The Ukrainian Week. 09.04.2015
- ^ Remembrance train to visit WWII battlefields ahead of Victory Day, hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ Russia's Victory Day events to involve 102,000 military personnel , hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ Ukrainian president demands sunshine on Victory Day , hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ Russia says Georgia 'uninvited' to May 9 Victory Day parade in Moscow, hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ French warship visits Russia for Victory Day celebrations, hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ Russian troops to take part in Victory Day parade in Kiev, hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ Russian paratroopers head for Kiev to mark WWII Victory Day, hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ Moscow to spend $6.1 mln on victory parade preparations, hãng tin Nga RIA Novosti, nay là Sputnik
- ^ a b c Đâu chỉ đơn giản là “điểm danh nguyên thủ” , Tuổi Trẻ, 07/05/2015
- ^ Tại sao Ngày Chiến thắng ở Nga năm nay lại quan trọng đến vậy?, Infonet, 8/5/2015
- ^ “President to attend Victory Day parade in Moscow”. B92. ngày 13 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2015.
- ^ Chinese president to visit Moscow for WWII Victory Day — Russia FM Lưu trữ 2015-04-02 tại Wayback Machine, Tass, Russian News Angency, ngày 21 tháng 1 năm 2015
- ^ Vietnam President to Visit Moscow for Victory Day Celebrations, hãng tin Nga Sputnik, 30.01.2015
- ^ Twenty six heads of state confirm participation in Victory Day celebrations in Moscow Lưu trữ 2015-03-22 tại Wayback Machine, Tas, Russian News Angency, ngày 17 tháng 3 năm 2015
- ^ “German Chancellor Merkel to Miss WWII Victory Day Parade in Moscow”. Sputnik. ngày 11 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2015.
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Kyrgystan và Áo
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Belarus
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu CHLB Đức
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Liên Bang Nga
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Nhật Bản
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Trung Quốc
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Cộng hoà Pháp
- ^ Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp quốc - Bản ghi ý kiến của đại biểu Hoa Kỳ
- ^ “Văn bản Nghị quyết № A/RES/59/26 ngày 22 tháng 11 năm 2004 của Đại hội đồng Liên Hộp quốc” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2010.
- ^ Văn kiện của Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc tổ chức kỷ niệm các ngày 8 và 9 tháng 5
Liên kết ngoài
sửaTiếng Anh
sửa- Nội dung văn bản đầu hàng sơ bộ của nước Đức Quốc xã ký tại Reims ngày 7 tháng 5 năm 1945
- Nội dung văn bản đầu hàng toàn bộ của nước Đức Quốc xã ký tại Berlin ngày 8 tháng 5 năm 1945
- Bài báo về Ngày chiến thắng ở châu Âu trên báo điện tử The Economist[liên kết hỏng] (cần phải đăng nhập để xem)
Tiếng Nga
sửa- Наша Победа. День за днём Lưu trữ 2008-02-16 tại Wayback Machine
- Песни Победы - Сборник военных песен для прослушивания в режиме он-лайн
- Мультимедийная карта войны и список живущих ветеранов по состоянию на 9 мая 2005 года.
- Государственные архивы, хранящие фотодокументы о Великой Отечественной войне
- Проект, посвященный Дню Победы в ВОВ
- Сайт, посвящённый 60-летию Дня Победы Lưu trữ 2010-04-28 tại Wayback Machine
- Статья «День Победы» Lưu trữ 2009-05-26 tại Wayback Machine на сайте «Праздники России»
- День Победы. Акция Георгиевская лента On-Line" Lưu trữ 2009-02-09 tại Wayback Machine
- История советских открыток ко Дню Победы
- Варенников В. И. (2005). “60-летие Победы: уроки истории и современность” (PDF). Знание. Понимание. Умение (bằng tiếng Nga). tr. 51-55. Đã bỏ qua tham số không rõ
|số báo=
(trợ giúp); Chú thích có các tham số trống không rõ:|место=
,|оригинал=
,|автор издания=
,|том=
, và|тип=
(trợ giúp) - Ильинский, Игорь Михайлович (2005). “Великая Победа: наследие и наследники” (PDF). Знание. Понимание. Умение (bằng tiếng Nga). tr. 5-18. Đã bỏ qua văn bản “Ильинский И. М.” (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ
|số báo=
(trợ giúp); Chú thích có các tham số trống không rõ:|место=
,|оригинал=
,|автор издания=
,|том=
, và|тип=
(trợ giúp) - 24 tháng 11 năm 2006/8_history.html Генерал, вошедший в историю[liên kết hỏng]
- Обращение И. В. Сталина к народу 9 мая 1945 года
- (Bài hát "Ngày Chiến thắng" do Nghệ sĩ công huân Liên Xô Lev Leshchenko trình bày)
- Bài hát "Ngày Chiến thắng" do nghệ sĩ Nikolai Skorikov (Belarus) thể hiện
- Phim duyệt binh ngày 24-6-1945 mừng chiến thắng tại Moskva (màu)
- Phim duyệt binh và diễu hành kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ngày 9 tháng 5 năm 2010, đêm pháo hoa nghệ thuật và các hoạt động khác trong ngày này (trọn bộ 10 cuốn - 93 phút