Chương Thiện
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Chương Thiện là một tỉnh cũ ở Tây Nam Bộ Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa, tồn tại trong giai đoạn 1961 - 1975.
Chương Thiện
|
|
---|---|
Tỉnh | |
Tỉnh Chương Thiện | |
Hành chính | |
Quốc gia | Việt Nam |
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long |
Tỉnh lỵ | Thị xã Vị Thanh |
Phân chia hành chính | 1 thị xã, 5 quận |
Thành lập | 24/12/1961[1] |
Giải thể | 2/1976 |
Địa lý | |
Diện tích | 2.292 km² |
Dân số (1971) | |
Tổng cộng | 285.517 người1 |
Mật độ | 125 người/km² |
Đất đai tỉnh Chương Thiện bao gồm những vùng được tách ra từ các tỉnh Phong Dinh (trước năm 1956 là tỉnh Cần Thơ), Kiên Giang (trước năm 1956 là tỉnh Rạch Giá) và Ba Xuyên (trước năm 1956 là tỉnh Sóc Trăng). Tỉnh lỵ là thị xã Vị Thanh.
Địa lý
sửaTỉnh Chương Thiện có vị trí địa lý:
- Phía đông bắc giáp tỉnh Phong Dinh
- Phía đông nam giáp tỉnh Ba Xuyên
- Phía nam giáp tỉnh An Xuyên và tỉnh Bạc Liêu
- Phía tây và tây bắc giáp tỉnh Kiên Giang.
Tỉnh Chương Thiện có diện tích 2.292 km². Tỉnh lỵ tỉnh Chương Thiện có tên là Vị Thanh, do lấy theo tên xã Vị Thanh thuộc quận Đức Long vốn là nơi đặt tỉnh lỵ.
Lịch sử
sửaTỉnh Chương Thiện được thành lập vào ngày 24 tháng 12 năm 1961 theo Sắc lệnh số 244-NV[1] của Tổng thống Ngô Đình Diệm dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ những quận tách ra từ ba tỉnh Ba Xuyên, Kiên Giang và Phong Dinh.
Ban đầu tỉnh Chương Thiện có 5 quận: Đức Long, Long Mỹ, Kiên Hưng, Kiên Long, và Phước Long:
- Quận Đức Long (trước đó thuộc tỉnh Phong Dinh): gồm 1 tổng là An Ninh với 7 xã. Quận lỵ: Vị Thanh (thuộc xã Vị Thanh)
- Quận Long Mỹ (trước đó thuộc tỉnh Phong Dinh): gồm 2 tổng với 9 xã: Bình Định (5 xã), Thanh Tuyền (4 xã). Quận lỵ: Long Mỹ (thuộc xã Long Trị)
- Quận Kiên Hưng (trước đó thuộc tỉnh Kiên Giang): gồm 1 tổng là Kiên Định với 7 xã. Quận lỵ: Gò Quao (thuộc xã Vĩnh Phước)
- Quận Kiên Long (trước đó thuộc tỉnh Kiên Giang): gồm 6 xã (không có cấp tổng). Quận lỵ: Vĩnh Thuận (thuộc xã Vĩnh Phong)
- Quận Phước Long (trước đó thuộc tỉnh Ba Xuyên): gồm 2 tổng với 8 xã: Thanh Yên (8 xã), Thanh Bình (8 xã). Quận lỵ: Phước Long (thuộc xã Phước Long).
Ngày 9 tháng 3 năm 1961, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Vị Thanh bao gồm khu vực chợ Cái Nhum và các ấp xung quanh, bên cạnh xã Vị Thanh.
Năm 1963, quận lỵ quận Đức Long được dời về xã Vị Thủy, gần khu vực cầu Nàng Mau.
Ngày 18 tháng 4 năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm lại ban hành Sắc lệnh số 38-NV[2] về việc thay đổi hành chính ở tỉnh Chương Thiện. Theo đó, thành lập mới quận Kiên Thiện trên cơ sở tách một phần đất đai của các quận Phước Long và Long Mỹ, quận lỵ đặt tại Ngan Dừa (thuộc xã Vĩnh Lộc).
Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Thủ tướng chính quyền mới của Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 254-NV[3] quy định kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu. Lúc này, quận Phước Long trở lại thuộc tỉnh Bạc Liêu. Kể từ đó cho đến năm 1975, tỉnh Chương Thiện còn lại 5 quận: Đức Long, Long Mỹ, Kiên Long, Kiên Hưng, Kiên Thiện.
Năm 1965, giải thể tất cả các tổng, các xã trực thuộc các quận.
Năm 1966, địa bàn xã Vị Thanh gồm 9 ấp trực thuộc: Vị Thiện, Vị Thành, Vị Long, Vị Đức, Vị Hưng, Vị An, Vị Nghĩa, Vị Tín, Vị Hòa. Đô thị tỉnh lỵ Vị Thanh phát triển nhanh chóng.
Tháng 6 năm 1966, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tách thị trấn Vị Thanh và một số ấp của xã Vị Thanh ra khỏi huyện Long Mỹ để thành lập thị xã Vị Thanh. Thị xã Vị Thanh có 11 ấp, gồm 8 ấp vùng ven và 3 ấp nội ô. Chính quyền Cách mạng chia địa bàn thị xã ra làm 4 khu vực (gồm 3 khu vực ven và 1 khu vực nội ô) gồm:
- Khu vực 1 (vùng 1) có 2 ấp: Vị Hưng, Vị Nghĩa (tương đương một phần phường 4 và một phần xã Vị Đông thuộc huyện Vị Thủy hiện nay)
- Khu vực 2 (vùng 2) có 3 ấp: Nàng Chăn, Vị An A, Vị An B (tương đương xã Vị Tân hiện nay)
- Khu vực 3 (vùng 3) có 3 ấp: Vị Long, Vị Hòa, Vị Đức (tương đương phường 3 và phường 5 hiện nay)
- Khu vực nội ô có 3 ấp: Vị Thành, Vị Thiện, Vị Tín (tương đương phường 1 và một phần phường 4 hiện nay).
Tính đến năm 1971 là dân số của tỉnh là 285.517 người1 và dân số của Vị Thanh năm 1971 là 24.477 người.
Giữa năm 1974, dự định dời quận lỵ quận Đức Long về lại xã Vị Thanh một lần nữa, tuy nhiên không được chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa ở Sài Gòn chấp nhận.
Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi Chương Thiện cùng với sự sắp xếp, phân chia hành chính như trên. Khu vực tỉnh Chương Thiện vẫn thuộc hai tỉnh Cần Thơ và Rạch Giá chỉ đạo như cũ. Huyện Long Mỹ, thị xã Vị Thanh thuộc tỉnh Cần Thơ; các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Rạch Giá. Riêng huyện Hồng Dân (tức huyện Phước Long cũ) vẫn thuộc tỉnh Sóc Trăng, đến tháng 11 năm 1973 thì chuyển sang thuộc tỉnh Bạc Liêu.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam của tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ vẫn đặt thị xã Vị Thanh trực thuộc tỉnh Cần Thơ như trước. Lúc bấy giờ, do tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ là hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau và cùng thuộc khu 9, cho nên các cơ quan, lực lượng cách mạng, Ủy ban quân quản tỉnh Cần Thơ đều đặt tại thị xã Vị Thanh.
Tháng 2 năm 1976, một phần tỉnh Chương Thiện nhập với tỉnh Phong Dinh và tỉnh Ba Xuyên thành tỉnh mới là tỉnh Hậu Giang, phần còn lại của tỉnh Chương Thiện nhập vào tỉnh Kiên Giang như trước.
Tháng 4 năm 1992 tỉnh Hậu Giang tách ra thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng như cũ.
Ngày 1 tháng 1 năm 2004 tỉnh Cần Thơ lại được tách ra thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang mới. Phần lãnh thổ thuộc tỉnh Chương Thiện cũ thì thuộc về tỉnh Hậu Giang mới thành lập khi đó.
Địa bàn tỉnh Chương Thiện cũ hiện nay tương ứng với thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy, thị trấn Kinh Cùng và các xã Hòa An, Phương Bình, Phương Phú của huyện Phụng Hiệp cùng thuộc tỉnh Hậu Giang; huyện Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu; toàn bộ diện tích các huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao và một phần diện tích của huyện Giồng Riềng, U Minh Thượng cùng thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay.
Phân chia hành chánh
sửaDân số tỉnh Chương Thiện năm 1967[4] | |
---|---|
Quận | Dân số |
Đức Long | 74.024 |
Kiên Hưng | 43.070 |
Kiên Long | 32.483 |
Kiến Thiện | 31.667 |
Long Mỹ | 49.129 |
Tổng số | 230.373 |
Năm 1961
sửa- Quận Đức Long gồm 1 tổng là An Ninh với 7 xã: Hòa An, An Lợi, Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Đông
- Quận Long Mỹ gồm 2 tổng với 9 xã:
- Tổng Thanh Tuyền gồm 4 xã: Thuận Hưng, Lương Tâm, Xà Phiên, Vĩnh Viễn
- Tổng Bình Định gồm 5 xã: Long Trị, Long Bình, Long Phú, Phương Bình, Phương Phú
- Quận Kiên Hưng gồm 1 tổng là Kiên Định với 7 xã: Định An, Định Hòa, Thủy Liễu, Vĩnh Hòa Hưng, Vĩnh Phước, Hóa Quản, Thới An
- Quận Kiên Long (không có cấp tổng) gồm 6 xã: Vĩnh An, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận, Vĩnh Tuy
- Quận Phước Long gồm 2 tổng với 8 xã:
- Tổng Thanh Bình gồm 4 xã: Phước Long, Ninh Hòa, Ninh Qưới, Vĩnh Tân
- Tổng Thanh Yên gồm 4 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi, Vĩnh Lộc, Lộc Ninh.
Năm 1963
sửa- Quận Đức Long gồm 1 tổng là An Ninh với 10 xã: Hòa An, An Lợi, Hòa Hưng, Hòa Thuận, Hỏa Lựu, Ngọc Hòa, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Đông
- Quận Long Mỹ gồm 2 tổng với 7 xã:
- Tổng Thanh Tuyền gồm 3 xã: Long Bình, Thuận Hưng, Vĩnh Tân
- Tổng Bình Định gồm 4 xã: Long Trị, Long Phú, Phương Bình, Phương Phú
- Quận Kiên Hưng gồm 1 tổng là Kiên Định với 6 xã: Định An, Định Hòa, Thủy Liễu, Vĩnh Hòa Hưng, Vĩnh Phước, Vĩnh Tuy
- Quận Kiên Long (không có cấp tổng) gồm 5 xã: Vĩnh An, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận
- Quận Phước Long gồm 2 tổng với 4 xã:
- Tổng Thanh Bình gồm 2 xã: Phước Long, Vĩnh Phú
- Tổng Thanh Yên gồm 2 xã: Phong Thạnh Tây, Ninh Thạnh Lợi;
- Quận Kiên Thiện gồm 2 tổng với 7 xã:
- Tổng Thiện Hạnh gồm 4 xã: Lộc Ninh, Ninh Hòa, Ninh Qưới, Vĩnh Lộc
- Tổng Trạch Thiện gồm 3 xã: Lương Tâm, Vĩnh Viễn, Xà Phiên.
Năm 1970
sửa- Quận Đức Long gồm 10 xã: Hòa An, Hòa Hưng, Hòa Thuận, Hỏa Lựu, Ngọc Hòa, Vị Đức, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Đông
- Quận Kiên Hưng gồm 6 xã: Định An, Định Hòa, Thủy Liễu, Vĩnh Hòa Hưng, Vĩnh Phước, Vĩnh Tuy
- Quận Kiên Long gồm 5 xã: Vĩnh An, Vĩnh Bình, Vĩnh Hòa, Vĩnh Phong, Vĩnh Thuận
- Quận Kiên Thiện gồm 7 xã: Lộc Ninh, Lương Tâm, Ninh Hòa, Ninh Qưới, Vĩnh Lộc, Vĩnh Viễn, Xà Phiên
- Quận Long Mỹ gồm 6 xã: Long Bình, Long Phú, Long Trị, Phương Bình, Phương Phú, Thuận Hưng.
Ghi chú
sửa- Chú giải 1: Whitfield D. Historical and Cultural Dictionary of Vietnam. Metuchen, NJ: The Scarecrow Press, 1976.
Chú thích
sửaTham khảo
sửa- Dữ liệu liên quan tới Chương Thiện tại Wikispecies